Sự kiện

Thủy điện Sơn La - Niềm tự hào của những người thợ

Thứ tư, 31/12/2008 | 09:02 GMT+7
Mới chỉ 3 năm công trình Thủy điện Sơn La (tổng công suất 2400 MW và tổng mức đầu tư dự kiến hơn 42 ngàn tỷ đồng) đã dần được tạo nên một hình hài đồ sộ, hiện đại tại huyện Mường La, ghi nhận những cố gắng nỗ lực của hàng ngàn kỹ sư và công nhân Việt Nam.

 

Thủy điện Sơn La đang dần rõ nét

Sẽ về đích trước kế hoạch

Ngày 2/12/2005 lần thứ 2 dòng sông Đà đã bị sức người chặn lại để xây dựng Nhà máy Thủy điện Sơn La – Công trình thế kỷ của Việt Nam có tầm vóc lớn nhất Đông Nam Á, và là nhà máy thủy điện lớn thứ hai được xây dựng trên dòng sông Đà. Theo quyết định đầu tư của Thủ tướng Chính phủ, công trình sẽ được phát điện tổ máy thứ nhất vào năm 2012 và hoàn thành vào năm 2015. Tuy nhiên, với việc ngăn sông vào ngày 2 tháng 12 năm 2005 cùng việc áp dụng những công nghệ mới đã tạo cơ sở vững chắc để có thể hoàn thành công trình trước thời hạn 2 năm. Và nếu hoàn thành sớm trước 2 năm thì mỗi năm EVN sẽ có thêm doanh thu 500 triệu USD do Nhà máy thủy điện Sơn La mang lại và tiết kiệm 50 triệu USD so với tiến độ XD thông thường…

Phó Tổng giám đốc Ban Điều hành Tổng dự án Thuỷ điện Sơn La, ông Nguyễn Kim Tới cho chúng tôi biết, hiện toàn công trình Thủy điện Sơn La đang vào thời kỳ sôi động, đã hoàn thành hơn 1,3 triệu mét khối bê tông đầm lăn, đảm bảo cho tiến độ phát điện tổ máy số 1 vào năm 2010. Các hạng mục của công trình như đập không tràn ở 2 bờ, cửa nhận nước, đập tràn chính, dốc nước, tuyến băng tải Tb1, bóc phủ và khai thác mỏ đá bản Pênh…đều đã và đang được hoàn thiện ở giai đoạn nước rút. Riêng đối với nhà máy thủy điện đã thi công với khối lượng gần 10 ngàn m3 bê tông tại gian lắp ráp, đổ bê tông trụ biên với khối lượng 7.480 m3 tại vùng cửa ra Nhà máy, đang tiến hành lắp đặt ngưỡng và khe van hạ lưu, khuỷu hút TM1+2 +6, cũng như đặt côn hút TM1… Đây là kết quả của 3 năm lao động nỗ lực và sáng tạo của hàng vạn cán bộ công nhân thuộc các đơn vị như Sông Đà, Trường Sơn, Lilama, Licogi..., đồng thời là cơ sở vững chắc bảo đảm cho mục tiêu hoàn thành trước thời hạn 2 năm mà Tổng Công ty Điện Lực Việt Nam (EVN) đề ra để phấn đấu cho một “Công trình thế kỷ” lớn nhất Đông Nam Á này.

Cũng theo ông Nguyễn Kim Tới, hiện trên công trường có khoảng 10 ngàn cán bộ, kỹ sư, công nhân của 4 TCty đang tham gia thi công xây lắp, trong đó riêng TCty Sông Đà thực hiện 70% khối lượng công việc. Lúc cao điểm lên tới trên 15 ngàn người. Các đơn vị thi công đều trang bị đầy đủ các trang thiết bị bảo hộ lao động nên công tác an toàn lao động luôn được đảm bảo .Tính đến hết tháng 11/2008 việc thi công đập bê tông đầm lăn đã thực hiện được hơn 50% khối lượng công việc. Bức tường bê tông sừng sững chắn ngang dòng sông đã được định hình, minh chứng cho kết quả lao động và niềm tự hào của những người thợ. Với tốc độ xây dựng khẩn trương như vậy, dự kiến cuối năm 2010 sẽ tiến hành phát điện tổ máy số 1, sớm hơn kế hoạch 2 năm…

Công trường thuỷ điện gắn với đời người thợ

Đó là tâm tư chung của khá nhiều công nhân của Công ty CP Sông Đà 9, thuộc TCty Sông Đà đang thi công trên công trường Nhà máy thủy điện Sơn La tại thị trấn ít Ong, huyện Mường La. Cuộc đời của họ quanh năm gắn với các công trình Thuỷ điện trên cả nước, hết ở Trị An, Sông Hinh lại về Sông Đà, thậm chí mấy ngày Tết cũng không được về thăm nhà. Nguyễn Văn Thanh, quê ở Nghệ An, năm nay 22 tuổi, làm thợ hàn của Công ty CP Sông Đà 9 cho biết: Tết này sẽ là cái Tết thứ 3 anh không được về thăm nhà. Do áp lực phải hoàn thành sớm tiến độ của công trình các anh phải thường xuyên thay nhau trực ca kíp, làm việc ngay cả trong những ngày Tết. Cùng tâm trạng như Thanh, Hoàng Chí Bốn, 23 tuổi, quê Thanh Hoá tỏ ra rất nhớ quê, bởi hơn một năm nay anh chưa được về nhà. “- Chỉ khoảng 10% số thợ trên công trình được về nhà nghỉ Tết. Ai bắt thăm được là coi như trúng số độc đắc. Mặc dù trên này cũng tổ chức liên hoan, đón mừng năm mới, có rượu, có thịt, có hoa, nhưng không thể bằng ở nhà được, - Bốn nói”. Mặc dù vậy, nhưng các anh vẫn hăng hái với công việc trên công trường và coi sự nghiệp của cả "Đại công trình" này là niềm tự hào của những người thợ.

Chúng tôi tới thăm khu lán ở của công nhân cách công trường đang thi công khoảng gần 1 km. Đó là những dãy nhà xây cấp 4, nhưng khá chắc chắn. Có căn là cả một gia đình công nhân, có căn thì toàn những người độc thân, đa phần là nam giới. Một cán bộ của TCT Sông Đà cho biết: - Đời sống vật chất và tinh thần của công nhân làm việc tại công trường được chăm lo chu đáo. Ai có vợ, chồng được bố trí ở riêng. Những thanh niên ở xa, chưa có gia đình được sắp xếp 4 người một phòng. Điều kiện ăn ở, sinh hoạt đầy đủ, hầu như không thiếu thứ gì. Công trường tổ chức gần 100 bếp ăn tập thể để phục vụ cán bộ công nhân viên; thường xuyên phối hợp với Trạm Y tế, Trung tâm Y tế huyện Mường La kiểm tra, tập huấn về Vệ sinh ATTP cho các nhân viên nấu ăn tại các bếp ăn tập thể. Các phong trào văn hóa, thể thao trong công... cũng được tổ chức thường xuyên nhằm động viên, khích lệ tinh thần cho những người thợ. Khác với tâm trạng của Thanh và Bốn, anh Phạm Như Huân (21 tuổi, thuộc Công ty TNHH 1 thành viên Sông Đà 908) quê ở Đan Phượng, Hà Nội cho biết: Năm 2007, sau khi tốt nghiệp Trung cấp Xây dựng đã xin vào làm việc tại TCT Sông Đà và được phân công lên công tác tại công trường thủy điện Sơn La. Thời gian đầu mới lên cũng rất nhớ nhà, nhưng ở một thời gian rồi thành quen... Là người đã từng gắn bó với TCT Sông Đà hơn 10 năm, chị Mai Thị Yến, công nhân Công ty TNHH một thành viên Sông Đà 908 tâm sự: Khi mới vào làm việc tại TCT, chị được điều vào làm việc tại công trình xây dựng thủy điện Yaly. Cũng từ công trường này chị đã quen và kết hôn với anh Khổng Minh Thành (công nhân Công ty Sông Đà 10). Giờ đây anh chị đã có 2 cháu với một gia đình hạnh phúc. Công trình cứ rời đi đâu là tổ ấm của anh chị lại theo về đó. Biết làm sao được, đời người thợ mà! Đây không phải là trường hợp hiếm, bởi từ các công trường xây dựng do TCT Sông Đà thi công đã có hàng trăm đôi uyên ương kết tóc xe duyên. Giờ đây tại công trường thủy điện Sơn La đang có hàng trăm cặp vợ chồng con cái sinh sống, làm việc, hoà vào “nhịp đập” chung của cả công trình.

Nhà máy Thủy điện Sơn La là Dự án thủy điện lớn nhất Việt Nam được xây dựng với công nghệ hiện đại nhất thời điểm hiện tại. Nhà máy có 6 tổ máy với tổng công suất 2400 MW, mực nước dâng bình thường 215m và tổng mức đầu tư dự kiến là 42,5 ngàn tỷ VND. Để xây dựng công trình này, các đơn vị thi công sẽ phải đào đắp khoảng 11,17 triệu m­3 đất đá, đổ 5,2 triệu m3 bê tông và lắp đặt 63 ngàn tấn thiết bị...

Nhà máy Thủy điện Sơn La có 3 mục đích quan trọng: Cung cấp 10,2 tỷ Kwh/năm, góp phần thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội, phục vụ đắc lực công cuộc CNH – HĐH đất nước; Dự trữ 4 tỷ m3 nước và với dung tích điều tiết 5,97 tỷ m3 có tác dụng phòng lũ về mùa mưa, cung cấp nước tưới về mùa khô cho vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Theo Hà Nội mới