Sự kiện

Tiếp tục loại bỏ các dự án không đủ điều kiện (Kỳ 2)

Thứ năm, 9/5/2013 | 13:32 GMT+7
Theo Bộ Công Thương, cả nước có 1.237 dự án thủy điện (DATĐ) với tổng công suất 25.968,8 MW đã được quy hoạch.


Thủy điện Đa Nhim- Hàm Thuận- Đa Mi là một trong những thủy điện lớn. Ảnh minh họa: Ngọc Hà/Icon.com.vn

Để phát huy tối đa hiệu quả các công trình thủy điện, hiện, EVN đã nghiên cứu lập Quy hoạch bậc thang thủy điện (chủ yếu là các nhà máy công suất trên 30 MW) trên dòng chính các sông lớn trên cả nước trên cơ sở cập nhật Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, sử dụng đất, sử dụng tổng hợp nguồn nước, phòng chống lũ, giao thông vận tải, tài nguyên khoáng sản, quản lý, bảo vệ và phát triển rừng...trên lưu vực.

Đánh giá các tác động đối với môi trường - xã hội, từ đó, lựa chọn được sơ đồ khai thác hợp lý các bậc thang thủy điện; kết hợp được nhiệm vụ điều tiết cấp nước và cắt giảm lũ cho hạ du; xác định thứ tự ưu tiên đầu tư xây dựng các dự án trên cơ sở cân bằng nhu cầu dùng nước ở hạ du, hiệu quả kinh tế của dự án, tình hình phát triển phụ tải và lưới điện truyền tải...

Tuy nhiên, nhiều DATĐ nhỏ thời gian qua đã phát triển ồ ạt dẫn đến hiệu quả chưa cao. Theo các chuyên gia, sự  bất cập về quy hoạch là do chính sách không theo kịp thực tế. Trong khi tiềm năng thủy điện của nước ta đã được khai thác gần hết, nhưng quy chuẩn quốc gia về thủy điện hiện vẫn đang trên bàn soạn thảo. Trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương còn chồng chéo. Các DATĐ nhỏ được phân cấp về địa phương quản lý, giám sát nhưng do thiếu am hiểu về chuyên môn nên thường dễ dãi, thiếu chặt chẽ trong phê duyệt cấp phép. Báo cáo Đánh giá tác động môi trường còn nặng về hình thức, bỏ qua các tác động tiêu cực của thủy điện đến môi trường và dân sinh ở hạ du…

Để khắc phục tình trạng trên, thời gian qua, Bộ Công Thương đã ban hành các văn bản pháp quy, chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể về quản lý an toàn đập của công trình thủy điện. Với các công trình đang và sẽ ra đời, chủ đầu tư phải đảm bảo có qui trình tích nước, xả lũ an toàn, xây dựng kịch bản ứng phó thiên tai khi xảy ra sự cố. Bộ Công Thương cũng đã phối hợp với Bộ, ngành và các địa phương rà soát quy hoạch và tiến độ đầu tư xây dựng các DATĐ.  Sau khi rà soát đã đề xuất loại bỏ 338 dự án (1.088,9 MW); không đưa vào quy hoạch 169 vị trí tiềm năng (362,5 MW).

Như vậy, tính đến cuối năm 2012, cả nước hiện còn 899 DATĐ ( 24.880 MW). Trong đó, đã vận hành phát điện 260 dự án (13.694,2 MW); đang thi công xây dựng 211 dự án (6.712,6 MW) để đưa vào vận hành từ nay đến năm 2017; đang nghiên cứu đầu tư 266 dự án (3.410 MW); còn lại 162 dự án (1.063,2 MW) chưa có chủ trương đầu tư hoặc chưa có nhà đầu tư đăng ký thực hiện.

Đối với các dự án còn lại trong quy hoạch nhưng chưa khởi công xây dựng hoặc mới xây dựng ở giai đoạn đầu, Bộ Công Thương đang yêu cầu các tỉnh tiếp tục loại khỏi quy hoạch 67 dự án và 3 vị trí tiềm năng. Tạm dừng tới sau năm 2015 đối với 117 dự án. Điều chỉnh quy hoạch với 146 DATĐ nhỏ và 13 DATĐ bậc thang. So với kết quả đã được báo cáo tại văn bản số 10759/BCT-TCNL ngày 8/11/2012, Bộ Công Thương đã loại bỏ thêm 221 dự án ra khỏi quy hoạch và 13 vị trí tiềm năng; bổ sung 193 dự án vào diện tiếp tục rà soát; bổ sung 15 dự án vào danh mục dự án tạm dừng tới sau năm 2015; giảm 40 DATĐ nhỏ và bổ sung 2 DATĐ bậc thang vào diện phải xem xét kỹ trước khi cấp phép đầu tư.

Ông Đỗ Đức Quân: Vụ trưởng Vụ Thủy điện (Tổng cục Năng lượng - Bộ Công Thương): Quan điểm của Bộ Công thương là không khuyến khích đầu tư các DATĐ nhỏ hiệu quả thấp, gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy, kế hoạch phát triển thủy điện cần được xem xét thận trọng, đồng thời, kiểm soát chặt chẽ tác động của các DATĐ trước khi xây dựng.

(Đón đọc kỳ 3: Vướng từ chính sách)
Ngọc Loan/Icon.com.vn