Sự kiện

Thủy điện nhỏ: Vướng từ chính sách (Kỳ 3)

Thứ sáu, 10/5/2013 | 08:52 GMT+7
Một trong những vấn đề đang được dư luận quan tâm hiện nay là diện tích rừng bị phá để xây dựng TĐ rất nhiều nhưng diện tích rừng trồng thay thế rất ít.
 


Thủy điện Đồng Nai. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn

Trồng rừng thay thế: Thiếu chế tài cụ thể

Theo Bộ Công Thương, nguyên nhân trồng rừng thay thế chậm là do nhiều tỉnh hiện không còn quỹ đất hoặc đất không phù hợp để trồng rừng. Nhiều chủ đầu tư gặp khó về tài chính. Một số địa phương chưa xác định được trách nhiệm trong việc bố trí đất trồng rừng hoặc đơn giá đền bù trồng rừng...

Đặc biệt, chính sách trồng rừng thay thế cũng mỗi nơi một kiểu. Ví dụ: Lào Cai tạm thu 15 triệu đồng/ha tiền bồi thường rừng rồi giao việc trồng rừng cho ngành lâm nghiệp, đến nay đã trồng thay thế  được 215,91 ha rừng. Tỉnh Lâm Đồng đang dự kiến có thể thu tới 80 triệu đồng/ha với yêu cầu phải trồng cây thông thay thế. Nhiều tỉnh lại yêu cầu trồng cây bản địa... Hiện chưa có quy định cụ thể về thẩm quyền, trách nhiệm của các bên liên quan xung quanh vấn đề  trồng rừng thay thế. Bởi vì, Thông tư hướng dẫn vấn đề trên hiện Bộ NN&PTNT vẫn đang soạn thảo.

Về mức chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) của các NMTĐ theo quy định hiện nay là 20đ/kWh điện thương phẩm. Nguồn kinh phí này đã góp phần đáng kể đối với các địa phương để chăm sóc và bảo vệ rừng, mặt đệm cho lưu vực, tạo thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, với các NMTĐ có lưu vực thuộc địa bàn nhiều tỉnh, việc chi trả DVMTR rất khó khăn do chưa xác định được đầy đủ đối tượng cung cấp DVMTR, diện tích rừng, trạng thái rừng... Các NMTĐ đã nộp phí DVMTR cũng bị vướng trong việc quyết toán, kiểm toán chi phí đối do chưa có hóa đơn, chứng từ chi phí.

Bên cạnh đó, nhiều NMTĐ nhỏ hiện chưa chi trả phí DVMTR với lý do giá bán điện của các năm 2011-2012 chưa tính đến phí DVMTR. Nhà nước lại chưa quy định chế tài xử phạt về vấn đề này. Vì vậy, nhiều địa phương đề nghị sớm có quy định xử lý và  yêu cầu nhà đầu tư cam kết chi trả DVMTR khi đăng ký đầu tư dự án.

Di dân tái định cư: Nhiều chính sách chưa hợp lý

Theo Bộ Công Thương, chỉ tính riêng 57 DATĐ > 50MW đã và đang đầu tư xây dựng, đã có 44.557 hộ dân (chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số) phải di dời với 133.930,6 ha đất bị thu hồi.

Nhìn chung, các khu tái định cư (TĐC) đều tốt hơn nơi ở cũ, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của địa phương. Tuy nhiên, các chính sách hỗ trợ di dân TĐC thay đổi liên tục gây khó cho việc thực hiện.

Ví dụ: Theo Nghị định số 197/2004/NĐ-CP, chỉ những hộ dân bị thu hồi trên 30% diện tích đất sản xuất mới được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và đào tạo việc làm. Thế nhưng Nghị định số 69/2009/NĐ-CP lại quy định các hộ dân cứ có đất sản xuất bị thu hồi là được hưởng chế độ trên. Điều này đã dẫn đến sự suy bì vì những hộ dân bị thu hồi tất cả hay chỉ bị thu hồi 1 m2 đất đều được hưởng mức hỗ trợ như nhau.

Nghị định 69/2009/NĐ-CP cũng giao UBND tỉnh quyết định mức tiền hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm cho người dân bị ảnh hưởng bằng 1,5 - 5 lần giá đất nông nghiệp. Biên độ quá rộng không chỉ gây khó cho tỉnh mà còn phát sinh khiếu kiện ở những dự án nằm trên địa bàn nhiều tỉnh có mức hỗ trợ không giống nhau. Hoặc trên cùng một tỉnh có nhiều dự án cùng triển khai nhưng lại áp dụng các cơ chế bồi thường, hỗ trợ khác nhau gây khiếu kiện của người dân, khó khăn cho việc giải phóng mặt bằng, tăng chi phí, chậm tiến độ.

Đặc biệt, từ năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 34/2010/QĐ-TTg  yêu cầu thu hồi và bồi thường đất sản xuất không bị ngập nhưng cách xa nơi ở TĐC. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: Về nguyên tắc khi lấy 1 ha rừng bắt buộc phải trồng trả 1 ha rừng. Những địa phương không tìm được quỹ đất sẽ chuyển kinh phí về Bộ NN&PTNT bố trí trồng chỗ khác, không nhất thiết phải trồng ở địa phương có công trình thủy điện.

(Đón đọc Kỳ 4: Cần sự vào cuộc đều tay)
 
Ngọc Loan/Icon.com.vn