Sự kiện

Cần có cơ chế đặc thù cho doanh nghiệp sản xuất cơ khí trọng điểm

Thứ tư, 10/11/2010 | 11:10 GMT+7

Nếu chỉ tính số lượng các doanh nghiệp sản xuất cơ khí trọng điểm nói chung, sản xuất cơ khí điện lực nói riêng ở nước ta đến thời điểm này thì chắc chắn chỉ đếm được trên đầu ngón tay, bởi ngay trong lĩnh vực cơ khí thiết bị điện, mà cụ thể là các doanh nghiệp chế tạo máy biến áp cũng chỉ có dăm ba đơn vị. Chính vì vậy, để phát triển sản xuất, ổn định đời sống và từng bước chế tạo những sản phẩm máy biến áp 220 – 500 kV hàng đầu của Việt Nam như Công ty CP Chế tạo Thiết bị điện Đông Anh (EEMC) đang được coi là hiện tượng nổi bật ở nước ta.

Gắn biển Công trình chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long cho MBA 500kV  

Tiềm năng và thế mạnh vượt trội

Có thể khẳng định, Công ty CP Chế tạo Thiết bị điện Đông Anh hiện là doanh nghiệp có tiềm năng thế mạnh vượt trội so với các đơn vị hoạt động cùng lĩnh vực sản xuất cơ khí điện lực ở Việt Nam. Chỉ tính từ năm 2005 đến nay, EEMC đã sản xuất được hơn 3.500 máy biến áp (MBA) các loại, trong đó có 231 máy biến áp 110 kV và 22 máy biến áp 220 kV (công suất từ 16.000 kVA đến 250.000 kVA). Bên cạnh đó, EEMC cũng đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng như tủ điện các loại, cầu dao cao thế, máy biến dòng, biến điện áp các loại, cáp nhôm, cáp thép... và đã được sử dụng tại hầu hết các công trình điện trên địa bàn cả nước. Trong đó, sản phẩm máy biến áp 220 kV chỉ duy nhất có ở Việt Nam do Công ty chế tạo hiện đang được coi là mặt hàng chiến lược, có chất lượng hàng đầu ở khu vực Đông Nam Á. 

Thế mạnh của Công ty CP Chế tạo Thiết bị điện Đông Anh là không chỉ độc tôn sản xuất các mặt hàng thiết bị điện chất lượng cao, mà nơi đây đang sở hữu một đội ngũ cán bộ kỹ thuật và công nhân giỏi tay nghề bậc nhất nước ta. Còn nhớ, năm 2005, sau hơn 10 năm vận hành, một số máy biến áp 500 kV trong hệ thống lưới điện 500 kV Bắc – Nam (mạch 1) đã đồng loạt chập cháy, hư hỏng. Oái oăm chính là các máy biến áp loại này đều do nước ngoài chế tạo. Theo các chuyên gia năng lượng cho biết, ở các quốc gia phát triển, sau khi chế tạo sản phẩm, nếu đối tác không đặt hàng dự phòng thì họ không sản xuất và thậm chí sau một thời gian, họ sẽ thay đổi dây chuyền công nghệ, lắp đặt dây chuyền sản xuất khác thay thế. Khi 03 máy biến áp 500 kV tại Nhà máy Thủy điện Ialy bị sự cố, cháy hỏng hoàn toàn, ngành Điện đã mời chuyên gia của nhà sản xuất sang khắc phục thì họ yêu cầu phải tháo dỡ, vận chuyển máy sang nước họ, giá thành phục hồi các máy biến áp cực cao và thời gian sửa chữa phải kéo dài từ 3 đến 6 tháng. Công ty CP Chế tạo Thiết bị điện Đông Anh đã xung phong đảm nhận sửa chữa, khắc phục sự cố và cử một bộ phận kỹ sư, thợ giỏi vào kiểm tra tình trạng thiết bị, tháo dỡ, phát hiện nguyên nhân sự cố, đồng thời đề xuất phương án, biện pháp xử lý. Chỉ sau một thời gian ngắn, 03 máy biến áp đã được phục hồi và đưa vào vận hành an toàn, vượt tiến độ từ hai đến ba tháng, với chi phí sửa chữa chỉ bằng 1/5 giá thành thuê các chuyên gia nước ngoài, tiết kiệm cho Nhà nước 241 tỷ đồng. Ba máy biến áp của Nhà máy Thủy điện Ialy hiện đang vận hành hết sức hiệu quả và đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển tải nguồn điện từ Thủy điện Ialy lên lưới điện quốc gia. Sau đó, EEMC cũng đã sửa chữa thành công các máy biến áp 500 kV thuộc các trạm Đà Nẵng, Hòa Bình... bị hư hỏng sau một thời gian vận hành, mở ra một triển vọng mới cho ngành Điện lực Việt Nam, tự sản xuất và sửa chữa, không cần thuê nước ngoài, tiết kiệm ngoại tệ cho đất nước.

UBND Tp.Hà Nội tặng bằng khen cho CBCNV có thành tích trong việc chế tạo MBA 500kV đầu tiên

Thành công trong sản xuất những mặt hàng truyền thống, nhưng EEMC cũng đang có những chuyên gia giỏi hàng đầu không chỉ ở Việt Nam mà cả Đông Nam Á. Chính từ việc sửa chữa phục hồi nhiều máy biến áp 500 kV mà đội ngũ kỹ sư, cán bộ quản lý của Công ty đã ấp ủ và quyết định đẩy mạnh nghiên cứu thực hiện Đề tài chế tạo máy biến áp 500 kV đầu tiên. Để thực hiện được ý tưởng đó, Công ty đã cử nhiều đoàn cán bộ kỹ thuật, công nhân đi tham quan, học hỏi thêm kinh nghiệm ở các nước về chế tạo máy biến áp 500 kV. Sau hơn 2 năm tập trung nghiên cứu, thiết kế và chế tạo, đến tháng 10-2010, EEMC đã hoàn thành chế tạo máy biến áp 500 kV - 3 x 150 MVA, dự kiến sẽ được lắp đặt tại trạm 500 kV Nho Quan – Ninh Bình. Việc chế tạo máy biến áp 500 kV đầu tiên là sự kiện được coi là hết sức trọng đại, được gắn biển công trình chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Ông Nguyễn Huy Tưởng - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã rất xúc động phát biểu trong Lễ gắn biển: Sự kiện này cần được vinh danh cùng với chuỗi những sự kiện diễn ra cùng thời điểm và là một trong những sản phẩm chủ lực mừng Thủ đô ngàn năm tuổi.

Cần có cơ chế đồng bộ

Ở các quốc gia có nền kinh tế phát triển, Chính phủ thường tạo nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích các cơ sở sản xuất những mặt hàng trọng điểm, những sản phẩm mới phục vụ phát triển kinh tế và an sinh xã hội thông qua cơ chế đặc thù, ưu đãi hỗ trợ về vốn vay, thuế, mặt bằng... Còn ở nước ta, hiện đang bộc lộ nhiều bất cập cả về chính sách và cơ chế. Trong Luật Đấu thầu có những nội dung không lường trước được hậu quả như muốn thắng thầu một dự án thì ngoài các tiêu chuẩn chung, còn một tiêu chí quan trọng là giá thầu phải thấp hơn và cũng không quy định các nhà thầu ngoài năng lực sản xuất, phải có năng lực về sửa chữa, nên cứ giá thầu thấp là trúng thầu. Một bất cập hiện nay là Luật quy định không được nêu cụ thể nguồn gốc xuất xứ hàng hoá, thiết bị trong hồ sơ mời thầu, trong khi đó, dự toán giá gói thầu lại phải được lập trên cơ sở hồ sơ thiết kế và thiết bị phải được xác định rõ nguồn gốc xuất xứ, đánh đồng giữa các thiết bị có xuất xứ từ các nước G7 với Trung Quốc, tạo lợi thế áp đảo cho các nhà thầu Trung Quốc khi tham gia đấu thầu. Thế mới xảy ra tình trạng dở khóc, dở mếu ở các công trình nhiệt điện tại Quảng Ninh, Hải Phòng, hủy hợp đồng không được, mà thực hiện thì sự cố hỏng hóc triền miên. Chưa hết, nay nhà thầu nước ngoài đề nghị xin thêm vài chục triệu đô la, mai đòi hỗ trợ thêm 40 chục triệu đô la vì lý do giá vật liệu tăng, nếu không thì họ cứ dây dưa, dẫn tới công trình chậm tới vài năm là chuyện bình thường. 

Đối với việc sản xuất máy biến áp từ 220 kV đến 500 kV, đây là những sản phẩm nằm trong dự án cơ khí trọng điểm quốc gia, doanh nghiệp tự làm, tự đầu tư với tổng số vốn khoảng từ bảy, tám chục tỷ đồng đến 180 tỷ đồng mỗi máy, nhưng thiếu vốn thì thủ tục vay vốn còn quá rườm rà, phức tạp nên gặp nhiều khó khăn. Trước đây, khi chưa sản xuất được máy biến áp 220 kV thì phải mua của nước ngoài, nhưng từ năm 2003 đến nay, mình chế tạo được sản phẩm và đã vận hành gần 10 năm không có biểu hiện sự cố, nếu có hư hỏng mình cũng sửa chữa tốt, nhưng nước ngoài vẫn cứ trúng thầu chỉ vì giá thấp hơn, thậm chí thấp hơn không đáng là bao. Tất cả cũng bởi tại Luật quy định không chặt chẽ. Mặt khác, Chính phủ mới có chỉ thị 494 về tăng cường sử dụng vật tư thiết bị sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu dự án sử dụng vốn đầu tư của Nhà nước nhưng lại không quy định cụ thể, trong từng hợp đồng đấu thầu là phải sử dụng nhà thầu Việt Nam, nếu không sẽ không chấp nhận. Ví dụ, khi ký hợp đồng với giá như thế này, phải sử dụng loại vật liệu, sản phẩm nào của Việt Nam... Nếu không sẽ diễn ra tình trạng, Quy hoạch điện VI và sắp tới tiếp tục thực hiện Quy hoạch điện VII, sẽ phải xây dựng hàng trăm trạm biến áp từ 220 kV – 500 kV, nhưng sản phẩm của các doanh nghiệp trong nước chế tạo lại không biết tiêu thụ ở đâu? Đặc biệt, tới thời điểm này, khi mà 3 tổ máy biến áp 500 kV của EEMC đã hoàn thành, đang tiến hành lắp ráp, chuẩn bị đưa vào lắp đặt vận hành... nhưng Công ty cũng mới chỉ ký được hợp đồng nguyên tắc với Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (NPT), với dự kiến, máy biến áp sẽ được lắp đặt vận hành tại Trạm 500 kV Nho Quan, song, những điều kiện ràng buộc như hợp đồng kinh tế, ứng vốn cho sản xuất giữa hai pháp nhân vẫn chưa được thực hiện. Vì vậy, rất cần có sự quan tâm, hỗ trợ và chỉ đạo tích cực từ lãnh đạo và các cơ quan chức năng Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam để giúp cho Công ty thực sự yên tâm, tập trung mọi nguồn lực để chế tạo thành công máy biến áp 500 kV.

Tạo cơ chế đồng bộ cho lĩnh vực sản xuất cơ khí trọng điểm chính là khuyến khích các doanh nghiệp chủ động, sáng tạo, mạnh dạn nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ để chế tạo những sản phẩm mới phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước là biện pháp cụ thể thực hiện thắng lợi chủ trương của Bộ Chính trị về đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”. 

Nguyễn Đừng