Sự kiện

Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận: Cần được tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp

Thứ ba, 9/11/2010 | 15:03 GMT+7

Bộ Công Thương và UBND tỉnh Ninh Thuận vừa chính thức công bố Quy hoạch địa điểm xây dựng 02 nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2. Đây là bước chuẩn bị hết sức quan trọng để Dự án điện hạt nhân (ĐHN) triển khai hàng loạt nhiệm vụ hướng tới khởi công xây dựng Nhà máy ĐHN đầu tiên ở nước ta vào năm 2014. Nhân dịp này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Phan Minh Tuấn – Trưởng ban Chuẩn bị Đầu tư dự án ĐHN & Năng lượng tái tạo xung quanh công tác chuẩn bị của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho dự án ĐHN.

PV: Xin ông cho biết, họat  động của EVN xung quanh vấn đề ĐHN từ sau khi Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 6 ngày 25-11-2009 thông qua chủ trương đầu tư xây dựng dự án ĐHN Ninh Thuận?

Ông Phan Minh Tuấn: Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã chỉ đạo Ban Chuẩn bị Đầu tư dự án ĐHN và Năng lượng tái tạo (Ban CBĐT) hoàn thành việc lập, trình và giải trình các quy hoạch (Qui hoạch địa điểm xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2; Quy hoạch địa điểm xây dựng các dự án nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam)  để trình trình Bộ Công Thương phê duyệt trong năm 2010; đặc biệt, EVN đã trình bản Kế hoạch tổng thể dự án lên Bộ Công Thương và sau đó được Thủ tướng Chính phủ đồng ý tại văn bản số 460/TTg-KTN ngày 18/3/2010. Bên cạnh đó, Ban CBĐT cũng đã tham gia cùng các cơ quan chức năng soạn thảo và trình Thủ tướng Chính phủ Nghị định Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Năng lượng Nguyên tử về Nhà máy điện hạt nhân và được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 22/6/2010...

Ngoài ra, Ban CBĐT còn tham gia các đoàn đàm phán cấp nhà nước về Hiệp định liên Chính phủ với Liên bang Nga; Hiệp định tín dụng cho dự án Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 với đối tác Nga; tổ chức thực hiện việc lựa chọn nhà thầu theo kế hoạch và quy định hiện hành cho các công việc: Dịch vụ tư vấn lập hồ sơ phê duyệt địa điểm và dự án đầu tư nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1; Dự án hạ tầng phục vụ thi công các dự án Nhà máy ĐHN tại tỉnh Ninh Thuận; Chuẩn bị các dự án khác; tham gia với UBND tỉnh Ninh Thuận thực hiện Dự án di dân tái định cư;

Ban CBĐT cũng đã tổ chức hàng loạt các hoạt động tổ chức hội thảo, hội nghị, các lớp tập huấn về điện hạt nhân và các vấn đề liên quan tới Dự án ĐHN Ninh Thuận cho lãnh đạo các cơ quan Trung ương, các nhà khoa học... công tác thông tin đại chúng đã được triển khai đồng bộ, mạnh mẽ ở địa phương nhằm đạt được sự ủng hộ của lãnh đạo và nhân dân Ninh Thuận với Dự án. Đặc biệt, là phối hợp với Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam đồng tổ chức các triển lãm ĐHN quốc tế tại Hà Nội; tổ chức thành công các hội thảo chuyên đề về ĐHN dành cho lãnh đạo các cơ quan Trung ương, Hội đồng Thẩm định Nhà nước thẩm định Báo cáo đầu tư Dự án ĐHN Ninh Thuận, các nhà khoa học, các chuyên gia về ĐHN; tổ chức các chuyến tham quan, kiến tập tại Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt và Trung tâm Ứng dụng hạt nhân trong công nghiệp dành cho lãnh đạo, người dân và các tuyên truyền viên về ĐHN; tổ chức các đoàn nhà báo của các báo, đài Trung ương (trong đó có Tạp chí Công nghiệp) tham quan địa điểm, phỏng vấn lãnh đạo và nhân dân địa phương về các vấn đề liên quan tới dự án, tâm tư nguyện vọng của họ nhằm đăng tải tới đông đảo công chúng cả nước.

PV: Công tác giải phóng mặt bằng đã được triển khai như thế nào, thưa ông?

Ông Phan Minh Tuấn: Công tác giải phóng mặt bằng để phục vụ việc xây dựng 2 nhà máy ĐHN gồm: Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 (tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam) và Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 (tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải) đang được triển khai từng bước. UBND tỉnh Ninh Thuận đã tiến hành lập quy hoạch tái định cư, đo đạc địa chính, lập phương án đền bù, Ban CBĐT phối hợp với Bộ Công Thương và UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức công bố qui hoạch dự án ĐHN Ninh Thuận 1 & 2 làm căn cứ để cho triển khai dự án di dân tái định cư và dự án cơ sở hạ tầng...

PV: Vấn đề môi trường tại các địa điểm xây dựng nhà máy ĐHN được triển  khai như thế nào?

Ông Phan Minh Tuấn:EVN đã giao cho Ban CBĐT ký hợp đồng với đơn vị Tư vấn Viện Năng lượng tiến hành công tác đánh tác động môi trường của việc xây dựng dự án này. Trong đó đang phối hợp xây dựng cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành liên quan đến vấn đề môi trường của dự án nhà máy ĐHN; hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp luật liên quan đến vấn đề đánh giá tác động môi trường của một dự án nhà máy ĐHN; xây dựng các cơ chế, tiêu chuẩn về an toàn hạt nhân phù hợp với các tiêu chuẩn của các Bộ, ngành liên quan, cũng như của các tổ chức quốc tế có vai trò quyết định trong việc xây dựng nhà máy ĐHN như Bộ Tài nguyên & Môi trường, Bộ Khoa học & Công nghệ, cơ quan Năng lượng Nguyên quốc tế...

PV: Được biết, quá trình chuẩn bị cho dự án ĐHN đầu tiên tại Ninh Thuận, chúng ta đã có nhiều chương trình hợp tác với các đối tác nước ngoài, vậy công tác này được triển khai ra sao, thưa ông?

Ông Phan Minh Tuấn: Ngày 15-12-2009, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tổng giám đốc Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia ROSATOM – Liên bang Nga đã ký kết một Biên bản ghi nhớ về hợp tác xây dựng nhà máy điện nguyên tử trên lãnh thổ Việt Nam. Kể từ đó tới nay, hai bên đã nhiều lần gặp gỡ và trao đổi thông tin để thúc đẩy việc hiện thực hóa hợp tác giữa hai bên trong Dự án Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1. Hiện nay, một Hiệp định liên Chính phủ về xây dựng Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Liên bang Nga đang được khẩn trương đàm phán và thống nhất. Hiệp định đã trải qua ba vòng đàm phán tại Hà Nội và Matxcova, các nội dung cơ bản đã thống nhất giữa hai bên, giúp cho việc ký kết Hiệp định giữa lãnh đạo hai Chính phủ vào ngày 31- 10-2010 nhân dịp Tổng thống Nga Dmitry Medvedev sang Việt Nam dự Hội nghị cấp cao ASEAN-Nga lần thứ 2.

Công tác hợp tác với các đối tác khác như Nhật Bản, Trung Quốc, Pháp, Hàn Quốc... tiếp tục được đẩy mạnh. Trong thời gian qua, Ban CBĐT tiếp tục cử cán bộ sang Nhật Bản tham gia các khóa đào tạo chuyên ngành ĐHN do các tổ chức Nhật Bản đài thọ. Mặt khác, thông quan Bộ Khoa học & Công nghệ, Ban CBĐT cũng tích cực hợp tác với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) để đề nghị trợ giúp kỹ thuật trong quá trình chuẩn bị triển khai dự án, như tổ chức Lớp tập huấn về quản lý dự án ĐHN, tổ chức thẩm định Điều khoản tham chiếu lựa chọn tư vấn lập nghiên cứu khả thi và hồ sơ phê duyệt địa điểm, tư vấn về công tác chuẩn bị và đào tạo nguồn nhân lực cho dự án...

PV: Những khó khăn bất cập trong quá trình thực hiện dự án và để giải quyết vấn đề này cần có giải pháp gì, thưa ông?

Ông Phan Minh Tuấn: Hiện tại, hệ thống các văn bản pháp lý, hạ tầng quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan còn thiếu hoặc đang được các cơ quan có thẩm quyền xây dựng; mặt khác, cũng chưa có cơ chế riêng để định hướng cách thức tiến hành, lựa chọn công nghệ, lựa chọn tư vấn, thu hút nhân lực… để thực hiện dự án ĐHN Ninh Thuận; nguồn nhân lực đặc biệt là cán bộ có chuyên ngành về ĐHN quá ít, hạn chế về cả số lượng, chất lượng và kinh nghiệm.

Để dự án được tiến hành đồng bộ, ngoài việc ký kết Hiệp định Liên Chính phủ giữa Việt Nam và Liên bang Nga để tiến tới ký kết hợp đồng tư vấn thực hiện dự án, cần thỏa thuận ký kết Hiệp định Tín dụng cho Dự án Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 để làm có căn cứ để triển khai thực hiện các bước tiếp theo của dự án. Các cơ quan chức năng Bộ, ngành và cả địa phương cần tạo điều kiện hoặc giảm bớt các thủ tục hành chính… trong quá trình thực hiện kế hoạch ở giai đoạn chuẩn chuẩn bị đầu tư hiện nay cùng các giai đoạn tiếp theo của dự án; có cơ chế, chính sách đặc thù (kể cả về vốn) quản lý và thực hiện dự án ĐHN Ninh Thuận để thu hút nhân lực phục vụ dự án và cuối cùng là sớm hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp lý liên quan hoặc có định hướng về việc áp dụng các văn bản quy định của các nước tiên tiến đã thành công trong việc phát triển ĐHN có tính đến điều kiện Việt Nam...

PV: Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Đừng (thực hiện)