Sự kiện

Chia sẻ gánh nặng đầu tư với EVN

Thứ hai, 29/10/2007 | 00:00 GMT+7

Tích cực hợp tác

             

Năm 1993, ADB nối lại quan hệ tín dụng với Việt Nam. Hai năm sau (1995), khi Tổng công ty Điện lực Việt Nam (nay là Tập đoàn Điện lực Việt Nam-EVN) được thành lập, ADB bắt đầu thiết lập quan hệ hợp tác với ngành Điện Việt Nam. Từ đó đến nay, ADB đã tích cực xây dựng và củng cố mối quan hệ chặt chẽ với EVN, thể hiện bằng việc cung cấp cho EVN các khoản vay ưu đãi nhằm củng cố lưới điện truyền tải và phân phối; tăng cường công suất nguồn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu phụ tải gia tăng. Mặt khác, thông qua các dự án trợ giúp kỹ thuật không hoàn lại, ADB đã hỗ trợ EVN củng cố năng lực lập kế hoạch, thực hiện kế hoạch, quản lý môi trường và tái định cư; đánh giá tác động môi trường và xã hội các dự án điện; xây dựng năng lực phát triển thị trường điện năng và cập nhật mô hình tài chính của EVN. Các nội dung hợp tác nêu trên nhằm trợ giúp EVN thực hiện ngày càng tốt hơn vai trò của một doanh nghiệp nhà nước chịu trách nhiệm chính trong việc cung cấp điện năng cho sự nghiệp phát triển kinh tế của Việt Nam.   

Ông Ayumi Konishi - Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam cho biết: Là một ngân hàng khu vực, ABD có những lợi thế lớn về khả năng trợ giúp một quốc gia đang phát triển như Việt Nam trong việc đáp ứng nhu cầu điện năng tăng trưởng ở mức 16%/năm. Với ADB, EVN hoàn toàn có thể nhận được các khoản tài trợ chi phí thấp, kì hạn dài hơn so với vay thương mại hoặc phát hành trái phiếu. ADB hiểu rõ những thách thức mà EVN đang phải đối mặt nên thông qua các công cụ tài chính, ADB có thể cung cấp một cách hiệu quả và kịp thời cho EVN, không chỉ các khoản vay để đáp ứng cho nhu cầu đầu tư cấp thiết, mà cả những tham vấn và các trợ giúp hữu ích khác. Cho đến nay, ADB đã tài trợ cho EVN 4 dự án với tổng trị giá 660 triệu USD. Theo đánh giá của ADB, 2 trong số 4 dự án có nguồn tài trợ của ADB là Dự án Phân phối điện và Phục hồi, Dự án Phân phối điện miền Trung và miền Nam đã hoàn thành đúng hạn, đạt yêu cầu và đáp ứng được các mục tiêu phát triển. Hai dự án đường dây truyền tải còn lại hiện đang trong quá trình thực hiện và đảm bảo tiến độ.

Cùng EVN vượt qua thách thức

Ông Ayumi Konishi vui mừng khẳng định: “Qua hơn 10 năm hợp tác, ADB đã xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với EVN và mong muốn thúc đẩy sự hợp tác này lên một tầm cao mới”. Để làm được điều này, theo ông, cả hai bên đều cần phải nỗ lực nhiều hơn. Phía EVN, bên cạnh việc khai thác lợi thế về lực lượng cán bộ trẻ đầy triển vọng, đội ngũ cán bộ quản lý rất có năng lực ứng phó với điều kiện ngành Điện Việt Nam đang phát triển nhanh chóng, thì cần lưu ý tới vấn đề hoàn thiện các cơ chế chính sách cho phù hợp với bối cảnh hội nhập hiện nay. Ông Ayumi Konishi cho rằng: Để EVN có thể đương đầu hơn với những thách thức trong tương lai, sẽ hiệu quả hơn nếu EVN chú trọng cơ chế phân cấp và uỷ quyền, đồng thời hệ thống quản lý cũng cần tinh giản để đảm bảo tính minh bạch; đội ngũ cán bộ làm dự án cần chịu trách nhiệm nhiều hơn để thúc đẩy tiến độ dự án. Tình trạng chậm trễ trong triển khai dự án hiện nay có nguyên nhân chủ yếu từ cơ chế trung ương nắm quyền quyết định, mỗi sự thay đổi lại phải thẩm định và quyết định lại. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới sự tiến triển của dự án mà còn có thể ảnh hưởng tới cả sự tăng trưởng của nền kinh tế. ADB và các đối tác phát triển khác đều mong muốn trợ giúp EVN hợp lý hoá các hoạt động cũng như nâng cao hiệu lực điều phối giữa các ban và đơn vị cấp dưới của EVN.

Bên cạnh vấn đề trên, ADB còn lưu ý EVN về vấn đề rủi ro tài chính trong quá trình đầu tư. Để đảm bảo vị trí tiên phong trong cung ứng điện năng, EVN bắt buộc phải không ngừng đầu tư phát triển, đòi hỏi những khoản đầu tư rất lớn. Rủi ro tài chính có thể xuất hiện nếu nền kinh tế phát triển chậm lại. Hiện nay, các khoản EVN vay của ADB đều được Chính phủ Việt Nam bảo lãnh. Nhưng trong tương lai, EVN có thể sẽ vay trực tiếp của ADB. Điều này đòi hỏi EVN phải duy trì sức mạnh tài chính thích hợp, phải hoạch định được một cơ cấu tài chính hợp lý, cho phép dành riêng khoản vốn để trả nợ, kể cả lượng dự phòng để đối phó với biến động của tình hình tài chính và tiền tệ quốc tế. Ông Ayumi Konishi nói: “Trên tinh thần thiện chí và hiểu biết lẫn nhau, chúng tôi luôn sẵn sàng trợ giúp EVN vượt qua những thách thức trước mắt và lâu dài. ĐIều quan trọng là cần phát triển các cơ chế hoặc thói quen chia sẻ thật sớm các thông tin, để ADB có thể đưa ra những gợi ý cho các nhà lãnh đạo EVN xem xét, đặc biệt là các vấn đề liên quan tới phát triển ngành Điện trước khi có những quyết định chính thức”.

Từ năm 1993 đến nay:

+ ADB đã tài trợ cho Việt Nam 63 khoản vay với tổng giá trị 3,8 tỷ USD; 194 khoản hỗ trợ kỹ thuật không hoàn lại trị giá 140 triệu USD và 17 khoản viện trợ không hoàn lại khác trị giá 87 triệu USD. ADB cũng đầu tư vào khu vực tư nhân với 7 khoản vay trị giá 87 triệu USD.

+ Năm 2007, ADB sẽ cho Việt Nam vay hơn 1 tỷ USD, gấp 3 lần mức cho vay năm 2006.

+ Đối với EVN, ADB đã tài trợ 4 dự án phát triển điện năng với tổng trị giá 660 triệu USD; gần 30 dự án trợ giúp kỹ thuật không hoàn lại. Năm 2007, cho EVN vay 931 triệu USD phục vụ dự án Nhiệt điện Mông Dương; gần 197 triệu USD cho dự án Thuỷ điện Sông Bung IV.

- ADB hiện đang thương thảo với EVN về dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 (1.200 MW); dự án Nhiệt điện Sơn Mỹ 2 (1.200 MW); cấp vốn đối ứng trong các năm 2008, 2009, 2010 cho dự án Nhiệt điện Sơn Mỹ 3.

Theo TC Điện lực số 9 - 2007