Sự kiện

Điện hạt nhân góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia

Thứ năm, 11/11/2010 | 10:15 GMT+7

Phỏng vấn ông Tạ Văn Hường, Vụ trưởng Vụ Năng lượng (Bộ Công Thương) xung quanh về việc phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam sau khi dự Hội nghị công bố Qui hoạch địa điểm xây dựng 2 Nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận (ngày 22/10/2010

PV: Xin ông cho biết, sự cần thiết của điện hạt nhân ở Việt Nam? 

Ông Tạ Văn Hường: Ở Việt Nam hiện nay, nguồn điện năng chính là nhiệt điện than, nhiệt điện khí và thuỷ điện. Năng lượng mới và tái tạo như gió, mặt trời, thủy triều, địa nhiệt do giá thành sản xuất điện cao, tính phân tán và không ổn định, chỉ có thể tạo ra những nguồn năng lượng nhỏ, chưa thể chiếm tỷ trọng đáng kể trong cân bằng năng lượng. Các nguồn tài nguyên năng lượng sơ cấp của nước ta đa dạng nhưng rất hạn chế. Do đó, việc khai thác và sử dụng có hiệu quả, bảo vệ nguồn tài nguyên năng lượng, gìn giữ cho các thế hệ mai sau là một trong những phương hướng quan trọng của chính sách năng lượng quốc gia trong thời gian tới.

Theo dự báo, nhu cầu điện sản xuất theo phương án cơ sở (phương án giả thiết tốc độ tăng trưởng GDP là 7,1 - 7,2%/năm cho giai đọan 2001 - 2020) là 201 tỷ kWh vào năm 2020 và 327 tỷ kWh vào năm 2030. Trong khi đó, khả năng huy động tối đa các nguồn năng lượng nội địa của nước ta tương ứng là 165 tỷ kWh vào năm 2020 và 208 tỷ kWh vào năm 2030. Như vậy, đến năm 2020, theo phương án cơ sở, nước ta sẽ thiếu tới 36 tỷ kWh và đến năm 2030 thiếu gần 119 tỷ kWh. Xu hướng gia tăng sự thiếu hụt nguồn điện trong nước sẽ ngày càng gay gắt hơn và tiếp tục kéo dài trong những giai đoạn sau.

Có nhiều chuyên gia năng lượng cho rằng, khoảng năm 2015 Việt Nam sẽ chuyển từ nước xuất khẩu sang nhập khẩu năng lượng (tịnh), đặc biệt là phải nhập khẩu nhiên liệu để sản xuất điện. Vì vậy, điện hạt nhân (ĐHN) sẽ trở thành một trong các nguồn cung cấp điện năng quan trọng  giúp giải quyết tình trạng thiếu điện trong tương lai và tăng cường an ninh năng lượng quốc gia về lâu dài. ÐHN là giải pháp không chỉ cung cấp điện giá thấp (chỉ bằng khoảng 60 - 65% so với các giải pháp nhiên liệu đắt tiền khác như dầu, LNG hay chỉ bằng khoảng 20- 50% so với các dạng NL mới như gió, mặt trời, địa nhiệt… khác ) mà còn hạn chế tác động về môi trường. Các nhà máy điện hạt nhân (NMĐHN) có ưu điểm là hoạt động hầu như liên tục, từ 1 đến 2 năm mới phải dừng để thay nhiên liệu 1 lần, trong khi thủy điện có thể phải dừng hoặc giảm công suất hoạt động vào mùa khô. Ðồng thời, công suất của NMĐHN cũng rất lớn. Vì vậy, việc phát triển ĐHN được các quốc gia trên thế giới rất quan tâm. NMÐHN được xây tại nhiều quốc gia trên thế giới

Việt Nam đang tiến hành công cuộc CNH, HĐH, việc phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, đặc biệt là công nghiệp công nghệ hạt nhân, là cơ hội, điều kiện để thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ truyền thống, góp phần tạo ra sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của đất nước, thúc đẩy tăng trưởng GDP và hội nhập quốc tế. Việc phát triển ĐHN sẽ góp phần đáp ứng về cơ bản nhu cầu sử dụng điện năng ngày càng tăng, bảo đảm an ninh năng lượng và dự trữ nguồn tài nguyên của đất nước.

PV: Để bảo đảm an ninh năng lượng, cụ thể là điện, Việt Nam có kế hoạch xây dựng NMÐHN đầu tiên tại Ninh Thuận. Dự án này được trình Quốc hội trong năm 2009 và dự kiến đưa tổ máy đầu tiên vào vận hành năm 2020. Tuy nhiên, với tiềm lực khoa học, công nghệ còn nhiều hạn chế của Việt Nam hiện nay, ông có thể cho biết, việc xây dựng NMĐHN có quy mô công suất là bao nhiêu là hợp lý?

Ông Tạ Văn Hường: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là đơn vị chịu trách nhiệm chính trong việc lập kế hoạch tổng thể dự án xây dựng NMĐHN. Theo quy hoạch công bố, qui mô công suất và công nghệ NMĐHN Ninh Thuận 1 được qui hoạch khoảng 4.000 MW gồm 4 tổ máy, công suất mỗi tổ máy khoảng 1.000 MW, với công nghệ hiện đại, tiên tiến và đã được kiểm chứng và Ninh Thuận 2 có quy mô công suất tương đương như Ninh Thuận 1.

Việt Nam phấn đấu từng bước nâng tỉ lệ ĐHN đạt mức cân bằng trong tổng sản lượng điện năng quốc gia, tức khoảng 11% vào năm 2025 và sau đó sẽ là 20%. 

PV: Xin ông cho biết những thuận lợi và khó khăn đối với phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam?

Ông Tạ Văn Hường: Thuận lợi cơ bản là sự nhất quán về chủ trương nghiên cứu và phát triển ĐHN của Đảng và Nhà nước, được thể hiện trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng, trong Chiến lược phát triển KH&CN đến năm 2010, Chiến lược phát triển ngành Điện đến năm 2010 và trong các quyết định của Chính phủ.

Thuận lợi tiếp theo là sự phát triển kinh tế - xã hội đặt ra nhu cầu cấp bách và khách quan khả năng lựa chọn ĐHN làm một nguồn năng lượng quan trọng trong cơ cấu nguồn quốc gia như đã đặt ra với nhiều quốc gia khác trong giai đoạn CNH, HĐH. Ngoài ra, công nghệ ĐHN trên thế giới đã phát triển rất cao, nhiều công ty, tập đoàn lớn trên thế giới hoạt động trong lĩnh vực này đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, đã và đang trở thành các đối tác, bạn hàng lớn của các nước có nhu cầu phát triển ĐHN. Với quan điểm hội nhập quốc tế rộng rãi, chúng ta có thể tranh thủ tối đa sự hợp tác và giúp đỡ của các đối tác trong nghiên cứu lựa chọn công nghệ, đào tạo nhân lực, đặc biệt là trong lĩnh vực bảo đảm an toàn hạt nhân và xử lý chất thải phóng xạ. Việc quyết định phát triển ĐHN ở nước ta hiện nay phù hợp với xu thế phát triển ĐHN trên thế giới nói chung, đặc biệt là ở khu vực châu Á. Chúng ta đã đào tạo được những cán bộ ban đầu có khả năng đảm nhận một số nhiệm vụ trong chương trình phát triển ĐHN. Việc thực hiện thành công các dự án công nghiệp và điện lực lớn ở Việt Nam trong những năm qua đã nâng cao năng lực của các ngành công nghiệp trong nước, góp phần thực hiện hiệu quả các dự án ĐHN trong tương lai.

Khó khăn chung trên thế giới đối với phát triển ĐHN bao gồm: vốn đầu tư ban đầu lớn; tâm lý lo ngại của công chúng về an toàn nhà máy ĐHN; xử lý chất thải phóng xạ hoạt độ cao; nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân và việc đảm bảo an ninh cho các cơ sở hạt nhân.

Ngoài ra, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hệ thống pháp luật phục vụ phát triển ĐHN còn ở mức sơ khai; năng lực tài chính còn yếu; chưa có các cơ chế, chính sách dài hạn và ưu đãi đầu tư cần thiết cho ứng dụng và phát triển NLNT, đặc biệt là ĐHN; chưa có đầy đủ các văn bản pháp quy làm cơ sở cho phát triển ĐHN; nhận thức của xã hội về vai trò của NLNT chưa đầy đủ; các vấn đề xã hội như ý thức chấp hành kỷ cương, kỷ luật hành chính, văn hoá an toàn, văn minh công nghiệp còn thấp.

Nguồn nhân lực có trình độ và kinh nghiệm, nhất là chuyên gia quản lý và kỹ thuật nhà máy ĐHN là một trong những thách thức hàng đầu đối với chương trình phát triển ĐHN của các nước đang phát triển nói chung, đặc biệt là những nước chuẩn bị xây dựng nhà máy ĐHN đầu tiên như Việt Nam. .

PV: Nhiều người vẫn lo ngại về nguồn nhân lực cho NMĐHN, vậy ông có ý kiến gì về vấn đề này?

Ông Tạ Văn Hường: Cho đến nay, đội ngũ cán bộ chuyên ngành hạt nhân đã bước đầu được hình thành và có những đóng góp nhất định trong việc sử dụng năng lượng bức xạ phục vụ phát triển  kinh tế - xã hội. Thông qua việc xây dựng, vận hành an toàn và khai thác hiệu quả lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt cũng như các hoạt động nghiên cứu và chuẩn bị cho chương trình phát triển ĐHN trong những năm vừa qua, chúng ta đã có được một số cán bộ ban đầu về các chuyên ngành liên quan đến ĐHN.

Nhìn chung, cơ sở hạ tầng kỹ thuật còn thấp kém, các trang thiết bị phục vụ nghiên cứu, ứng dụng và giảng dạy còn rất thiếu thốn và lạc hậu. Hệ thống các quy định pháp luật về ứng dụng năng lượng nguyên tử và an toàn bức xạ hạt nhân chưa đầy đủ và thiếu đồng bộ. Đội ngũ cán bộ chuyên ngành hạt nhân bước đầu được hình thành nhưng tuổi trung bình cao và chưa đáp ứng yêu cầu về số lượng, trình độ và cơ cấu ngành nghề. Mặt khác, do chưa có chính sách cụ thể ứng dụng và phát triển NLNT nên không thu hút được các sinh viên giỏi và các chuyên gia giỏi vào ngành hạt nhân, thậm chí có nhiều chuyên gia giỏi đã và đang xin chuyển ra khỏi ngành, một số cơ sở đào tạo đã không duy trì được việc đào tạo chuyên ngành hạt nhân.

Tuy nhiên, ngày 18 tháng 8  năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1558/QĐ-TTg, Phê duyệt Đề án “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử”. Mục tiêu cụ thể như sau:

a/ Đến năm 2015:

- Quy hoạch, đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở giáo dục đại học, trung tâm đào tạo chuyên ngành phục vụ nhu cầu phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, trong thời gian đầu tập trung cho 5 trường đại học: Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh), Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Đà Lạt, Đại học Điện lực và Trung tâm đào tạo hạt nhân tại Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ);

- Đổi mới, hoàn thiện chương trình, giáo trình giảng dạy, đào tạo các chuyên ngành trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử theo hướng tiên tiến, hiện đại…, - Nâng cao năng lực quản lý, hoạch định chính sách và luật pháp, đánh giá, thẩm định an toàn đối với các cơ quan quản lý dự án nhà máy điện hạt nhân và pháp quy hạt nhân;

-. Đảm bảo chỉ tiêu tuyển sinh đầu vào các ngành thuộc lĩnh năng lượng nguyên tử tại các trường đại học trong toàn quốc đạt tối thiểu 250 sinh viên mỗi năm.

b) Đến năm 2020:

- Đào tạo được nguồn nhân lực đủ về số lượng và chất lượng để phục vụ quản lý, ứng dụng và bảo đảm an toàn, an ninh trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử đảm bảo khả năng tiếp nhận chuyển giao công nghệ, vận hành, duy tu, bảo dưỡng, quản lý nhà máy điện hạt nhân, tiến tới từng bước nội địa hóa, tự chủ về công nghệ, cụ thể như sau:

- Nhân lực phục vụ nhà máy điện hạt nhân: mỗi năm đào tạo 240 kỹ sư, cử nhân; 35 thạc sĩ, tiến sĩ (trong đó đào tạo tại nước ngoài 20 kỹ sư, cử nhân; 15 thạc sĩ, tiến sĩ). Đến năm 2020 đào tạo được 2.400 kỹ sư, 350 thạc sĩ và tiến sĩ các chuyên ngành điện hạt nhân (trong đó 200 kỹ sư, 150 thạc sĩ và tiến sĩ đào tạo tại nước ngoài);

- Nhân lực phục vụ nghiên cứu, ứng dụng và bảo đảm an toàn an ninh trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử: mỗi năm đào tạo 65 kỹ sư, cử nhân; 35 thạc sĩ, tiến sĩ (trong đó đào tạo tại nước ngoài 30 kỹ sư, cử nhân; 17 thạc sĩ, tiến sĩ). Đến năm 2020 đào tạo được 650 kỹ sư, 250 thạc sĩ và tiến sĩ các chuyên ngành quản lý, ứng dụng và bảo đảm an toàn an ninh trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử (trong đó, 150 kỹ sư, 100 thạc sĩ và tiến sĩ đào tạo ở nước ngoài);

- Nhân lực phục vụ đào tạo, giảng dạy: đào tạo mới 100 thạc sĩ và tiến sĩ làm công tác giảng dạy trong các cơ sở đào tạo;

- Cử 500 lượt các nhà quản lý, khoa học đi khảo sát, học tập kinh nghiệm và tham gia các khoá bồi dưỡng, thực tập ngắn hạn về nâng cao trình độ chuyên môn và nghiệp vụ tại các nước phát triển về năng lượng nguyên tử

PV: Xin cám ơn về cuộc trò chuyện này.

Nhà báo Thu Hương (thực hiện)