Sự kiện

Cơ hội đầu tư vào ngành điện

Thứ sáu, 11/4/2008 | 10:19 GMT+7

Với nhu cầu hằng năm tăng tới 16-17%, điện đang là lĩnh vực cung không đáp ứng đủ cầu, do đó thu hút mối quan tâm của rất nhiều nhà đầu tư. Nguồn lực của một mình Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) không đủ để đáp ứng nhu cầu phát triển điện năng cho nền kinh tế, vì thế việc huy động mọi hình thức đầu tư là rất cần thiết và dự kiến đến năm 2010, các nguồn điện ngoài EVN sẽ cung cấp tới 30% sản lượng điện toàn quốc.

 

Nhiệt điện Cà Mau 1

Hiện các nhà máy phát điện mà EVN chiếm 100% vốn điều lệ cung ứng được 62% sản lượng điện sản xuất hệ thống (sản lượng năm 2007 là 42.146 triệu KW); các nhà máy phát điện của EVN chiếm cổ phần chi phối cung ứng sản lượng điện sản xuất 11% hệ thống (sản lượng năm 2007 là 7.121 triệu KW); điện mua của các nhà máy phát điện ngoài EVN là 27% hệ thống (sản lượng năm 2007 là 17.996 triệu KW). Theo kế hoạch, EVN thực hiện cổ phần hoá 24 đơn vị thành viên trong năm 2007, trong năm 2008, thực hiện cổ phần hoá 5 đơn vị thành viên. Hiện nay, EVN vẫn đang đốc thúc các nhà thầu thi công, phấn đấu đưa vào vận hành các công trình điện theo kế hoạch đã đề ra như sau: năm 2008, đưa vào vận hành 9 công trình với tổng công suất tăng thêm 2.358 MW; năm 2009, tăng thêm công suất 2.739 MW và năm 2010, công suất điện tăng thêm là 4.747 MW.

Do đặc thù của ngành điện, các công trình, dự án đòi hỏi lượng vốn vốn rất lớn, trong khi đó vốn chủ sở hữu của EVN đến cuối năm 2007 khoảng 56.000 tỷ đồng. Vì thế, nhu cầu về vốn đầu tư đặt ra rất cấp bách. Chỉ tính riêng năm 2007, tổng nhu cầu vốn đầu tư của Tập đoàn là 39.043 tỷ đồng, trong đó đầu tư mới 34.143 tỷ đồng, trả nợ vay (gốc + lãi) 4.900 tỷ đồng. Năm 2008, tổng nhu cầu vốn đầu tư của Tập đoàn là 47.637 tỷ đồng. Trong đó, đầu tư mới 41.484 tỷ đồng, trả nợ vay (gốc + lãi) 6.153 tỷ đồng. Tập đoàn cân đối vốn đầu tư từ các nguồn: khấu hao 11.000 tỷ đồng; thu từ cổ phần hoá 6.550 tỷ đồng; ngân sách cấp (tiền tái định cư, đền bù) 792 tỷ đồng; vốn vay 29.295 tỷ đồng…

Chỉ tính riêng năm 2007, EVN dự kiến lỗ khoảng 4.500 tỷ đồng do mua điện của các công ty cổ phần và các nhà máy phát điện ngoài Tập đoàn (bao gồm cả điện nhập khẩu) với giá mua cao hơn nhiều so với giá điện bán buôn.

Cơ hội đầu tư

Theo Quyết định số 110/2007/QĐ -TTg của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2006 - 2015, EVN phải chịu trách nhiệm đầu tư 48 nhà máy với công suất 33.245 MW. Riêng giai đoạn 2011-2015, EVN đầu tư 25 công trình với tổng công suất 27.545 MW. Tổng nhu cầu đầu tư của EVN giai đoạn 2008 - 2015 khoảng gần 780.000 tỷ đồng. Ngoài phần vốn tự có, EVN và các đơn vị thành viên còn cần thêm 480.000 tỷ đồng để đầu tư các dự án điện lực.

Để có được nguồn vốn này, EVN đã đề nghị Chính phủ nhiều giải pháp huy động vốn như: ưu tiến bố trí vốn ODA, tín dụng ưu đãi, yêu cầu các ngân hàng thương mại cho vay vượt quá 15% vốn tự có, ghi kế hoạch cụ thể từng năm cho từng dự án thì mới đáp ứng được tiến độ; đồng thời, cho phép EVN tiếp tục hợp tác với các đối tác theo nguyên tắc Tập đoàn giữ cổ phần chi phối trên 50%, riêng nhà ĐTNN được tham gia góp vốn không quá 30%; cho phép EVN được quyền lựa chọn và tự quyết định các cổ đông; cho phép thực hiện cổ phần hoá với tất cả các công ty điện lực, bán 49% vốn để huy động vốn tối đa từ xã hội và có thể bán 49% cổ phần với một số nhà máy điện có công suất không lớn, không có vai trò quan trọng trong hệ thống. Tại cuộc họp giữa Thủ tướng và các tập đoàn, tổng công ty mới đây, EVN kiến nghị Chính phủ ban hành cơ chế giá điện tự điều chỉnh theo các nhân tố đầu vào và theo thị trường điện, biểu giá bán lẻ điện theo hướng giá bán lẻ điện khác nhau trên các địa bàn khác nhau.

Trong số 5 hình thức huy động vốn đầu tư, bao gồm phát hành trái phiếu doanh nghiệp, vay nợ, ODA, cổ phần hóa doanh nghiệp trực thuộc và triển khai các dự án điện độc lập thì phương án cuối cùng, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển điện và phát triển thị trường điện được chú ý nhất. EVN đang phối hợp với Petro Vietnam xây dựng Tổ hợp nhà máy Điện Cà Mau, Dự án Điện Ô môn và Nhơn Trạch. Theo ước tính của EVN, từ 14% tổng sản lượng cung ứng cho lưới điện toàn quốc năm 2006, các nhà cung cấp điện ngoài EVN sẽ tăng lên 33% trong năm 2010. Bản thân các nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng đang yêu cầu được tham gia đầu tư nhiều hơn vào ngành điện

Theo dự đoán của các chuyên gia trong ngành, 2 - 3 năm trở lại đây là giai đoạn bùng nổ của các dự án điện độc lập (IPP). Nếu như năm 2002, sản lượng của các IPP chỉ chiếm 7% với 620 MW thì năm 2004 lên tới 13,6%, tương đương 2.400 MW. Số liệu thống kê cho thấy, hiện có khoảng 14 dự án do các nhà đầu tư trong nước triển khai với công suất trên 10.000 MW và  khoảng 11.000 MW nữa do các nhà ĐTNN đăng ký, trong số các nhà đầu tư Việt Nam có hai tập đoàn lớn là Petro Vietnam và Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam.

Luật Điện lực cho phép thành lập các công ty đầu tư theo hình thức cổ phần hoặc liên doanh, theo đó hình thức xây dựng - vận hành và chuyển giao (BOT) phổ biến hơn cả. Vấn đề khiến các nhà đầu tư dè dặt nhất là khúc mắc về giá cả. Nhà đầu tư muốn EVN ấn định giá tối thiểu cho các hợp đồng dài hạn kéo dài khoảng 15-20 năm để họ yên tâm đầu tư. Bài học từ dự án ở Bản Hoàng (Cao Bằng) với công suất 0,75 MW là một ví dụ, dự án này hoàn thành mà không thể phát điện bởi EVN không chịu ký hợp đồng mua điện, trong khi trên địa bàn tỉnh Cao Bằng tình hình thiếu điện khá trầm trọng. Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng phải xin giấy phép đầu tư theo Luật Điện lực và việc này mất rất nhiều thời gian.

Cơ hội đầu tư cổ phiếu ngành điện theo nhận định của các chuyên gia là rất lớn, không chỉ là phát triển và đầu tư các dự án IPP, mua cổ phần của các công ty trực thuộc EVN mà còn có thể tham gia mua cổ phần của các nhà cung cấp nguyên vật liệu cho các nhà máy của EVN và các dự án IPP. Hiện nay, cổ phiếu ngành điện đã niêm yết gồm: Nhiệt điện Phả Lại (PPC), Thủy điện Cần Đơn (SJD), Thủy điện Thác Bà (TBC), Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (VSH). Trong bối cảnh giá cổ phiếu giảm mạnh thời gian qua, cổ phiếu ngành điện có tốc độ giảm thấp hơn mặt bằng chung cũng nhờ một phần vào kỳ vọng của nhà đầu tư.

 Ông  Phạm Lê Thanh, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam: 3 tháng đầu năm 2008, nhu cầu điện sản xuất tăng 18,41%, điện thương phẩm tăng 19,98% . Đây là mức tiêu thụ quá cao, vượt khả năng cung ứng của toàn hệ thống. Vấn đề tiết kiệm năng lượng do đó cần được đặt ra cấp thiết hơn lúc nào hết, trong đó nên nhìn nhận đến việc cắt giảm ở khu vực công. Trong trường hợp đơn vị nào sử dụng lãng phí, đề nghị  có văn bản xử lý trách nhiệm người đứng đầu đơn vị. Với điện sản xuất, cần hạn chế chiếu sáng lãng phí trong khuôn viên khu công nghiệp, khu chế xuất. Mặt khác, thống kê của chúng tôi cho thấy, hiện vẫn có nhiều doanh nghiệp xin đầu tư dự án tại miền Bắc, trong khi từ nay đến năm 2015 miền Bắc căn bản đủ điện. Nhu cầu tại miền Nam cao hơn rất nhiều và cần tập trung đầu tư  vào khu vực này.

Ông William Lean, Giám đốc Điều hành Công ty VinaCapital Investment Management Ltd: Từ nay đến năm 2020, để phát triển cơ sở hạ tầng một cách đồng bộ và hiện đại, Việt Nam sẽ cần ít nhất 140 tỷ USD. Chúng tôi sẽ chú trọng vào các dự án hàng đầu trong lĩnh vực này, đáp ứng kịp thời nhu cầu thực tế đang gia tăng tại TP. HCM, Hà Nội và các vùng trọng điểm tại Việt Nam. Hiện tại, chúng tôi đang nghiên cứu rất nhiều dự án liên quan đến đường cao tốc, cầu cảng, sân bay, nhà máy điện và viễn thông. 

Theo ĐTCK-online