Sự kiện

Công đoàn Điện lực Việt Nam: Đổi mới, sáng tạo tất cả vì sự phát triển của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và vì quyền lợi của người lao động

Thứ năm, 22/1/2009 | 10:18 GMT+7
Năm 2009 là một năm có nhiều sự kiện đối với CNVC-LĐ và tổ chức Công đoàn ngành Điện: Năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội X Công đoàn Việt Nam và Nghị quyết Đại hội III Công đoàn Điện lực Việt Nam; Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7/2009) và 55 năm Ngày truyền thống ngành Điện (21/12/1954-21/12/2009). Trước thềm năm mới, Phóng viên Bản tin Công đoàn Điện lực Việt Nam đã phỏng vấn đồng chí Trần Văn Ngọc, Uỷ viên Ban chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn Điện lực Việt Nam.

- Xin đồng chí cho biết những nét khái quát về kết quả phong trào CNVC và hoạt động Công đoàn ngành Điện năm 2008 vừa qua?

Đồng chí Trần Văn Ngọc: Năm 2008, các cấp Công đoàn ngành Điện đã phối hợp cùng với chuyên môn tiếp tục tổ chức nhiều phong trào thi đua sôi nổi và đã đem lại hiệu quả thiết thực, tiêu biểu như phong trào “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo”, “Xanh - Sạch - Đẹp, Bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động”, “Ca vận hành an toàn kinh tế” ở khối nhà máy, “Trạm biện áp và Đường dây kiểu mẫu” ở khối truyền tải, “Điện lực, Chi nhánh, trạm điện giỏi” ở khối điện lực và phong trào thi đua liên kết xây dựng nhà máy Thủy điện Sơn La để Tập đoàn Điện lực Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ cung ứng đủ điện cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tập đoàn đã sản xuất và mua ngoài 73,7 tỷ kWh điện, tăng 10,4%, điện thương phẩm đạt 65,7 tỷ kWh, tăng 12,4% so với năm 2007.

Trong năm qua, Công đoàn Điện lực Việt Nam đã dành nhiều thời gian, công sức để chỉ đạo các Công đoàn cơ sở đại hội, tiến hành tổ chức thành công Đại hội Công đoàn Điện lực Việt Nam lần thứ III và tham gia Đại hội X Công đoàn Việt Nam. Kết quả của các đại hội là đã đưa ra được những Nghị quyết có chất lượng và lựa chọn được những Ban chấp hành, “Thủ lĩnh Công đoàn” mới có đủ năng lực, trình độ, trí tuệ và tâm huyết để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thành công các Nghị quyết đó.

Công đoàn các đơn vị trong Ngành cũng đã chủ động phối hợp với chuyên môn chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho CNVC-LĐ, góp phần ổn định tư tưởng, làm cho đoàn viên nhận thức rõ vai trò, vị trí, quyền lợi và nghĩa vụ của mình, ngày càng yên tâm gắn bó với công đoàn, với đơn vị. Sự tham gia quản lý của người lao động được bảo đảm thông qua hình thức thực hiện dân chủ mà hầu hết các đơn vị tổ chức triển khai, đó là tổ chức Đại hội CNVC, Hội nghị cán bộ công chức và Hội nghị người lao động ở các công ty cổ phần. Các đơn vị đã thực hiện tốt việc thăm hỏi, trợ cấp cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn, công tác xã hội - từ thiện; tham gia giám sát, kiểm tra việc thực hiện các chế độ chính sách đối với người lao động, phát huy vai trò đại diện và bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng của người lao động.

-Thưa đồng chí, trước thềm năm mới, đồng chí có thể cho biết những thuận lợi và thách thức của Công đoàn Điện lực Việt Nam?

Đồng chí Trần Văn Ngọc: Những năm qua, Công đoàn Điện lực Việt Nam đã làm được rất nhiều việc và đạt được kết quả đáng tự hào. Điều đó tạo ra những tiền đề, thuận lợi cho Công đoàn Điện lực Việt Nam trong những năm tới. Năm 2008, Đảng uỷ Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã được thành lập trực thuộc Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp Trung ương, đây là điều kiện thuận lợi cho việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức Công đoàn ngành Điện.

Nước ta đang trong quá trình hội nhập sâu vào nền kinh tế khu vực và thế giới, vì vậy, phong trào CNVC và hoạt động Công đoàn nói chung và của ngành Điện nói riêng cũng có nhiều thuận lợi. Hội nhập kinh tế đã làm cho nền kinh tế đất nước ta phát triển vượt bậc, vì vậy tốc độ tăng trưởng đối với ngành Điện hàng năm cũng phải được nâng cao, từ 13 đến 17%, từ đó việc làm trong lĩnh vực điện lực được phát triển không ngừng. Hội nhập kinh tế cũng tạo cơ hội nâng cao chất lượng lao động, người lao động có điều kiện tiếp cận và ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại của thế giới về lĩnh vực điện lực và lựa chọn nơi làm việc phù hợp với sức khoẻ, năng lực và điều kiện của mình, tăng thu nhập, cải thiện đời sống; hoạt động Công đoàn trong thời kỳ hội nhập sẽ có nhiều cơ hội và điều kiện mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức Công đoàn quốc tế để học tập kinh nghiệm tổ chức và hoạt động Công đoàn trong cơ chế thị trường. Công đoàn Điện lực Việt Nam đã thiết lập quan hệ với công đoàn ngành nghề các nước như: Công đoàn Năng lượng và Mỏ CH Pháp, Công đoàn Năng lượng Hạt nhân và Công nghiệp CHLB Nga, Công đoàn Điện lực toàn Nga, Công đoàn Hạt nhân thế giới, Công đoàn Năng lượng Điện lực các nước châu Á – Thái Bình Dương...

Bên cạnh những thuận lợi có được từ chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về hội nhập kinh tế khu vực và thế giới, với một đất nước có nền kinh tế còn thấp như nước ta thì tất yếu phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn. Người lao động và tổ chức Công đoàn của cả nước nói chung và của ngành Điện nói riêng cũng gặp nhiều thách thức đó. Ngành Điện đang trong quá trình cơ cấu lại tổ chức, Tổng công ty Điện lực Việt Nam trước đây chuyển thành Tập đoàn Điện lực Việt Nam hoạt động dựa trên mô hình công ty mẹ - công ty con và một số công ty liên kết, nhiều công ty nhà nước được chuyển thành công ty cổ phần có sự tham gia đầu tư vốn của nhiều nhà đầu tư. Quá trình cổ phần hoá đã làm cho những người lao động chưa qua đào tạo, không nghề, sức khoẻ yếu, năng suất lao động thấp không phù hợp với cơ chế thị trường trở thành lao động dôi dư, mất việc làm, xuất hiện sự phân hoá giàu nghèo trong CNVC-LĐ. Trong quá trình mở cửa, đa dạng hoá kinh doanh, nhiều nhà đầu tư ngoài ngành đã đầu tư vào nhiều công trình điện, nhà máy điện nên đã bắt đầu xuất hiện tình trạng dịch chuyển lao động, ảnh hưởng đến sự yên tâm công tác của người lao động, đến kế hoạch đào tạo bồi dưỡng của người sử dụng lao động. Hội nhập cũng kéo theo sự thay đổi nhanh chóng của nền kinh tế thị trường, trong khi đó một số cán bộ công đoàn cũng chưa thay đổi, điều chỉnh nội dung, phương pháp hoạt động cho phù hợp với từng loại hình công đoàn. Tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới và sự biến đổi của thị trường toàn cầu đang ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế nước ta, đặt ra cả những thách thức đối với giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn.

- Vậy năm 2009, Công đoàn Điện lực Việt Nam sẽ đặt ra những nhiệm vụ gì để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Công đoàn Điện lực Việt Nam lần thứ III, thưa đồng chí?

Đồng chí Trần Văn Ngọc: Thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (Khoá X) của Đảng về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước”, Nghị quyết Đại hội X Công đoàn Việt Nam Việt Nam, Đại hội Công đoàn Điện lực Việt Nam lần thứ III đã xác định mục tiêu, phương hướng tổ chức, hoạt động công đoàn nhiệm kỳ 2008 – 2013 là: “Đổi mới tổ chức, nội dung và phương pháp hoạt động công đoàn phù hợp với sự chuyển đổi của Tập đoàn. Nâng cao năng lực, uy tín và bản lĩnh của cán bộ công đoàn, tích cực tham gia xây dựng và giám sát việc thực hiện pháp luật, cơ chế, chính sách, thể hiện tốt vai trò đại diện, chăm lo đời sống, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Tập trung xây dựng đội ngũ công nhân lao động ngành Điện có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ cung ứng điện năng cho đất nước, vì sự phát triển của Tập đoàn và nâng cao đời sống của công nhân lao động”. Đại hội III Công đoàn Điện lực Việt Nam cũng đã đề ra 9 mục tiêu và 8 nhóm nhiệm vụ chủ yếu trong nhiệm kỳ.

Năm 2009, mỗi cấp công đoàn, mỗi cán bộ của Công đoàn Điện lực Việt Nam phải tranh thủ tối đa những thuận lợi và khắc phục thách thức để thực hiện những nhiệm vụ sau góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Công đoàn Điện lực Việt Nam lần thứ III, góp phần xây dựng Tập đoàn Điện lực Việt Nam không ngừng lớn mạnh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Thứ nhất, triển khai tuyên truyền, tổ chức tìm hiểu các văn kiện Đại hội X Công đoàn Việt Nam và Đại hội III Công đoàn Điện lực Việt Nam. Tiếp tục tuyền truyền, vận động thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Nghị quyết Trung ương 6 (Khoá X) của Đảng về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước”. Đẩy mạnh cuộc vận động thực hành tiết kiệm điện, chống tham ô lãng phí ở các đơn vị và toàn Tập đoàn. Lập kế hoạch và triển khai các bước xây dựng văn hoá doanh nghiệp ở các đơn vị và Tập đoàn; tiếp tục phát động phong trào xây dựng đời sống cơ sở.

Thứ hai, tổ chức các hoạt động hướng về kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam, kỷ niệm 55 năm Ngày truyền thống ngành Điện như: tổ chức cuộc thi viết trong CNVC-LĐ, tìm hiểu về 80 năm trưởng thành và phát triển của Công đoàn Việt Nam; cuộc thi trên Bản tin Công đoàn với chủ đề “Vầng sáng Người Thợ Điện Việt Nam”; tổ chức hội diễn văn nghệ và giao lưu toàn Ngành; phối hợp với chuyên môn đẩy mạnh các phong trào thi đua có hiệu quả từ nhiều năm nay. Vận động CNVC-LĐ, đoàn viên công đoàn nêu cao tinh thần trách nhiệm, làm việc với năng suất, chất lượng và hiệu quả để hoàn thành nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của các đơn vị và Tập đoàn năm 2009.

Thứ ba, kiện toàn tổ chức công đoàn các cấp sau đại hội và các đơn vị mới thành lập, chuyển đổi; soạn thảo và ban hành hệ thống quy chế hoạt động theo nhiệm kỳ đại hội. Tập trung tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ công đoàn, nhất là đối tượng mới được bầu về các chế độ, chính sách, phương hướng, nhiệm vụ mới của tổ chức công đoàn và kỹ năng hoạt động công đoàn.

Thứ tư, thực hiện dân chủ ở cơ sở, phối hợp với chuyên môn tổ chức tốt đại hội CNVC ở các công ty nhà nước, kể cả ở cấp Công ty mẹ - Tập đoàn và hội nghị người lao động ở các công ty cổ phần. Thông qua hình thức đại hội, hội nghị tiến hành đề xuất, thương lượng ký kết thoả ước lao động tập thể, các quy chế có liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người lao động, xây dựng mối quan hệ hài hoà, ổn định và phát triển ở từng đơn vị trong Tập đoàn để phát huy sức mạnh, sự sáng tạo của CNVC-LĐ toàn Ngành vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước giao cho ngành Điện.

- Xin cảm ơn đồng chí Chủ tịch!

Theo Bản tin Công đoàn T1+2/2009