Sự kiện

Công ty Cổ phần thủy điện Điện lực 3: Một năm bội thu

Thứ sáu, 9/1/2009 | 09:18 GMT+7
Kết thúc năm 2008, nhà máy Thủy điện Đrây- H’linh 2 đã phát điện được 92 triệu kWh, vượt 14 triệu kWh so với kế hoạch; doanh thu đạt 50,5 tỷ đồng, vượt 7,7 tỷ đồng so với Nghị quyết đề ra. Năm 2008, trong lúc nhiều doanh nghiệp trong nước lâm vào cảnh lao đao do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu thì với mức cổ tức tạm ứng 25%/ vốn góp cũng đủ tự tin để nói rằng, Công ty cổ phần Thủy điện Điện lực 3 mà linh hồn là Nhà máy Thủy điện Đrây-H’linh 2 đã kinh doanh có hiệu quả, đồng vốn mà các cổ đông đóng góp đã sinh lời một cách vững chắc.


Công nhân nhà máy thuỷ điện Đrây H'linh 2 trong giờ trực

Niềm vui từ những con số

Kết thúc năm 2007, các Cổ đông của Công ty Cổ phần Thủy điện Điện lực 3 (Công ty) đã nhận được những cổ tức đầu tiên từ lợi nhuận sản xuất điện sau gần 4 năm đầu tư vốn. Bước sang năm 2008, mặc dù theo dự báo của Cục khí tượng thủy văn về những diễn biến thời tiết do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trên toàn cầu, thế nhưng, Nghị quyết của Đại hội cổ đông thường niên diễn ra tại thành phố Buôn Ma Thuột ngày 25/4/2008 cũng đã thông qua chỉ tiêu về sản lượng điện sản xuất trong năm là 78 triệu kWh, doanh thu điện thương phẩm 42,8 tỷ đồng; tỷ suất lợi nhuận dự kiến phân phối cho cổ đông (cổ tức) là 24%. Những chỉ tiêu này đối với một nhà máy thủy điện công suất 16MW có thể được xem là bình thường nếu nhà máy vận hành trong điều kiện không có sự “cạnh tranh”, thời gian phát điện ổn định. Ở đây, ngoài nhà máy thủy điện Đrây-H’linh 2 còn có thêm hai nhà máy thủy điện khác với công suất lắp đặt gần 20MW cùng song song hoạt động. Do đó, vào mùa khô, khi mực nước sông Sêrêpốc xuống thấp đã ảnh hưởng rất lớn đến thời gian các tổ máy vận hành.

Rút kinh nghiệm từ năm 2007, bắt đầu bước sang năm 2008, ngoài việc chuyển trụ sở của Công ty từ TP. Đà Nẵng về tỉnh ĐắkNông (nơi xây dựng nhà máy) để thuận tiện trong công tác điều hành, quản lý, lãnh đạo Công ty cũng đã xác định khai thác nguồn lực tại chỗ, nhất là đội ngũ kỹ sư và số công nhân vận hành để xử lý các sự cố, hỏng hóc. Để chủ động làm được điều đó, Lãnh đạo Công ty đã động viên, khuyến khích CBCNV nhà máy tìm tòi, học hỏi thêm về kiến thức chuyên môn và nghiên cứu tài liệu để từng bước làm chủ thiết bị; chủ động lập phương án vận hành một cách hợp lý, khoa học nhằm khai thác tối đa số giờ phát của các tổ máy. Vào mùa khô, khi mực nước xuống thấp, Công ty đã tiến hành nạo vét bể áp lực, bảo dưỡng các thiết bị phụ trợ, bảo dưỡng và khám nghiệm vận hành các cần trục, cải tạo máy vớt rác và thuê thợ lặn cùng với thợ lặn của Công ty kiểm tra và trục vớt các vật rắn mắc vào lưới ở cửa nhận nước. Ngoài ra, đối với các thiết bị hoạt động ít, Công ty cũng đã bảo dưỡng bằng cách cô lập từng thiết bị để không làm ảnh hưởng đến quá trình vận hành.

Chính từ việc bố trí, sắp xếp công việc một cách khoa học, hợp lý nói trên đã giảm được thời gian các tổ máy ngừng hoạt động nhất là vào mùa mưa khi nước sông dâng cao. Kết thúc năm 2008, nhà máy đã phát điện được 92 triệu kWh, vượt 14 triệu kWh; doanh thu đạt 50,5 tỷ đồng, vượt 7,7 tỷ đồng so với Nghị quyết đề ra. Năm 2008, trong lúc nhiều doanh nghiệp trong nước lâm vào cảnh lao đao do bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế toàn cầu, thì với mức cổ tức tạm ứng 25% /vốn góp cũng đã đủ tự tin để nói lên rằng, Công ty cổ phần Thủy điện-Điện lực 3 mà linh hồn là Nhà máy Thủy điện Đrây-H’linh 2 đã kinh doanh có hiệu quả, đồng vốn mà các cổ đông đóng góp đã sinh lời một cách vững chắc.

Chú trọng giảm chi phí

Tâm sự với chúng tôi, ông Nguyễn Sơn, Giám đốc Công ty cho biết, để Công ty hoạt động có hiệu quả, ngoài việc tăng doanh thu, Công ty đã chú trọng giảm chi phí và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác điều hành, kinh doanh. Năm 2008 cũng có một vài sự cố về máy móc do lỗi của nhà chế tạo mà trong quá trình vận hành lực lượng kỹ sư, công nhân không thể phát hiện ra để sớm khắc phục, đơn cử như ngày 09/2/2008, van khóa chân không nắp turbine bị hư hỏng bên trong làm nước trào lên nắp turbine gây ngập nước ổ turbine, sự cố này đã được các kỹ sư và công nhân khắc phục trong 12 giờ. Hay nặng nhất là sự cố chạm đất rotor và đứt thanh dẫn kích từ trong rotor máy phát, do chất lượng thiết bị của các cực từ và thanh dẫn kém. Với sự cố này thì nhiều người đã nghĩ đến phương án tìm đến nhà sản xuất hay chuyên gia mới có khả năng tìm ra “bệnh”. Và nếu như vậy thì chắc chắn chi phí rất lớn và không biết thời gian ngừng máy đến bao giờ. Có thể hình dung, một ngày một tổ máy ngừng hoạt động thì Công ty (nói đúng ra là các cổ đông) thất thu khoảng 80 triệu đồng. Trước tình hình đó, nhờ sự hướng dẫn của Công ty Cổ phần lắp máy 45.3 (thuộc Tổng Công ty lắp máy Việt Nam) và đơn vị thí nghiệm, lãnh đạo Công ty đã quyết định chọn phương án tự khắc phục. Với phương án này vừa giảm chi phí vừa chủ động về mặt thời gian. Sau 11 ngày tập trung nhân lực, trí lực (từ ngày 16/11/2008 đến ngày 27/11/2008) sự cố đã được khắc phục trong niềm vui của không chỉ cán bộ, công nhân viên Công ty mà còn có niềm vui của hàng ngàn cổ đông ngày đêm luôn dõi theo những diễn biến của Công ty.

Nói về kế hoạch trong thời gian tới, anh Nguyễn Sơn cho biết, hiện nay Công ty đang xúc tiến các thủ tục theo quy định của pháp luật để đưa Công ty lên sàn giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời Công ty cũng đang tiếp cận với một vài địa phương để tìm kiếm dự án đầu tư có tính khả thi nhằm tiếp tục phát triển Công ty trong thời gian tới.

Có thể nói rằng, qua hai năm chính thức đưa nhà máy thủy điện Đrây-H’linh 2 đi vào hoạt động, đồng vốn mà các cổ đông đóng góp đã thực sự tạo ra lợi nhuận trên cổ tức khá hấp dẫn và rất đáng kể cho các cổ đông. Năm 2008 đã khép lại với những thắng lợi lớn, một năm mới đang bắt đầu, tất cả đều hy vọng và chờ đón tin vui ở Công ty từ những con số.

Theo PC3