Sự kiện

Kết quả kiểm toán Tập đoàn Điện lực Việt Nam:Chi phí, giá thành ngành Ðiện minh bạch và công khai

Thứ năm, 15/1/2009 | 09:48 GMT+7
Vừa qua, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã chính thức công bố kết quả kiểm toán niên độ kế toán năm 2007 của Công ty mẹ và 32/54 đơn vị thành viên thuộc EVN. Theo đó, mọi chi phí, giá thành sản xuất kinh doanh của EVN đã được KTNN phân tích và xác định cụ thể. Ðồng thời, KTNN cũng đề nghị Chính phủ nghiên cứu và sử dụng kết quả kiểm toán như một căn cứ quan trọng trong việc xem xét điều chỉnh giá bán điện, nhằm đảm bảo mục tiêu đầu tư phát triển kinh tế dài hạn, tránh những tác động tiêu cực đến nền kinh tế, hạn chế tác động đến đời sống dân sinh hiện nay... Tạp chí Ðiện lực tổng hợp một số thông tin trong Báo cáo kết quả kiểm toán EVN của KTNN.

Cố gắng huy động nguồn vốn

Tính đến 31/12/2007, tổng tài sản của EVN là 185.180 tỷ đồng. Trong đó, tổng tài sản (nguồn vốn) của Công ty mẹ là 118.242 tỷ đồng. So với năm 2006, Công ty mẹ đã huy động nguồn vốn vào hoạt động SXKD tăng thêm 37.442 tỷ đồng (31,71%), chủ yếu là tăng vốn đầu tư của chủ sở hữu (21.352 tỷ đồng), từ đó làm vốn chủ sở hữu tăng từ 42,6% (năm 2006) lên 46,07% năm 2007. Ðây là một kết quả rất tích cực, nếu xét toàn bộ EVN, tổng số vốn huy động trong năm tăng lên 47.398 tỷ đồng (34,4%) từ cả 3 nguồn: Nợ phải trả, vốn chủ sở hữu, lợi ích cổ đông thiểu số đều tăng. Thực tế này cho thấy EVN đã có nhiều cố gắng trong việc huy động mọi nguồn vốn vào hoạt động kinh doanh và chứng minh cơ cấu tài chính của EVN là khá vững. Bên cạnh đó, khả năng thanh toán nợ của EVN cũng cơ bản đảm bảo: Tổng tài sản/tổng nợ phải trả của Công ty mẹ là 1,85 lần, của EVN là 1,73 lần; tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu tại Công ty mẹ là 1,17 lần, EVN là 1,44 lần, cho thấy EVN và Công ty mẹ hoạt động chủ yếu bằng vốn tự có. 

Tổng đầu tư tài chính dài hạn của Công ty mẹ đến 31/12/2007 là 47.438 tỷ đồng, gồm: Ðầu tư vào công ty con 33.466 tỷ đồng, đầu tư vào công ty liên kết 1.173 tỷ đồng, đầu tư dài hạn khác 12.797 tỷ đồng. Trong đó, đầu tư khác vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh điện chiếm 66,44% vốn đầu tư; đầu tư ngoài lĩnh vực sản xuất kinh doanh điện (viễn thông điện lực, chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản và khác) chiếm 7,22%/vốn đầu tư và 4,82 %/tổng nguồn vốn chủ sở hữu.

Doanh thu tăng, lợi nhuận đảm bảo

Doanh thu 2007 của EVN là 58.203 tỷ đồng, tăng 29,57% so với năm 2006. Trong đó, doanh thu bán điện 50.270 tỷ đồng, tương ứng với tổng sản lượng điện tiêu thụ 58.444 triệu kWh, giá bán điện thực tế bình quân 860,14 đ/kWh. Ðối với sản lượng điện bán giá thấp, năm 2007, EVN đã bán 9.047 triệu kWh (15,48%) cho sinh hoạt ở bậc thang 100 kWh đầu với giá 550 đ/kWh và 6.343 triệu kWh (10,85%) bán buôn cho nông thôn với mức giá 390 đ/kWh. Tuy EVN đã thực hiện bán buôn điện nông thôn với giá ưu đãi, nhằm giảm bớt khó khăn cho nông dân theo quy định của Chính phủ, nhưng nông dân chưa được hưởng đầy đủ sự ưu đãi này và chất lượng dịch vụ chưa tốt do ở một số địa phương nông dân phải mua điện qua các tổ chức kinh doanh trung gian. Về chênh lệch tăng giá bán điện theo Quyết định số 276/2006/QÐ-TTg ngày 04/12/2006 của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở chi tiết sản lượng điện bán cho từng nhóm đối tượng, theo từng mức giá và cấp điện áp cụ thể do 11 công ty điện lực bán cho khách hàng và lượng điện Công ty mẹ tiêu thụ trực tiếp cho một số nhà máy phát điện, số chênh lệch tăng giá bán điện năm 2007 được KTNN xác định là 3.402,940 tỷ đồng. Như vậy, nếu tất cả chênh lệch tăng giá điện này đều được tính vào kết quả kinh doanh thì tổng lợi nhuận trước thuế của Công ty mẹ là: 2.348,406 tỷ đồng, bằng 5,92% trên doanh thu và 3,27% trên vốn chủ sở hữu; tổng lợi nhuận trước thuế của EVN là 4.376 tỷ đồng, bằng 7,52% trên doanh thu và 5,88% trên vốn chủ sở hữu; số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp là 1.180 tỷ đồng, trong đó có 66,154 tỷ đồng số thuế TNDN do KTNN xác định tăng thêm. Trường hợp tách riêng chênh lệch thu được từ tăng giá điện chuyển thẳng vào quỹ đầu tư mà không hạch toán vào kết quả kinh doanh thì lợi nhuận của EVN sẽ còn 973,475 tỷ đồng, tính riêng lợi nhuận điện thì EVN lỗ hoạt động sản xuất kinh doanh điện là 506 tỷ đồng. Trong tổng số lợi nhuận năm 2007, ngoài kết quả kinh doanh điện, EVN còn thu cổ tức đầu tư vốn là 665 tỷ đồng, thu nhập khác từ thu hoàn trả tiền khí 691,9 tỷ đồng, thu tiền phạt hợp đồng 127,5 tỷ đồng, thu 330 tỷ đồng của Nhà máy điện Uông Bí MR1 chưa phải tính chi phí.

Nỗ lực giảm tổn thất

Tỷ lệ tổn thất điện năng năm 2007 của EVN là 10,56%, vượt 0,06% so với kế hoạch EVN đề ra (10,50%), trong đó: tổn thất truyền tải cao thế là 3,33%; tổn thất phân phối điện là 7,23%. So với Quyết định số 3259/QÐ-NLDK ngày 08/12/2003 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp về việc phê duyệt đề án “Giảm tổn thất điện năng giai đoạn 2004-2010” của EVN thì tỷ lệ tổn thất nêu trên không cao hơn mức quy định tại đề án (chỉ tiêu tổn thất năm 2007 là 11%). Tuy nhiên, trước những khó khăn do tình trạng chất lượng thiết bị chưa cao, chưa đồng bộ, yêu cầu vận hành các nguồn kinh tế, đồng thời với thực trạng xuống cấp của hệ thống  lưới điện hạ áp mới tiếp nhận để  bán điện trực tiếp đến hộ dân nông thôn theo chủ trương... thì để thực hiện được chỉ tiêu hạ mức tổn thất xuống còn 8% vào năm 2010 như yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, chắc chắn thời gian tới EVN sẽ phải nỗ lực triển khai hữu hiệu nhiều giải pháp tích cực hơn nữa.

Sử dụng nguồn lực được giao đúng quy định

Ðánh giá về tính kinh tế, hiệu quả trong sử dụng tài sản, vốn nhà nước của EVN, KTNN cho rằng, EVN đã sử dụng các nguồn lực được giao đúng quy định, song do giá bán điện nhà nước quản lý, trong khi các yếu tố đầu vào có biến động tăng, giá mua điện ở các đơn vị ngoài ngành cao nên tỷ suất lợi nhuận trên vốn còn thấp.

Trên cơ sở kết quả kiểm toán, kết quả phân tích chi phí giá thành điện, KTNN cho rằng, Chính phủ cần xem xét điều chỉnh giá bán điện theo nguyên tắc bù đắp được chi phí sản xuất, có mức lãi phù hợp, không bao cấp tràn lan, không bù chéo, đồng thời đảm bảo nguyên tắc Nhà nước tiếp tục hỗ trợ cho đối tượng sử dụng điện là người nghèo, người có thu nhập thấp và các hộ sinh sống ở nông thôn. Tuy nhiên, việc điều chỉnh giá phải gắn với lộ trình cụ thể nhằm từng bước thực hiện chủ trương xóa bao cấp qua giá điện đối với sản xuất nói chung, cũng như dần xóa bỏ tình trạng Nhà nước phải hỗ trợ qua bù chéo giá nhiên liệu với cơ cấu và mức giá bán phải khuyến khích được việc sử dụng điện để sản xuất và sinh hoạt tiết kiệm, có hiệu quả.

 

Cơ cấu sản lượng điện bán năm 2007:

- Khối sản xuất 29.710 triệu kWh, giá bình quân 857,52 đồng/kWh;

- Khối sinh hoạt là 22.568 triệu kWh, giá bình quân 742,95 đồng/kWh;

- Khối kinh doanh 3.210 triệu kWh, giá bình quân 1.613,93 đồng/kWh;

- Khối cơ quan hành chính, sự nghiệp 2.432 triệu kWh, giá bình quân 989,71 đồng/kWh;

- Bán theo cơ chế riêng (huyện đảo, khu công nghiệp được trừ lùi, sản xuất khác ở nông thôn) 186 triệu kWh, giá bình quân là 903,71 đồng/kWh.

- Bán bậc thang 100 kWh đầu là  9.047 triệu kWh, giá 550 đồng/kWh;

- Bán buôn cho nông thôn là 6.343 triệu kWh, giá 390 đồng/kWh. 

 

Giá thành toàn bộ đối với sản phẩm điện năm 2007 của EVN, gồm:

1. Chi phí sản xuất thủy điện của Công ty mẹ là 1.844,729 tỷ đồng, giá thành bình quân là 117,60 đồng/kWh, chiếm 5,73% tổng chi phí mua điện, nhận điện.

2. Chi phí sản xuất điện của các Công ty thành viên độc lập, cổ phần, TNHH một thành viên thuộc EVN là 16.005 tỷ đồng, giá thành bình quân là 496,23 đồng/kWh, cơ cấu chi phí 49,75% tổng chi phí mua, nhận điện. Trong đó, giá thành bình quân nhiệt điện chạy dầu (Thủ Ðức và Cần Thơ) là 2.203,62 đồng/kWh, chạy than 450,46 đồng/kWh, chạy khí 519,13 đồng/kWh và thủy điện là 157,90 đồng/kWh.

3. Chi phí mua điện của các công ty ngoài EVN (kể cả mua của nước ngoài) là 12.134,8 tỷ đồng, đơn giá bình quân là 882,85 đồng/kWh, chiếm 37,69% tổng chi phí mua, nhận điện.

4. Chi phí truyền tải điện cao thế của 4 công ty truyền tải 2.996 tỷ đồng, đơn giá truyền tải bình quân 48,73 đồng/kWh.

5. Chi phí quản lý điều hành, chi phí điều độ hệ thống điện quốc gia tập trung tại Công ty mẹ 362 tỷ đồng, bình quân 6,19 đồng/kWh điện tiêu thụ (trong đó chi phí điều độ hệ thống điện 2,40 đồng/kWh).

6. Chi phí phát sinh tại 11 công ty điện lực là 9.938 tỷ đồng, bình quân 170,06 đồng/kWh điện tiêu thụ. Tổng giá thành tiêu thụ điện năm 2007 là 45.425,7 tỷ đồng, giá thành đơn vị là 777,25 đồng/kWh (chưa bao gồm lãi vay).

 

Theo Tạp chí Điện lực