Sự kiện

Kỷ niệm 62 năm ngày toàn quốc kháng chiến 19/12/1946-19/12/2008: chuyện chưa biết về "Cai Thư"

Thứ ba, 20/1/2009 | 09:55 GMT+7
Sự kiện công nhân đặt mìn phá máy, gây mất điện làm hiệu lệnh để pháo đài Láng nổ súng vào cơ quan đầu não Nhà binh Pháp trong thành Cửa Bắc hồi 20 giờ 03’ ngày 19/12/1946 đã được Trung ương tính toán, quyết định từ trước. Một trong những cán bộ cốt cán của ta đã trực tiếp tham gia đặt mìn phá máy tại Nhà đèn (1) Yên Phụ là ông Nguyễn Văn Thư - còn gọi là “Cai Thư”. Ông còn có một mật danh là Thăng (Nguyễn Văn Thăng). Cùng thời hoạt động với Cai Thư có ông Nguyễn Quí - tức Nguyễn Giang - một trong những cán bộ công vận, đặc trách đội phá hoại các máy móc thiết bị của địch và làm nhiệm vụ tiêu thổ kháng chiến lúc bấy giờ. Ngoài ra còn có các ông Ðỗ Hữu Tần, Vũ Văn Dung, Minh “Hen”….

 

Phù hiệu của người cai trong nhà máy điện thời Pháp thuộc
Ngày đó, để cán bộ hoạt động cách mạng thuận lợi, tránh được nghi ngờ của bọn mật vụ, ngoài những nhân mối tin cẩn là công nhân cốt cán ở xí nghiệp, còn phải dựa vào một số người có vai vế trong bộ máy cầm quyền của địch đã được ta giác ngộ. Nếu người đó am hiểu máy móc thiết bị ở xí nghiệp, ít nhiều được bọn chủ Pháp và đốc công tin cẩn thì việc hoạt động càng thuận lợi hơn. Và ông Cai Thư là một người như thế. Những năm từ 1948-1954, Nhà máy điện Yên Phụ có nhiều cai. Những tên cai khét tiếng hung dữ có: Cai Tháp, Cai Kính, Cai Ðoán. Duy chỉ có ông Cai Thư là người giác ngộ cách mạng.

Ðể giữ bí mật tuyệt đối, những người thực thi công việc phá máy khi đó chỉ biết nhiệm vụ cụ thể của mình là: Ðưa mìn vào nhà máy điện và phá hủy các cỗ máy, làm mất điện toàn bộ. Ông Nguyễn Quí bàn bạc kĩ lưỡng với các ông Nguyễn Văn Thăng (tức Cai Thư), Vũ Văn Dung - công nhân của xí nghiệp. Sau đó đã đưa mìn vào xí nghiệp tuyệt đối bí mật, an toàn và chờ lệnh “khởi sự”. Việc đặt mìn ở vị trí nào (kể cả việc đổ axid có nồng độ cao vào những cỗ máy dự phòng) để khi phát hỏa sẽ đạt hiệu quả cao là nhiệm vụ của ông Thăng. Bởi vì ông Thăng là người nắm bắt về chuyên môn kỹ thuật mạch lạc nhất và có kinh nghiệm về sử dụng chất nổ (2). Ông Dung ngoài việc cảnh giới và phụ trách thoát hiểm cho đồng đội còn phải phối hợp chặt chẽ với ông Thăng đổ axid vào các máy móc dự phòng, hủy diệt tức khắc toàn bộ nguồn phát ở nhà máy điện. Hồi kí của đại tướng Võ Nguyên Giáp có viết: “Hiệu lệnh nổ súng ở Hà Nội là đèn điện tắt, đại bác của pháo đài Láng bắn những phát đầu tiên. Chúng ta cần bóng tối trợ lực khi khởi sự. Làm được việc này không dễ. Trung tâm phát điện là Nhà máy Ðiện Yên Phụ do một lực lượng hỗn hợp Việt Pháp cùng canh gác. Cần bí mật đưa vào nhà máy một lượng thuốc nổ đặt vào nơi cần thiết sát giờ nổ súng. Nếu địch phát hiện, quân Pháp có cớ chiếm ngay nhà máy và tiến công trước vào bộ đội trên toàn thành phố…”

Việc nổ mìn phá máy đêm 19/12/1946 đã diễn ra đúng kế hoạch và thành công . Tuy nhiên, đã có một tình huống bất lợi, đó là: sau khi xảy ra nổ mìn, bọn địch đã thiết quân luật, cho đóng cổng nhà máy điện và ra lệnh: Nội bất xuất, ngoại bất nhập. Công nhân làm việc ở đâu giữ nguyên vị trí để các trưởng ca, trưởng kíp điểm danh, kiểm soát, chờ lệnh khôi phục nguồn điện. Thế nhưng, mọi việc đã hoàn toàn trái ngược: Ngay sau khi điện mất, buồng máy, gian lò tối om, ngoài trời, súng nổ vang rền, hầu hết công nhân đang sản xuất điện đã chạy tán loạn, ùa ra các phía cổng lớn, cổng nhỏ của nhà máy điện… Sau khi kích mìn nổ, ông Thăng đã cùng các ông Nguyễn Quí, Vũ Văn Dung thoát hiểm bằng thang dây từ phía tường sau của các buồng chia điện, rút ra vị trí tập kết an toàn. Chính quyền Pháp đã lập tức điều động thợ nhà binh từ trong thành Cửa Bắc ra để khôi phục nguồn điện. Nhưng chúng đã uổng công, vì những thiết bị chủ lực đều hỏng nghiêm trọng, không thể phục hồi ngay được. Chúng phải dùng máy nổ và khôi phục nguồn điện một chiều để tạm thời cấp điện cho các cơ quan nhà binh Pháp làm việc…Ít ngày sau đó, chúng lùng sục tìm lại các thợ sửa chữa, vận hành lành nghề đưa về Nhà máy để làm việc. Ông Thăng được chúng mời về làm việc và trao trả lại nhà cửa trước đây vẫn ở (số 38bis, Emile Nolly- nay là phố Phạm Hồng Thái, quận Ba Ðình), với điều kiện: Tiếp tục phụ trách các máy móc ở bộ phận tua bin - phát điện và cấm liên lạc với Việt Minh, nếu trái lệnh sẽ bỏ tù.

 

 

Nơi đây, ngày 19/12/1946, công nhân Nhà máy điện Yên Phụ đã đặt mìn, phá máy, làm mất điện, làm hiệu lệnh để Pháo đài Láng nổ súng mở màn cho cuộc kháng chiến chống Pháp.

 

Sau khi trở lại nhà máy điện, ông Thăng vẫn thường bí mật liên hệ với đường dây công vận để hoạt động ở Nhà đèn Hà Nội. Cuối năm 1947, ông Thăng bị bắt, cầm tù 8 tháng 12 ngày. Vì ông là thợ giỏi, nên bọn chủ Pháp ở Nhà đèn đã tìm cách can thiệp với giám đốc trại giam xin tạm tha cho về xí nghiệp giúp bọn chủ Pháp sửa chữa các thiết bị tua bin - phát điện. Ở đây, ông lại tiếp tục bí mật liên lạc với một số cán bộ công vận nằm vùng của ta để mật báo tin tức với kháng chiến. Cuối năm 1948, ông bị mật thám theo dõi và cho cảnh sát quân sự đến nhà riêng còng tay bắt về trại giam Nhà Tiền (nay là Nhà máy in Tiến Bộ). Tại đây, chúng đã dụ dỗ, dọa nạt, lấy cung và sau đó chúng đưa ông về nhà máy nhận diện một số người có nghi vấn, nhưng ông nhất mực không khai. Không đạt được mục đích, địch tra tấn ông rất dã man, tàn bạo. Chúng đưa ông đến nhà thương Ðồn Thủy (nay là Bệnh Viện 108) và sát hại ông tại đây. Vợ ông lận đận tìm hỏi tung tích chồng khắp trại giam, mãi sau mới biết xác ông đặt trên một băng ca ở một xó tối, cuối nhà xác. Bà đã xin nhà thương mang xác ông về, nhưng Giám đốc nhà thương Ðồn Thủy nói với người coi xác: “Bảo bà ta về trại giam mà nhận xác chồng” .Bà lại phải quay về trại giam Nhà Tiền. Ðịch đồng ý cho gia đình lo việc chôn cất, nhưng chỉ được phép mang quan tài và xe tang đến sân trại giam. Anh em tù nhân đã nhập quan và chuyển linh cữu ông Thăng cho gia đình mang đi mai táng.

Giữa trưa hè nắng chói trang, oi bức, xe tang không kèn, không trống, không người viếng, chỉ lầm lũi có một bà vợ, 5 đứa con nhỏ và người lái xe tang, đưa linh cữu ông Thăng về nơi an nghỉ cuối cùng tại nghĩa trang Hợp Thiện, Cầu Giấy. Hôm đó là ngày 29/7/1948.

* Chú thích:

(1)  Trước năm 1954, hầu hết các Nhà máy điện dân ta thường gọi là Nhà Ðèn.

(2) Vào giai đoạn Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), ông Thăng là một trong nhóm thanh niên phản đế đã tham gia rèn gươm, đúc súng và chế tạo các loại mìn để tiễu trừ giặc ngoại xâm và bọn Việt gian, phản động. Nhiều lần ông đã cùng một vài anh em thanh niên thuộc nhóm nói trên đưa nhau ra ven sông Hồng để tập bắn (súng lục) và dùng thuyền thúng bơi ra một nhánh sông (thuộc mạn Phúc xá, Trung Hà cũ) thử mìn đánh cá. Thực chất là một cuộc thử nghiệm xem sự công phá của mìn tác dụng, hiệu quả đến đâu. Khi được giao nhiệm vụ đặt mìn phá máy ở nhà máy điện, ông Thăng đã ý thức rất cụ thể công việc quan trọng này và chính ông là cánh tay đắc lực giúp ông Nguyễn Quí hoàn thành trách nhiệm cài mìn, phá máy, làm mất điện đêm 19/12/1946.

Theo Tạp chí Điện lực