Sự kiện

Gặp gỡ nguyên Thứ trưởng Bộ Ðiện lực (cũ) Vũ Hiền: Tin vào thế hệ kế cận ...

Thứ năm, 8/1/2009 | 10:02 GMT+7
Lần đầu tiên tôi gặp ông vào một buổi sáng mùa đông cách đây khoảng 4 năm, tại tòa soạn Tạp chí Ðiện lực. Trong chiếc áo khoác giản dị, tay xách chiếc túi vải màu xám, ông cụ có khuôn mặt phúc hậu tuổi chừng trên dưới 80 trước khi giao cho chúng tôi bản thảo viết tay các bài viết gửi đăng trên Tạp chí còn ngồi đọc và nhấn mạnh từng câu chữ, từng ý tứ trong bài. Lúc đó, đối với tôi – một phóng viên mới vào nghề thì đây là một cộng tác viên khá đặc biệt không chỉ bởi tuổi tác, sự nhiệt tâm của ông mà còn bất ngờ khi được biết ông nguyên là Thứ trưởng Bộ Ðiện lực (cũ).
Ông Vũ Hiền - Nguyên Thứ trưởng Bộ Điện lực (cũ) tại cuộc gặp mặt với cán bộ công nhân viên ngành điện nhân dịp Kỷ niệm Ngày truyền thống ngành điện 21.12.2008.

Ông viết nhiều và cộng tác gắn bó với Tạp chí Ðiện lực, song có một điều tôi luôn thắc mắc mà chưa có điều kiện để tìm hiểu là trong những bài viết của ông với bút danh Vũ Hiền (Nguyễn Xuân Truyền) có khá nhiều các chức danh khác nhau, khi là nguyên Thứ trưởng Bộ Ðiện lực, lúc là cựu Giám đốc Công ty Ðiện lực 1, có lúc lại là cựu Trưởng ban quân quản Nhà máy Thủy điện Ða Nhim… Hẳn là quá trình sống và làm việc của ông cũng không tách rời sự thăng trầm của ngành Ðiện. Khi được phân công viết về một vị lão thành ngành Ðiện nhân dịp kỷ niệm 54 năm ngày truyền thống, tôi đã nghĩ ngay đến ông, điện thoại xin gặp và nhận được câu trả lời: “…Tôi vừa ra viện, hiện sức khỏe đã khá hơn và sẵn sàng trả lời những thông tin nhà báo cần”.

Theo lời hẹn, tôi đến gặp ông với một tâm trạng băn khoăn, lo lắng về tình trạng sức khỏe của ông và thực sự thở phào nhẹ nhõm khi thấy ông đích thân ra mở cửa đón khách. Ông có vẻ yếu hơn, nhưng tinh thần rất phấn chấn và tình cảm, tâm huyết với ngành Ðiện dường như vẫn vẹn nguyên. Mặc dù đã ở độ tuổi xưa nay hiếm, nhưng ông khiến tôi hết sức ngạc nhiên khi kể về các sự kiện của ngành Ðiện cách đây mấy chục năm một cách rất cụ thể, chi tiết và đầy hào hứng, nhiệt huyết. Các hình ảnh được Ông “đánh thức”, sắp xếp như một thước phim trình tự, sống động.

“Vốn là cán bộ hoạt động địch hậu gần suốt thời kỳ kháng chiến chống Pháp, do đã từng học trường Kỹ nghệ thực hành Hà Nội nên khi Ðảng cần cán bộ xây dựng kinh tế, năm 1955, tôi  được điều về Cục Ðiện lực trực thuộc Bộ Công Thương. Khi đó, tôi có điều kiện đi thăm các nhà máy điện của Pháp để lại, nghiên cứu nắm tình hình điện khu vực miền Bắc. Càng đi sâu tìm hiểu, càng thấy những nhà máy đó thô sơ lạc hậu, người công nhân làm việc rất khổ cực, xảy ra nhiều tai nạn lao động nhất là nguy cơ bị bỏng vì thải xỉ nóng”.

Tiếp đó là cuộc “trường chinh” trong ngành Ðiện của ông từ vị trí Giám đốc Nhà máy điện Hải Phòng (1956 – 1961), Giám đốc Nhà máy điện Uông Bí (1961 – 1966), Vụ phó Vụ tổ chức cán bộ Bộ Ðiện Than (1968), phó giám đốc Công ty Ðiện lực thuộc Bộ Ðiện Than (năm 1969), Giám đốc Nhà máy Thuỷ điện Thác Bà (1970 – 1972), Bí thư đảng ủy chuyên trách Sở Quản lý và phân phối điện 1 (1973 – 1975), Trưởng ban quân quản Nhà máy Thuỷ điện Ða Nhim (1975), Giám đốc Công ty Ðiện lực 1 (1975 – 1981), rồi Thứ trưởng Bộ Ðiện lực (1981-1988). Ông kể lại, năm 1956 về nhận công tác tại Hải Phòng là thời điểm ông được tiếp cận những điều sơ đẳng đầu tiên về quản lý nhà máy điện và lưới điện. Sau đó, thời gian làm việc tại Uông Bí, ông bắt đầu học được từ chuyên gia Liên Xô việc làm thế nào đưa 1 nhà máy vào sản xuất vận hành, đào tạo cán bộ, nghiệm thu từng phần, nghiên cứu thiết kế nắm được tính năng thiết bị, từ đó tổ chức bộ máy vận hành, sửa chữa. Cuối năm 1966, ông tu nghiệp tại Liên Xô về thuỷ điện và được đào tạo bài bản từ khâu chuẩn bị sản xuất nhà máy thủy điện. Những kinh nghiệm và kiến thức của ông đã được vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong thời kỳ xây dựng Nhà máy Thủy điện Thác Bà cũng như tiếp quản Nhà máy Thủy điện Ða Nhim khi miền Nam giải phóng và nhất là trong công cuộc phục hồi lưới điện cung ứng điện cho miền Bắc sau chiến tranh.

Là một nhà quản lý, một cán bộ tâm huyết với nghề, ông thẳng thắn, cương trực, dám “đứng mũi chịu sào” và luôn hoàn thành tốt công việc được giao, được anh em đồng nghiệp quý mến. Tuy nhiên, ông vẫn luôn canh cánh trong lòng một điều: Bản thân mình cũng có một phần lỗi khi đương nhiệm đã không dũng cảm trình bày thẳng thắn thực tế khó khăn của ngành với các cấp lãnh đạo Ðảng, Chính phủ, để anh em công nhân nhiều lúc còn thiệt thòi dù đã khổ cực, hy sinh xương máu hết mình vì dòng điện của Tổ quốc.

Hơn 20 năm kể từ ngày nghỉ hưu, ông vẫn luôn dõi theo những bước trưởng thành của ngành Ðiện qua các phương tiện thông tin đại chúng và vẫn có mối quảng giao, gần gũi với anh em trong ngành. Ông phân tích thấu đáo tình hình ngành Ðiện và không ngại đưa ra những trăn trở: “Kỳ họp Quốc hội vừa qua, nhiều vị đại biểu Quốc hội có những câu hỏi và ý kiến chê trách, không cảm thông với ngành Ðiện, cho rằng ngành Ðiện độc quyền nên muốn cắt điện lúc nào là tự ý cắt, đùn đẩy 13 dự án điện, không làm tròn nhiệm vụ cung ứng điện năng… Nhưng họ đâu biết rằng, cắt điện cũng là cắt lương của CBCNV ngành Ðiện. Ðồng thời, việc kêu gọi vốn xây dựng các nhà máy là rất khó vì thu hồi vốn chậm, lợi nhuận thấp. Giá điện nước ta còn thấp, cần áp dụng giá mới. Giá điện hợp lý thì mới có tích lũy để ngành Ðiện phát triển đáp ứng yêu cầu của xã hội. Dù là dự án vay vốn nước ngoài thì bản thân chủ đầu tư cũng phải có vốn đối ứng khoảng 30%. Trước thực tế đó, một mình ngành Ðiện không thể xoay sở được mà cần có sự chỉ đạo của Ðảng, Nhà nước, sự chung tay của chính quyền địa phương, các cấp các ngành. Muốn vậy, cần tăng cường công tác tuyên truyền để cả nước hiểu những khó khăn và đồng thuận song hành cùng ngành Ðiện trong công cuộc xây dựng đất nước”.

Khi được hỏi về đánh giá của ông trước sự phát triển của ngành Ðiện, gương mặt ông trở nên thư thái hơn và đưa ra nhận định: “Ngành Ðiện thực sự đã có những bước phát triển vượt bậc, nỗ lực cung ứng điện năng dù phụ tải  tăng trưởng hàng năm, theo tôi được biết là rất cao. Tôi mừng vì ngành Ðiện có những người lãnh đạo, quản lý thực sự tài năng, chèo lái “con thuyền điện năng” vượt qua mọi gian khó. Thế hệ CBCNV ngành Ðiện cũng giỏi giang, về cả chuyên môn, ngoại ngữ và trong cách ứng xử. Tuy nhiên, trong thời gian tới, ngành Ðiện cũng cần đẩy mạnh khai thác sử dụng các nguồn năng lượng mới vào sản xuất điện như năng lượng gió, mặt trời… và nhất là điện hạt nhân”. Ông cũng đặc biệt nhấn mạnh về công tác điện khí hóa nông thôn. Thế hệ ông đã sớm nhận thấy tầm quan trọng của việc đưa điện về nông thôn và rất quan tâm chú trọng công tác này dù lúc đó còn đặc biệt khó khăn. Theo ông, để CNH – HÐH thành công thì trước hết phải công nghiệp hóa nông thôn vì phần lớn dân ta làm nông nghiệp. Ngành Ðiện đã và đang tích cực xóa bán tổng, nhưng vì nhiều lý do chủ quan, khách quan, lưới điện hạ áp tại nhiều địa phương vẫn chưa được chuyển giao cho ngành Ðiện để trực tiếp bán điện đến từng hộ dân nông thôn.

Nhận định của người cán bộ lão thành vẫn sắc bén như ngày nào. Và những câu chuyện về ngành Ðiện như một liều thuốc khiến ông quên đi mệt mỏi, đau yếu. Trước khi ra về, ông tặng tôi một cuốn sách mới xuất bản năm 2007, tổng hợp những bài viết và hồi ký của ông với tựa đề “Sáng mãi niềm tin”. Giống như tên cuốn sách, cái tâm của ông đối với ngành Ðiện luôn trong sáng và niềm tin về lớp thế hệ kế cận vẫn mãi vững bền.

Theo: Tạp chí Điện lực