Tiến độ công trình

Công ty Điện lực Bình Ðịnh: Ðưa thêm nhiều công trình lưới điện vào hoạt động

Thứ hai, 6/11/2023 | 09:22 GMT+7
Chú trọng đầu tư xây dựng mới, cải tạo nâng cấp lưới điện, Công ty Ðiện lực Bình Ðịnh đã đưa ra nhiều giải pháp, quyết liệt triển khai thực hiện vượt kế hoạch, đưa nhiều công trình lưới điện vào hoạt động, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội.

Ông Thái Minh Châu (thứ 3 từ phải sang) trao quà khen thưởng tập thể Điện lực Phú Tài thi công công trình đường dây 22 kV tại huyện Vân Canh vượt kế hoạch tiến độ. Ảnh: HẢI YẾN

Công ty Điện lực Bình Định (PC Bình Định) đang quản lý 9 đơn vị trực thuộc, vận hành, cấp điện trực tiếp phục vụ khách hàng trên 11 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh thông qua hệ thống gồm 433 km đường dây 110 kV; 2.861 km đường dây trung áp đến 35 kV.

Năm 2023, Công ty đầu tư hơn 240 tỷ đồng xây dựng 44 công trình, hiện đã hoàn thành khoảng 85% khối lượng thi công. Nhiều công trình dự kiến sẽ hoàn thành, đưa vào vận hành cuối năm 2023.

Tháng 10.2023, PC Bình Định đưa vào hoạt động 2 công trình vượt kế hoạch đề ra, đó là: Lắp đặt trạm biến áp 5.600 kVA - 35/22 kV cấp điện khu vực huyện An Lão; thi công dứt điểm phần còn lại của đường dây 22 kV xuất tuyến 475, 477 và trạm biến áp (TBA) tự dùng dự phòng (thuộc gói thầu CPC-VanCanh-W04).

Ông Lương Đình Tiên, Chủ tịch UBND huyện Vân Canh, cho biết: Trước đây, người dân Vân Canh chỉ có duy nhất một nguồn điện từ đường dây 22 kV dài 40 km từ TBA 110 kV Long Mỹ (TP Quy Nhơn). Vào mùa cao điểm hoặc lúc mưa bão gặp sự cố sập nguồn điện, người dân chờ khắc phục rất lâu. Từ khi đường dây 22 kV xuất tuyến 475, 477 đóng điện, cả người dân và doanh nghiệp yên tâm đầu tư, nâng cấp, mở rộng nhà xưởng sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế- xã hội. Đặc biệt, công trình này đảm bảo cung cấp điện cho Khu công nghiệp Becamex VSIP Bình Định, trước mắt là ổn định cấp điện cho Công ty Kurz - Nhà máy sản xuất nhũ và màng mỏng công nghệ cao.

Dự án này được chính quyền, người dân ủng hộ nhiệt tình nên nhiều hộ tự nguyện hiến đất làm công trình. Đây là gói thầu đầu tiên người dân không nhận tiền bồi thường đất ở hành lang tuyến mà chỉ nhận kinh phí hỗ trợ của Tổng Công ty Điện lực miền Trung.

Ông Đinh Văn Đoàn, ở làng Kà Bông, xã Canh Liên (huyện Vân Canh) cho biết: Có nguồn điện mới, người dân mừng lắm. Mình mua thêm máy bơm tưới nước, bà con mua sắm thêm đồ dùng bằng điện. Mùa mưa bão, nguồn điện này hư hỏng thì có nguồn khác thay thế, đỡ lo cúp điện dài ngày do chờ sửa chữa như trước.

Còn công trình lắp đặt TBA 5.600 kVA - 35/22 kV cấp điện khu vực huyện An Lão về đích sớm 6 tháng so với kế hoạch. Ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Điện lực Hoài Ân, cho biết: Trước đây, nguồn cung cấp điện cho huyện An Lão đấu nối từ TX Hoài Nhơn lên với chiều dài 98 km, sau khi chúng tôi lắp đặt TBA mới, đấu nối đường dây từ huyện Hoài Ân lên An Lão chỉ còn 32 km, cấp điện đến tận xã An Toàn ổn định, phá thế độc đạo của đường dây cũ; giảm tổn thất điện năng, đảm bảo nguồn điện dự phòng khi sửa chữa, bảo trì đường dây. Đặc biệt, nhờ hệ thống đường dây này, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng thủy điện Đồng Mít cũng sẽ sớm đưa Nhà máy Thủy điện Đồng Mít vào vận hành chạy thử.

Ông Thái Minh Châu, Giám đốc PC Bình Định, chia sẻ: “Thời gian qua, Công ty đã khắc phục khó khăn, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công trình đầu tư. Công ty tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như: Cử cán bộ trực tiếp kiểm tra các công trình và đôn đốc nhà thầu khẩn trương thi công, phấn đấu hoàn thành đúng và vượt tiến độ theo kế hoạch. Việc hoàn thành các công trình đáp ứng nhu cầu phát triển phụ tải, đảm bảo mục tiêu cung cấp nguồn điện ổn định, vận hành an toàn cấp điện đạt hiệu quả cao, tăng nhanh độ tin cậy cung cấp điện, giảm tổn thất điện năng, đáp ứng sự hài lòng của khách hàng cũng như đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải phát triển kinh tế- xã hội địa phương”.  

Link gốc

 

Theo: Báo Bình Định