Công nhân PC Quảng Trị sửa chữa lưới điện. Ảnh: Lê Minh Thành/Icon.com.vn.
Đây là đoàn chi viện Điện lực đầu tiên cho vùng đất mới giải phóng, đánh dấu thời kỳ đầu phát triển điện lực cách mạng trên quê hương Quảng Trị.
Ngày ấy, phía Bắc sông Thạch Hãn - vùng đất mới giải phóng ngổn ngang sắt thép và bom đạn, nhà cửa đổ nát, không cây cối, không điện, không nước, chỉ có nắng và gió Lào thổi suốt ngày đêm. Đoàn Đ73 tiếp quản, khôi phục và phát triển hệ thống điện trên vùng đất Quảng Trị trong điều kiện như vậy.
Ngay từ những ngày đầu, Đoàn Đ73 đã bắt tay vào tổ chức thiết kế, lắp đặt các trạm phát điện, các trục đường dây dẫn để cung cấp điện cho cơ quan Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại huyện Cam Lộ, các cơ quan của tỉnh Quảng Trị và nhân dân trên địa bàn thị xã Đông Hà. Đồng thời, tổ chức lực lượng tiếp nhận, vận chuyển máy phát điện, vật tư thiết bị từ các tỉnh miền Bắc chi viện vào để lắp đặt các trạm phát điện diesel độc lập, công suất từ 10-50kW kịp thời phục vụ hoạt động của các cấp chính quyền, đón tiếp các đoàn ngoại giao quốc tế đến làm việc; tổ chức thăm dò, khảo sát, chọn địa điểm xây dựng nhà máy phát điện diesel; phối hợp với chính quyền địa phương nghiên cứu quy hoạch phát triển mạng lưới điện lực nhằm phục vụ yêu cầu chính trị, quốc phòng, phát triển kinh tế và dân sinh trước mắt củng như mục tiêu lâu dài; nghiên cứu phương án tổ chức và xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, chuẩn bị điều kiện cho việc hình thành đơn vị kinh tế độc lập sau này tại Quảng Trị theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Điện và Than.
Công nhân Công ty Điện lực Quảng Trị tăng cường kiểm tra thiết bị, đảm bảo an toàn vận hành lưới điện phân phối trong mùa nắng nóng 2023. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Vùng đất mới giải phóng của Quảng Trị được cung cấp điện bởi 15 tổ máy phát điện diesel có công suất từ 10 đến 50kW, các máy phát điện được phân chia thành nhiều cụm, mỗi cụm có nhiều điểm đặt máy, từ cầu Hiền Lương đến bờ bắc cầu Thạch Hãn. Theo đó, cụm máy 50kW đặt tại Cam Gia (Cam Lộ) cung cấp điện cho Tỉnh ủy; cụm máy 50kW đặt tại Cam Thanh (Cam Lộ) cung cấp điện phục vụ Ty An ninh và UBND tỉnh Quảng Trị; cụm máy 50kW đặt tại cầu Đông Hà cung cấp điện phục vụ bệnh viện tỉnh; cụm máy 50kW đặt tại Cam Lộ phủ cung cấp điện phục vụ Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam; 02 máy 50kW đặt tại Cảng Đông Hà cung cấp điện phục vụ các đơn vị quốc phòng; 03 máy 50kW đặt tại Lô Cốt (bây giờ là ngã tư đường Hùng Vương, Trần Hưng Đạo, Lê Quý Đôn) phục vụ dân sinh và các cơ quan trên địa bàn...
Năm 1974, Trung ương tiếp tục chi viện đầu tư máy phát điện và nhân lực cho vùng mới giải phóng nhằm phục vụ điện tốt nhất cho các hoạt động của chính quyền địa phương và sản xuất, sinh hoạt của nhân dân.
Ngày 30-4-1975, đất nước hoàn toàn thống nhất đã mở ra một giai đoạn mới cho ngành Điện lực với việc đảm bảo nguồn điện phục vụ tái thiết quê hương Quảng Trị. Trên cơ sở nguồn lực Đoàn Đ73, tỉnh Quảng Trị quyết định thành lập Nhà máy điện Quảng Trị trực thuộc Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh Quảng Trị. Cán bộ công nhân viên Nhà máy điện Quảng Trị lúc bấy giờ có nhiệm vụ đảm bảo nguồn điện phục vụ cho các cơ quan quản lý nhà nước và nhân dân trên địa bàn thị xã Đông Hà, các huyện lỵ được giải phóng năm 1972; tiếp quản lưới điện dã chiến của chế độ cũ tại thị xã Quảng Trị và huyện Hải Lăng được giải phóng năm 1975; đồng thời, gấp rút chuẩn bị xây dựng nhà máy phát điện diesel gồm 06 tổ máy với tổng công suất 3.240kW đặt tại khu vực gần hồ Khe Mây thuộc Phường 3, TP Đông Hà.
Lưới điện trung, cao thế qua địa bàn tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Sau một thời gian gấp rút thực hiện công tác khảo sát, thiết kế, xây dựng, đầu năm 1977, Nhà máy phát điện diesel được hoàn thành đưa vào vận hành, cùng với hệ thống đường dây 6kV, 10kV và 35kV Đông Hà – Thành Cổ (thị xã Quảng Trị) và một số công trình khác cũng được xây dựng và đưa vào vận hành, như: Trạm biến áp trung gian Thành Cổ (cuối năm 1977); Đường dây 35kV Thành Cổ đi Hải Lăng và từ Hải Lăng đi Mỹ Chánh (năm 1978); Đường dây 35kV Đông Hà – Vĩnh Linh, Trạm biến áp trung gian Hồ Xá - nay là Trạm biến áp trung gian Vĩnh Linh (năm 1984); Đường dây 35kV Đông Hà – Cam Lộ, Trạm biến áp 35kV Cam Lộ (năm 1983) đã tạo nên một hệ thống điện cơ bản đáp ứng công cuộc khôi phục, phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Quảng Trị.
Thời gian này, mặc dù điều kiện kinh tế của cả nước nói chung và ngành Điện nói riêng hết sức khó khăn, song để nhanh chóng đưa điện về phục vụ các trạm bơm nước tưới, tiêu cho các vùng nông nghiệp trọng điểm trên địa bàn, nhiều công trình lưới điện được gấp rút xây dựng và hoàn thành đưa vào hoạt động, như: Đường dây 35kV từ Thành Cổ đi Diên Sanh và từ Diên Sanh đi Hội Yên, Trạm biến áp Trung gian Hội Yên (năm 1982), đảm bảo cung cấp điện phục vụ tưới, tiêu nông nghiệp cho các xã Hải Thọ, Hải Thiện, tạo tiền đề phát triển lưới điện trên địa bàn các xã vùng nông nghiệp của huyện Hải Lăng; Đường dây 35kV từ Mỹ Chánh về vùng xã Hải Hòa cung cấp điện phục vụ tưới tiêu nông nghiệp cho các xã Hải Hòa, Hải Tân, Hải Dương. Đến khoảng giữa năm 1984, hệ thống lưới điện 35kV được nối thông toàn tỉnh Bình - Trị - Thiên.
Đây cũng là thời điểm công tác dịch vụ khách hàng của Điện lực Quảng Trị bắt đầu được quan tâm và từng bước nâng cao, khi chuyển chế độ từ phát điện phục vụ sang hoạt động vừa phục vụ, vừa kinh doanh.
Trạm biến áp không người trực 110kV Cam Lộ (Quảng Trị) được Tổng Công ty Điện lực miền Trung đưa vào vận hành tháng 4/2022. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Ngày 01-07-1989, tỉnh Quảng Trị được tái lập, để phù hợp với yêu cầu sản xuất kinh doanh cũng như thay đổi mô hình tổ chức, ngày 07-10-1989, Bộ Năng lượng ban hành Quyết định số 645 NL/TCCB-LĐ thành lập Sở Điện lực Quảng Trị trực thuộc Công ty Điện lực 3 (nay là Tổng Công ty Điện lực miền Trung) trên cơ sở Chi nhánh điện Quảng Trị thuộc Sở Quản lý và Phân phối điện Bình Trị Thiên, thực hiện nhiệm vụ xây dựng, phát triển lưới điện cao, hạ thế; tổ chức sản xuất, quản lý, phân phối, kinh doanh bán điện. Vai trò của Điện lực Quảng Trị chuyển sang bước ngoặt quan trọng, theo hướng phát triển mạnh mẽ, đảm bảo vai trò là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Quảng Trị là dãy đất eo hẹp nhất cả nước, gió mặn hơi muối biển đưa cũng đủ nhuốm xanh mày con gái miền sơn cước, nước ngọn đầu nguồn trổ về cuối bãi còn xanh non thơm hương núi thanh bình. Nên cũng thật dễ lý giải, vì sao một miền quê nghèo khoai sắn cõng hạt cơm lại sinh ra trong trời đất những người con cần mẫn và can trường đến vậy. Từ một Chi nhánh được phân cấp hạn hẹp, vật chất nghèo nàn, cơ sở hạ tầng nguồn, lưới điện chỉ có 6 tổ máy phát điện Diesel với tổng công suất 3.240kV, không đủ để cung cấp phục vụ cho chính quyền địa phương và sinh hoạt của nhân dân; lưới điện manh mún, chỉ tập trung ở trung tâm huyện, thị và một số vùng phụ cận. Lực lượng kỹ sư, trung cấp, cán bộ chuyên môn nghiệp vụ còn mỏng, đội ngũ công nhân kỹ thuật tuy có kinh nghiệm, nhiệt tình nhưng chưa chuyên sâu.
Trong số ba Sở Điện lực mới thành lập sau khi chia tách tỉnh, lãnh đạo Công ty Điện lực 3 xác định Sở Điện lực Quảng Trị là đơn vị khó khăn nhất, vì vậy, được quan tâm tối đa, giành mọi điều kiện thuận lợi để Sở Điện lực Quảng Trị vượt qua khó khăn ban đầu: Ưu tiên vốn đầu tư xây dựng các công trình nguồn, lưới điện và cơ sở hạ tầng, bổ sung bộ máy cán bộ lãnh đạo, đội ngũ kỹ sư, dây chuyền sản xuất. Đảng và Chính quyền Quảng Trị coi Ngành Điện là nguồn động lực giúp Tỉnh ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, vì vậy, luôn quan tâm, tạo điều kiện để Ngành Điện hoạt động và phát triển.
Trong buổi đầu khó khăn khi chia tách, Quảng Trị đã giành 500 triệu đồng, góp vốn đầu tư xây dựng hai tổ máy phát điện diesel với công suất 1.600kW, khởi công cuối năm 1989, hoàn thành đưa vào vận hành năm 1990, góp phần giải quyết khó khăn ban đầu về nguồn điện cho Quảng Trị khi chưa có điện lưới quốc gia. Lưới điện trên địa bàn thị xã Đông Hà, Quảng Trị và một số vùng phụ cận được đồng bộ cải tạo để đáp ứng kịp thời nhu cầu sử dụng điện của nhân dân.
Tháng 08-1990, điện lưới quốc gia đã được đưa vào miền Trung, tạo ra một bước ngoặc lịch sử đối với Điện lực Quảng Trị và miền Trung. Từ đây, bằng nhiều nguồn vốn, Nhà nước (ngành Điện), địa phương và nhân dân Quảng Trị đã dấy lên phong trào xây dựng, phát triển lưới điện một cách mạnh mẽ về các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa đáp ứng sự mong đợi từ bao đời của người dân nông thôn. Chỉ trong vòng ba năm 1990-1993, bằng nguồn vốn tự đóng góp người dân đã xây dựng mới 53 trạm biến áp, đưa điện lưới quốc gia đến với 45 xã.
Đến cuối năm 2007, điện lưới quốc gia đã được đưa về hầu hết các địa phương đất liền trong tỉnh, với hơn 98 % số hộ dân đã được sử dụng năng lượng điện từ lưới địên Quốc gia. Từ đây, các địa phương tập trung ứng dụng nguồn điện để phát triển sản xuất, mở mang dịch vụ ngành nghề...
Điện lực Quảng Trị đã triển khai thực hiện nhiều dự án để nâng cấp lưới điện nhằm đảm bảo cung cấp điện với chất lượng ngày càng cao, đồng thời hướng đến xây dựng lưới điện thông minh, như: Dự án cải tạo lưới điện thị xã Đông Hà và thị xã Quảng Trị bằng nguồn vốn vay Ngân hàng Châu Á (ADB) đã hoàn thành cải tạo, nâng cấp hàng trăm ki-lô-mét đường dây trung, hạ áp và trạm biến áp phân phối, thay mới hàng ngàn công tơ đo đếm điện đạt tiêu chuẩn cao; Dự án cải tạo, nâng cấp lưới điện nông thôn bằng vốn vay Ngân hàng tái thiết Đức - KFW; ADB); Dự án DEP…
Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Năm 2000, Công ty Điện lực Quảng Trị đã hoàn thành công tác tiếp nhận lưới điện trung áp nông thôn; năm 2010, hoàn thành tiếp nhận lưới điện hạ áp nông, triển khai bán điện trực tiếp đến 100% hộ dân nông thôn, là đơn vị đầu tiên khu vực miền Trung và Tây Nguyên hoàn thành công tác tiếp nhận lưới điện nông thôn.
Năm 1998, Điện lực Quảng Trị bắt đầu xây dựng tuyến đường dây 35kV từ Đakrông đi LaLay cấp điện cho các địa phương dọc đường Trường Sơn, đồng thời chuẩn bị cho việc bán điện qua tỉnh Salavan, tỉnh Savanakhet nước CHDCND Lào.
Trải qua 50 năm kể từ ngày hình thành Đoàn Đ73, Công ty Điện lực Quảng Trị đã góp phần quan trọng làm cho vùng đất Quảng Trị hồi sinh, phát triển, đổi thay toàn diện, lớn mạnh trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập.
Nhiều lần về với Quảng Trị, trong tâm tưởng, mỗi tên đất, tên làng đã trở thành quen thuộc với tôi. Những tên đất, tên làng ấy vừa là kỷ niệm thuộc về cõi tâm linh, vừa là dấu ấn hằn sâu trong mỗi người. Tôi cảm nhận được máu của bao chiến sĩ thấm đỏ trên từng cành cây ngọn cỏ, trên từng dòng sông, mảnh vườn, thửa ruộng của đất đai Quảng Trị. Ngoài tình cảm thương yêu vô bờ bến dành cho mảnh đất nặng nghĩa nặng tình này, thì những chuyến về Quảng Trị của tôi còn được xem như một chuyến hành hương trở về với cội nguồn.
Tại mảnh đất này, 50 năm trước, Đoàn Đ73 đã gây dựng cơ đồ trên những đổ nát, trên những vết tích của chiến tranh còn hơi nóng của lửa đạn, nhưng lại là những năm tháng đẹp đẽ nhất, để lại nhiều dấu ấn nhất đối với những người làm điện. Bởi họ đã được cống hiến cho rẻo đất chịu nhiều đau thương và anh dũng tuyệt vời; mảnh đất ở giữa lòng đất nước, nhỏ hẹp, eo thắt như cái đòn gánh, gánh hai đầu nỗi thương đau, niềm chiến thắng của dân tộc. Và mỗi ngày, tôi hiểu thêm về con người ngành điện nơi đây. Họ gây dựng cơ đồ trên đổ vỡ chiến tranh, đã qua nửa thế kỷ nhưng chưa một giây phút nghỉ ngơi, bởi hết giặc ngoại xâm lại đến thiên tai và họ luôn phải là những người giữ ánh sáng cho từng mái nhà, từng góc phố, từng bản làng và cho sự phồn thịnh của Quảng Trị.