Đường dây 500kV Vũng Áng – Quảng Trạch – Dốc Sỏi đoạn vượt đỉnh đèo Hải Vân. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Tôi vân vê chén trà mạn còn bốc khói ngào ngạt hương vị núi rừng như muốn truyền cả hơi ấm qua mười đầu ngón tay, hoà cùng vị ấm nơi cổ họng, toả đều khắp châu thân. Những cành tuyết mai được thả ngẫu nhiên trong chiếc lọ giản đơn, tuỳ duyên nghiêng ngửa, đợi dịp hồi sinh. Tự hỏi, bên trong những cành tuyết mai khô quắt khô queo ấy chứa đựng những gì, tích luỹ những gì mà bền gan vững chí, đợi chờ hơi ấm của mùa xuân là đua nhau bung nở, khoe hương đua sắc cùng muôn hồng ngàn tía, của đào của mai, khi Tết cận kề sang.
Công nhân Công ty Điện lực Sơn La trên đường kiểm tra đường dây 110kV Mộc Châu – Sơn La. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Cuộc sống là vậy, thiên nhiên là vậy, và những con người ngành Điện là minh chứng rõ rệt nhất. Từ năm 2020 và đặc biệt là năm 2022, những tin báo dồn dập về số ca dương tính, về những người đã không qua khỏi trong cơn biến loạn của dịch bệnh. Người ta hoang mang. Người ta nghi ngại. Nỗi lo chưa qua hết mùa hè đỏ lửa lại chồng chất bao hốt hoảng vì bão táp dữ dội, vì sạt lở kinh hoàng. Con người lúc ấy mới nhận ra, bao lâu nay đội trời đạp đất, chinh phục biển khơi, khám phá vũ trụ, hoá ra, cũng thật nhỏ bé trước sự giận dữ của thiên nhiên.
Nhà máy thủy điện Hàm Thuận. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Năm 2022, các biến động lớn trên thế giới như đứt gãy chuỗi cung ứng, chính sách zero – covid tại Trung Quốc, xung đột địa chính trị tại Châu Âu...đã gây ra tình trạng khủng hoảng năng lượng tại nhiều nước trên thế giới đã tác động, ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh điện tại Việt Nam, mà trực tiếp là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Rồi những vướng mắc về cơ chế chính sách trong thực hiện các dự án điện, khó khăn trong thu xếp vốn...; giá điện không được điều chỉnh khi chi phí đầu vào tăng đến gần 20%, thậm chí thấp hơn giá thành. Để giảm bớt lỗ, EVN đã phải tiết giảm chi phí và đương nhiên những chi phí cho phương án đảm bảo cung cấp điện là không thể cắt giảm nếu muốn cung cấp điện an toàn, ổn định và đảm bảo chất lượng. Một trong những giải pháp mà trong thời điểm khó khăn nhất đó là thể hiện phẩm chất truyền thống yêu nước của người thợ điện Việt Nam phải dùng đến khi nguy cấp nhất, đó là sự hy sinh quyền lợi của gần 100 ngàn CBCNV ngành Điện: Cắt giảm lương (thực hiện chi lương cho CBCNV với mức chỉ từ 80%-90% mức lương bình quân năm 2020).
Qua những lúc khó khăn, tập thể CBCNV EVN ý thức được rằng, không nỗi sợ nào, không tai họa nào có thể ngăn cản lòng can đảm, sự đoàn kết, yêu thương lẫn nhau. Nắm chặt tay nhau, chia sẻ những yêu thương, truyền tải những niềm tin. Khối các Nhà máy điện, thì thực hiện các giải pháp tiết kiệm chi phí, huy động tối đa các Nhà máy Thủy điện có chi phí thấp; điều phối các hợp đồng mua bán than cho các Nhà máy Nhiệt điện, ưu tiên các nguồn than có giá rẻ hơn để giảm chi phí phát điện.
Nhà máy thủy điện Đồng Nai 3. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Trong bối cảnh giá nhiên liệu đầu vào tăng cao, tỉ lệ nguồn điện năng lượng tái tạo lớn, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia đã tính toán, lập phương thức vận hành hệ thống điện và cập nhật thường xuyên, bám sát tình hình vận hành thực tế để đảm bảo an ninh cung cấp điện, đồng thời, giảm tối đa chi phí vận hành hệ thống điện. EVN đã báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ và các Bộ có thẩm quyền cho phép vận hành hồ chứa linh hoạt để tối ưu hóa nguồn tài nguyên nước, vừa đảm bảo đủ điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, vừa giảm chi phí vận hành các nguồn điện; đưa hệ thống tự động điều khiển công suất phát điện (AGC) có giao tiếp và trao đổi dữ liệu với hệ thống lập kế hoạch vận hành Hệ thống điện, Truyền tải điện (DIM AGC) vào vận hành để giúp tăng tính tự động hóa và giảm thời gian thực hiện lệnh điều độ của các nhà máy điện.
Thi công kéo dây đường dây 500kV Vân Phong – Vĩnh Tân. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Mặc dù dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành trong năm 2022, nhưng 191 công trình lưới điện từ cấp điện áp 110kV đến 500kV vẫn được tiến hành khởi công xây dựng và hoàn thành đóng điện 183 công trình với tổng chiều dài đường dây là 3.380km và tổng dung lượng máy biến áp là 14.220MVA, trong đó, đã đưa vào vận hành các công trình quan trọng, như: Đường dây 500kV Vũng Áng – Quảng Trạch – Dốc Sỏi, Thường Tín – Tây Hà Nội, các công trình lưới điện đồng bộ Nhà máy điện Vân Phong 1, các đường dây 220kV Nậm Mô – Tương Dương, Lào Cai – Bảo Thắng, Kiên Bình – Phú Quốc...
Hoàn thành xây dựng trạm biến áp 500kV Quảng Trạch và đường dây 500kV Quảng Trạch – Vũng Áng. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Tập thể CBCNV từ khối phát điện, truyền tải đến phân phối vượt qua khó khăn của năm 2022 và bắt tay vào thực hiện kế hoạch năm 2023 cũng chưa vơi khó khăn.
Đầu năm 2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định 02/2023/QĐ-TTg về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân – Quyết định như tia nắng đầu tiên lách qua kẽ lá, gỡ dần những khó khăn về bài toán tài chính cho EVN. Theo đó, các dự án điện trọng điểm, như: Nhà máy Thủy điện Yaly mở rộng, Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng, Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I; các công trình lưới điện cấp bách đảm bảo nguồn và cung cấp điện cho miền Bắc và miền Nam, giải tỏa nguồn thủy điện và năng lượng tái tạo, nhập khẩu điện...và hàng trăm công trình khác sẽ được triển khai nhằm đáp ứng cung cấp điện cho năm 2023 và trong tương lai.
Hoàn thành xây dựng trạm biến áp 500kV Quảng Trạch và đường dây 500kV Quảng Trạch – Vũng Áng. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
EVN là một tập đoàn kinh tế Nhà nước, đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cơ sở hạ tầng, đáp ứng yêu cầu năng lượng điện cho quốc gia, phục vụ cho công cuộc công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước. Muốn tăng trưởng cao, trong bối cảnh công nghệ phát triển với tốc độ chóng mặt, không còn cách nào khác, phải theo chiến lược chiều sâu, nâng cấp, hiện đại hóa các cơ sở nguồn, lưới hiện có, sử dụng công nghệ tiên tiến thân thiện với môi trường, việc ứng dụng sâu rộng công nghệ thông tin, viễn thông...tất cả những điều này chỉ có thể thực hiện được không chỉ với nguồn nhân lực đủ bản lĩnh, trình độ, chất lượng phù hợp mà còn phải cân bằng được tài chính.
Công nhân Công ty Điện lực Yên Bái ứng dụng khoa học vào công tác vận hành cấp điện. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Năm 2023, sẽ còn nhiều khó khăn, thử thách đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành Điện do ảnh hưởng hậu Covid-19. Nhưng với gần 70 năm truyền thống yêu nước, CBCNV ngành Điện sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước tin tưởng giao phó, đó là cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân với chất lượng ổn định, dịch vụ kinh doanh bán điện ngày càng chuyên nghiệp. Đây chính là giá trị nhân văn, kết tinh nên truyền thống gần 70 năm vẻ vang và rất đỗi tự hào của ngành Điện Việt Nam.
EVN hoàn thành xây dựng tuyến đường dây 220kV Kiên Bình – Phú Quốc vượt biển dài nhất Đông Nam Á. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Những người thợ điện của đất nước Việt Nam, gần 70 năm nay, dẫu có khi vừa cung cấp điện vừa chiến đấu chống giặc xâm lăng, hay sừng sững trước thiên tai khắc nghiệt vẫn mãnh liệt như cây cỏ nước Nam, không hề khuất phục.