Phóng sự

Vun đắp cho tình nghĩa Việt - Lào

Thứ năm, 29/9/2022 | 14:31 GMT+7
Từ Hà Tĩnh, đi theo đường 8, vượt qua dãy Trường Sơn, qua cửa khẩu Cầu Treo là đặt chân lên đất nước Lào. 

Đường dây 35kV bán điện sang tỉnh Hủa Phăn (nước CHDCND Lào) qua cửa khẩu Lóong Sập (Mộc Châu – Sơn La). Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Thực lòng mà nói, tôi vô cùng khó quên những câu thơ của Phạm Tiến Duật “Một dãy núi mà hai màu mây / Nơi nắng nơi mưa khí trời cũng khác / Như anh với em, như Nam với Bắc / Như Đông với Tây một dải rừng liền…”  Khổ thơ nằm trong bài Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây được ông viết vào thời chống Mỹ. Chiến tranh lùi xa, lùi quá xa; ký ức của những người thuộc thế hệ chúng tôi  không lưu giữ hết tất cả những gì từng thuộc về thời đại của mình, kể cả các tác phẩm đã đọc kỹ thời hào hùng, gian khổ đó. Rụng rơi rất nhiều những cái sáo mòn nhàn nhạt, những dạng câu chữ tuyên truyền hô khẩu hiệu ầm ào,… nhưng những tác phẩm truyện ngắn Mảnh trăng cuối rừng của Nguyễn Minh Châu và một số bài thơ về Trường Sơn của Phạm Tiến Duật như Lửa đèn, Nhớ, Gửi em cô thanh niên xung phong, Tiểu đội xe không kính và tất nhiên không thể không kể tới Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây vẫn được bảo lưu kỹ càng trong trí nhớ. Bởi cái lõi của những tác phẩm ấy, không gì khác chính là tình yêu lứa đôi, tình yêu đất nước hòa quyện quấn quýt vào nhau một cách hồn nhiên, đằm thắm và trong trẻo.
 
Hồi chưa qua Lào, tôi cứ nghĩ sau dãy núi phía bên kia cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh) vẫn là trùng trùng núi đồi. Thế nhưng đi khoảng non hai chục cây số, bắt gặp một đồng bằng rộng lớn trải dài cho đến biên giới Thái Lan. Lào là quốc gia có dân số ít, mỗi bản, làng cách nhau vài chục cây số, ở giữa là rừng với rừng nên đi ngang rất quạnh vắng. Người Lào sống dựa vào thiên nhiên. Với tài nguyên phong phú, buổi sáng chỉ cần mài rựa thật sắc, đi vào rừng vài tiếng là có cái ăn cho cả ngày. Đó là những con thú rừng, măng tre, củ quả… Người Lào xem gạo là hạt ngọc của trời. Những mùa trỉa hạt, người nào xâm phạm nương rẫy của họ đều bị phạt nặng. Chính quan niệm “trời có sập thì cũng có gạo trong bồ” nên đến mùa trỉa hạt, dù có bận rộn đến đâu cũng phải xuống ruộng, không ai làm thay được. Người Lào quan niệm, có gạo trong nồi thì không sợ đói.

Đường dây 35kV bán điện sang tỉnh Hủa Phăn (nước CHDCND Lào) qua cửa khẩu Lóong Sập (Mộc Châu – Sơn La). Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Lào là một quốc gia không giàu có về vật chất nhưng có chỉ số hạnh phúc cao. Họ sống khoan thai, chậm rãi, phóng khoáng. Có thể cách sống dựa vào tài nguyên, nương tựa thiên nhiên đã ăn sâu vào họ, vì thế, người Việt ở Lào hay truyền tụng câu: “Muốn nhanh thì phải… từ từ”. Họ cứ chậm rãi, từ từ khoan thai để hưởng thụ từng thời khắc của cuộc sống. Minh chứng cho điều này biểu hiện rõ ở văn hoá tham gia giao thông của họ. Xe cộ không có chuyện vượt nhanh, phóng nhanh, đường phố không một tiếng còi vì chẳng cần hối thúc ai ở phía trước. Người Lào sẵn sàng dừng xe đợi chờ, nhường nhau đi trước. Cho nên đường phố xứ họ dù đông nhưng không ồn ào. Quan niệm của người dân xứ này, đợi chờ, sống chậm là hạnh phúc.
 
Quan điểm sống của người Lào là không cần giàu có khi giàu có làm người ta vất vả. Nếu phải sống vội vàng, không hạnh phúc để được giàu có thì họ sẽ chọn đủ ăn, đủ sống để được hạnh phúc. Do nhu cầu hưởng thụ của họ lớn nên họ có xu hướng nghỉ hưu sớm. Thuê lao động người Lào rất khó vì ít chịu ràng buộc bởi các kỷ luật. Nếu ngày làm việc trúng vào ngày lễ Bun (lễ làm phước) thì dù có trả lương gấp mười lần họ cũng nghỉ làm để chơi lễ. Lào là xứ sở của lễ hội, tháng nào trong năm cũng có Bun. Họ ăn uống, nhảy múa và chìm đắm trong các điệu nhạc theo tinh thần của câu cửa miệng mà người Lào thường nói là “Khôn Lao mặc muồn” -  người Lào thích vui.

Cán bộ, kỹ sư và công nhân Việt – Lào thường xuyên trao đổi nghiệp vụ quản lý vận hành lưới điện đấu nối giữa 2 nước. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Tôi đã từng đến Lào từ năm 1995, đi qua những cánh rừng già ở Lào sau khi qua cửa khẩu Lóong Sập (Mộc Châu- Sơn La), băng qua những con đường đất đỏ đầy bụi, hai bên đường vắng ngắt, không một bước chân người. Lào là quốc gia có mật độ dân số thấp, với diện tích bằng 2/3 diện tích Việt Nam nhưng dân số không bằng 1/10. Mỗi bản làng cách nhau hàng chục cây số nên lỡ đường muốn tìm nơi tá túc cũng khó. Người Lào đặc biệt hiếu khách. Họ thiết đãi trọng thị trong ăn uống cũng như nghỉ ngơi. Mỗi gia đình có một tủ chăn gối được giặt sạch sẽ thơm tho dùng để đón khách. Khi có người đến xin ngủ nhờ, họ sẽ nhường nơi ấm, sạch sẽ và an toàn nhất cho khách. Thay chăn gối mới để khách vừa lòng. 
 

Cán bộ, kỹ sư và công nhân Việt – Lào thường xuyên trao đổi nghiệp vụ quản lý vận hành lưới điện đấu nối giữa 2 nước. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Người Lào sống chan hoà với thiên nhiên. Ta có thể nhìn thấy điều này qua các công trình kiến trúc. Từ nhà dân cho đến cơ quan nhà nước, họ coi cỏ cây là một phần không thể thiếu của đời sống. Thường từ mép đường nhựa, bê tông hay đường đất đi vào cơ quan, nhà ở đều không bê tông hoá như những quốc gia khác. Họ để khoảng sân bằng nền đất, dù trời mưa có lầy lội và mùa nắng có bụi bặm nhưng đó là nơi cỏ có thể mọc, cây có thể lên xanh tốt. Cỏ có thể lan tới mép hiên nhà, để bàn chân mang hơi cỏ cây vào nhà.
 
Với cuộc sống xô bồ của thời đại công nghệ số, dù mức thu nhập còn thấp, cư dân Lào còn khó khăn so với các nước đang phát triển, nhưng người dân nơi đây được ngưỡng mộ vì chỉ số hạnh phúc cao. Cũng bởi văn hoá Phật giáo đã thấm nhuần vào đời sống cư dân, họ nghiệm ra rằng, sống chậm và tận hưởng từng thời khắc hiện tại là mục tiêu của mỗi con người.

Công nhân Việt – Lào học tập, trau dồi tiếng nói của nhau nhằm tạo thuận tiện cho công tác quản lý, vận hành lưới điện. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Trường Sơn, cái dãy núi hai màu mây ấy, cái điệp trùng bên nắng đốt, bên mưa quây ấy là nhân chứng vĩ đại các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược của Việt - Lào anh em. Thật đúng như đúc kết giản dị mà sâu sắc của Bác Hồ: Việt - Lào hai nước chúng ta / Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long. Hàng chục năm cùng chiến hào chống kẻ thù chung, tuy hai mà một, mối tình Việt - Lào thực sự đặc biệt và mẫu mực trong thế kỷ 20, 21. Hiếm có hai dân tộc nào mà hạt gạo, hạt muối cũng chia đôi, hơn thế nữa, chúng ta còn chia lửa, chia bom, chia từng gian khổ, mất mát hy sinh.
 
Thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, đường Hồ Chí Minh huyền thoại với 5 trục dọc và 21 đường ngang có đoạn chạy trên đất Lào. Những cánh rừng Lào che chở cho con đường chuyển quân, chuyển lương thực, chuyển vũ khí vào miền Nam. Từ nơi em gửi đến nơi anh / Những đoàn quân trùng trùng ra trận / Như tình yêu nối lời vô tận / Đông Trường Sơn nối Tây Trường Sơn (thơ Phạm Tiến Duật). Và, tình hữu nghị Việt - Lào cũng xứng đáng được gọi là huyền thoại. 

Công nhân Việt – Lào học tập, trau dồi tiếng nói của nhau nhằm tạo thuận tiện cho công tác quản lý, vận hành lưới điện. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Bước sang thời kỳ hòa bình, Việt - Lào luôn sát cánh bên nhau, chưa lúc nào sớm nắng chiều mưa, có những giá trị không thể cân đong đo đếm được. Câu nói này đã trở thành quen thuộc với Việt Nam: “Giúp bạn là giúp mình”, cái hình tượng “môi hở răng lạnh” thật trùng khít với quan hệ hai nước. Những công trình đường dây truyền tải, liên kết lưới điện giữa hai nước đã minh chứng cho mối tình hữu nghị giữa Việt Nam - Lào ngày càng bền chặt và phát triển.
 
Thực hiện chủ trương của Chính phủ, từ năm 1995, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đầu tư xây dựng đường dây 35kV bán điện sang tỉnh Hủa Phăn (nước CHDCND Lào) qua cửa khẩu Lóong Sập (Mộc Châu – Sơn La) . Đến nay, EVN đang bán điện qua các cấp điện áp 220kV-22kV-35kV qua 9 địa điểm khu vực gần biên giới giữa hai nước với sản lượng điện thương mại khoảng 50 triệu kWh/năm. Việc phối hợp, vận hành, bảo vệ an ninh, an toàn lưới điện được hai bên thực hiện tốt, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của các địa phương của Lào khi lưới điện quốc gia của Lào chưa mở rộng tới. Hoạt động cấp điện cho nước bạn Lào góp phần thắt chặt, củng cố mối tình hữu nghị đặc biệt giữa hai nước.

Công nhân PC Sơn La kiểm tra điểm đo đếm tại Cửa khẩu Lóng Sập, huyện Mộc Châu. Ảnh: Ngọc Diệp/Icon.com.vn
 
Trên cơ sở Chính phủ Việt Nam đã chấp thuận chủ trương nhập khẩu điện từ Lào, EVN đã ký kết 18 hợp đồng mua bán điện (PPA) với các chủ đầu tư để mua điện của 23 dự án điện tại Lào.
 
Để phục vụ nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam, Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia đã và đang triển khai các Dự án Đường dây 220kV Nậm Sum – Nông Cống (phục vụ nhập khẩu điện từ cụm Nhà máy Thủy điện Nậm Sum - Lào); Trạm biến áp 220kV Tương Dương và đấu nối (nhập khẩu điện từ cụm Nhà máy Thủy điện Nậm Mô - Lào); Trạm biến áp 220kV Điện Biên và đấu nối (nhập khẩu điện từ cụm Nhà máy Thủy điện Nậm UO5 - Lào). 
 
Việt Nam và Lào đều tựa vào trùng điệp Trường Sơn để tồn tại và phát triển. Đất nước hoa sen và đất nước hoa champa vẫn kề vai sát cánh trong công cuộc dựng xây đất nước và giữ gìn Tổ quốc hôm nay. Vượt lên tình láng giềng thông thường, Việt Nam - Lào có tình hữu nghị đặc biệt. Bao nhiêu điều tốt đẹp ẩn chứa trong hai tiếng “đặc biệt”.
Thanh Mai