Các học viên tích cực tìm hiểu, trao đổi với giảng viên.
Tham gia giảng dạy khóa đào tạo có Tiến sĩ Christiane Baer - Trưởng bộ phận Công nghệ đường dây trên không - Hãng sản xuất Pfisterer. Hơn 40 người tham dự là Cán bộ Kỹ thuật PTCs, Cán bộ Kỹ thuật Truyền tải điện (TTĐ) khu vực, Đội trưởng, Đội phó, Kỹ thuật viên, công nhân kỹ thuật.
Phát biểu khai mạc khóa đào tạo, ông Hoàng Xuân Khôi - Phó giám đốc PTC1 nhấn mạnh: "Công tác Quản lý vận hành an toàn lưới điện cao áp thuộc hệ thống điện Quốc gia có ý nghĩa rất quan trọng, do đó công tác kiểm tra những khiếm khuyết có nguy cơ gây sự cố là công việc mang lại hiệu quả cao trong công tác vận hành, ngăn ngừa nguy cơ mất an toàn, đảm bảo hệ thống điện được thông suốt”.
Phó giám đốc PTC1 yêu cầu các học viên “thực hiện nghiêm túc các nội dung của khóa học đưa ra; tích cực, chủ động tìm hiểu, trao đổi với giảng viên để lớp học đạt kết quả cao. Đồng thời sau khóa học, các học viên tiếp tục cập nhật, phổ biến và triển khai các nội dung được hướng dẫn trong khóa học này đến tất cả CBCNV hiện đang làm công tác quản lý vận hành tại các đội TTĐ trực thuộc".
Tiến sĩ Christiane Baer hướng dẫn một số phương pháp kiểm tra chuẩn đoán những hư hỏng đối với cách điện composite.
Tại khóa học, các học viên được Tiến sĩ Christiane Baer hướng dẫn phương pháp kiểm tra chuẩn đoán những hư hỏng đối với cách điện composite bằng nhiều phương pháp khác nhau như: i) Kiểm tra bằng trực quan (bằng mắt thường, ống nhòm, UAV/Flycam) để nhận biết các hiện tượng khác biệt như biến đổi màu sắc trên thân cách điện, tình trạng nhiễm bẩn do vô cơ (cát, bụi, muối) hay hữu cơ (nấm, tảo, rêu), các hư hỏng khiếm khuyết nhìn thấy trên thân, tán cách điện và phụ kiện, các bất thường do lắp đặt…ii) Kiểm tra bằng thiết bị chuyên dụng như: Máy soi corona (đo UV) để phát hiện trình trạng hiện tại của bề mặt cách điện và các thành phần của chuỗi như mức độ nhiễm bẩn bề mặt, các khuyết tật/phá hủy tại phụ kiện, vòng phóng điện, bề mặt cách điện; Máy soi phát nhiệt (đo IR) dọc thân cách điện để phát hiện các hư hỏng, khiếm khuyết cục bộ (nếu có) bên trong lõi cách điện composite. iii) Ngoài ra, Tiến sĩ Christiane Baer cũng đã cung cấp cho lớp học các lưu ý khi vận chuyển và thi công chuỗi cách điện composite.
Các học viên thực hành thực tế tại các vị trí 236, 346, 247 đường dây 500kV Sơn La - Hòa Bình.
Sau khóa học, các học viên đã đi thực tế tại các vị trí 236, 346, 247 đường dây 500kV Sơn La - Hòa Bình thuộc địa bàn quản lý vận hành của TTĐ Hòa Bình. Tại đây các học viên được thực hành trực tiếp trên các thiết bị chuyên dùng trong công tác kiểm tra cách điện composite như máy đo UV loại Corocam 6D, Corocam 7; máy đo IR loại Flir T460, T540, T640, T840, T865 dưới sự hướng dẫn, giám sát của Tiến sĩ Christiane Baer. Công việc kiểm tra được tiến hành cả trong điều kiện ban đêm (khi độ ẩm không khí cao). Sau khi đo kiểm tra, các ảnh soi phát nhiệt được đưa vào phần mềm để cả lớp học phân tích, đánh đánh giá.
Trong suốt toàn bộ khóa đào tạo, các học viên đã rất tích cực tìm hiểu, trao đổi với giảng viên; các hình ảnh thực tế về công tác kiểm tra, tầm soát cách điện composite tại các PTCs đã được các học viên đưa ra thảo luận sôi nổi.
Khóa học kết thúc thành công tốt đẹp. Sau khóa học này, các công ty, đơn vị tiếp tục triển khai các nội dung, kiến thức đã thu nhận tới tất cả CBCNV tham gia quản lý vận hành với mục tiêu “Quản lý vận hành an toàn lưới truyền tải điện Quốc gia”.