Đối với vấn đề này , ông Phạm Mạnh Thắng - Cục trưởng Cục ĐTĐL cho biết sẽ hoàn thành trong năm nay và sang đầu năm 2011 đưa vào thử nghiệm, nếu có thể xong sớm sẽ thực hiện chính thức luôn trong năm 2011. Do đó, các đơn vị phát điện cần lưu ý chuẩn bị cho việc vận hành thử đạt hiệu quả. Theo ông Thắng, thị trường điện là công cụ để điều hành khâu phát điện nhưng sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ các mối quan hệ, cách thức vận hành khác. Vai trò của các đơn vị, cách tính toán lỗ lãi, tác động đến người tiêu dùng sẽ hoàn toàn khác so với hiện nay. Các doanh nghiệp cần chuẩn bị cơ sở hạ tầng, đặc biệt là năng lực để vận hành trong cơ chế thị trường. Hệ thống đo đếm, tính toán hóa đơn, sản lượng có phân chia ranh giới, một phần các nhà máy phải làm, một phần do các nhà phân phối hoặc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải làm. Ông Thắng cho rằng, để vận hành tự động toàn bộ thị trường điện còn cần nhiều thời gian nữa.
Cục Điều tiết điện lực (ĐTĐL) cho biết: mục tiêu chính phát triển thị trường điện nhằm đảm bảo cung cấp điện ổn định và thu hút đầu tư phát triển các nguồn điện, ổn định giá điện nói chung và giảm áp lực tăng giá điện. Theo Cục ĐTĐL, cơ chế giá điện hiện nay là chưa hợp lý, không điều chỉnh trong nhiều năm; giá bán lẻ điện bình quân khoảng 5,3 US cents/kWh quá thấp so với khu vực, không thể thu hồi được chi phí sản xuất kinh doanh ở các khâu phát điện, truyền tải và phân phối. Ngoài ra, do giá điện chưa phân tách được theo chi phí sản xuất điện ở các khâu nên chưa thu hút được vốn đầu tư vào ngành điện.
Theo cơ chế giá điện thị trường được Cục ĐTĐL xây dựng, giá điện sẽ được xem xét điều chỉnh tăng giảm định kỳ hàng năm và hàng quý, đồng thời giá bán điện được phân tách thành giá của 4 khâu: phát điện, truyền tải, điều hành - quản lý ngành và dịch vụ phụ trợ, phân phối và bán lẻ điện. Hàng năm, giá bán điện bình quân cơ sở được xây dựng và phê duyệt đảm bảo thu hồi được tổng chi phí cho sản xuất, kinh doanh điện trong năm của 4 thành phần cấu thành giá điện tương ứng với 4 khâu trên. Hàng quý, xem xét lại biến động của các yếu tố đầu vào so với thông số cơ sở để điều chỉnh tăng hoặc giảm giá bán điện bình quân quý.
Nhiều ý kiến tại hội thảo chủ yếu liên quan tới vấn đề tính giá điện. Về vấn đề này, ông Phạm Mạnh Thắng cho biết, hợp đồng mẫu hiện đang xây dựng có tính cho chế độ vận hành của các nhà máy khác nhau để ra giá trung bình năm của từng loại nhà máy sử dụng công nghệ riêng. Hiện chưa có thị trường điện cạnh tranh nên vẫn cần một mức giá ổn định chuẩn chung cho từng loại. Khi có sự cạnh tranh khuyến khích thì giá thị trường thực tế có thể thay đổi.
Theo ông Thắng, cơ chế giá điện đang xây dựng tương tự như giá xăng dầu, trong một thời gian quy định mà chi phí đầu vào chưa đạt mức cần phải điều chỉnh thì không nên điều chỉnh để đảm bảo ổn định giá. Giá bán điện về cơ bản phải thay đổi, khi thị trường điện hoạt động sẽ thấy giá thay đổi từng giờ, từng ngày. Còn giá truyền tải phân phối tùy theo cách thức điều tiết, có thể thay đổi một năm một lần hoặc vài năm một lần tùy theo mức độ. Giá đầu vào để hình thành giá điện là khâu phát điện hiện chiếm khoảng 70% trong giá thành điện, nếu nó thay đổi thì tất nhiên phải điều chỉnh giá đầu ra để thu hồi, nếu không các đơn vị kinh doanh sẽ bị lỗ.../.