Sự kiện

Dự án năng lượng nông thôn II: Sẽ về đích sớm

Thứ sáu, 23/10/2009 | 10:37 GMT+7

Sau gần 4 năm thực hiện với không ít khó khăn ban đầu ảnh hưởng đến tiến độ kế hoạch, đến thời điểm này, dự án Năng lượng nông thôn II (RE II) đã đi được ¾ chặng đường và đang bước vào giai đoạn nước rút… TCĐL đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Năng lượng - Phụ trách lưới điện - Điện nông thôn, Bộ Công Thương.

Công tác giám sát chất lượng công trình được thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước, nhưng vẫn cần sự giám sát của chính quyền và người dân.

Tiết kiệm… một nhà máy

PV: Thưa ông, mục tiêu quan trọng của RE II là nâng cao chất lượng điện áp, giảm tổn thất điện năng và 90% người dân nông thôn được sử dụng điện… Vậy đến thời điểm này, ông đánh giá kết quả đạt được thế nào?

Ông Nguyễn Văn Thành: Qua đánh giá tại các địa phương đã đóng điện cho thấy, chất lượng điện áp được cải thiện rõ rệt. Trước đây, ở một số vùng, chất lượng điện áp chỉ có 80-100 V, thì nay đã được đảm bảo. Bên cạnh đó, tổn thất điện năng giảm khá nhiều. Ở nhiều vùng, tỉ lệ tổn thất điện ở mức 20-35% đã giảm xuống còn trên dưới 10%.

Theo đánh giá của chúng tôi, lượng điện tổn thất giảm được của RE II tương đương với nhà máy điện có công suất khoảng 50 MW. Để xây dựng nhà máy này cần số vốn khoảng 1.300 tỷ đồng, chưa kể nhiên liệu, kinh phí vận hành hàng năm. Đó là một hiệu ích rất lớn mà Dự án mang lại, và nó có ý nghĩa rất đặc biệt trong tình hình nguồn năng lượng trên thế giới và trong nước đang ngày càng cạn kiệt.

PV: Được biết, giai đoạn đầu, Dự án bị chậm tiến độ do thiếu vốn và vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. Đến nay, những công tác này đã được giải quyết ổn thoả chưa, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Thành:Thực ra, những thông tin đó không hoàn toàn đúng với RE II. Lý do là 100 % lượng vốn cho mua sắm, xây lắp được hỗ trợ bởi Ngân hàng thế giới (WB). Song, công tác triển khai dự án thường chậm hơn tiến độ cấp vốn của WB. Những năm đầu, các tỉnh gặp khó khăn trong vấn đề vốn đối ứng, nhưng sau đó đã sắp xếp và đáp ứng đúng tiến độ.

Theo đánh giá của tôi, vấn đề thiếu vốn của các tỉnh không ảnh hưởng đáng kể đến tiến độ dự án, mà chủ yếu do công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) của phần trung áp. Phần GPMB cho hạ áp được triển khai tốt hơn. Lý do là lưới điện hạ áp phục vụ trực tiếp cho người dân, nên công tác vận động GPMB dễ được sự ủng hộ hơn. Nguyên nhân thứ hai là do một số tỉnh sắp xếp thời gian đấu thầu vào đúng thời điểm “bão giá”, nên nhiều công trình phải đấu thầu lại nhiều lần.

Hiện nay, các ban quản lý dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị kết thúc để bước vào phần dự án mở rộng. Đến thời điểm này, đã có 438 trong tổng số 974 xã đóng điện. Duy nhất mới có Cà Mau là tỉnh đã đóng điện 100 % xã. Các tỉnh đóng điện với số lượng 70-90 % xã trong dự án gồm Hà Nội, Hưng Yên, Phú Thọ, Thanh Hoá. Những tỉnh tiến độ chậm là Phú Yên, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bình Định, Thừa Thiên Huế, Nghệ An, Thái Nguyên. Mặc dù theo kế hoạch, dự án kết thúc vào năm 2011, nhưng dự kiến phần lớn các xã sẽ được đóng điện cuối năm nay.

Việc giám sát cần… tai mắt của dân

PV: Phần lớn số vốn dự án là vay của WB, đồng nghĩa với việc người dân sẽ phải đóng thuế để trả nợ. Vậy, công tác giám sát được tiến hành như thế nào để tránh gian lận, sai phạm, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Thành: Vốn của WB cho vay để phục vụ mục tiêu mua sắm thiết bị, vật liệu cho công tác xây dựng. Vốn đối ứng của Việt Nam để chi phí cho: Quản lý dự án, tư vấn, đền bù, GPMB. Theo quy định, để giải ngân được, phải có cơ quan quản lý vốn ngân sách của địa phương tham gia kiểm soát việc thực hiện trước khi trình lên WB. Bản thân các quy định về cấp và giải ngân vốn của WB cũng rất chặt chẽ. Đặc biệt, WB có những chuyên viên dầy dạn kinh nghiệp trong việc phối hợp, thực hiện nhiều dự án điện, đặc biệt là dự án RE I trước đây.

PV: Vậy còn công tác giám sát chất lượng công trình?

Ông Nguyễn Văn Thành: Hiện nay, công tác giám sát chất lượng công trình được thực hiện theo đúng quy định về xây dựng cơ bản của Nhà nước. Trách nhiệm đầu tiên thuộc về ban quản lý dự án các tỉnh và các đơn vị này đều thuê tư vấn tham gia giám sát kỹ thuật xây dựng.

Chức năng của Ban quản lý dự án Bộ Công Thương là điều phối toàn bộ dự án, chứ không kiểm tra, giám sát từng chương trình, địa bàn cụ thể. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng thực hiện chương trình hỗ trợ kỹ thuật và đôn đốc các đơn vị thực hiện đúng tiến độ đã cam kết với WB và những quy định của pháp luật trong vấn đề quản lý đầu tư.

Ngoài ra, nếu có phản ánh về chất lượng, tiến độ, quan hệ giữa các ban quản lý và nhà thầu lên Bộ Công Thương thì chúng tôi sẽ xử lý. Cá nhân tôi biết một số đơn vị làm công tác quản lý, giám sát dự án rất tốt. Khi nhà thầu chuyển cột về không đúng với kích thước quy định trong thiết kế, người dân và chính quyền địa phương đã phát hiện, phản hồi kịp thời, buộc nhà thầu phải thay cột đúng theo bản vẽ.

PV: Xin cảm ơn ông!
 

Dự án Năng lượng nông thôn II (RE II)

 

Tổng số vốn 580,1 triệu USD, trong đó:

- Vốn vay của WB 420 triệu USD dành cho mua sắm vật tư, thiết bị, công tác xây lắp và trợ giúp kỹ thuật.

- Vốn đối ứng của EVN và UBND các tỉnh: 113,6 triệu USD cho công tác chuẩn bị dự án, thiết kế, quản lý dự án, đền bù và các chi phí khác.

- Vốn góp của dân 46,5 triệu USD cho đấu nối lưới hạ áp vào các hộ gia đình.

- Dự án được phê duyệt tháng 10/2005 và dự kiến hoàn thành tháng 12/2011.

- Mục đích chính của dự án:

+ Nâng cao chất lượng điện năng.

+ Giảm tổn thất điện năng.

+ Nâng cao năng lực đội ngũ quản lý vận hành lưới điện ở nông thôn.

 
Theo: Tạp chí Điện lực