Toàn cảnh Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có ông Lê Hữu Hoàng - Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa cùng đại diện Lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, Khánh Hòa là một trong những địa phương có tiềm năng lợi thế về phát triển năng lượng tái tạo (điện mặt trời). Giai đoạn 2016 - 2021, trên địa bàn tỉnh có 9 dự án điện mặt trời đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt bổ sung quy hoạch với tổng quy mô công suất gồm 160MW và 400,9MWp. Các dự án điện năng lượng tái tạo này đã hoàn thành đầu tư và đưa vào vận hành thương mại, khai thác tối ưu công suất, tạo ra sản lượng điện đóng góp vào lưới điện quốc gia trong năm 2021. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 3.093 hệ thống điện mặt trời mái nhà đấu nối và ký hợp đồng mua bán điện với Công ty cổ phần Điện lực Khánh Hoà, tổng công suất lắp đặt 288,7 MWp.
Các dự án năng lượng tái tạo đã đóng góp tích cực đảm bảo ninh năng lượng quốc gia, tạo động lực lan toả để phát triển các ngành khác, phát huy hiệu quả sử dụng đất và nâng cao giá trị sử dụng đối với diện tích đất khô cằn; làm giảm phát thải 97,9% so với sử dụng điện truyền thống. Tuy nhiên, phát triển năng lượng tái tạo còn khá mới mẻ, hệ thống chính sách pháp luật chưa đầy đủ và đồng bộ; thời gian triển khai thực hiện dự án để hưởng cơ chế bán điện cũng như thủ tục hành chính quy định về phát triển rất nhiều và phức tạp dẫn đến quá trình phát triển dự án còn nhiều thiếu sót và khuyết điểm.
Ông Nguyễn Công Thắng, Giám đốc PTC3, phát biểu tại Hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị, Lãnh đạo PTC3 cho biết: Công ty Truyền tải điện 3 với nhiệm vụ quản lý vận hành lưới điện truyền tải. Trong những năm qua để giải tỏa công suất các nhà máy điện trên địa bàn tỉnh nên lưới truyền tải điện thường vận hành chế độ tải cao. Công ty thường phối hợp trao đổi với các Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Miền Trung, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Miền Nam để tính toán vận hành tối ưu lưới điện an toàn hiệu quả, áp dụng nhiều giải pháp kỹ thuật, lập kế hoạch sửa chửa bảo dưỡng lưới điện hợp lý, không để xảy ra sự cố để giảm tổn thất.
Trong giai đoạn từ năm 2016 - 2021, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, lưới điện truyền tải gồm 3 đường dây 220kV liên kết giữa tỉnh Khánh Hòa với tỉnh Phú Yên, ĐăkLăk, Ninh Thuận với chiều dài 231km, 2 TBA 220kV với công suất đặt là 750MVA (trong đó TBA 220kV Vân Phong được đưa vào vận hành cuối năm 2020).
Đến hết năm 2022, lưới điện truyền tải trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa do PTC3 quản lý vận hành bao gồm 03 TBA 220kV và 01 TBA 500kV với tổng dung lượng MBA là 3.153MVA và các đường dây 500kV & 220kV với tổng chiều dài khoảng 350km.
Các trạm biến áp và các đường dây truyền tải trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đảm bảo cung cấp điện ổn định, liên tục cho phụ tải tỉnh Khánh Hòa và các tỉnh lân cận. Hiện nay Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đang triển khai đầu tư xây dựng một số dự án lưới điện trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa và các tỉnh lân cận như: Đường dây 220kV Nha Trang - Tháp Chàm; đường dây 220kV Krông Buk - Nha Trang, nhưng đang gặp không ít khó khăn do vướng các thủ tục đấu tư xây dựng qua đất rừng tự nhiên và giải phóng mặt bằng trong thi công. Đồng thời, cũng gặp khó khăn trong việc cắt điện sửa chữa bảo dưỡng các đường dây và trạm biến áp đang vận hành, thường phải cắt điện vào ban đêm.
Ông Hà Quốc Trị - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa phát biểu kết luận Hội nghị.
Năm 2023 trung tâm điện lực Vân Phong có công suất 2x660MW đi vào vận hành (dự kiến năm 2023 Nhà máy Vân Phong I.1 vào vận hành 660MW, năm 2024 Vân Phong I.2 vào vận hành 660MW) cấp điện lên hệ thống 500kV. Để giải tỏa hết công suất các nhà máy điện và phục vụ cung cấp điện trong tỉnh Khánh Hòa trong giai đoạn hiện tại, cuối năm 2022, EVNNPT đã đóng điện vận hành Trạm biến áp 500kV Vân Phong (2x900MVA); Đường dây 500kV từ Vân Phong đi Vĩnh Tân (2 mạch) dài 173km; TBA 220kV Cam Ranh (2x250MVA).
Bên cạnh đó tỉnh Khánh Hòa vẫn là khu vực tiềm năng để phát triển các dự án điện năng lượng tái tạo. Theo kết quả Báo cáo khảo sát và đề xuất các địa điểm đầu tư dự án điện mặt trời trên địa bản tỉnh Khánh Hòa, dự kiến giai đoạn đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đầu tư xây dựng thêm 17 dự án năng lượng tái tạo với công suất 739MWp. EVNNPT đang tiếp tục triển khai nhiệm vụ đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải 220kV-500 kV, trong đó thực hiện một số dự án trọng điểm trên địa bàn Khánh Hòa như: TBA Vạn Ninh với tổng công suất 250MVA; Nâng công suất TBA 220kV Vân Phong lên 2x250MVA; Đưa vào vận hành đường dây Nha Trang - Tháp Chàm 2 mạch dài 88 km; Đường dây Nha Trang - KrôngBuk mạch 2 dài 150 km.
Tại Hội nghị, để thực hiện hiệu quả chính sách pháp luật về phát triển năng lượng, UBND tỉnh và các sở, ngành, đơn vị liên quan kiến nghị Chính phủ, bộ, ngành Trung ương một số nội dung: Ban hành kịp thời và đồng bộ hệ thống văn bản pháp luật về quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành các công trình điện và năng lượng; nghiên cứu, ban hành quy định chặt chẽ về việc lựa chọn chủ đầu tư công trình điện và năng lượng; ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia, các tiêu chuân chuyên ngành liên quan đến công tác thiết kế, vận hành các nguồn điện năng lượng tái tạo…
Phát biểu kết luận, ông Hà Quốc Trị thống nhất với những kết quả tích cực trong việc thực hiện các chính sách pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021 trên địa bàn tỉnh cũng như những tồn tại, bất cập phát sinh từ hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện và việc phát triển ồ ạt các dự án năng lượng tái tạo. Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị Văn phòng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp thu các ý kiến đóng góp của UBND tỉnh, các sở, ngành và đơn vị liên quan; phối hợp với Sở Công Thương tổng hợp, phân loại các kiến nghị đề xuất liên quan đến sửa đổi chính sách pháp luật, quy hoạch để đoàn trình Quốc hội xem xét.