Sự kiện

Hà Nội mở rộng: Điện nông thôn phải được giải quyết cơ bản, ổn định lâu dài

Thứ tư, 17/9/2008 | 09:23 GMT+7
Cùng với việc mở rộng địa giới hành chính cho Thủ đô, Công ty Điện lực Hà Nội đã tiến hành tiếp quản để quản lý cấp điện cho 348 phường, thị trấn, xã trên địa bàn của toàn bộ tỉnh Hà Tây (cũ), huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) và 4 xã thuộc tỉnh Hòa Bình.

Trong đó, số phường, thị trấn, xã được ngành điện bán điện trực tiếp đến hộ sử dụng rất ít, phần lớn phải mua điện qua tổ chức, cá nhân trung gian, vì vậy, từ nhiều năm nay khách hàng phải chấp nhận tình trạng tuỳ tiện nâng giá điện của cai thầu nếu muốn có điện dùng. Bức xúc trước tình trạng trên, đơn thư của khách hàng được gửi đến các cơ quan chức năng của tỉnh Hà Tây, thậm chí lên cấp chính quyền cao nhất nhưng hầu như không có hồi âm.

Ai hưởng lợi từ giá điện chênh lệch?

Trong khi Nhà nước luôn nỗ lực đầu tư xây dựng các trạm biến áp, đường dây truyền tải với số vốn hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm để đưa điện về nông thôn với chính sách giá bán ưu đãi 429 đ/kWh (cho ánh sáng sinh hoạt), nhằm góp phần cải thiện đời sống văn hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn, thì nhiều cá nhân, tổ chức trung gian chỉ đầu tư với số vốn rất nhỏ, thậm chí không đầu tư đã tự ý nâng giá bán điện lên cao để kiếm lời làm ảnh hưởng đến sự phát triển khu vực nông thôn và uy tín của Chính phủ.

 

Điện nông thôn phải được giải quyết cơ bản, ổn định lâu dài.
Tỉnh Hà Tây(cũ) là một trong những địa phương điển hình về tình trạng trên. Hiện tại, trên địa bàn Hà Tây có 2 thành phố là Hà Đông, Sơn Tây và 12 huyện nhưng có tới 516 tổ chức quản lý điện nông thôn mua điện của Điện lực Hà Tây để bán đến hộ sử dụng. Là địa phương có nhiều xã làng nghề (201 làng nghề/99 xã, thị trấn), nhưng giá bán điện bình quân của Hà Tây chỉ đạt 643đ/kWh, đứng gần cuối cùng trong 25 tỉnh, thành phố phía Bắc và thấp hơn giá thành sản xuất điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Theo tính toán của EVN, với sản lượng điện năng tiêu thụ năm 2007 của toàn tỉnh Hà Tây, EVN đã phải bù khoảng 300 tỷ đồng mới đạt mức giá sản xuất điện.

Ở xã Phú Lương- Thành  phố Hà Đông có đến gần 50% số hộ phải chịu mua điện ánh sáng sinh hoạt tới giá 900đ/kWh, trong khi đó ngành Điện chỉ thu được 429đ/kWh (kể cả VAT), chưa kể các khoản đóng góp hàng tháng của các hộ sử dụng điện, vì vậy, thực chất giá điện phải trả cho 1 kWh còn cao hơn nhiều.

Huyện Hoài Đức có 20 xã, thị trấn thì có tới 12 xã làng nghề, sản lượng trung bình/tháng đạt khoảng 13,25 triệu kWh, nhưng giá bán điện bình quân của Chi nhánh điện Hoài Đức chỉ đạt 593đ/kWh. Song, người dân sử dụng điện ở khu vực này vẫn “miệt mài” viết đơn khiếu nại về việc phải mua điện giá cao với 1.300đ/kWh (đối với khách hàng sử dụng trên 100kWh). Các hộ sản xuất phần lớn phải mua điện của các tổ chức trung gian với giá từ 1.300đ/kWh đến 1.600đ/kWh. Cao hơn nhiều so với giá bán cho sản xuất do Chính phủ quy định bán đền hộ là 984,5đ/kWh (đã có VAT). Chỉ tính riêng các hộ sản xuất tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn, mỗi năm phải trả thêm một khoản tiền điện cho các tổ chức, cá nhân bán điện trung gian từ 25-30 tỷ đồng.

Rõ ràng, ở Hà Tây, hầu hết người dân nông thôn không được hưởng chính sách ưu đãi về giá điện của Chính phủ ban hành. Nhà nước- đại diện là ngành Điện cũng không được thu đúng thu đủ. Vậy, được hưởng lợi từ sự chênh lệch giá bán điện với số tiền lên tới hàng trăm tỷ đồng mỗi năm là những tổ chức, cá nhân kinh doanh điện trung gian đang tồn tại ở Hà Tây.

Hạn chế từ công tác quản lý

Mặc dù công tác chuyển đổi mô hình quản lý điện nông thôn của Hà Tây đã hoàn thành được gần 5 năm nhưng phần lớn các tổ chức quản lý điện nông thôn vẫn không thực hiện việc mở đầy đủ các loại sổ sách theo dõi, hoạch toán tài chính, ký hợp đồng mua bán điện đến hộ dân theo quy định của Bộ Công Thương. Một số nơi đã thực hiện ký Hợp đồng mua bán điện đến hộ nhưng sơ sài và đưa thêm vào hợp đồng các nội dung như sử dụng nước sinh hoạt…

Một trong những nguyên nhân để tồn tại tình trạng trên trong nhiều năm là do các cấp chính quyền địa phương chưa quan tâm đến hoạt động của các tổ chức bán điện, thậm chí có nhiều nơi còn giao khoán và thả nổi cho thợ điện các thôn quản lý bán điện theo kiểu lời ăn lỗ chịu, hàng tháng các thợ điện đóng góp trả cho xã một khoản tiền tuỳ theo sản lượng điện năng tiêu thụ trong tháng. Có địa phương mở sổ sách, hoạch toán kinh doanh bán điện nhưng lại không công khai kết quả hạch toán và báo cáo cho các cơ quan chức năng theo quy định. Chính vì vậy, công tác quản lý thu thuế đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh điện năng ở nông thôn cũng gặp rất nhiều khó khăn. Do không cập nhật số liệu và hạch toán kinh doanh bán điện một cách trung thực, nên cơ quan thuế không có căn cứ chính xác để quản lý thu thuế, theo đó thuế môn bài, thuế giá trị gia tăng và thế thu nhập doanh nghiệp cũng không phản ảnh đúng khoản mà đơn vị kinh doanh phải nộp. Con số này thường thấp hơn nhiều so với thực tế, đã gây thất thu cho ngân sách nhà nước. Đồng thời gây ra sự mất công bằng giữa các thành phần kinh tế và giữa các tổ chức kinh doanh trong việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế với Nhà nước. Điều này  trả lời một phần cho câu hỏi: Vì sao Hà Tây chỉ có 327 phường, xã, thị trấn nhưng có tới 516 tổ chức, cá nhân làm trung gian bán điện tồn tại./

Thanh Mai