Sự kiện

Ông Hồ Sỹ Bảo – Trưởng ban Quản lý Dự án Thủy điện Trung Sơn: “Quyết tâm cao nhất huy động nguồn vốn mới”

Thứ ba, 16/9/2008 | 10:41 GMT+7
Là công trình nằm trong Quy hoạch điện VI, Nhà máy Thủy điện Trung Sơn được xây dựng trên bậc thang thủy điện Sông Mã, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án và giao nhiệm vụ phát điện vào năm 2012.

Công trình thuộc địa bàn xã Trung Sơn, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa, cách thành phố Thanh Hóa 195 km về phía Tây nam với 4 tổ máy có tổng công suất 260 MW, điện lượng trung bình 1.055,05 triệu kWh/năm. Tổng mức đầu tư cho công trình là 6.200 tỷ đồng. Khi công tác ngăn sông của Thủy điện Trung Sơn được hoàn thành, sẽ tạo ra một hồ chứa với dung tích trên 112 triệu m3 nước, góp phần điều tiết dòng chảy trong mùa lũ cho vùng hạ du và cung cấp nước vào mùa khô, làm tăng độ ẩm trong khu vực, tạo cho thực vật và sinh vật sống tại đây có điều kiện để phát triển thuận lợi, nhằm cải tạo môi trường.

 Khu vực dự kiến xây dựng công trình Thủy điện Trung Sơn

Với tầm quan trọng của công trình này, tháng 11/2007, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã ra Quyết định số 07/QĐ về việc thành lập Ban quản lý dự án (BQLDA) Thủy điện Trung Sơn. Hiện nay, BQLDA đang triển khai các thủ tục vay vốn của Ngân hàng Thế Giới (WB). Đây là nhiệm vụ quan trọng số một của BQLDA. Sự thành bại của việc vay vốn WB quyết định các mốc tiến độ dự án đã đề ra, bởi trong bối cảnh tài chính của EVN rất căng thẳng, khả năng cấp vốn đối ứng chỉ đảm bảo được 15% thì WB được xác định là kênh huy động vốn khả thi duy nhất cho Dự án. Về vấn đề này, Tạp chí Điện lực đã có cuộc trao đổi với ông Hồ Sỹ Bảo – Trưởng ban QLDA Thủy điện Trung Sơn.

 

PV: Xin ông cho biết rõ hơn về lý do EVN lựa chọn WB làm kênh huy động vốn cho Dự án Thủy điện Trung Sơn?

 

Ông Hồ Sỹ Bảo: Thời gian đầu, EVN chủ định huy động vốn cho Dự án bằng kênh tín dụng thương mại trong nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình lạm phát tăng cao và thị trường tài chính, tiền tệ biến động mạnh, lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại có thời điểm lên tới trên 20% đối với VND và 7% đối với USD, cộng với tình hình tài chính của EVN rất căng thẳng, nếu vẫn cố gắng vay để thực hiện Dự án thì hiệu quả sẽ không cao. Do vậy, EVN đã quyết định huy động 85% vốn vay với lãi suất ưu đãi cho Dự án từ nguồn vốn hỗ trợ tái thiết và phát triển của WB với tổng giá trị 330 triệu USD.

 

PV: Vậy lãi suất là bao nhiêu và hình thức vay thế nào?

Ông Hồ Sỹ Bảo: Việc vay vốn được thực hiện theo hình thức IBRD (vốn vay thương mại) có lãi suất khoảng 4,5 - 5%, thấp hơn vay của các ngân hàng thương mại khoảng 2 - 2,5%. Lãi suất này được tính bằng Libo (lãi suất bình quân 3 tháng liên tục của liên ngân hàng trên thị trường Luân Đôn) cộng với phí bảo lãnh hoặc phí vay lại của Bộ Tài chính. Điểm đáng chú ý của việc vay vốn WB cho Dự án Thủy điện Trung Sơn là nếu việc vay vốn thành công thì đây sẽ là lần đầu tiên WB hỗ trợ vốn cho Việt Nam triển khai một dự án nguồn điện (thủy điện). Và đây cũng sẽ là lần đầu tiên Việt Nam sử dụng vốn vay IBRD bên cạnh nguồn vốn ODA. Tuy nhiên, việc vay vốn của WB không hề đơn giản và chúng tôi gặp không ít khó khăn.

PV: Khó khăn đó là gì, thưa ông?

Ông Hồ Sỹ Bảo: Đó là phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định, tiêu chuẩn quốc tế của WB về các vấn đề tác động môi trường, xã hội của vùng dự án như: Nguồn nước, sinh vật thủy sinh, tiếng ồn…; chính sách đền bù, di dân tái định cư, đảm bảo ổn định đời sống và sản xuất của đồng bào dân tộc bị ảnh hưởng… Vài năm trước đây, WB cũng đã từng nghiên cứu cho ngành Điện vay vốn thực hiện Thủy điện Tuyên Quang và Thủy điện Hàm Thuận – Đa My nhưng không thành công do phía Việt Nam chưa thể đáp ứng được các quy định của họ, đặc biệt, như tôi đã nói ở trên là các quy định về môi trường và xã hội. Trình tự, thủ tục vay vốn cũng rất phức tạp và mất nhiều thời gian do EVN không ký trực tiếp với WB mà vay thông qua hiệp định vay vốn giữa Chính phủ với WB. Sau đó, EVN sẽ ký hợp đồng với Bộ Tài Chính để vay lại số vốn đó. Hơn nữa, vốn vay IBRD lại rất mới mẻ, Chính phủ chưa có cơ chế quản lý, từ trước tới nay mới chỉ quen với cơ chế quản lý vốn ODA và đối với WB, bất cứ nảy sinh sai lệch nào đều phải cần có thời gian  thẩm định lại. Một khó khăn nữa là sự bất hợp lý, thiếu thực tế của một số yêu cầu từ WB đối với chúng ta về tiêu chuẩn quốc tế môi trường, xã hội. Họ yêu cầu phải đảm bảo cả một số tiêu chuẩn mà chỉ các nước phát triển mới có thể đáp ứng được như vấn đề an toàn đập, sạt lở đất, trong khi đó Việt Nam là nước mới thoát nghèo. Chúng tôi, một mặt cố gắng đáp ứng tối đa các yêu cầu, một mặt thuyết phục, giải thích để họ nhận thức rõ ràng về những bất hợp lý trong áp dụng một số tiêu chuẩn của WB ở Việt Nam.

Mặc dù có nhiều thử thách trong quá trình vay vốn của WB nhưng lãnh đạo EVN đã chỉ đạo và chúng tôi cũng quyết tâm cao nhất huy động bằng được nguồn vốn mới này, đảm bảo đủ vốn cho Dự án và góp phần “hạ nhiệt”  nhu cầu vốn đầu tư của EVN. Có một điểm thuận lợi cơ bản là phía WB cũng thể hiện thiện chí hỗ trợ vốn cho EVN phát triển công trình nguồn điện đầu tiên. Động thái chứng minh điều đó là năm 2007, WB đã đặt vấn đề hỗ trợ ngành Điện một Dự án hỗ trợ dịch vụ kỹ thuật phát triển nguồn điện với khoản tiền không hoàn lại 1 triệu USD. Nội dung dự án bao gồm nghiên cứu về vấn đề xã hội, môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, các nguồn tài nguyên, văn hóa, quản lý lán trại và an toàn đập…tại khu vực chịu ảnh hưởng của dự án nguồn điện. EVN đã giao cho BQLDA Thủy điện Trung Sơn giải ngân trực tiếp nguồn vốn này. Như vậy, WB không những là người cho chúng ta vay mà còn hỗ trợ tiền để chúng ta đáp ứng các điều kiện vay vốn của họ.

PV: Cụ thể, WB kỳ vọng gì ở việc tài trợ 1 triệu USD không hoàn lại và 330 triệu USD  cho EVN vay trong tương lai?

Ông Hồ Sỹ Bảo: WB muốn ngành Điện Việt Nam triển khai một dự án mẫu về phát triển nguồn điện đảm bảo các quy định và tiêu chuẩn về môi trường, xã hội, quản lý kỹ thuật… của WB. Nếu thành công, dự án mẫu đó sẽ vừa là khung tiêu chuẩn, vừa là cơ sở để WB tiếp tục cho Việt Nam vay vốn phục vụ các dự án phát triển nguồn điện sau này. EVN đã nhận thức được điều này và cho phép Dự án Thủy điện Trung Sơn làm mẫu. Sự thành công của dự án này sẽ tạo tiền đề để tiếp tục huy động vốn của WB cho dự án Thủy điện Lai Châu và các dự án khác.

PV: Tình hình giải ngân số tiền tài trợ trên và thủ tục vay vốn WB đến nay ra sao, thưa ông?

Ông Hồ Sỹ Bảo: Để giải ngân khoản hỗ trợ 1 triệu USD này, có khoảng 32 hợp đồng cần được ký kết với các chuyên gia tư vấn, nghiên cứu, đánh giá Dự án Thủy điện Trung Sơn là cá nhân và các công ty tư vấn của nước ngoài như Canada, Anh, Mỹ, tùy theo từng ngành nghề. Việc tìm kiếm các chuyên gia thường qua mạng Internet, khi tìm được sẽ ký hợp đồng hợp tác với họ có sự hỗ trợ của WB. Tháng 6/2008, BQLDA đã hoàn thành hồ sơ tiền thẩm định và được 10 chuyên gia của WB đánh giá tốt. Hiện, Ban đang nỗ lực cao độ hoàn thiện hồ sơ thẩm định để đến tháng 10/2008, đoàn chuyên gia WB sẽ tiến hành quá trình thẩm định chính thức Dự án (dự kiến kéo dài hơn 1 tháng). Nếu công tác thẩm định suôn sẻ thì sang năm 2009, phía Việt Nam và WB có thể bắt tay vào đàm phán, ký hiệp định vay vốn, mở đường cho việc tổ chức khởi công công trình vào cuối năm 2009.

PV: Cảm ơn ông!  

Ông Nguyễn Hồng Ngân – Ngân hàng Thế giới : “Cùng nỗ lực xúc tiến”

Chúng tôi cho rằng sự thành công của dự án lần này sẽ góp phần giúp EVN giảm “cơn khát” vốn đầu tư. Chúng tôi cũng ghi nhận nỗ lực của Ban QLDA Thủy điện Trung Sơn thời gian qua về xây dựng, hoàn thiện hồ sơ thẩm định, tuân thủ các quy định, luật của WB. Về phần mình, trên tinh thần hợp tác truyền thống, WB không có lý do gì không tạo điều kiện tốt và luôn nỗ lực trong quá trình xúc tiến cho vay để Dự án Thủy điện Trung Sơn được sớm hiện thực hóa. Chúng tôi cũng hy vọng, sau khi thỏa thuận vay vốn hoàn tất, dự án cần được triển khai càng sớm càng tốt, hạn chế sự chi phối tiến độ ở một vài khâu trung gian nhằm tiết kiệm thời gian và các nguồn lực.

Theo TCĐL số 8/2008