Sự kiện

Hoạt động tiết kiệm năng lượng- Còn thiếu chế tài và kinh phí

Thứ tư, 25/6/2008 | 10:15 GMT+7

Tuần qua, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Ban Chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nhằm đánh giá kết quả hoạt động năm 2007, 6 tháng đầu năm 2008; đồng thời bàn kế hoạch hoạt động 6 tháng cuối 2008 và năm 2009.

Tiết kiệm điện ở NM sản xuất Nhôm ASIAN (Quảng Bình)

Hoạt động còn thiếu chế tài, kinh phí

Theo báo cáo tại Hội nghị, năm 2007, Chương trình đã thu được kết quả rất khả quan. Ngoài việc tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Chương trình còn tổ chức thành công cuộc thi Tòa nhà tiết kiệm năng lượng (TKNL), haonf thành triển khai các mô hình trình diễn thiết bị đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời và khí sinh học quy mô công nghiệp, dán nhãn tiết kiệm năng lượng … Hoàn thành khảo sát, kiểm toán, xây dựng chương trình TKNL cho các doanh nghiệp. Phối hợp với Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) trong việc lắp đặt các thiết bị điều chỉnh động cơ công suất lớn để tiết kiệm và ổn định mạng cung cấp điện với tổng công suất lắp đặt thấp hơn. Nhờ đó, tiêu thụ điện năng toàn tập đoàn năm 2006 đã giảm 22.000.000 kWh. Tại các mỏ than lộ thiên lớn, lượng điện tiết kiệm được khoảng 10%. Với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), năm 2007, chương trình tiết kiệm điện triển khai trên cả nước đã tiết kiệm 750 triệu kWh, bằng 128,8% so với mức chỉ tiêu kế hoạch giao. Bên cạnh đó, chương trình còn phối hợp với các Bộ Giao thông – vận tải, Xây dựng, Giáo dục … thực hiện các chương trình TKNL theo các hợp đồng đã ký kết. Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải đã nghiên cứu, chế tạo thử nghiệm nồi hơi sử dụng năng lượng khí xả trên tàu thủy nhằm mục tiêu tiết kiệm nhiên liệu. Bộ Xây dựng áp dụng các giải pháp về quy hoạch xây dựng đô thị, thiết kế kiến trúc; hướng dẫn sử dụng các loại thiết bị điều hòa không khí trung tâm, hệ thống đun nước nóng; các loại vật liệu, hướng tới mô hình tòa nhà TKNL…

Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng, hiện nay, hiệu suất sử dụng năng lượng của Việt Nam còn rất cao. Để tăng 1% GDP cần phải tăng tới 2% điện năng. Do vậy, giá thành phẩm còn cao và lãng phí năng lượng còn phổ biến. Các kết quả kiểm toán năng lượng tại hơn 200 doanh nghiệp trong nước cũng cho thấy các doanh nghiệp có thể tiếp tục TKNL tới 20-30%. Khung pháp lý điều chỉnh các hoạt động TKNL chưa hoàn chỉnh, chưa có chế tài xử phạt nghiêm khắc những cá nhân, tổ chức sử dụng lãng phí năng lượng. Bên cạnh đó, với mục tiêy giai đoạn 2006-2010 tiết kiệm từ 3-5% tổng nhu cầu năng lượng thì nguồn tài chính 30 tỷ đồng/năm là quá ít.

Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện tiết kiệm năng lượng

Năm 2008, với nguồn kinh phí 36 tỷ đồng (trong đó kinh phí sự nghiệp là 22 tỷ đồng và kinh phí đầu tư là 14 tỷ đồng), Chương trình sẽ xây dựng thêm một số trung tâm TKNL mới tại một số địa phương )Hải Phòng, Đà Nẵng, Phú Thọ); đào tạo, tập huấn cho cácn bộ quản lý năng lượng. Tiếp tục thực hiện Dự án triển khai cuộc vận động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong mỗi hộ gia đình; tổ chức cuộc thi Tòa nhà TKNL lần II-2008; tổ chức Hội chợ - Triển lãm các giải pháp và sản phẩm TKNL tại Tp.HCM. Phát triển, phổ biến các trang thiết bị hiệu suất cao, TKNL, từng bước loại bỏ các trang thiết bị hiệu suất thấp. Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, các tòa nhà, trong giao thông vận tải … Để thực hiện tốt chương trình TKNL, nhiều chuyên gia đề nghị xây dựng định mức về nhiệt độ tối đa, tối thiểu tại các công sở, cơ quan hành chính sự nghiệp. Xây dựng hoàn chỉnh Luật TKNL để có cơ sở pháp lý cũng như chế tài xử phạt thích đáng nhằm triển khai các hoạt động TKNL rộng rài và hiệu quả hơn.

Theo kế hoạch, từ nay đến hết năm 2009, chương trình tiếp tục đào tạo, tập huấn về TKNL cho cán bộ quản lý, kỹ thuật của các đơn vị; hỗ trợ các ngành sản xuất công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng TKV, EVN, Vinashin, các tổng công ty: Thép, Xi măng, Hóa chất và một số doanh nghiệp bia-nước giải khát … thực hiện cac giải pháp TKNL. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin rộng rãi để nâng cao nhận thức của xã hội về TKNL. Tiếp tục mở rộng Chương trình dán nhãn TKNL thí điểm cho các sản phẩm điều hòa không khí, tủ lạnh và bóng đèn compact. Tuy nhiên, để chương trình triển khai được đồng bộ, Văn phòng TKNL kiến nghị tăng nguồn kinh phí để triển khai các dự án đã đăng ký vì nguồn kinh phí hỗ trợ hiện nay quá thấp. 

Theo báo Công Thương