Sự kiện

Xây dựng cơ chế giá điện hợp lí – nhìn xa, trông rộng

Thứ ba, 24/6/2008 | 13:41 GMT+7

Qua nghiên cứu tìm hiểu giá điện của một số nước, chúng tôi thấy rằng, từ trước đến nay, biểu giá điện ở nước ta chưa được tính đúng với những chi phí quá khứ trong quá trình sản xuất - truyền tải và tiêu thụ điện. Hơn nữa, biểu giá điện của chúng ta còn quy định giá điện thấp hơn giá thành. Khi quy định giá điện thấp hơn giá thành, Nhà nước phải bù lỗ từ ngân sách. Việc bù lỗ kéo dài làm cho sai lệch tín hiệu cung - cầu, dẫn đến không khuyến khích được việc tiết kiệm trong tiêu dùng, sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên của quốc gia, và hơn nữa làm cho bản thân ngành Điện hoạt động không hiệu quả như mong muốn.

Cần sớm có biểu giá điện mới để giảm gánh nặng bù lỗ cho EVN và thu hút đầu tư

Vì sao phải bù chéo?

Nhà nước không thể bù lỗ mãi nên buộc phải sử dụng biện pháp bù chéo giữa các nhóm khách hàng. Tại các nước đang phát triển, tỷ lệ người nghèo trong xã hội còn cao, nếu đưa giá điện phản ánh đúng quan hệ cung - cầu của thị trường thì nhóm khách hàng nghèo không thể chịu được. Bởi vậy, phải áp dụng biện pháp bù chéo giá giữa các nhóm khách hàng khi xây dựng cơ cấu biểu giá điện và nước ta cũng không nằm ngoài ngoại lệ đó. Trong khi thu nhập của người dân nói chung còn thấp thì việc xây dựng một giá điện sao cho tất cả khách hàng đều có thể “chịu được” là một vấn đề chưa thực hiện được trong ngày một ngày hai. Ở các nước, giá điện sinh hoạt thường cao hơn so với giá dành cho các đối tượng khách hàng khác, như: Phillippines là 22,5 UScent/kWh, Nhật Bản là 17 UScent/kWh, Austria là 10 UScent/kWh, Bồ Đào Nha, Nga là 9 UScent/kWh, ..... (nguồn: EVN). Chính vì vậy, đối với giá điện bán lẻ cho sinh hoạt của nước ta, khách hàng càng mua nhiều điện càng phải trả với giá cao hơn (giá lũy tiến). Điều này khác với các sản phẩm hàng hóa khác là càng mua nhiều càng được khuyến khích, giảm giá, có thưởng. Thời gian qua, ngoài việc kiểm soát giá điện, Nhà nước đã xây dựng một biểu giá điện sinh hoạt lũy tiến là một biện pháp tình huống cần thiết. Đây là chính sách nhằm cứu hộ nhóm người nghèo trong xã hội, đảm bảo nhu cầu sử dụng điện tối thiểu cho những người có thu nhập thấp. 

Quyết định số 276/2006/QĐ-TTg ngày 04/12/2006 của Thủ tướng Chính phủ về giá bán điện đã quy định rõ lộ trình, các nguyên tắc điều chỉnh giá bán điện: Biểu giá bán lẻ được áp dụng từ 1/1/2007 và tiếp tục được điều chỉnh để từ năm 2010, giá bán lẻ điện thực hiện trên cơ sở giá thị trường, được xây dựng với những nguyên tắc mới; lộ trình điều chỉnh giá điện phải đảm bảo từng bước thực hiện chủ trương xóa bao cấp giá điện đối với sản xuất, đồng thời bảo đảm để doanh nghiệp tính đúng, tính đủ chi phí sản xuất, minh bạch trong hạch toán kinh tế, kể cả các doanh nghiệp sản xuất điện. Điều này đã được thể hiện rõ trong việc xóa bỏ giá bán điện lẻ đặc thù đối với một số ngành như luyện thép, sản xuất nước sạch, u rê, ... Luật Điện lực đã đề cập ‘’Giảm dần và tiến tới xoá bỏ việc bù chéo giữa giá điện sản xuất và giá điện sinh hoạt ...’’. Tại kỳ họp Quốc hội thứ Nhất khóa XII, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội đã nêu rõ: Giá điện phải được vận hành trong cơ chế thị trường, phải được tính đúng, tính đủ.    

Mua cao bán thấp - EVN bù lỗ

Tuy nhiên, kết quả SXKD của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) năm 2007-2008 khi thực hiện Quyết định số 276/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về giá bán điện thực tế như sau: Tổng sản lượng điện năng sản xuất và mua ngoài là 66,74 tỷ kWh, trong đó: các nhà máy của EVN sản xuất 34,234 tỷ kWh (51,4%); các Công ty cổ phần sản xuất 15,84 tỷ kWh (23,7%); mua của các nhà máy BOT và IPP 16,66 tỷ kWh (24,9%). Như vậy, EVN mua tổng cộng 32,5 tỷ kWh (chiếm tỷ lệ 48,6%), với giá bình quân 770 đồng/kWh. Nếu tính cả chi phí phân phối, truyền tải và tổn thất thì giá thành cuối cùng đến nơi tiêu thụ là 1.073 đồng/kWh. So với giá bình quân năm 2007, EVN phấn đấu đạt 787 đồng/kWh, thì cứ bán 1 kWh điện năng mua ngoài EVN phải bù lỗ 285 đồng/kWh và với 16,66 tỷ kWh (mua của BOT và IPP) EVN phải bù lỗ 4.000 tỷ đồng.

Năm 2008, dự kiến tổng sản lượng điện năng sản xuất là 77,2 tỷ kWh, trong đó: Các nhà máy của EVN dự kiến sản xuất 36,836 tỷ kWh (47,72%); 52,28% còn lại EVN sẽ phải mua của các công ty cổ phần, các nhà máy BOT và IPP với giá bình quân 838,4 đồng/kWh. Nếu tính cả chi phí phân phối, truyền tải và tổn thất thì giá thành cuối cùng đến nơi tiêu thụ là 1.161 đồng/kWh. So với giá bình quân năm 2008, EVN phấn đấu 860 đồng/kWh, thì cứ bán 1 kWh điện năng mua ngoài EVN phải bù lỗ 301,1 đồng/kWh và với 24,110 tỷ kWh (mua của BOT và IPP), EVN phải bù lỗ 6.000 tỷ đồng (riêng dự kiến mua của Hiệp Phước sẽ phải bù lỗ 2.063 tỷ đồng và Cà Mau phải bù lỗ 2.109 tỷ đồng). Cao điểm phải huy động các nguồn điện có giá thành cao như tua bin khí dầu và diesel giá thành thanh cái là 4.447 đồng/kWh, giá thành đến hộ là 5.151 đồng/kWh; tương tự nhiệt điện dầu có giá thành thanh cái 2.714 đồng/kWh, giá thành đến hộ 3.237 đồng/kWh (nguồn: EVN 2007-2008).

Với tình hình trên, nếu trong thời gian tới giá điện không có gì thay đổi thì mức lỗ của EVN sẽ lên tới con số nào? Xem ra cũng khó có thể dự báo được điều gì sẽ xảy ra khi nhà cung cấp điện phải hoạt động trong tình trạng “mua cao, bán thấp” và chịu lỗ kéo dài như vậy. Vấn đề này cũng đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá là “hạch toán không đúng nguyên tắc”. Hơn thế, “tiếp tục bao cấp sẽ không thể cân đối nền kinh tế, gây ra lợi nhuận ảo cho những ngành khác”. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều ngành sản xuất không nỗ lực phấn đấu giảm tiêu hao điện năng trong quá trình làm ra sản phẩm bằng việc đầu tư công nghệ mới hay sắp xếp lại quy trình sản xuất hợp lý. Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định và trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội như trên, nhưng trong thực tế hiện nay vẫn còn doanh nghiệp tại tỉnh Đồng Nai được áp dụng giá điện đặc thù để được hưởng lợi từ chênh lệch giá điện bao cấp của Nhà nước.

Hệ quả của bù chéo

Đối với các hộ sinh hoạt, việc giá điện ở kWh 101 trở lên được xem là một chính sách xã hội trước mắt để các hộ khá giả hơn, tiêu dùng nhiều hơn thì chi trả nhiều hơn trong điều kiện nguồn điện quốc gia chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Tuy nhiên, vấn đề này cần được nghiên cứu tiếp để khuyến khích nhiều người hơn trong xã hội tham gia cùng đất nước sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên, đồng thời giảm sức ép cho Chính phủ trong việc điều tiết biểu giá điện. Trước đây, Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã nghiên cứu và khuyến nghị rằng, trợ giúp số người nghèo ở nước ta chỉ nên ở khoảng 30 kWh/tháng thay vì 100 kWh/tháng như trong biểu giá điện hiện nay đang áp dụng. Nếu tiếp tục kéo dài bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng như hiện nay sẽ tạo các tín hiệu giả tạo về cung - cầu, gây bất lợi cho các nhóm khách hàng khác như nhóm khách hàng sản xuất và dịch vụ,... Họ đang phải chịu mức giá điện cao hơn để bù chéo cho các nhóm khách hàng trên, làm ảnh hưởng xấu đến tài chính của doanh nghiệp và không kích thích, thu hút được vốn đầu tư vào các lĩnh vực này. Mặt khác, xét thực tế trong thời gian qua tại khu vực nông thôn, người nông dân đã không được hưởng lợi từ chính sách giá điện của Nhà nước; một số tổ chức hoặc cá nhân đã thu được số tiền từ khoản chênh lệch giá điện, gây phức tạp thêm cho tình hình cung ứng và sử dụng điện ở nông thôn. Tại Điều 31 và 62 của Luật Điện lực quy định “giá bán lẻ điện nông thôn theo hợp đồng mua bán điện có thời hạn do các đơn vị Điện lực quyết định nhưng không được vượt quá khung giá, biểu giá đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt”. Do vậy, để đảm bảo cho các tổ chức kinh tế bình đẳng trong quản lý và kinh doanh bán điện ở nông thôn, Nhà nước ban hành khung giá bán điện và không nên trợ giá tràn lan. Nên chăng, đối với hộ nông thôn trước mắt chỉ nên trợ giá cho 50 kWh đầu tiên. Một thực tế hiện nay, đã có nhiều nhà sản xuất đã chuyển về khu vực nông thôn tổ chức sản xuất để hưởng giá 390 đ/kWh.

Cần sớm có biểu giá điện mới để thu hút đầu tư

Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, trong những năm tới, nhu cầu về vốn phát triển điện khoảng 4 tỷ USD/năm. Với thực tế thị trường điện cạnh tranh đang được hình thành và bản thân tình hình tài chính của EVN theo cơ chế giá điện như hiện nay sẽ khó có thể “kham nổi” mức đầu tư này, thì việc điều chỉnh giá điện của Chính phủ sẽ là tín hiệu để các nhà đầu tư ngoài EVN quan tâm tới việc đầu tư xây dựng nguồn điện. Đặc biệt trong bối cảnh dòng đầu tư nước ngoài đang quan tâm vào nước ta thì giá điện sẽ là công cụ hữu hiệu để hấp dẫn các nhà đầu tư cùng EVN đảm bảo cung cấp đủ điện năng cho nhu cầu của đất nước. Mặt khác, theo lộ trình tiến tới thị trường phát điện cạnh tranh hoàn chỉnh, biểu giá bán lẻ hiện nay đã và đang bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế do không khuyến khích hiệu quả kinh tế, không hấp dẫn được nhà đầu tư, không phản ánh đúng chi phí phát và truyền tải điện, .... dẫn đến việc thiếu điện triền miên như hiện nay. Vì vậy, việc sớm có một biểu giá bán lẻ điện để khắc phục được những hạn chế này là một yêu cầu cấp bách nhằm tạo ra hành lang pháp lý cho hoạt động và phát triển thị trường điện ở nước ta. Phương pháp lập biểu giá bán lẻ điện mới cần tuân thủ những nguyên tắc được quy định trong Luật Điện lực, cụ thể là: Biểu giá điện bán lẻ phải tách bạch rõ được các chi phí cho từng khâu từ phát điện, truyền tải, phân phối và bán lẻ điện; giảm dần và tiến tới xoá bỏ việc bù chéo giữa giá điện sản xuất và giá điện sinh hoạt, góp phần thúc đẩy sản xuất và tăng sức cạnh tranh của các doanh nghiệp; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các đơn vị điện lực và khách hàng sử dụng điện; biểu giá bán lẻ điện phải khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và có hiệu quả, có thể dự báo được để khuyến khích cổ phần hóa và thu hút đầu tư của các tổ chức kinh tế trong, ngoài nước vào ngành Điện.

Biểu giá điện mới cần đảm bảo giá điện minh bạch và hợp lý trong điều kiện thị trường cạnh tranh bình đẳng; giá điện bù đắp chi phí hợp lý và mức lợi nhuận cho phép; giá điện phải khuyến khích thúc đẩy các tổ chức kinh tế nâng cao hiệu quả hoạt động và hiệu quả kinh tế; giá điện phải đảm bảo tính cạnh tranh cho các sản phẩm trong nước trong điều kiện hội nhập kinh tế thị trường thế giới; sớm đề ra lộ trình loại bỏ bù chéo giữa các nhóm khách hàng trong giá điện. Tuy nhiên, để tạo nguồn tài chính hỗ trợ cho hoạt động công ích xã hội, đề nghị Nhà nước cho phép áp dụng cơ chế phụ thu tiền điện như TP.HCM đã làm trong thời gian trước đây để tạo nguồn kinh phí cho điện khí hóa nông thôn và mục tiêu công ích khác (cơ chế phụ thu: Trên 1 kWh sản lượng điện phát của nhà máy điện và trên sản lượng điện năng tiêu thụ áp dụng cho tất cả các khách hàng sử dụng điện); áp dụng cơ chế tự động điều chỉnh giá điện theo giá nhiên liệu (than, dầu, khí), tác động của tỷ giá hối đoái và chỉ số lạm phát.

Việc thực hiện các biện pháp tài chính của các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ thúc đẩy cung cấp đủ điện, đồng thời khuyến khích sử dụng điện nói riêng và các nguồn năng lượng nói chung tiết kiệm, hiệu quả. Việc khai thác, sử dụng hợp lý các nguồn năng lượng để tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường cho hiện tại và tương lai của đất nước sẽ luôn là vấn đề nóng hổi được xã hội quan tâm đầy đủ như thực tiễn đã diễn ra tại nhiều nước trên thế giới.  

Theo TCĐL số 5/2008