Sự kiện

Truyền thông về điện nguyên tử- Nguyên tắc đầu tiên: sự thật và đạo đức

Thứ năm, 19/6/2008 | 10:18 GMT+7

Vừa qua, tại Hà Nội và Ninh Thuận, 2 cuộc triển lãm lớn và các hội thảo chuyên đề xoay quanh việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Việt Nam đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ công chúng. “Đối với một hoạt động truyền thông, đó là dấu hiệu khởi đầu của thành công” - ông Phan Minh Tuấn – Trưởng ban chuẩn bị đầu tư dự án điện hạt nhân và năng lượng tái tạo của EVN (NRPB) chia sẻ trong cuộc trao đổi với chúng tôi về công tác truyền thông trong quá trình chuẩn bị xây dựng nhà máy điện nguyên tử.

PV: Xin ông cho biết, trong thời gian qua, các cơ quan hữu quan của Việt Nam đã có những hoạt động truyền thông nào tới công chúng?

Ông Phan Minh Tuấn: Thực tế, công tác truyền thông cho đại chúng về điện hạt hạt nhân là công tác đặc biệt quan trọng, cần tiến hành trước khi bước vào giai đoạn chuẩn bị xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Từ năm 2003 – 2006, với tư cách là đại diện chính thức của Chính phủ Việt Nam trong cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA), Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam (VAEC) thuộc Bộ KHCN đã thực hiện thành công khoảng 12 hội thảo, hội nghị và 1 cuộc triển làm quốc tế về năng lượng hạt nhân.

Ngày 5/9/2007, NRPB được thành lập, chính thức tham gia vào việc chuẩn bị phát triển các dự án điện hạt nhân của Việt Nam, trong đó, truyền thông về điện hạt nhân tới công chúng là một lĩnh vực hoạt động quan trọng. Các hoạt động thông tin đại chúng của VAEC hầu hết là ở tầm quốc gia còn các hoạt động của NRPB tập trung hơn vào hai địa điểm dự kiến đặt nhà máy là hai xã Phước Dinh và Vĩnh Hải (tỉnh Ninh Thuận).

PV: Tại 2 cuộc triển lãm và những hội thảo chuyên đề vừa qua diễn ra tại Hà Nội và Ninh Thuận, sự quan tâm của công chúng tập trung vào những nội dung gì? Trả lời từ phía các cơ quan hữu quan có đạt được sự đồng thuận cao của báo giới và công chúng?

Ông Phan Minh Tuấn: Công chúng quan tâm nhiều đến các vấn đề: An toàn của hạt nhân, sự cần thiết của điện hạt nhân, hiệu quả kinh tế, khả năng thực hiện Nhà máy điện nguyên tử tại Việt Nam, xử lý chất thải, phóng xạ. Còn đối với chính quyền và nhân dân địa phương - nơi dự kiến đặt Nhà máy, sự quan tâm tập trung nhiều hơn vào lợi ích thu lại từ Dự án, kế hoạch đền bù di dân, tái định cư, kế hoạch đào tạo, sử dụng nhân lực tại chỗ, ảnh hưởng của Dự án tới môi trường, an toàn hạt nhân và xử lý chất thải, phóng xạ. Trong phạm vi của cuộc triển lãm và các hội thảo chuyên đề, hầu hết các câu hỏi từ công chúng đều đã được trả lời thỏa đáng. Tuy nhiên, để có được sự đồng thuận cao nhằm đạt được những thành công mang tính quyết định thì theo tôi, còn phải thực hiện cả quá trình lâu dài, liên tục, từ tuyên truyền cho đến những hành động thực tế trong suốt vòng đời của một dự án điện nguyên tử. Và nguyên tắc đầu tiên trong công tác truyền thông về điện nguyên tử là phải dựa trên nền tảng của sự thật và đạo đức. 

PV: Những thông tin trung thực cung cấp cho công chúng có bị giới hạn bởi quy định nào của Nhà nước và chủ đầu tư hay không, thưa ông?

Ông Phan Minh Tuấn: Dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử, quá trình thông tin đại chúng về điện hạt nhân phải là một quá trình liên tục, không ngừng, nhất quán, được thực hiện từ khi chuẩn bị đầu tư dự án, xây dựng, cho đến khi nhà máy đưa vào vận hành và thậm chí đến giai đoạn đóng cửa, tháo dỡ nhà máy. Trong kết luận số 21-KL/TW của Bộ Chính trị về đầu tư dự án Nhà máy Điện hạt nhân tại Ninh Thuận, Bộ Chính trị đã nhấn mạnh: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội, đặc biệt là đồng bào dân tộc ít người cũng như cộng đồng quốc tế đối với chủ trương phát triển điện hạt nhân vì mục đích hòa bình của Đảng và Nhà nước ta.

Như vậy, không những không bị giới hạn mà việc công bố tất cả các thông tin về dự án là một yêu cầu bắt buộc. Riêng đối với chủ dự án, truyền thông còn có giá trị tạo nên sự minh bạch, nhất quán của thông tin nhằm duy trì lòng tin của công chúng. Đây cũng là một hoạt động quan trọng, quyết định thành công hay thất bại đối với bất kỳ một dự án điện nguyên tử nào.

PV: Ở các nước có hệ thống điện hạt nhân phát triển, ngay cả khi nguồn điện này đã khẳng định được những ưu điểm nổi bật thì cũng vẫn luôn là vấn đề nhạy cảm, thu hút sự quan tâm đặc biệt của công chúng. Vì thế, bên cạnh việc truyền đạt đầy đủ, chính xác thông tin thì yêu cầu truyền đạt như thế nào cho hiệu quả, phù hợp với từng đối tượng cũng hết sức quan trọng để tránh sự hiểu lầm và những hậu quả ngoài ý muốn?

Ông Phan Minh Tuấn: Thông điệp tới đối tượng thích hợp là điều kiện tiên quyết nhất của truyền thông. Chúng tôi đã chia ra các nhóm đối tượng theo lứa tuổi, nghề nghiệp, trình độ, giới tính để lựa chọn phương pháp truyền thông phù hợp. Về cơ bản, các nội dung truyền thông tập trung vào các vấn đề: Sự cần thiết và lợi ích của điện hạt nhân, tất cả các hoạt động của chủ đầu tư liên quan đến dự án, phổ biến các thông tin về an toàn điện hạt nhân và an toàn bức xạ, xử lý chất thải và phóng xạ, lợi ích của địa phương khi thực hiện dự án điện hạt nhân,… sẽ được biên tập cho phù hợp với từng nhóm đối tượng.

PV: Việc cung cấp thông tin cho giới báo chí – một đối tượng truyền thông quan trọng và hết sức đặc biệt sẽ được NRPB thực hiện như thế nào?

Ông Phan Minh Tuấn: Về cơ bản, các nguyên tắc thẳng thắn, trung thực, minh bạch và đầy đủ trong cung cấp thông tin của NRPB luôn được đảm bảo cho bất kỳ đối tượng nào. Riêng với các nhà báo là những người thực hiện việc tiếp nhận thông tin, xử lý thông tin rồi cung cấp thông tin về điện hạt nhân trên các phương tiện thông tin đại chúng tạo ra những ảnh hưởng rất lớn đến công chúng, NRPB rất mong muốn họ hiểu điện nguyên tử một cách khách quan, đủ bản lĩnh xử lý thông tin thu nhận được từ các nguồn tin thế giới để tham gia vào công tác truyền thông với ngành năng lượng hạt nhân. Thực tế, trong thời gian qua, những thông tin về dự án nhà máy điện nguyên tử đầu tiên đã được tất cả các cơ quan truyền thông đại chúng có uy tín quan tâm, đưa tin, bài với sự công tâm vì lợi ích chung của đất nước. Theo tôi, đó là sự khởi đầu thuận lợi trong công tác truyền thông của ngành năng lượng hạt nhân của Việt Nam.

PV: Còn đối với chính quyền và người dân địa phương – nơi dự kiến xây dựng nhà máy điện nguyên tử đầu tiên, trong quá trình truyền thông, NRPB có gặp phải khó khăn nào không?

Ông Phan Minh Tuấn: Tại cuộc triển lãm và hội thảo diễn ra tại Ninh Thuận vừa qua, NRPB đã phát phiếu thăm dò ý kiến tại chỗ và ý kiến phản hồi của người dân là nguồn động viên rất lớn những người đại diện cho chủ đầu tư xây dựng nhà máy điện nguyên tử. Hầu hết người dân đồng ý với việc cần thiết phải xây dựng nhà máy điện nguyên tử. Quan điểm của họ là: Nhà máy điện nguyên tử an toàn, kinh tế và thân thiện với môi trường.

NRPB luôn xác định chính quyền và người dân địa phương là đối tượng truyền thông quan trọng và lâu dài. Vì thế, ngoài việc được cung cấp thông tin đầy đủ, chính quyền và nhân dân địa phương còn là những người tham gia vào công tác kiểm tra trong suốt quá trình xây dựng, vận hành nhà máy. Trong cuộc hội thảo chuyên đề "Nhà máy điện hạt nhân và sự chấp nhận của công chúng" ở Ninh Thuận, chúng tôi đã mời đại diện của Ủy ban Thông tin địa phương của Trung tâm sản xuất điện hạt nhân Flamanville (Pháp) tới trình bày về tổ chức, cơ cấu, nhiệm vụ, quyền hạn… của Ủy ban; đồng thời chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình thực hiện vai trò thông tin và theo dõi nhà máy điện nguyên tử với đại diện chính quyền và người dân Ninh Thuận.

Không chỉ cung cấp mọi thông tin, trả lời đầy đủ các băn khoăn, thắc mắc của người dân địa phương qua các cuộc hội thảo, các buổi giao lưu, đối thoại trực tiếp, nhằm tạo sự đồng thuận, nhất trí cao khi triển khai thực hiện Dự án, tới đây, NRPB còn thực hiện các chương trình hỗ trợ địa phương nhằm chứng tỏ thiện chí sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương – nơi đặt chân nhà máy điện nguyên tử.

PV: Xin cảm ơn ông! 

Phan Anh thực hiện