Sự kiện

Đất Tổ đi đầu giảm tổn thất, tăng tiết kiệm: Điện lực Phú Thọ thành công ngay từ khâu “bắt mạch”

Thứ ba, 17/6/2008 | 10:20 GMT+7

Với phương châm khai thác có hiệu quả các tiềm năng và lợi thế so sánh, Phú Thọ đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn, mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế về nguyên liệu tại chỗ, có khả năng thu hồi vốn nhanh và đạt hiệu quả cao. Đó cũng là lý do dẫn tới phụ tải của tỉnh trong những năm gần đây luôn đạt mức tăng trưởng cao: năm 2007 là 20,47%, và dự kiến năm 2008 sẽ vào khoảng 18% - tương đương với sản lượng điện thương phẩm hơn 960 triệu kWh.

Công nghiệp Phú Thọ tập trung vào 4 nhóm ngành chính là chế biến nông lâm sản, thực phẩm; khai khoáng, hóa chất, phân bón; sản xuất vật liệu xây dựng và công nghiệp sản xuất hàng may mặc, hàng tiêu dùng. Tỉnh cũng đã dành 1.000 ha đất phát triển các khu công nghiệp tập trung ở phía Bắc, phía Nam và phía Tây thành phố Việt Trì; định hình một số cụm công nghiệp ở các huyện Tam Nông, Thanh Thủy, Lâm Thao, Phù Ninh, Thanh Ba, Hạ Hòa, Đoan Hùng, gắn liền với việc thực hiện công nghiệp hóa nông thôn.

Tăng tiết kiệm từ công nghiệp…

Để phục vụ nhu cầu điện năng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói chung, của công nghiệp nói riêng, Điện lực Phú Thọ đã không ngừng đầu tư mới và nâng cấp, cải tạo hệ thống lưới điện phân phối và các trạm biến áp, đặc biệt là lưới điện trung áp (trong năm 2007, số lượng đường dây trung cao thế đã tăng thêm hơn 100 km, đường dây 0,4 kV tăng 15,3 km, dung lượng trạm biến áp tăng thêm  20.940 kVA). Tính đến cuối năm, Điện lực tỉnh đã thực hiện bán điện đến tổng số 68.862 khách hàng, trong đó có 1.056 khách hàng công nghiệp – xây dựng và 257 khách hàng dịch vụ - thương mại.

Xác định lĩnh vực công nghiệp – xây dựng là đối tượng tiêu thụ điện năng lớn và còn nhiều tiềm năng tiết kiệm điện, Điện lực Phú Thọ đã thực sự coi trọng việc tư vấn thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện cho các Doanh nghiệp, mang lại lợi ích cho cả nhà sản xuất và hệ thống điện quốc gia (có những DN lắp đặt tụ bù với kinh phí 150 triệu đồng, nhưng chỉ mất có 4 tháng để hoàn vốn từ tiết giảm chi phí tiền điện). Nhờ đóng góp tích cực của khối khách hàng này, năm 2007, Phú Thọ đã vượt chỉ tiêu tiết kiệm điện của Công ty Điện lực 1 (PC 1) giao tới 600.000 kWh (5,8/5,2 triệu kWh) và hoàn toàn có khả năng tiếp tục hoàn thành vượt kế hoạch năm 2008 là 12,622 triệu kWh (trong 6 tháng đầu năm đã ước đạt 6,829 triệu kWh).

Ngày 22/5 vừa qua, với sự tham mưu của Điện lực và Sở Công nghiệp, UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành chỉ thị tiết kiệm điện trên địa bàn, coi tiết kiệm điện là chỉ tiêu thi đua của các đơn vị, các cơ quan, ban, ngành của địa phương. Theo đó sẽ tiếp tục thực hiện tiết kiệm 10% điện năng sử dụng so với năm 2007 đối với những cơ quan, công sở chưa thực hiện tiết kiệm trong năm 2007 (không tính phần tăng trang thiết bị trong năm) bằng các biện pháp: tắt các thiết bị sử dụng điện không cần thiết khi ra khỏi phòng và hết giờ làm việc; tắt bớt đèn chiếu sáng khi số người làm việc trong phòng giảm, tăng cường sử dụng ánh sáng và thông gió tự nhiên, giảm ít nhất 50% số lượng đèn chiếu sáng chung ở hành lang, khu vực sân vườn, hàng rào; máy điều hoà nhiệt độ chỉ sử dụng khi cần thiết và chỉ để ở chế độ làm mát 25oC trở lên. Các đơn vị quản lý hệ thống chiếu sáng được yêu cầu thực hiện giảm 50% số lượng đèn chiếu sáng công cộng trên các tuyến phố, khu vực công cộng, quảng trường, công viên (trừ biển báo, đèn hiệu chỉ dẫn an toàn giao thông) bằng cách cắt giảm trực tiếp hoặc lắp đặt thiết bị đóng cắt tự động, bật tắt đèn ở chế độ so le; khi thay thế các bóng đèn hư hỏng sử dụng loại bóng đèn chiếu sáng hiệu suất cao như chiếu sáng đường phố sử dụng bóng đèn natri cao áp và thấp áp; chiếu sáng ngõ nhỏ và đường dành cho người đi bộ sử dụng bóng đèn natri thấp áp công suất nhỏ và đèn compact; chiếu sáng quảng trường dùng đèn metal halide…Thực hiện tiết kiệm điện năng từ 2% trở lên đối với các đơn vị sản xuất sử dụng năng lượng trọng điểm; sử dụng đúng công suất và biểu đồ phụ tải đã đăng ký trong hợp đồng mua bán điện; hạn chế tối đa việc sử dụng các thiết bị có công suất tiêu thụ điện lớn vào giờ cao điểm hoặc chuyển ca sản xuất trong giờ cao điểm vào giờ thấp điểm; huy động nguồn diesel dự phòng (nếu có) để phát trong giờ cao điểm nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất của đơn vị; cắt giảm ít nhất 50% số lượng đèn quảng cáo, đèn trang trí, chỉ dùng đèn chiếu sáng bảng hiệu…

Giảm tổn thất từ… “bắt mạch, kê đơn”!

Cùng với tiết kiệm điện, có thể nói công tác giảm tổn thất điện năng chính là những điểm sáng nhất của Điện lực Phú Thọ - đơn vị được PC 1 tặng cờ thi đua xuất sắc trong năm 2007 (với thành tích hoàn thành toàn diện kế hoạch), giảm được 0,08% so với kế hoạch được giao (5,82/5,9%) và giảm 0,64% so với năm 2006.

Giám đốc Phạm Quốc Trung cho biết, truyền thống đi đầu trong giảm tổn thất điện năng của Phú Thọ đã có hàng chục năm, khi tỷ lệ này của nhiều địa phương khác hồi những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ XX vẫn ở mức trên 20% thì Phú Thọ chỉ còn 10%. Điện lực tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo giảm tổn thất điện năng do chính Giám đốc làm trưởng ban, “bắt mạch” (xác định) 8 nguyên nhân gây tổn thất và “kê đơn” (đề ra ) 5 biện pháp khắc phục. Trong kinh doanh, Ban chỉ đạo tính toán tổn thất kỹ thuật thực tế lưới điện, giao chỉ tiêu cho từng chi nhánh điện theo khu vực quản lý bán điện đến từng lộ đường dây, trạm biến áp; lắp đặt, nghiệm thu hệ thống công tơ đo đếm điện theo quy trình, quy phạm và phù hợp phụ tải sử dụng điện; kiểm tra giám sát, quản lý hệ thống đo đếm điện, thực hiện kiên quyết các giải pháp chống ăn cắp điện (đọc và khai thác tính năng của công tơ điện tử 3 giá, công tơ điện tử 1 pha OMNI có tính năng đo từ xa để phát hiện kịp thời các khiếm khuyết trong đo đếm; tăng cường giám sát kiểm tra, ghi chữ hàng ngày, thậm chí là hàng giờ ở những thời điểm cần thiết đối với những khách hàng có biểu hiện nghi vấn…); thực hiện nghiêm quy trình kiểm định định kỳ công tơ (vượt 3,64% so với kế hoạch năm 2007); chuyển đổi san tải hoặc chuyển đổi máy biến áp để chống vận hành non tải hoặc quá tải; thực hiện phương thức vận hành kinh tế các máy biến áp song song: với phụ tải ≥ 80% công suất của một máy biến áp thì vận hành 2 máy, phụ tải < 80% công suất một máy biến áp thì cắt bớt 1 máy (với phương thức này đã cắt được 1 máy biến áp vào thấp điểm của 7 trạm biến áp trung gian trong thời gian từ 12h đến 18h hàng ngày hoặc từ 23h ngày hôm trước đến 6h ngày hôm sau); tăng cường đầu tư xây dựng mới, cải tạo nâng tiết diện dây dẫn (đóng điện trạm 110 kV Đồi Rùa và 4 lộ xuất tuyến 35 kV, đóng điện trạm 110 kV Phố Vàng và 4 lộ xuất tuyến 35 kV, đóng điện đường dây 22 kV Việt Trì – Gia Cẩm – Vân Phú dài 16,28 km, nâng điện áp từ 6 kV lên 22 kV nhằm giảm tổn thất điện và chống quá tải lưới điện trung thế khu vực phía Bắc TP. Việt Trì, lắp đặt vận hành tụ bù trung thế với tổng dung lượng 9,6 MVAR, tụ bù hạ thế với tổng dung lượng 10.431 KVAR)…Trong quản lý và vận hành lưới điện, luôn quan tâm đế phương thức cấp điện hợp lý và có tỷ lệ tổn thất nhỏ nhất; tăng cường công tác vệ sinh công nghiệp, xử lý tiếp xúc các mối nối trong các trạm điện ít nhất 1 – 2 lần/năm, vệ sinh sứ cách điện đường dây; thực hiện các biện pháp quản lý để giảm phụ tải vào giờ cao điểm, nâng phụ tải vào thấp điểm…

“Nhờ “bắt mạch, kê đơn” chính xác và quyết tâm cao thực hiện thi đua trong từng đơn vị, công tác giảm tổn thất điện năng trong những tháng đầu năm 2008 của Điện lực Phú Thọ tiếp tục có tín hiệu tích cực”, ông Trung cho biết. Thống kê ước tính cho thấy, tỷ lệ tổn thất trong 6 tháng đầu năm chỉ còn 5,23%, giảm 0,51% so với cùng kỳ, góp phần khẳng định mục tiêu hoàn thành kế hoạch được giao (5,3%) của năm 2008.

Minh Đức