Sự kiện

EVN sẵn sàng cho mùa mưa bão

Thứ sáu, 20/6/2008 | 10:17 GMT+7

Năm 2008 được dự báo sẽ có thời tiết diễn biến phức tạp và khắc nghiệt hơn các năm trước do hiện tượng Elnina xuất hiện sớm và có khả năng kéo dài, các trận bão có thể đổ bộ vào nước ta nhiều và mạnh hơn. Chính vì vậy, rút kinh nghiệm của các năm trước, EVN đã chỉ đạo quyết liệt và cùng với các đơn vị chuẩn bị kỹ lưỡng các phương án, sẵn sàng đối phó với mùa mưa bão năm nay.

Tổng thiệt hại tài sản năm 2007 khoảng 80 tỷ đồng

Đèn đường gãy gục do cơn bão số 6/2007

Tại Hội nghị Phòng chống lụt bão được tổ chức vừa qua tại TP Đà Nẵng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã công bố con số thiệt hại về tài sản do bão lụt gây ra trong năm 2007 là 80 tỷ đồng. Thiệt hại về sản lượng điện do ngừng cung cấp là 28,5 triệu kWh. Tuy nhiên, điều đáng mừng là mặc dù nhiều trận bão lũ xảy ra có cường độ lớn, trên diện rộng, diễn biến phức tạp và sức tàn phá lớn, nhưng trong quá trình khắc phục hậu quả bão lũ đã không xảy ra tai nạn nghiêm trọng nào gây thiệt hại về sức khoẻ, tính mạng CBCNV ngành Điện và người dân.

Nhìn lại diễn biến mùa mưa bão năm qua có thể thấy, ngành Điện bắt đầu chịu ảnh hưởng từ cơn bão số 2 xảy ra từ ngày 3 - 8/8/2007. Tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên như Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đắc Lắc. Tuy bão số 2 không đổ bộ trực tiếp vào, nhưng đã gây mưa lớn kéo dài trên diện rộng, gây ngập úng cục bộ, làm gián đoạn cung cấp điện cho một số địa phương. Từ ngày 1 - 4/10/2007, các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, đã chịu ảnh hưởng trực tiếp của trận bão rất lớn là bão số 5. Tâm bão đi qua huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh), gây mưa, lũ lớn trên diện rộng tại các tỉnh Sơn La, Hoà Bình, Ninh Bình, Thanh Hoá... Hệ thống lưới điện tại các địa phương trên bị tàn phá nặng nề. Đến tháng 10/2007 và đầu tháng 11/2007, nước ta tiếp tục xảy ra 5 đợt lũ tại miền Trung, gây sạt lở nhiều vị trí cột lưới điện truyền tải và phân phối.

Theo ông Đặng Hữu Ngọ - Trưởng ban Kỹ thuật An toàn EVN, 2 cơn bão có sức tàn phá lớn là số 5 và số 6 gây ra trong năm 2007 không gây sự cố đối với các công trình thuỷ điện đang vận hành. Các công trình thuỷ điện đang xây dựng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, gây chậm tiến độ thi công do đường vào các công trường bị sạt lở gây ách tắc giao thông. Trong đó, công trình thuỷ điện A Vương là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, đường giao thông bị chia cắt, công trường bị cô lập nhiều ngày. Bão số 5 và 6 còn gây ra 10 sự cố thoáng qua trên lưới truyền tải 500 kV; làm sạt lở 7 vị trí cột, trong đó Công ty Truyền tải điện 2 có 5 vị trí, nặng nề nhất là sự cố ở vị trí 0603 đường dây 500 kV mạch 2 trên đèo Hải Vân (đến nay vẫn chưa khắc phục xong). Công ty Truyền tải điện 3 bị sự cố ở 2 vị trí. Đối với lưới điện 220 kV và 110 kV, các đơn vị quản lý đã chủ động cắt điện một số đường dây theo quy định (khi có bão trên cấp 10 đổ bộ qua khu vực và khôi phục cấp điện chậm nhất sau 24 giờ khi bão qua). Khoảng 782 vị trí cột đường dây trung thế 10-35 kV bị đổ và gãy của các Điện lực thuộc Công ty Điện lực 1, 3 và Công ty TNHHMTV Điện lực Ninh Bình. Cột hạ thế bị đổ, gãy của các Điện lực khoảng trên 4.000 cột, đứt nhiều đoạn dây cả trung thế và hạ thế; khoảng trên 30.000 công tơ bị hỏng và ngập nước. Trong đó, Công ty Điện lực 1: 6.750 công tơ 1 pha, 1.667 công tơ 3 pha; Công ty TNHHMTV Điện lực Ninh Bình 25.000 công tơ 1 pha. Các trạm biến áp phân phối bị ngập nước 348 trạm và 35 trạm trung gian.

Nỗ lực khắc phục hậu quả

Ngay đầu năm 2007, từ EVN đến các đơn vị, công tác chuẩn bị các phương án phòng chống lụt bão đã được thực hiện triệt để, nghiêm túc nên tạo được sự chủ động khi tình huống xảy ra. Ban chỉ huy PCLB của Tập đoàn cùng với Ban chỉ huy của các Công ty điện lực 1, 3 và một số đơn vị khác, chỉ đạo quyết liệt và trực tiếp tham gia cùng các đơn vị cơ sở khắc phục hậu quả bão lụt ngay tại hiện trường vùng lũ lụt, khôi phục nguồn, lưới điện ngay sau khi nước rút. Các phương án, quy trình xử lý trong bão lụt được thực hiện nghiêm ngặt như: Đảm bảo cắt điện an toàn theo từng mức nước; khi nước rút phải phối hợp với địa phương kiểm tra lưới điện, chỉ khôi phục lại điện khi an toàn tuyện đối. Theo đánh giá của EVN, lưới truyền tải điện tại nhiều điểm xung yếu bị ảnh hưởng khá nặng nề nhưng đã được phát hiện sớm và xử lý tạm, đảm bảo vận hành an toàn. Sau bão lụt, các đơn vị đã đưa ra phương án khẩn trương xử lý, củng cố an toàn lâu dài. Các địa phương đều biểu dương ngành Điện đã phản ứng nhanh, kịp thời khắc phục hậu quả, cấp lại điện cho nhân dân nhanh ngay sau khi nước rút và đảm bảo an toàn tuyệt đối về người. Các công trình hồ đập nhà máy thủy điện đang vận hành được đảm bảo an toàn theo quy trình điều tiết chống lũ; các công trình thuỷ điện đang xây dựng tuy bị hư hỏng, thiệt hại khá lớn song đã đảm bảo an toàn vượt lũ. Với những thiệt hại của CBCNV trong ngành, Tập đoàn đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp giữa chính quyền, công đoàn, đoàn thanh niên động viên, hỗ trợ kịp thời, thiết thực cả về tinh thần và vật chất. Đồng thời, cơ quan Tập đoàn còn động viên CBCNV tham gia ủng hộ một ngày lương cho đồng bào tại các vùng lũ lụt.

Sẵn sàng đối phó mùa mưa bão năm nay

Phát huy kết quả và rút kinh nghiệm của những năm trước và năm 2007, EVN đã chỉ đạo các đơn vị làm tốt công tác PCLB tại cơ sở, yêu cầu coi công tác PCLB là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong sản xuất và cần đi vào nề nếp, tránh tình trạng chủ quan. Ông Trần Quốc Anh  - Phó tổng giám đốc EVN đã yêu cầu các Ban quản lý dự án công trình thuỷ điện tăng cường kiểm tra, rà soát để có phương án cụ thể chống bão, lũ cho từng giai đoạn của công trình. Ban Quản lý xây dựng của Tập đoàn cần chủ động chỉ đạo, kiểm tra tất cả các công trình đang xây dựng có nguy cơ chịu ảnh hưởng của bão lụt để có biện pháp đối phó với các tình huống xấu nhất có thể xẩy ra. Các đơn vị cần chú ý tăng cường phối hợp với địa phương cũng như các ban ngành liên quan trong công tác phòng chống và khắc phục hậu quả bão lũ;  hoàn thiện hệ thống thông tin liên lạc trong ngành và các phương tiện dự phòng để có đầy đủ điều kiện chỉ huy trong mùa mưa bão.

Khi có bão lụt xẩy ra, Ban chỉ huy PCLB các đơn vị cần chủ động phát huy mọi điều kiện có thể để khắc phục nhanh, an toàn về con người, tài sản của CBCNV ngành Điện và nhân dân. Đồng thời, báo cáo nhanh những thiệt hại và tình hình khắc phục hậu quả về Ban Thường trực PCLB của EVN, Trung tâm Điều độ HTD Quốc gia đối với công trình lưới 220 kV, 500 kV và các công ty phát điện trong hệ thống.

Tại Hội nghị Phòng chống lụt bão vừa qua, EVN cũng đã phát hành Sổ tay hướng dẫn phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai tới các đơn vị trực thuộc. Cẩm nang cung cấp các thông tin, kiến thức cơ bản về lụt bão và các phương pháp phòng chống lụt bão. Đây là một phương pháp chỉ đạo, hướng dẫn thiết thực của EVN, giúp các đơn vị hoàn thiện các phương án phòng chống, sẵn sàng cho mùa mưa bão năm nay.

4 vụ tai nạn làm chết 2 người và bị thương 3 người là con số thống kê tai nạn lao động trong quý I/2008 của EVN. Tuy số vụ tai nạn đã được khống chế, số người bị thương nặng có giảm, song so với cùng kỳ năm 2007, số người chết đã tăng thêm 2 người/2 vụ. Đặc biệt các vụ tai nạn lao động chủ yếu xảy ra ở khối các công ty điện lực, trong đó: PC 1 có 2 vụ (1 người chết và 1 bị thương), PC Đồng Nai 1 vụ (1 người chết và 1 bị thương).

Ông Thái Văn Thắng – Phó giám đốc Công ty Điện lực 3: Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục nhanh chóng

Công ty chúng tôi hoạt động trên địa bàn rộng với 13 tỉnh, thành phố miền Trung, Tây Nguyên. Đặc thù thời tiết của địa bàn này là hàng năm thường xuyên xảy  ra lụt, bão (bao gồm lũ, ngập lụt, nước biển dâng, bão, áp thấp nhiệt đới, lốc, sạt lở đất do mưa…). Trong năm 2007, các đợt lũ bão từ tháng 10 đến tháng 11 đã gây thiệt hại nặng nề cho PC3, tổng thiệt hại khoảng 20 tỷ đồng. 

Với phương châm phòng chống lụt bão trong nhiều năm qua là “Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục nhanh chóng”, Công ty đã đúc kết được một số kinh nghiệm quan trọng. Đầu tiên là kinh nghiệm về việc nâng cao đường dây, trạm biến áp, công tơ. Sau khi xảy ra lụt bão, ngoài việc thống kê thiệt hại, các đơn vị còn phải đánh dấu mực nước cao nhất để chuẩn bị lập phương án cho lần sau. Việc nâng các tủ điện, MBA, đường dây không nên khoán trắng cho các Chi nhánh điện mà phải có sự kiểm tra của cấp trên. Thứ hai là kinh nghiệm về giải quyết các TBA, công tơ ngập úng. Cần đảm bảo đầy đủ thiết bị, vật tư dự phòng và phải được tập kết đầy đủ tại các kho của từng chi nhánh hay tại từng khu vực. Khi xảy ra lụt, bão, cần đặc biệt lưu ý các khu vực trọng điểm xảy ra bão. Đối với các nhà máy thuỷ điện, cần chú ý thêm phần cơ khí các hạng mục có thể ngập nước khi lũ về trên tuyến đầu mối như cơ cấu nâng hạ, lưới chắn rác, cánh phai… Một kinh nghiệm nữa là trong khắc phục phải đảm bảo phương châm xử lý khẩn cấp, khôi phục nhanh, đảm bảo an toàn. Trong đó, đặc biệt lưu ý việc thông báo phương thức vận hành nguồn, lưới điện cho các tình huống lụt, bão có thể xảy ra; tuyên truyền nhân dân những nguy hiểm về điện thường xảy ra vào mùa mưa bão…

Ông Đàm Quang Vinh – Phó giám đốc Công ty Truyền tải điện 2: Làm tốt công tác chuẩn bị là biện pháp giảm thiểu thiệt hại hữu hiệu nhất

Chúng tôi luôn xác định công tác chuẩn bị PCLB là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để đảm bảo an toàn cho việc cung cấp điện trên lưới truyền tải. Ngay từ đầu năm, Công ty đã chỉ đạo và triển khai thực hiện nhiều biện pháp để chuẩn bị đối phó, khắc phục khi bão lụt xảy ra. Qua nhiều năm đã đúc kết được những kinh nghiệm quý báu. Chúng tôi thấy rằng công tác chuẩn bị ngay từ đầu được thực hiện tốt là biện pháp hữu hiệu nhất để giảm thiểu thiệt hại do bão, lụt, sạt lở và đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản. Sự chuẩn bị được thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ” là chỉ huy tại chỗ, nhân lực tại chỗ, vật tư, phương tiện và hậu cần tại chỗ. Mặt khác, cần kiện toàn bộ máy PCLB từ cấp cơ sở tổ đội, trạm đến Công ty. Tất cả các đơn vị trong Công ty đều phải có phương án phối hợp với Ban chỉ huy PCLB và các ban ngành của địa phương trên địa bàn; có kế hoạch phân loại từng vị trí, xác định các điểm xung yếu để đưa vào thực hiện theo phương án đã lập; kiểm tra bảo dưỡng thiết bị, dụng cụ thi công chuẩn bị đầy đủ vật tư dự phòng, xăng dầu… tại chỗ, thiết lập các phương án thông tin liên lạc và đảm bảo thông suốt giữa các đơn vị với Công ty. Trong mùa mưa bão, các đơn vị cần theo dõi sát sao các thông tin về bão lũ để có chỉ đạo, kịp thời xử lý. Sau đợt mưa bão, cần tổ chức kiểm tra toàn bộ đường dây, tổng hợp tình trạng máy biến áp, móng cột tại tất cả các vị trí để phát hiện, xử lý hư hỏng…

Ông Kim Minh Chính – Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Điện lực Ninh Bình: Cùng sống chung với lũ lụt”

Ninh Bình là vùng chiêm trũng, hàng năm khi có lũ lụt nước dâng cao đến 2-3 m. Nhiều vùng là “rốn” nước như huyện Nho Quan, Gia Viễn và Yên Mô có năm nước dâng lên tới 3-4 m. Đặc biệt, Ninh Bình lại là trọng điểm phân lũ của Trung ương. Như đợt phân lũ đầu tháng 10/2007, nhiều huyện của Ninh Bình nước ngập mênh mông, gây thiệt hại rất lớn cho các địa phương và ngành Điện.

Chính vì vậy, chúng tôi đã xác định phương châm “cùng sống chung với lũ lụt”. Biện pháp được thực hiện là ngành Điện tập trung đầu tư nhiều dự án, nhiều biện pháp phòng chống, giảm thiểu thiệt hại và khắc phục hậu quả. Đối với lưới điện thuộc tài sản Công ty quản lý, Công ty đã chủ động đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng lưới, sửa chữa lớn và sửa chữa thường xuyên theo kế hoạch từng quý, năm. Trong đó tập trung cải tạo, nâng cao các tuyến dây; cải tạo các trạm bệt thành trạm treo, di chuyển vị trí trạm lên vùng đất cao hơn; chuyển toàn bộ công tơ và hộp công tơ lắp ở các hộ gia đình ra ngoài cột và lắp ở độ cao phù hợp. Đối với lưới hạ thế nông thôn, ngay sau khi tiếp nhận được xã nào, Công ty đều chỉ đạo các đơn vị trực tiếp làm các thủ tục để đầu tư sửa chữa, khắc phục tồn tại nhằm đảm bảo vận hành an toàn, chất lượng và có thể “sống chung với lũ”. Với các tuyến dây và TBA thuộc tài sản khách hàng, Công ty khuyến cáo, tư vấn kỹ thuật để khách hàng chủ động thực hiện.

Bên cạnh đó, hàng năm, Công ty tổ chức tập huấn, sát hạch cấp chứng chỉ cho CBCNV về bơi lội, coi đó là điều kiện đánh giá kết quả thực hiện các quy trình an toàn BHLĐ bắt buộc hàng năm…

Ông Hoàng Minh Tuấn – Phó giám đốc Công ty CP Thuỷ điện Srêpôk: Bám chắc tiến độ và hiện trạng thi công để có phương án chống lũ phù hợp

Ban QLDA Thuỷ điện 5 (nay là Công ty CP Thuỷ điện Srêpôk) được EVN giao nhiệm vụ quản lý đầu tư xây dựng 3 dự án thuỷ điện trên dòng Srêpôk với tổng công suất 586 MW. Theo tổng tiến độ xây dựng, tiến độ thi công hàng năm và hiện trạng thi công của dự án, cơ quan tư vấn thiết kế phải tính toán dựa trên cơ sở chống lũ cụ thể như tần suất thiết kế phòng chống lũ, cao trình đê quai chống lũ, công trình dẫn dòng… Từ đó đưa ra các phương án chống lũ phù hợp cho từng công trình, hạng mục thi công đảm bảo chống lũ. Ban chỉ huy PCLB phải tổ chức bộ phận trực thường xuyên 24/24h trong suốt mùa mưa bão để theo dõi, cập nhật tình hình khí tượng thuỷ văn và dự báo khả năng nguy hiểm có thể xảy ra khi có mưa bão. Bên cạnh đó cần quản lý và giám sát chặt chẽ chất lượng thi công các hạng mục công trình chống lũ. 

Theo TCĐL T5/2008