Sự kiện

Khắc phục chậm trễ tiến độ nguồn: Đảm bảo đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội

Thứ sáu, 20/6/2008 | 10:10 GMT+7

Ngày 19/6, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo Nhà nước về Quy hoạch điện VI, nhấn mạnh yêu cầu “tất cả vì mục tiêu đáp ứng đủ nhu cầu điện năng cho nền kinh tế”;  coi đây là chỉ tiêu mang tính pháp lệnh đối với các chủ đầu tư, đơn vị thiết kế, thi công…

Theo quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, Quy hoạch điện VI (Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2006 – 2015, có xét triển vọng đến năm 2025), việc phát triển nguồn điện phải đáp ứng nhu cầu tăng trưởng điện năng dự báo ở mức 17%/năm đối với phương án cơ sở, 20% đối với phương án cao trong giai đoạn 2006 – 2015, trong đó xác định phương án cao là phương án điều hành và chuẩn bị phương án 22%/năm cho trường hợp tăng trưởng đột biến (tổng công suất của các nguồn điện đưa vào vận hành trong giai đoạn 2006 – 2015 theo phương án cao lên tới gần 60.000 MW).

Tuy nhiên, sau gần một năm triển khai, báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, hầu hết các dự án nguồn điện dự kiến được đưa vào vận hành trong giai đoạn 2006 - 2010 có nguy cơ không đảm bảo tiến độ kế hoạch, với thời gian chậm phổ biến từ 3 - 5 tháng: tổ máy số 2 thủy điện Tuyên Quang chỉ được vận hành cuối tháng 5/2008 thay vì dự kiến vào cuối năm 2007; thủy điện Pleikrông cũng dự kiến phát điện vào năm 2007, rồi được cam kết phát điện cả 2 tổ máy vào cuối năm 2008, nhưng  tiến độ cung cấp một số thiết bị không được bảo đảm nên khả năng thực hiện hiện vẫn còn bỏ ngỏ; các dự án nguồn điện năm 2009, 2010 như Đồng Nai 3, Ô Môn 1, Mạo Khê, Vũng Áng 1,... cũng có nguy cơ không đạt được tiến độ dự kiến trong Quy hoạch nếu không có biện pháp tích cực hơn nữa từ chủ đầu tư, nhà thầu thi công.

Trước thực trạng này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã nghiêm khắc phê bình các chủ đầu tư trong việc  chậm tiến độ các dự án điện, yêu cầu lãnh đạo các Tập đoàn, Tổng công ty họp bàn với các ban quản lý, đơn vị liên quan để xác định trách nhiệm cụ thể trong từng dự án: "Nhu cầu điện ngày một tăng cao, trung bình mỗi năm cần thêm 3.700 MW. Chính phủ đã tạo điều kiện thuận lợi, ưu tiên tối đa cho các dự án. Vì vậy, việc chậm tiến độ, gây thiếu hụt sản lượng cần được nghiêm khắc xem xét trách nhiệm và có biện pháp đốc thúc quyết liệt ở mỗi công trình, dự án".

Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, ưu tiên cao nhất trong triển khai Quy hoạch điện VI là đảm bảo nguồn và sản lượng điện đáp ứng đầy đủ nhu cầu điện cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; các chủ đầu tư, ban quản lý dự án cần phối hợp tích cực hơn nữa với các nhà thầu để tập trung, quyết liệt đảm bảo giữ tiến độ, nhất là các dự án lớn, có khả năng vận hành sớm như Cà Mau 2, Nhơn Trạch, Vũng Áng 1, Sông Ba Hạ, Tuyên Quang, Pleikrông...; dẩy mạnh phối hợp giữa các chủ đầu tư và EVN trong việc đàm phán ký kết hợp đồng mua bán điện dài hạn (PPA), điều độ hệ thống để huy động hết các nguồn điện; Bộ Công Thương, Tâpj đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) phối hợp cùng các chủ dự án điện chạy than xây dựng phương án đảm bảo nguồn than lâu dài, đặc biệt chú ý đến việc cân đối nguồn than nhập khẩu, trước mắt, xây dựng kế hoạch cung cầu, đàm phán mua than, phát triển các mỏ than trong và ngoài nước.

Về các giải pháp tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ hữu quan cùng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) rà soát lại, thực hiện giao ban trực tuyến với từng dự án cụ thể  thiếu vốn để có biện pháp xử lý trực tiếp như chủ đầu tư chủ động ứng vốn ngân sách và vốn sản xuất, quyết liệt giảm đầu tư, đình hoãn các công trình chưa thực sự cấp bách, chưa phát huy hiệu quả : "Chủ trương là Chính phủ không đình hoãn các dự án hạ tầng cấp thiết, trọng điểm nhưng không thể giải quyết theo kiểu dàn trải khi tổng cung đang thiếu. Những dự án nào cần thiết có thể xem xét, chuyển sang cho nhà đầu tư khác nếu chủ đầu tư không cân đối được nguồn lực thực hiện, nhất là các công trình lưới điện".

Phó Thủ tướng cũng giao cho các Bộ, ngành một số nhiệm vụ cụ thể nhằm đảm bảo mục tiêu Quy hoạch điện VI: Bộ Công Thương xem xét, đẩy mạnh công tác lập quy hoạch chi tiết các Trung tâm Điện lực, xây dựng Chiến lược năng lượng mới và năng lượng tái tạo; Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Đề án thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước về điện hạt nhân, Quy hoạch xây dựng các nhà máy điện hạt nhân; Bộ Tài chính chủ trì, tháo gỡ cơ chế vốn, có kết quả thẩm định phương án điều chỉnh giá điện trong thời điểm thích hợp; Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các địa phương liên quan chú ý vấn đề đất đai, giải phóng mặt bằng cho các dự án…

Trước đó, ngày 11/6, Phó Thủ tướng cũng đã có ý kiến giao cho EVN khẩn trương hoàn thành giai đoạn chuẩn bị đầu tư để khởi công trong năm 2008 các DA theo kế hoạch,  đặc biệt là các DA Duyên Hải 1, Vĩnh Tân 2, Mông Dương 1, Nghi Sơn 1, Thái Bình 1; khẩn trương thi công trước một số hạng mục ban đầu thuộc giai đoạn chuẩn bị đầu tư DA thủy điện Lai Châu; TKV và EVN khẩn trương hoàn thành việc ký hợp đồng cung cấp than đáp ứng yêu cầu tiến độ phát điện các DA quy định trong danh mục Quy hoạch điện VI (bao gồm cả việc cung cấp than cho DA Duyên Hải 1 và Vĩnh Tân 2); giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương thẩm định Báo cáo đầu tư DA thủy điện Lai Châu, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định; Bộ Tài chính khẩn trương xem xét cơ chế cho vay lại đối với khoản vay 400 triêu USD từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam để EVN thanh toán các Hợp đồng cung cấp thiết bị cho DA thủy điện Sơn La và một số DA nguồn điện cấp bách khác; Bộ Công Thương chỉ đạo TKV có giải pháp bảo đảm cung ứng thuốc nổ kịp thời cho DA thủy điện Sơn La và các DA điện cấp bách khác, đồng thời khẩn trương xem xét, phê duyệt theo thẩm quyền quy hoạch địa điểm các Trung tâm nhiệt điện Vũng Áng 3, Quảng Trạch, Hải Phòng 3, DA đầu tư thủy điện Trung Sơn, rà soát tiến độ và đôn đốc các chủ đầu tư và các nhà thầu thi công bảo đảm tiến độ theo Quy hoạch điện VI đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt…           

Minh Đức