Đây là nhiệm vụ khó khăn, bởi điều kiện của tỉnh miền núi, hầu hết những nơi chưa có điện quốc gia thường nằm rải rác, xa khu dân cư, địa hình thi công phức tạp, đầu tư rất tốn kém. Song với quyết tâm cao nhất, đến nay, toàn tỉnh đã nâng tỷ lệ hộ được sử dụng điện sinh hoạt đạt 98,8%.
Tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện dự án cấp điện nông thôn, giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố triển khai đồng bộ các giải pháp, đặc biệt là huy động các nguồn vốn từ nhiều chương trình dự án, cân đối ngân sách đầu tư. Ban Dân tộc tỉnh tham mưu UBND tỉnh xem xét, trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết phân bổ vốn ngân sách Trung ương và vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021-2025; nghị quyết về kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia.
UBND tỉnh ban hành kế hoạch về thực hiện chương trình giai đoạn 2021-2025 với tổng kế hoạch vốn hơn 8.690 tỷ đồng (trong đó riêng đối với dự án đầu tư công trình điện, điện không an toàn có tổng vốn 200,8 tỷ đồng). Sở NN&PTNT tham mưu UBND tỉnh đầu tư nâng cấp điện từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, đầu tư cho 976 hộ, dự kiến tổng mức đầu tư hơn 43,9 tỷ đồng. Sở LĐ-TB&XH tham mưu thực hiện từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn 2 huyện Thuận Châu và Sốp Cộp đầu tư 2.134 hộ, dự kiến tổng mức đầu tư 97 tỷ đồng. Công ty Điện lực Sơn La xây dựng kế hoạch lắp đặt công tơ mới giai đoạn 2022 - 2025 trên 12.000 hộ dân.
Bà Phạm Thị Doan, Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Ngành tham mưu cho UBND tỉnh triển khai kế hoạch chương trình cấp điện nông thôn 2021-2025; lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia để giao UBND các huyện, thành phố thực hiện mục tiêu cấp điện nông thôn với tổng số vốn 341 tỷ đồng, đầu tư cấp điện cho khoảng 7.394 hộ (nâng cấp điện cho 7.032 hộ và đầu tư mới 362 hộ). Chủ trì triển khai thực hiện tiểu dự án cấp điện nông thôn từ điện lưới quốc gia tỉnh Sơn La.
Các huyện, thành phố rà soát số hộ chưa được sử dụng điện, số hộ đang sử dụng điện chưa an toàn trên địa bàn; huy động các nguồn lực, lồng ghép nguồn vốn các chương trình, dự án, triển khai đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh chương trình cấp điện nông thôn trên địa bàn; xây dựng kế hoạch cấp điện, nâng cấp điện an toàn cho các hộ giai đoạn 2022 - 2025; lập dự án theo 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Tuyên truyền, vận động nhân dân ủng hộ, hiến đất, giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà thầu thi công công trình trên địa bàn.
Với các giải pháp đồng bộ, từ năm 2021 - 2022, tỉnh Sơn La đầu tư cấp mới điện cho 8.748 hộ chưa được sử dụng điện và đầu tư nâng cấp điện an toàn cho 4.848 hộ. Năm 2023, toàn tỉnh phấn đấu tỷ lệ hộ được sử dụng điện sinh hoạt đạt trên 99,2%, trong đó: Tỷ lệ hộ sử dụng điện sinh hoạt an toàn đạt 95%; đầu tư cấp mới cho 4.395 hộ; nâng cấp điện an toàn cho 5.118 hộ. Cụ thể: Tiểu dự án cấp điện nông thôn từ điện lưới quốc gia tỉnh Sơn La, phấn đấu cấp điện cho 1.283 hộ chưa được sử dụng điện và nâng cấp điện an toàn cho khoảng 3.020 hộ. UBND các huyện lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện các dự án đầu tư cấp điện an toàn cho 2.120 hộ dân (đầu tư mới cho 112 hộ, nâng cấp điện an toàn cho 2.098 hộ). Phát triển công tơ mới cho các hộ dân tại các vùng đã có điện lưới quốc gia khoảng 3.000 hộ. Dự kiến tổng nhu cầu vốn năm 2023 hơn 285,8 tỷ đồng, trong đó: Tiểu dự án cấp điện nông thôn từ điện lưới quốc gia tỉnh Sơn La trên 211,8 tỷ đồng; dự án các huyện làm chủ đầu tư hơn 67,9 tỷ đồng; ngành Điện đầu tư phát triển công tơ mới 6 tỷ đồng.
Hộ gia đình ở bản Ngoại, xã Chiềng Cọ, Thành phố được cấp điện.
Ông Nguyễn Đức Thặng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Châu, thông tin: Trên cơ sở rà soát nhu cầu của các hộ dân và xem xét mức độ ưu tiên, cân đối nguồn vốn, năm 2023, huyện Thuận Châu dự kiến cấp điện cho 1.184 hộ, trong đó đầu tư mới cho 74 hộ, nâng cấp điện an toàn cho 1.110 hộ, tổng nguồn vốn 41 tỷ 440 triệu đồng.
Tại hội nghị triển khai thực hiện chương trình cấp điện nông thôn, ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh: Các sở, ngành, các huyện, thành phố tiếp tục đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt đầu tư các dự án; Tập trung cân đối nguồn vốn, lồng ghép các chương trình, dự án, huy động các nguồn lực, phân kỳ đầu tư cần cấp điện theo quy hoạch vùng dân cư; Ưu tiên đầu tư cho các xã, bản cam kết sớm hoàn thành giải phóng mặt bằng; Thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện các gói thầu...
Với quyết tâm cao, các cấp, các ngành của tỉnh tập trung chỉ đạo, triển khai, phát huy hiệu quả vốn đầu tư cấp điện nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, gắn với đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng nông thôn mới.
Link gốc