Sự kiện

EVN: Nỗi lo giải quyết thiếu điện

Thứ ba, 25/3/2008 | 11:01 GMT+7

Mùa khô đến đồng nghĩa với nỗi lo thiếu điện lại đồng hành và có vẻ năm sau càng căng thẳng hơn năm trước. Trong khi đó, giá điện cứ bị “đe dọa” tăng lên cùng với sự leo thang của các mặt hàng khác làm cho người tiêu dùng càng thêm lo lắng. Để giúp bạn độc có thêm thông tin, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc EVN đã có cuộc trao đổi thẳng thắn và cởi mở với báo chí về vấn đề này.

              

                     Công trình Thủy điện Ba Hạ

Những ngày thiếu điện đã cận kề

Theo ông Hùng, bình thường lượng điện tiêu thụ 3 tháng đầu năm luôn ở mức thấp. Thế nhưng tháng 2/2008 vừa qua, sản lượng tiêu thụ điện trung bình toàn hệ thống là 180,4 triệu kWh/ngày, tăng 15,64% so với cùng kỳ năm trước. Với dự kiến tăng trưởng kinh tế năm 2008 là 9%, nhu cầu phụ tải sẽ cần tới 80 tỷ kWh (tăng 15,92% so với năm 2007). Riêng mùa khô năm 2008 sẽ cần khoảng 31,8 tỷ kWh, tăng 18,11% so cùng kỳ. Trong khi đó, nước về các hồ thủy điện thấp, hiện chỉ đạt 200m3/giây, các hồ thủy điện Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang lại phải xả nước phục vụ nông nghiệp càng làm giảm mực nước dự trữ trong hồ. Mặc dù đã rất cố gắng nhưng nhiều dự án điện không kịp tiến độ, một số nguồn điện mới đã đi vào hoạt động như Nhiệt điện Cà Mau 1, Uông Bí mở rộng, Thủy điện Tuyên Quang, Đại Ninh đều đang trong giai đoạn chạy thử, vận hành chưa ổn định, sản lượng điện phát ra chưa đạt mức dự kiến, vì vậy việc thiếu điện vào giờ cao điểm là không thể tránh khỏi.

Khó tránh tiết giảm điện

Ông Hùng cho biết, trong mọi hoàn cảnh, EVN vẫn cố gắng hết sức bảo đảm điện phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội và sinh hoạt. Hiện tại, EVN đã chuẩn bị nhiều giải pháp ứng phó như điều chỉnh lịch sửa chữa các nguồn điện; rút ngắn tiến độ sửa chữa các tổ máy đã bố trí lịch; lập kế hoạch khai tác hồ chứa nước hợp lý để đảm bảo mức nước các hồ thủy điện; huy động thêm các nguồn điện khác (kể cả máy phát diezel của khách hàng); tăng cường truyền tải điện từ Nam ra Bắc qua đường dây 500kV; phối hợp chặt chẽ với BP để thử nghiệm nâng công suất đường ống khí Nam Côn Sơn; yêu cầu các đơn vị chuẩn bị đầy đủ nhiên liệu than, dầu sẵn sàng đáp ứng yêu cầu vận hành cao; mua điện từ Trung Quốc và các nguồn khác ở mức tối đa, kể cả mua lỗ. Ví dụ: EVN đang mua điện của Nhà máy Điện Cà Mau (PVN) với giá 7 cent/kWh (tháng 1), 8 cent/kWh (tháng 2), nhưng vẫn bán giá bình quân khoảng 5 cent … Tuy nhiên, do nhu cầu mua sắm thiết bị điện và các dự án đầu tư công nghiệp không ngừng tăng lên nên sản lượng tiêu thụ điện ngày càng lớn. Các nguồn nhiệt điện đang phải chạy hết công suất khả dụng nên có thể xảy ra sự cố bất cứ lúc nào. EVN lại không có nguồn điện dự phòng nên khi đó chắc chắn phải cắt phụ tải luân phiên để giữ hệ thống điện an toàn và ổn định. Thực tế, việc giảm tải điện ngày 15, 16/3 cũng nằm trong tình trạng này.

Tăng giá điện không có nghĩa là sẽ đáp ứng đủ điện ngay lập tức.

Trước sự quan tâm của dư luận về việc EVN đang đề nghị tăng giá điện lên 917 đồng/kWh (theo lộ trình đã được Thủ tướng phê duyệt là từ 1/7 sẽ tăng lên 870 đồng/kWh ), ông Hùng khẳng định: EVN là DN sản xuất kinh doanh, nên không thể tách khỏi quy luật kinh tế thị trường. Tuy nhiên, là một DN nhà nước nên EVN vẫn phải chịu sự điều tiết giá của Chính phủ. Trong khi giá nhiên liệu đầu vào như than, dầu, khí đang tăng mạnh mà giá điện không tăng thì EVN khó lòng cầm cự trong điều kiện kinh doanh lỗ như hiện nay. Còn việc tăng giá lên bao nhiêu là phù hợp thì hiện EVN  còn đang hoàn thiện đề án để trình Liên Bộ và Chính phủ và quyết định cuối cùng vẫn là Chính phủ.

Khi được hỏi về việc tăng giá điện liệu có đảm bảo không cắt điện, ông Hùng khẳng định: Bên cạnh mục đích cân đối sản xuất kinh doanh, khuyến khích thu hút đầu tư, việc tăng giá cũng phần nào nhắc nhở các hộ sử dụng điện tiết kiệm hơn chứ không có nghĩa là sẽ đảm bảo đủ điện ngay lập tức. Việc đảm bảo cân đối cung cầu điện phải nằm trong kế hoạch tổng thể, đó là: xây dựng đủ nguồn, chống thất thoát trong truyền tải, tiết kiệm trong sử dụng … trong đó, tiết kiệm điện được coi là biện pháp đơn giản và hiệu quả nhất.

Hiệu quả nhất vẫn là biện pháp tiết kiệm điện

Xung quanh vấn đề tiết kiệm điện, ông Hùng giãi bày: Thật không hợp lý khi một DN sản xuất kinh doanh lại phải kêu gọi “thượng đế” hãy mua hàng ít thôi, thế nhưng đó là điều EVN đang phải làm. Hơn ai hết, EVN rất mong nhanh chóng xây dựng các nhà máy điện để có đủ nguồn cung cấp nhu cầu sử dụng. Thế nhưng, đây cũng là khó khăn lớn nhất của ngành Điện. Mặc dù được hưởng những cơ chế đặc biệt nhưng hầu hết các công trình điện đang chậm tiến độ. Nguyên nhân chủ yếu là thiếu vốn đầu tư, thiếu nhân lực kỹ thuật trong thiết kế, thi công, rồi những sự cố bất ngờ do khách quan mang lại … đều có thể gây chậm tiến độ. Ví dụ việc xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí đang gặp nhiều khó khăn về giải pháp kỹ thuật mà phải có thời gian mới xử lý được. Sự cố Thủy điện Bản Vẽ cũng phải khắc phục lâu dài, rồi còn những khó khăn khi làm việc với các nhà thầu … Bên cạnh đó, để xây dựng được một nhà máy nhỏ cũng cần 3-5 năm, nhà máy lớn cần 7-10 năm hoặc lâu hơn. Đó là chưa kể thời gian điều tra nghiên cứu và những khó khăn về cơ chế. Ví dụ: xây dựng một nhà máy điện 1.000 MW với mức đầu tư trên 20.000 tỷ đồng thì phải trình Quốc hội (mà Quốc hội họp mỗi năm 2 lần, nếu lần này xin ý kiến, lần sau mới quyết cũng mất cả năm). Sau khi Quốc hội phê duyệt còn phải hoàn tất một loạt các thủ tục khác mất không ít thời gian nữa. Để giải quyết những khó khăn này, bên cạnh việc tích cực huy động vốn bằng nhiều biện pháp (CPH, phát hành trái phiếu, cổ phiếu, vay vốn từ cac nguồn khác nhau …), EVN cũng đang đề nghị: Với nhưng dự án mức đầu tư lớn, Quốc hội nên phê duyệt Quy hoạch và ủy quyền Chính phủ phê duyệt đầu tư để đảm bảo tiến độ dự án. Đề nghị các ngân hàng cho EVN vay vượt quá 15% vốn tự có …

Tuy nhiên, tất cả mọi biện pháp đều có tính lâu dài. Còn trước mắt mùa khô năm nay, để hạn chế nguy cơ thiếu điện trầm trọng thì tiết kiệm vẫn là biện pháp hiệu quả nhất. Chỉ cần tiết kiệm được 1% lượng điện thương phẩm thì chúng ta có thể tiết kiệm được khoảng 680 triệu kWh/năm, đủ để đầu tư xây dựng một nhà máy thủy điện. Vấn đề ở chỗ, nếu muốn đầu tư thiết bị tiết kiệm thì lại khó khăn về vốn. Bài toán tiết kiệm điện vì vậy dù đã nhìn thấy đáp số nhưng để tìm ra lời giải cần nhiều ngành chức năng vào cuộc. Hiện nay EVN đã cam kết với gần 2.000 khách hàng trọng điểm yêu cầu tiết kiệm 2% so với năm trước. Đẩy mạnh lắp công tơ 3 giá, tăng cường kiểm tra điện chiếu sáng, xây dựng và phát triển mạng phân phối khoảng 1.000 điểm bán đèn compact điện lực được kiểm soát và bảo hành chất lượng với giá thấp hơn 10% trở lên so với thị trường. Ông Hùng cho rằng, để hạn chế tối đa việc cắt giảm phụ tải vào giờ cao điểm, EVN rất cần sự phối hợp của tất cả khách hàng trong việc thực hiện sử dụng điện tiết kiệm, an toàn và hiệu quả. 

Theo Báo CNVN số 12+13