Sự kiện

Năm 2008, nhiều nguồn Điện chậm tiến độ, vì sao?

Thứ năm, 22/1/2009 | 11:02 GMT+7
Theo Bộ Công Thương, năm 2008, tổng công suất nguồn điện vào chậm so với tiến độ được duyệt  lên tới hơn 1.000 MW. Thứ trưởng Bộ Công Thương Ðỗ Hữu Hào cho rằng, ngoài những khó khăn về nguồn vốn đầu tư, biến động của thị trường trong nước và thế giới, thì lý do khiến hầu hết các dự án điện đều chậm tiến độ là do công tác chuẩn bị chưa tốt, di dân tái định cư chậm, một số nhà thầu không đủ lực lượng nhân công, xe máy để triển khai khối lượng lớn công việc mà họ đảm nhận, việc thưởng phạt các nhà thầu thực hiện rất khó... khiến cho ngành Ðiện luôn “hụt hơi” chạy theo nhu cầu phụ tải và chịu sự chỉ chích của dư luận.

 

Nhà máy Uông Bí mở rộng 1 do Lilama làm tổng thầu EPC đến nay vẫn chưa vận hành ổn định.   

Hầu hết các dự án đều chậm

Sau gần 4 năm khởi công xây dựng, đầu tháng 10 vừa qua, tổ máy số 1, Nhà máy Thuỷ điện A Vương, công suất 210 MW do Cty CP Lilama 45-3 lắp đặt thiết bị và do Tổng công ty Licogi làm lãnh đạo tổ hợp nhà thầu đã phát điện, vượt 70 ngày so với kế hoạch. Ðây là nhà máy thuỷ điện đầu tiên trong số hơn 20 nhà máy thuỷ điện thực hiện theo cơ chế 797 đi vào vận hành, số còn lại đều chậm tiến độ từ 1 - 2 năm. Chậm nhất phải kể đến Nhà máy Thuỷ điện Pleikrông, công suất 100 MW đặt tại tỉnh Kon Tum. Theo ông Nguyễn Thanh Oai, Trưởng đại diện Lilama 10 - đơn vị chịu trách nhiệm lắp đặt thiết bị tại dự án này thì, cho đến nay bánh xe công tác (bộ phận quan trọng của tua bin) do phía Nga cung cấp vẫn chưa về công trường. Bên cạnh đó, nhiều thiết bị phụ như nén khí, hệ thống cứu hoả, hệ thống cấp nước kỹ thuật… do các nhà thầu trong nước cung cấp cũng thiếu đồng bộ, ảnh hưởng lớn đến công tác lắp đặt và chậm hơn 2 năm so với kế hoạch, mặc dù điều kiện thi công tại dự án này khá thuận lợi.

Với dự án Thuỷ điện Bản Vẽ, việc chậm thi công phần xây dựng là do thiếu nguyên liệu đá và chủ đầu tư thanh toán chậm cho nhà thầu. Sau vụ sập núi tháng 12 năm ngoái làm chết 18 cán bộ, công nhân, nhờ sự động viên, chăm lo của Tổng công ty Sông Ðà, nhịp độ lao động trên công trường và tư tưởng người lao động đã dần ổn định. Tuy nhiên, trong khi mỏ đá cũ dừng khai thác, mỏ đá mở rộng do thiết kế, phê duyệt khai thác chậm nên 6 tháng nay Công ty CP Sông Ðà 2 (đơn vị tổng thầu dự án) lại không có đá để thi công mà chủ yếu tận thu đá còn lại của năm 2007. Theo ông Hồ Văn Dũng, Tổng giám đốc Công ty CP Sông Ðà 2: Do những khó khăn trên, nên tiến độ thi công của dự án này chắc chắn chậm 1 năm so với kế hoạch. Hơn thế, do việc chuyển đổi pháp nhân từ BQL Thuỷ điện 2 sang Công ty CP Thuỷ điện Bản Vẽ cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ dự án. Việc chủ đầu tư khó vay vốn của ngân hàng dẫn đến việc thanh toán chậm cho các nhà thầu cũng làm cho nhà thầu thua thiệt.

Ðiều kiện thi công quá khó khăn, mưa lũ nhiều, vật tư, nguyên liệu, vật liệu nổ cung cấp không đủ khối lượng, công nhân chưa được hưởng các chế độ đặc thù… là nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ của dự án Thuỷ điện Buôn Tua Sarh (Ðắc Nông). Vì vậy, mục tiêu tích nước hồ chứa từ tháng 5/2009 để phát điện vào tháng 8/2009 khó có thể đạt được. Cũng do những nguyên nhân trên, Dự án Thuỷ điện Ðồng Nai 3 dự kiến phát điện vào tháng 10/2010, song với tiến độ thi công như hiện nay thì phải cuối tháng 12/2012 mới có thể phát điện.

Cho đến thời điểm này, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng và các cơ quan chức năng vẫn chưa tổng kết và cũng chưa có câu trả lời chính xác về hiệu quả của các dự án điện thực hiện theo cơ chế 797. Tuy nhiên, theo ông Tạ Văn Hường, Vụ trưởng Vụ Năng lượng Dầu khí (Bộ Công Thương), để các dự án đạt kết quả như mong muốn, Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (chủ đầu tư) cần làm tốt công tác chuẩn bị công trình, đặc biệt là công tác thiết kế, tư vấn công trình rồi mới khởi công để không bị kéo dài và tiết kiệm chi phí đầu tư. Bên cạnh đó, những cam kết như tổng dự toán, hợp đồng giữa chủ đầu tư và nhà thầu phải được ký kết trước khi công trình khởi công. Cần chấm dứt tình trạng không thống nhất về định mức, tổng dự toán, không ký hợp đồng, nhưng vẫn đưa thiết bị xe máy, công nhân đến, rồi làm lễ khởi công “ầm ầm”, nhưng lại không đúng với thiết kế được duyệt.

Ðâu là nguyên nhân?

Thực tế, EVN đang làm chủ đầu tư xây dựng hơn 20 nhà máy điện với tổng công suất 8.000 MW, trong đó có 19 dự án thủy điện. Dự án Thủy điện Sơn La với công suất 2.400 MW là dự án lớn nhất Ðông Nam Á, dự kiến đưa tổ máy số 1 và 2 vào vận hành cuối năm 2010 và kết thúc toàn bộ dự án vào cuối năm 2012. Riêng hợp đồng xây lắp đã hơn 13 nghìn tỷ đồng, trong đó Tổng công ty Sông Ðà thực hiện hơn 9.000 tỷ đồng, các Tổng công ty lắp máy Việt Nam, Trường Sơn, Xây dựng và phát triển hạ tầng, mỗi đơn vị từ 1.100 tỷ đồng đến gần 2.000 tỷ đồng... Chưa kể hàng chục dự án khác do EVN làm chủ đầu tư trải dài từ bắc vào nam, chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, vùng núi cao. Trong khi  đó, EVN chỉ có bốn công ty tư vấn xây dựng điện, 15 Ban quản lý vừa chịu trách nhiệm quản lý các dự án nguồn điện, lưới điện và cả xây dựng dân dụng. Lực lượng ít, năng lực không đồng đều, lại phải dàn mỏng ra nhiều công trình, dẫn đến chậm trễ trong thiết kế kỹ thuật, và cung cấp bản vẽ thi công. Việc giám sát thi công, nghiệm thu, thanh toán thường không kịp thời...

Hơn nữa, các nhà thầu thường “ôm” nhiều việc khiến họ bị “căng kéo” ra quá nhiều công trình. Tổng công ty Sông Ðà làm tổng thầu EPC các công trình Thủy điện Tuyên Quang, Sê San 3 chưa xong, nay lại đảm nhiệm thêm tổng thầu xây dựng công trình Thủy điện Sơn La, rồi Sê San 4, Bản Vẽ, Plêkrông, Huội Quảng... với công suất từ 100 MW đến 560 MW và nhiều công trình thủy điện khác tại CHDCND Lào. Ngoài các dự án về năng lượng điện, Tổng công ty Sông Ðà còn đầu tư các dự án về hạ tầng, sản xuất công nghiệp, vật liệu xây dựng, dân dụng... Không thua kém Sông Ðà, LILAMA, ngoài tổng thầu EPC dự án Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí mở rộng do EVN làm chủ đầu tư, còn ký hợp đồng EPC với Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam xây dựng Nhà máy điện Cà Mau 1, 2, và Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch... Các tổ hợp nhà thầu được thành lập theo cơ chế 797, thực chất chỉ mang tính “phù dâu, phù rể”, gồm nhà thầu đứng đầu và các nhà thầu khác cùng nhau nhận thầu một dự án rồi chia việc để làm. Nếu nhà thầu đứng đầu có kinh nghiệm thì dự án triển khai suôn sẻ, ngược lại có dự án đến khi thi công không còn biết đâu là nhà thầu đứng đầu.

Bên cạnh đó, năng lực chế tạo thiết bị cho các công trình nguồn điện nhiều hạn chế. Các doanh nghiệp cơ khí trong nước mặc dù được Chính phủ trao quyền chế tạo thiết bị cho một số công trình nguồn điện, nhưng thực chất các doanh nghiệp này chưa thể tự thiết kế, chế tạo được, mà thường phải thuê các công ty nước ngoài, như việc chế tạo các thiết bị thủy công cho các công trình Thủy điện A Vương, Buôn Kuốp, Quảng Trị... Các doanh nghiệp được giao nhiệm vụ phải thuê các công ty Zaporoghidrostal-Ukraine, Viện thiết kế Mosgidrostal-Liên bang Nga thiết kế, chuyển giao công nghệ, sau đó các đơn vị trong nước mới chế tạo, mà cũng chỉ sản xuất được các thiết bị cơ khí thủy công đơn giản, như đường ống áp lực, thiết bị hạ lưu nhà máy, đập tràn... còn các thiết bị chính, như tua-bin, máy phát, máy biến thế đều nhập khẩu. Chính sự phụ thuộc quá nhiều vào nước ngoài, vì vậy khi việc cung cấp thiết kế và thiết bị công nghệ của nhà thầu nước ngoài chậm đã ảnh hưởng nhiều đến tiến độ dự án. Ví dụ, ở Thủy điện Tuyên Quang, nhà thầu Harbin (Trung Quốc) không cung cấp thiết kế, thiết bị công nghệ kịp thời, đồng bộ làm chậm tiến độ lắp đặt và phát điện tổ máy 1 của Tổng công ty Sông Ðà gần 6 tháng so với kế hoạch.

Thử tìm lời giải

Theo Quy hoạch điện VI, để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước với mức tăng GDP khoảng 8,5-9%/năm giai đoạn 2006-2010 và cao hơn, trong 10 năm tới, ít nhất cả nước phải xây dựng 95 nhà máy điện với tổng công suất 49.044 MW, trong đó riêng EVN là 44 nhà máy có tổng công suất 24.045 MW. Nhưng với tình hình hiện nay, hầu hết các dự án điện đang bị chậm tiến độ, không đáp ứng được yêu cầu Quy hoạch điện VI thì nguy cơ thiếu điện đáp ứng cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước sẽ còn kéo dài.

Ðể có đủ nguồn điện ổn định, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội đất nước, khắc phục tình trạng chậm tiến độ các dự án điện đang triển khai, ngoài sự nỗ lực của EVN với nhiệm vụ là đơn vị giữ vai trò chính trong việc đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, thì các cấp ngành liên quan cần khẩn trương thực hiện một số giải pháp trước mắt như: Kiên quyết, tập trung chỉ đạo xây dựng dứt điểm các công trình điện cấp bách theo quyết định của Chính phủ, bảo đảm đúng tiến độ và mục tiêu đề ra. Ðồng thời có kế hoạch cụ thể về phát triển các nguồn điện, nhất là điện nguyên tử, không chỉ ở một dự án cụ thể mà cần xem xét chiến lược lâu dài để có thời gian chuẩn bị, nhằm khắc phục triệt để tình trạng thiếu điện, nhất là vào mùa khô. Có chính sách ưu tiên về vốn, thuế thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư điện lực, nhất là các nhà máy thủy điện nhỏ, xây dựng ở vùng sâu, vùng xa. Từng bước hình thành thị trường điện cạnh tranh, đa dạng hóa phương thức đầu tư và kinh doanh điện. Nâng cao năng lực của đội ngũ kỹ sư tư vấn, thiết kế chế tạo, xây dựng các công trình điện, từng bước phát huy nội lực, làm chủ tiến độ thi công các công trình, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Sớm điều hành giá điện theo quy luật thị trường, thực hiện việc mua và bán điện giữa các doanh nghiệp một cách bình đẳng. Khi các yếu tố cấu thành giá điện thay đổi, cần xem xét điều chỉnh giá điện một cách hợp lý, bảo đảm khả năng trả nợ, đáp ứng một phần nhu cầu đầu tư và lợi nhuận hợp lý trên vốn của nhà đầu tư. Thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện, trong đó ngành Ðiện phải đi đầu trong việc tăng năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất, giảm tổn thất điện năng trong kinh doanh và đầu tư xây dựng.

Theo TCĐL số 12/2008