Sự kiện

Vùng sâu Sapa sắp có điện- Khẩn trương xây dựng thủy điện Sử Pán 2

Thứ năm, 20/3/2008 | 10:17 GMT+7

Lào Cai là tỉnh nghèo của miền núi phía Bắc, nhưng lại có tiềm năng về nguồn thủy điện dồi dào do điều kiện địa hình mang lại. Tận dụng lợi thế này, tỉnh Lào Cai đã qui hoạch năng lượng cho hệ thống sông ngòi, có chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng các nhà máy thủy điện theo qui hoạch. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có một số công trình thủy điện vừa và nhỏ khởi công.

Quy hoạch do Viện khoa học thủy lợi lập năm 2004 xác định trên hệ thống lưu vực Ngòi Bo tỉnh Lào Cai có 7 dự án thủy điện vừa và nhỏ. Trong số các dự án này, chỉ có thủy điện Séo Chung Hô có hồ điều tiết năm, còn có dự án khác chỉ có hồ điều tiết ngày đêm, hoặc không có hồ điều tiết, UBND tỉnh Lào Cai đã tín nhiệm giao cho Cty CP thủy điện Sông Đà – Hoàng Liên xây dựng 3 nhà máy thủy điện trên Ngòi Bo huyện Sapa, là thủy điện Sử Pán 1, Sử Pán 2 và Nậm Củn. Dự án thủy điện Sử Pán 2 khởi công từ ngày 28/1/2007.

Mang lại giá trị kinh tế - xã hội.

Chỉ sau 1 năm thi công, kỹ sư và công nhân của Cty Hoàng Liên đã biến vùng núi non hiểm trở này thành mặt bằng của nhà máy thủy điện. Từ trên cao 150 mét nhìn xuống, vẫn thấy rõ mồn một dòng chảy của Ngòi Bo lao liên tục vào các tầng đá, tung bọt trắng xóa. Phía sát ngòi là con đườngg đang thi công vào hầm máy và con đập. Những cỗ máy xúc đồ sộ lầm lũi san ủi, lấn từng mét đất trơn trượt lẫn đá. Nhưng phải kể đến con đường thi công phía trên, sau này sẽ là đường vận hành. Sừng sững 2 km vách núi đá granit đã bị những người xây thủy điện xẻ vát lên tận đỉnh núi cao trăm mét.

Tại Bến Đền, thôn Tà Thàng, thị xã Cam Đường, những chiếc xe tải cỡ lớn đang cần mẫn chở nặng cát lên công trường xây dựng nhà máy thủy điện. Mùa cạn Ngòi Bo phơi lòng đá cuội, đến đoạn này hiện rõ là con sông lớn chuẩn bị đổ nước vào sông Hồng cách đó không xa. Ông Vũ Đình Quang, Giám đốc Xí nghiệp vật liệu xây dựng, vừa điều hành máy xúc và xe ben chở cát, vừa giới thiệu loại cát ở đây đứng hàng đầu trong ngành xây dựng, đặc biệt xây dựng thủy điện. Ông chỉ cần sàng máy để loại bỏ sỏi nhỏ là có được cát tuyệt vời vàng óng và sạch bong, có độ kết dính cao trong xây dựng đập.

Địa điểm khu quản lý vận hành dự kiến được đặt cạnh đường đi từ Sapa đi Bản Hồ, tại đầu đường xuống đỉnh đập. Từ đây có thể bao quát toàn bộ các hạng mục của nhà máy thủy điện: Đường ống áp lực, nhà van, nhà máy. Nhà máy thủy điện đặt phía trước khu dân cư Bản Hồ ở độ cao 429 m. Bản Hồ là một địa điểm du lịch được du khách quốc tế thường lui tới, nghỉ qua đêm, có phong cảnh đẹp, nằm kề suối mát, có hệ thống nước sạch từ trên núi, đường bê tông sạch sẽ. Chưa có nhà máy thuỷ điện mà giá đất ở đây đã không thua kém thị trấn, vài năm nữa chắc chắn trở thành đất vàng. Cách khu vực nhà máy thuỷ điện Sử Pán 2 chừng 5-6km là cầu Thanh Phú đang chuẩn bị xây dựng. Cây cầu này được khởi công vào ngày 6/1/2008, nằm trong dự án xây dựng thuỷ điện Nậm Củn cũng do Công ty thuỷ điện Sông Đà – Hoàng Liên thực hiện. Ông Nguyễn Thanh Kim, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty, là một trong những người đầu tiên tham gia xây dựng nhà máy thuỷ điện Hoà Bình trên sông Đà, có kế hoạch xây dựng gối đầu dự án thuỷ điện Nậm Củn là dự án thứ hai của Công ty. Tầm nhìn của ông tỏ rõ bản lĩnh của nhà đầu tư chiến lược: “Nhà máy Thuỷ điện Nậm Củn nằm trên địa phận 2 xã Thanh Phú và Bản Hồ của huyện Sapa, phía bên kia sông Ngòi Bo. Vì vậy, ngay từ đầu năm nay chúng tôi khởi công xây dựng cầu Thanh Phú, hạng mục đầu tiên của dự án Nậm Củn, để mở đường đến địa điểm xây dựng nhà máy. Cầu cứng Thanh Phú là cầu vĩnh cửu, kết cấu dầm thép chịu lực, mặt bêtông cốt thép, dài 136m, 3 nhịp, rộng 7m, tải trọng thiêtd kế cho ô tô HL-93. Đường thi công vận hành giai đoạn 1 tiêu chuẩn cấp 5 miền núi, rộng 6,5m, sẽ hoàn thành vào giữa năm 2008 và cuối năm 2008 sẽ hoàn tất xây dựng cầu. Điều quan trọng nữa là, toàn bộ 8km đường vận hành của nhà máy thuỷ điện Nậm Củn, bắt đầu từ cầu Thanh Phú đến nhà máy thuỷ điện Nậm Củn, ngoài việc phục vụ thi công và vận hành công trình thuỷ điện Nậm Củn, còn có ý nghĩa rất lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội khu vực. Hiện nay, mỗi năm huyện Sapa phải hỗ trợ nhiều tỷ đồng cho nhân dân các xã bên kia Ngòi Bo vận chuyển lương thực, vật dụng”.

Động lực thúc đẩy Sapa vượt khó đi lên

Không những thế, ông Kim còn cho biết, tuyến đường do Công ty mở mới hoàn toàn này sẽ được nối vào đường vận hành của công trình thuỷ điện Tà Thàng sắp được xây dựng. Như vậy, chẳng những Công ty đem ánh sang điện đến với nhiều nơi ở huyện Sapa, mà còn tạo ra cho tỉnh Lào Cai một hệ thống đường giao thông mới, nối liền các xã của huyện Sapa với phố Lu – Trung tâm huyện Bảo Thắng, góp phần quan trọng phát triển kinh tế và văn hoá của hai huyện vùng cao còn nhiều khó khăn này. Đồng thời, tuyến đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai sắp xây dựng, cũng đi qua đường này, tạo thuận lợi cho du lịch và trao đổi hàng hoá từ dưới xuôi lên Sapa, rút ngắn được 60km đường. Ông Kim nói tiếp: “Chậm nhất đầu quý 1 năm 2010, thuỷ điện Sử Pán 2 sẽ đi vào hoạt động, sau đó 1 năm là Nậm Củn, rồi Sử Pán 1. Ba nhà máy sẽ hoà vào lưới điện quốc gia 100MW, đưa điện đến các xã vùng sâu vùng xa của huyện Sapa, đóng góp đáng kể vào ngân sách của địa phương đang có nhiều khó khăn, ngoài ra còn có thu nhập từ việc bán khí thải theo công ước Kyoto…”

Ông Thầu A Lềnh, Uỷ viên dự khuyết BCHTWĐ, Chủ tịch UBND huyện Sapa, đánh giá rất cao các dự án của Công ty Cổ phần thuỷ điện Sông đà – Hoàng Liên: “Từ trước tới nay, chưa có một dự án nào ở huyện chúng tôi thực hiện có hiệu quả và nghiêm túc như dự án này. Tôi tin rằng hệ thống nhà máy thuỷ điện và hệ thống cầu đường của Công ty sẽ là động lực thúc đẩy Sapa vượt khó đi lên”. Các ông Bùi Quang Vinh, uỷ viên BCHTWĐ, Bí thư tỉnh uỷ và ông Phạm Văn Cường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, luôn luôn tạo điều kiện thuận lợi cho Công ty, tín nhiệm tuyệt đối và có ý định tiếp tục giao cho Công ty thi công nhiều dự án treo từ nhiều năm nay trên địa bàn toàn tỉnh. 

Theo TBKTVN