Sự kiện

Ngược dòng Sê San

Thứ tư, 16/6/2010 | 10:38 GMT+7

Mùa khô ở miền Trung Tây Nguyên nắng đã như đổ lửa, nhưng từ cửa khẩu Lệ Thanh (Đức Cơ- Gia Lai) nơi tiếp giáp với nước bạn Campuchia thì nhiệt độ còn cao hơn nhiều, đứng nơi cửa khẩu mà cứ ngỡ như đang ở trong chảo cát vậy. Chúng tôi vào nước bạn Cămpuchia để ngược dòng Sê San đến nơi Việt Nam đang tiến hành khảo sát hai công trình thủy điện. Những công trình này nằm trong chương trình hợp tác đầu tư đã được ký biên bản ghi nhớ với nước bạn Cămpuchia từ tháng 8-2007.

Dòng Sê San với những con sóng được tạo bởi những ghềnh đá ngầm.

Anh lái xe đón chúng tôi tại cửa khẩu Lệ Thanh là người Campuchia nhưng khá thạo tiếng Việt, do từ năm 1982 anh đã lái xe cho chuyên gia Việt Nam, nhưng từ khi Công ty EVN quốc tế triển khai đầu tư hai công trình thủy điện tại tỉnh Stung Treng (Campuchia) thì anh chuyển sang lái xe cho EVN quốc tế. Từ cửa khẩu Lệ Thanh về đến Stung treng là 230 ki-lô-mét, nhưng 100 ki-lô-mét do Việt Nam đầu tư đã hoàn tất nên xe chạy rất nhanh. Còn lại 130 ki-lô-mét do Trung Quốc đầu tư mới hoàn thành giai đoạn làm nền đất nên đường đi rất bụi. Khí hậu cũng như thổ nhưỡng vùng này gần giống như miền Trung Tây Nguyên của Việt Nam: chỉ có mùa mưa và mùa khô. Mùa này, nơi đầy đang là mùa khô nên xe chạy đến đâu bụi cuốn theo đến đó. Chỉ cần có một chiếc ôtô chạy trước thì với khoảng cách 50m, xe sau không thể nhìn rõ đường đi. Bụi cuốn từng cột như lốc xoáy.

Từ thành phố Stung Treng đi ôtô 28 ki-lô-mét đến thôn Phluk, tại đây chúng tôi thuê thuyền của dân đánh cá địa phương ngược dòng Sê San để đến trạm thủy văn hạ Sê San 2 của Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng điện 1 (thuộc tập đoàn Điện lực Việt Nam -EVN) là nơi dừng chân duy nhất hiện nay của dự án trên dòng sông Sê San trên đất nước bạn Cămpuchia.

Cũng như ở Việt Nam, mùa này các dòng sông đều kiệt nước, nên chỉ có người dân bản sứ mới đi được đúng luồng nước sâu mà không bị va vào đá ngầm. Mùa này, trạm thủy văn cũng chỉ còn hai người ở lại trực do điểm đo lưu lượng ít hơn mùa lũ Trạm trưởng Nguyễn Văn Hải cho biết, công việc đo thủy văn được bắt đầu từ tháng 4-2008, mùa lũ cũng là mùa mưa luôn thì số người làm việc ở trạm lên tới 7 người. Tháng 11-2009, xuất hiện một trận lũ to nhất trong lịch sử. Số liệu thủy văn từ con lũ này thực sự quan trọng đối với những người làm thủy điện vì sẽ làm cơ sở cho thiết kế công trình an toàn. Mùa lũ, việc đi lại của anh em rất khó khăn do lòng sông dốc,  rộng và nước chảy siết lại có nhiều đá ngầm. Việc ăn uống phải nhờ nhà dân.

Cuộc sống của anh em làm việc bên này khá khó khăn. Nóng quanh năm nhưng điện không có. Hàng hóa hầu như được đưa từ Việt Nam sang nên giá cả cao hơn, trong khi đó hệ số lương làm việc tại Cămpuchia là 1,4 so với làm việc trong nước là 1,3. Do đặc thù công việc, nên ai muốn cưới vợ thì phải cưới vào mùa kiệt, công việc ít. từ tháng 5 đến hết tháng 7, đặc biệt là tháng 7 vào mùa lũ chính thì …không thể nghỉ cưới vợ được.

Anh Trương Quang Minh- Trưởng phòng kỹ thuật của Công ty EVN quốc tế đưa chúng tôi lên khu vực lưu giữ những mẫu đất đá do Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 1 (TV 1) thực hiện phần việc khoan thăm dò. Công việc này bắt đầu từ tháng 2-2009 và hoàn thành vào tháng 6-2009. Đây được xem là thời gian kỷ lục về phần việc khoan thăm dò và khảo sát địa hình với khối lượng công việc là 7.822 mét khoan tại đập tràn, đập chính, đập phụ, tuyến năng lượng.

Dự án thuỷ điện Hạ Sê San 2 nằm trên địa bàn tỉnh Stung Treng - Vương quốc Campuchia có Công suất: 400MW, điện lượng trung bình 1.998,4 triệu kWh/năm; suất đầu tư khoảng 1,982 triệu USD/MW, quy đổi ra khoảng  0,397 USD/kWh. Đến nay, đã hoàn thành cơ bản việc lập và trình Báo cáo nghiên cứu khả thi- Dự án đầu tư (BCNCKT/DAĐT) lên các Bộ ngành Campuchia. Theo đó, Chính phủ Campuchia đã thông qua chủ trương cho phép EVN International phát triển dự án theo hình thức BOT. Bộ MIME có văn bản chính thức mua 50% sản lượng điện của Nhà máy. Hiện EVN International đã nộp Hồ sơ đề xuất và các nội dung hợp đồng liên quan để đàm phán với Chính phủ Campuchia.

Tính cho đến thời điểm hiện nay, Công ty EVN quốc tế (EVNI) là đơn vị của Viêt Nam duy nhất đang hoàn tất các thủ tục cuối cùng để trình xin phép xây dựng dự án thủy điện có công suất lớn (400MW) tại Campuchia. Theo kế hoạch hợp tác giữa EVNI và MIME, trong tương lai không xa, EVNI sẽ là đơn vị chủ lực trong việc nghiên cứu, đầu tư, xây dựng các dự án thủy điện vùng Đông bắc Campuchia. Dự kiến việc triển khai thi công dự án sẽ diễn ra vào cuối năm 2010.

Campuchia là nước nông nghiệp (20% diện tích là đất nông nghiệp, 75% dân số làm nghề nông), sản phẩm chủ yếu là lúa, ngô, lạc, cao su, thuốc lá…; có nhiều tài nguyên quý hiếm như dầu mỏ, gỗ, đá quý, hồng ngọc, vàng, bô-xít.... Kinh tế Campuchia bắt đầu phát triển từ những năm 90 khi nền kinh tế thị trường được thiết lập. Từ năm 2000 đến năm 2004, tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình đạt 6,4%; năm 2005, đạt mức tăng trưởng kỷ lục là 13,4%, trong đó 4 lĩnh vực phát triển nhanh là dệt may, nông nghiệp, du lịch và xây dựng. Ngành công nghiệp của Campuchia còn yếu kém, chủ yếu dựa vào đầu tư và viện trợ của nước ngoài. Hàng năm, Campuchia phải nhập siêu hàng trăm triệu USD.

Vài năm gần đây, tình hình chính trị, an ninh ở Campuchia được cải thiện đáng kể, nền kinh tế thị trường được thiết lập tốt. Campuchia thực hiện chính sách tự do kinh tế và được coi là 1 trong những nền kinh tế cởi mở nhất ở châu Á. Các nhà tài trợ luôn dành cho Campuchia những cam kết viện trợ đáng kể. Trung bình mỗi năm Campuchia nhận được 500 triệu USD tiền viện trợ từ các nước tài trợ.

Tuy nhiên, hạ tầng cơ sở và hệ thống dịch vụ ở đây còn yếu. Nhiều tuyến đường chưa được trải nhựa, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa; Giá cả sinh hoạt như điện, nước, viễn thông và vận tải cao so với các nước  trong khu vực. Đặc biệt là điện. Ông Kâm Út - Chủ tịch Hội Việt kiều Stung Treng cho biết, trước đây, điện cung cấp cho người dân được chạy bằng máy phát nên giá thành là 1.220 Reil/kWh nhưng từ tháng 2-2010, được dùng điện mua từ Lào nên chỉ còn 980 Reil/kWh. Hàng tháng gia đình ông chi phí riêng cho tiền điện là 500 ngàn Reil. Hiện nay, Campuchia đang sử dụng điện nhập từ Lào, Việt Nam nên chỉ ở khu vực thành phố mới có điện. Vì vậy, người dân Campuchia trông mong việc xây dựng công trình thủy điện trên đất nước họ như trời hạn trông mưa. Ông Kâm Út nói, không phải chỉ là mong muốn mà người dân ở đây còn đi chùa cầu để điều ấy thành sự thật.

Trên dòng Sê San, những chiếc thuyền trôi đi chầm chậm, những người dân chài nơi đây mang dáng dấp dân chài ở Việt Nam quê hương tôi. Tôi bắt đầu nhớ dòng sông Sê San, nhớ Stung Treng ngay từ khi chưa kịp xa nơi này./

Thanh Mai