Sự kiện

Người lao động trong doanh nghiệp cổ phần đời sống được nâng cao khi công đoàn hoạt động thuận lợi

Thứ sáu, 18/1/2008 | 09:10 GMT+7

Đến nay, hàng chục doanh nghiệp ngành Điện đang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần. Đây là bước tiến quan trọng về sắp xếp lại doanh nghiệp phù hợp với cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước. Việc chuyển sang mô hình cổ phần cũng được kỳ vọng sẽ nâng cao hơn đời sống và cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động. Thực tế cho thấy để hiện thực hoá kỳ vọng này, một điều kiện quan trọng là doanh nghiệp cần nhận thức đầy đủ và tạo điều kiện thuận lợi để công đoàn doanh nghiệp phát huy vai trò, chức năng của mình. 

                 

           Phòng Điều khiển dây chuyền 1 (440MW) Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại

Khi doanh nghiệp đặt niềm tin vào công đoàn

Khi cơ chế “cầm tay chỉ việc” không còn, doanh nghiệp hoạt động theo cơ chế “lãi ăn lỗ chịu” thì lợi nhuận là vấn đề sống còn của doanh nghiệp. Đáng mừng là thực tiễn cho thấy, doanh thu của các đơn vị thuộc EVN hoàn thành cổ phần hoá và đi vào hoạt động bình quân tăng từ 10-30%, lợi nhuận hằng năm trung bình đạt 8,25%. Điều đó không chỉ khẳng định việc chuyển đổi mô hình hoạt động là một chủ trương đúng đắn, mà còn thể hiện những nỗ lực lớn của người lao động trong doanh nghiệp cổ phần. Ông Phan Ngọc Trác - Phó chủ tịch công đoàn Điện lực Việt Nam cho rằng: Mặc dù doanh nghiệp tinh giảm lao động khi cổ phần hoá, người lao động phải làm việc nhiều hơn, trách nhiệm cao hơn, căng thẳng hơn và nguy cơ tranh chấp quyền lợi giữa người lao động và người sử dụng lao động cũng cao hơn, nhưng cho đến nay, mối quan hệ giữa người lao động với lãnh đạo các doanh nghiệp cổ phần ngành Điện vẫn duy trì tốt đẹp. Thực tiễn chứng minh sợi dây gắn kết người lao động với lãnh đạo đơn vị để có được mối quan hệ có tính truyền thống đó chính là vai trò của tổ chức công đoàn tại đơn vị. Hiện nay, vai trò đó càng quan trọng và cần thiết phát huy nhiều hơn trong các doanh nghiệp cổ phần. Để phát huy vai trò đó thì phía doanh nghiệp cần nhận thức đầy đủ và tạo điều kiện thuận lợi cho công đoàn hoạt động. Khi công đoàn chăm lo hiệu quả cho người lao động, động viên người lao động hăng hái thi đua lao động sáng tạo, sẽ giúp họ gắn bó hơn với nghề và với doanh nghiệp. Đó là yếu tố quan trọng đảm bảo doanh nghiệp phát triển bền vững.

Thực tế thời gian qua đã cho thấy, tại một số đơn vị, khi công đoàn hoạt động thuận lợi thì đời sống người lao động cũng được cải thiện rõ rệt so với trước khi cổ phần hoá. Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại có thể coi là một ví dụ điển hình về hiệu quả tích cực của tổ chức công đoàn. Sau gần 2 năm hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, tình hình sản xuất kinh doanh luôn vượt kế hoạch, việc làm và đời sống của 1557 CBCNV đã ổn định và từng bước được cải thiện. Thu nhập bình quân của người lao động trong 10 tháng đầu năm 2007 là 5,1 triệu đồng/tháng (tăng tới 25% so với cùng kỳ năm 2006). Kế hoạch trả cổ tức năm 2006 chỉ là 12% nhưng Công ty đã trả 22% cộng với 5% cổ phiếu thưởng cho cổ đông. Còn kế hoạch của năm 2007 là 15% và Công ty đã tạm ứng 10% cho cổ đông. Nguồn quỹ phúc lợi và khen thưởng vẫn được duy trì sau khi đơn vị cổ phần hoá và có số dư quỹ năm 2007 lần lượt là 5,7 và 7,1 tỷ đồng. Các hoạt động văn hoá, thể thao, bảo vệ sức khoẻ và môi trường được khơi dậy và duy trì đều đặn, sôi nổi, thúc đẩy mạnh mẽ khí thế thi đua sản xuất kinh doanh trong đơn vị.

Bà Nguyễn Thị Thậm - Phó chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại phấn khởi nói: “Những kết quả khá ấn tượng thời gian qua chính là nhờ lãnh đạo chuyên môn đã tạo điều kiện tốt nhất cho công đoàn và cùng chung tay với công đoàn nhanh nhậy nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động, từ đó có những chủ trương, chính sách hợp lý chăm lo đời sống CBCNV. Phấn khởi nhất là thoả ước lao động tập thể đã được người lao động và người sử dụng lao động thực hiện một cách nghiêm túc, hiệu quả. Các nội dung, quy chế, quy định của Công ty nhằm cụ thể hoá Thoả ước lao động tập thể là thiết thực, phù hợp, một số nội dung có lợi hơn cho người lao động so với Luật. Gần 2 năm sau khi cổ phần hoá, dù thời gian chưa dài nhưng rõ ràng đời sống vật chất và tinh thần của người lao động từng bước được cải thiện hơn. Những phát sinh vướng mắc trong quan hệ lao động được hạn chế tối đa và không xảy ra tranh chấp lao động, sản xuất kinh doanh phát triển bền vững”. Tại Hội nghị đại biểu người lao động năm 2007 của Công ty diễn ra mới đây, ông Nguyễn Khắc Sơn  Giám đốc Công ty cũng đã nhấn mạnh: Lãnh đạo Công ty cần thường xuyên phối hợp với công đoàn bám sát các chỉ tiêu thi đua, cách thức chấm điểm thi đua của Công ty. Đồng thời, thúc đẩy phong trào đăng ký thi đua, phấn đấu trở thành lao động xuất sắc, chiến sỹ thi đua các cấp, tạo không khí phấn khởi trong toàn Công ty, quyết tâm hoàn thành toàn diện kế hoạch năm 2007. Như vậy, với lãnh đạo của Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại, việc thường xuyên phối hợp với công đoàn phát động các phong trào thi đua lao động sản xuất và chăm lo cho đời sống người lao động trở thành một trong những “bí quyết” sản xuất kinh doanh hiệu quả và cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa.

Một doanh nghiệp cổ phần khác cũng đang làm ăn hiệu quả với sự góp sức không nhỏ của công đoàn đơn vị là Công ty cổ phần Cơ khí Điện lực. Ông Vũ Ngọc Đàm - Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết: Lãnh đạo công ty, đặc biệt là Giám đốc Nguyễn Đức Lợi luôn coi trọng người lao động, họ vừa là cổ đông vừa là CBCNV làm việc trong Công ty. Nhờ vậy, tập thể người lao động đã góp trí tuệ, sức lực để xây dựng Công ty ngày càng phát triển bền vững, các chỉ tiêu SXKD năm 2007 đều đạt và vượt mục tiêu đề ra. Doanh thu đạt 205 tỷ đồng (đạt 112% kế hoạch); thu nhập bình quân 2,5 triệu đồng/người/tháng. Lãnh đạo Công ty thường xuyên phối hợp với Ban Thường vụ Công đoàn đơn vị triển khai các biện pháp nâng cao đời sống cho người lao động như: Đầu tư cho các hoạt động phục vụ sản xuất như chi công tác BHLĐ 250 triệu đồng; duy trì ăn giữa ca là 700 triệu đồng/năm; cho CBCNV đi tham quan nước ngoài, nghỉ mát, tặng mũ bảo hiểm cho toàn bộ người lao động trong Công ty. Như vậy, Công đoàn đã đóng vai trò tích cực trong việc thúc đẩy các hoạt động phục vụ SXKD của đơn vị và cũng nhờ đó lãnh đạo Công ty luôn tin tưởng và cùng Công đoàn quan tâm chu đáo để từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho CBCNV.

Để công đoàn luôn là chỗ dựa cho NLĐ

Khẳng định vai trò của công đoàn trong việc nâng cao đời sống cho người lao động trong doanh nghiệp cổ phần là rất quan trọng. Tuy nhiên, trừ một số tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp cổ phần được quan tâm, tạo điều kiện đúng mức thì hiện nay hầu hết các Công ty cổ phần không còn cán bộ công đoàn chuyên trách. Vì vậy thời gian dành cho hoạt động công đoàn không nhiều, chính sách đãi ngộ hầu như không có. Bên cạnh đó là việc thiếu kinh phí hoạt động do số lao động đã tinh giảm kéo theo quỹ tiền lương giảm, tỷ lệ thu phí công đoàn cũng giảm theo. Mặt khác, hầu hết các đơn vị không còn tổ chức đại hội CNVC mà tổ chức đại hội cổ đông. Chỉ những người tham gia góp vốn mới được dự và được quyền bình đẳng tham gia góp ý kiến. Nếu cổ đông là người lao động trong doanh nghiệp thì có thể tham gia hoạt động công đoàn, còn nếu là lao động không có vốn góp vào doanh nghiệp thì tiếng nói của họ ít có trọng lượng và công đoàn cũng không nằm ngoài vấn đề này. Mối quan hệ giữa công đoàn và chuyên môn trong doanh nghiệp cổ phần được xem là đáng quan tâm nhất hiện nay. Bởi hầu hết Chủ tịch Công đoàn đều kiêm nhiệm, tức là ăn lương theo hệ thống quản lý của doanh nghiệp cổ phần. Vì vậy tiếng nói cũng chưa được coi là quan trọng, quyết một vấn đề chuyên môn trong tầm tay đã khó, huống chi là chuyện của Công đoàn. Hơn nữa cơ chế dân chủ chưa có văn bản pháp luật quy định nên vai trò của công đoàn về việc phối hợp với chuyên môn ít có điều kiện để thực hiện đầy đủ. Đồng thời cũng chưa  có cơ chế dân chủ cho người lao động trong các công ty cổ phần để thực hiện hết trách nhiệm và vai trò làm chủ của mình cũng như đóng góp ý kiến vào hoạt động của doanh nghiệp. Khoảng cách giàu nghèo trong các công ty cổ phần đang ngày càng lớn cùng với mâu thuẫn giữa các cổ đông và người lao động trong vấn đề tiền lương và cổ tức...

Trước tình hình đó, công tác củng cố, xây dựng tổ chức công đoàn cho phù hợp với hoạt động của công ty cổ phần đang là vấn đề được công đoàn EVN đặc biệt quan tâm. Theo bà Khương Thị Trang  nguyên Phó chủ tịch Công đoàn Điện lực Việt Nam, để hoạt động công đoàn thích hợp với việc chuyển đổi hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, thì công tác cán bộ và đào tạo bồi dưỡng cán bộ công đoàn hiện nay là rất quan trọng, nhất là cán bộ công đoàn cấp cơ sở và trên cơ sở. Những cán bộ thừa hành tham mưu, giúp việc phải giỏi chuyên môn, nghiệp vụ... Mạng lưới của tổ chức công đoàn phải có những cán bộ nhiệt tình tâm huyết, có tinh thần trách nhiệm cao.. Mặt khác, thường xuyên bồi huấn nghiệp vụ công đoàn hằng năm cho đối tượng mới tham gia ban chấp hành công đoàn các cấp. Vấn đề bồi huấn về các văn bản có liên quan đến công tác cổ phần hoá cũng đã được Công đoàn Điện lực Việt Nam quan tâm, cụ thể là đã tổ chức một số lớp học tìm hiểu về cổ phần hoá và chứng khoán cho cán bộ công đoàn chủ chốt trong ngành Điện trong thời gian qua.

Được biết, EVN đã xây dựng dự thảo Quy chế cử đại diện giám sát, kiểm tra hoạt động của doanh nghiệp cổ phần mà EVN nắm giữ cổ phần chi phối. Ông Phan Ngọc Trác - Phó chủ tịch CĐ Điện lực Việt Nam cho biết: Khi đi vào cuộc sống, Dự thảo này có thể sẽ là một biện pháp tốt để phát huy tốt hơn vai trò của công đoàn trong doanh nghiệp cổ phần ngành Điện. Cụ thể là ngoài chức năng kiểm tra, giám sát hoạt động SXKD tại doanh nghiệp cổ phần thì người đại diện giám sát còn có thể tham gia góp ý hoặc đề xuất giải pháp với lãnh đạo doanh nghiệp để tạo điều kiện cho công đoàn hoạt động, chăm lo đời sống và đảm bảo đầy đủ các quyền lợi cho người lao động. Hiện, Dự thảo Quy chế này đang được Công đoàn Điện lực Việt Nam góp ý và dự kiến EVN sẽ ban hành vào năm 2008.  

Theo TC Điện lực số 12 - 2007