Sự kiện

Sử dụng công tơ điện tử trong đo đếm điện năng: Xu thế tất yếu trong hoạt động kinh doanh điện

Thứ hai, 14/1/2008 | 10:58 GMT+7

Từ hiệu quả kinh tế

Trước yêu cầu ngày càng cao của khách hàng về sự công bằng, công khai, minh bạch trong mua bán và quản lý kinh doanh đã buộc ngành điện phải có sự chuyển biến trong các dịch vụ cung ứng điện, nhất là trong việc lắp đặt các thiết bị đo đếm điện năng. Có thể nói đây là giai đoạn ngành điện phải thực hiện  những công việc quan trọng nhất là hoàn thiện cơ sở pháp lý trong hoạt động đo đếm, song song với củng cố, cải tiến cơ chế quản lý, đưa công tác quản lý vào nền nếp, đồng thời chủ động, đẩy mạnh nghiên cứu, đầu tư để hiện đại hóa, nâng cao chất lượng hệ thống đo đếm.

Bước đầu, EVN đã tập trung đầu tư, thay thế các công tơ  cũ, không đủ tiêu chuẩn ký thụât bằng các công tơ mới đạt yêu cầu; xóa bỏ hoàn toàn tình trạng “khoán” trong sử dụng điện. Tiến tới tăng cường công tác thay thế công tơ định kỳ đối với các công tơ đến hạn theo quy định; đồng thời, thường xuyên kiểm tra, phúc tra để phát hiện và xử lý kịp thời sự cố bất thường của công tơ đo đếm. Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động của công tơ để phản ảnh kịp thời với nhà chế tạo nhằm cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm và đáp ứng yêu cầu quản lý và đặc biệt là chống lấy cắp điện.

Công tác kiểm định phương tiện đo đếm điện năng cũng được phân cấp và đầu tư phát triển tại các Điện lực. Từ chỉ vài cơ sở được uỷ quyền kiểm định trong năm đầu 1980, đến  nay đã có 67 đơn vị kiểm định trong toàn quốc được công nhận. Tới nay, 100% số công tơ lắp đặt cho khách hàng đều được qua kiểm định ban đầu.Việc nghiên cứu công tơ điện tử (công tơ kỹ thuật số) cũng đã được đặt ra ngay từ năm 1995. Năm 1997, sau khi thử nghiệm thành công và xây dựng Quy trình kiểm định công tơ điện tử tạm thời, hơn 2000 công tơ điện tử đầu tiên được mua, đăng ký mẫu và triển khai tại các đơn vị của EVN. Đến nay, tại tất cả các vị trí đo đếm ranh giới giao nhận điện năng giữa các đơn vị Nhà máy điện, Công ty Truyền tải điện, Công ty Điện lực của EVN và hơn 72.000 khách hàng thuộc đối tượng áp dụng 3 giá đã được lắp đặt công tơ điện tử. Các công tơ này chủ yếu nhập khẩu từ các hãng sản xuất công tơ lớn trên thế giới như Elster, Schlumberger, ADMI, Landi & Gyr... Đây là các chủng loại công tơ có cấp chính xác cao, được tích hợp nhiều chức năng cho phép khai thác và nâng cao độ tin cậy, tiện lợi cho trong quá trình quản lý điện năng của ngành cũng như về phía khách hàng, đem lại hiệu quả thực sự cho xã hội, khách hàng và ngành điện.

Ngoài ra, nhằm hợp lý hóa công tác kinh doanh, nâng cao năng suất lao động, các đơn vị thuộc EVN đã tiến hành nghiên cứu, chế tạo và triển  khai ứng dụng công tơ điện tử 1 pha để bán cho khách hàng như: Công ty Điện lực 1 (PC1) liên doanh với Cty Omni System Co. Ltd sản xuất, lắp ráp công tơ điện tử 1 pha có chức năng đọc số liệu từ xa qua cáp RS 485 và đang triểnkhai lắp đặt các công tơ này để bán điện cho khách hàng; Công ty Điện lực 3 (PC3) sử dụng công tơ điện tử 1 pha do Công ty nghiên cứu chế tạo. Các công tơ này có chức năng đọc số liệu từ xa qua đường dây hạ thế hoặc sóng vô tuyến điện. Hiện nay, các công tơ này đã được lắp đặt và vận  hành có hiệu quả trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; Trường Đại học Điện lực đã  nghiên cứu sản xuất thành công công tơ điện tử 1 pha và 3 pha kiểu SmartRF, hiện đang hoàn tất thủ tục thương  mại để đưa ra thị trường.

Cần có những bước đi thích hợp

Sở dĩ có những e ngại từ phía khách hàng về việc thay thế từ công tơ đo điện cơ sang công tơ điện tử là do những vấn đề tiêu cực đã xảy ra ở Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh trong chương trình thay thế công tơ cơ sang công tơ điện tử. Mặc dù chưa có kết luận cuối cùng trong vụ tiêu cực này, nhưng một thực tế cần khẳng định rằng lỗi là do những người thực thi nhiệm vụ không trung thực, chứ không phải lỗi do những chiếc công tơ đo đếm điện năng. Không thể vì những tiêu cực do con người gây ra mà bỏ qua những tính năng tiên tiến của những chiếc công tơ điện tử.

Các nhà nghiên cứu trong ngành điện nhận định, bên cạnh những ưu điểm lớn của công tơ điện cơ là độ bền, giá rẻ và dễ lắp đặt, sử dụng, cũng tồn tại những nhược điểm rất khó khắc phục là sai số và độ chính xác thấp, chỉ có 1 biểu giá. Trong khi công tơ điện tử là một sản phẩm đo điện bằng các vi mạch điện tử rất phức tạp, đòi hỏi phải có độ chính xác rất cao và độ ổn định tốt theo thời gian. Xét về mặt ứng dụng, công tơ điện tử không chỉ khắc phục được nhược điểm của công tơ cơ khí về cấp chính xác, mà công tơ điện tử còn có khả năng hỗ trợ các tính năng giúp cho người quản lý bán điện quản lý tốt hơn, tránh thất thoát, lãng phí .Có thể nói công tơ điện tử đã và đang khẳng định xu thế bằng các tính năng nổi trội, có khả năng đọc số liệu công tơ từ xa, qua đó trợ giúp quá trình theo dõi, cập nhật số lịêu và vận hành công tơ, giúp các đơn vị tăng năng suất lao động, giảm tiêu cực, giảm thiểu tai nạn lao động, nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng.

Theo Luật Điện lực, công tơ do nhà cung ứng điện cung cấp và quản lý. Các đơn vị điện lực có trách nhiệm lắp đặt, thay thế, kiểm định và quản lý các công tơ của khách hàng. Do vậy, việc thay thế công tơ điện cơ bằng công tơ kỹ thuật số cũng gặp không ít vướng mắc. Về tâm lý khách hàng, do không kiểm soát được công tơ, luôn nghi ngờ tính chân thực và sự cần thiết của việc thay thế, nên sau khi thay, nếu mức thanh toán vẫn giữ như cũ hoặc giảm thì khách hàng sẽ không thắc mắc. Ngược lại, nếu mức thanh toán tăng lên hơi bất thường, khách hàng sẽ khiếu nại. Còn về mặt kinh tế, trong lúc ngành Điện đang thiếu vốn, thiếu cả nhân viên kỹ thuật, trang thiết bị hiệu chỉnh – kiểm định… thì khối lượng và kinh phí không nhỏ của việc thay thế công tơ cơ cũ bằng công tơ điện tử sẽ là một bài toán nan giải. Tuy nhiên, nếu triển khai tốt và đồng bộ thì hiệu quả mang lại cũng lại to lớn hơn nhiều so với chi phí bỏ ra. Chẳng hạn, có thể giảm hàng trăm lao động ở đội ngũ ghi chữ của mỗi công ty điện lực; giảm tổn thất khoảng 3 đến 4%, đây là con số điện năng rất lớn so với chi phí thực hiện; có đủ cơ sở tin cậy để đánh giá, phân tích chỉ tiêu tài chính chính xác, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; đồng thời tính chính xác trong đo đếm điện năng cũng là cơ sở nâng cao niềm tin cậy của khách hàng , một đòi hỏi rất lớn của hội nhập trong tổ chức WTO. Để đạt được hiệu quả như đã phân tích ở trên thì vấn đề cơ bản là phải có một bước đi mạnh dạn trong việc thay thế dần công tơ điện cơ bằng công tơ kỹ thuật số trên toàn hệ thống điện.

Ý kiến một số đại biểu tham dự hội thảo

Ông Nguyễn Nam Vinh, Phó chủ tịch Hội tiêu chuẩn và bảo vệ  quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam: Chúng tôi đồng ý với quan điểm của hội thảo về xu thế phát triển của công nghệ đo đếm điện năng. Việc ứng dụng kỹ thuật điện tử và kỹ thuật số trong công tơ đo đếm điện năng là xu thế tất yếu, tuy nhiên việc ứng dụng phải có tiến độ phù hợp với tình hình Việt nam, không gây lãng phí và phải đảm bảo lợi ích người tiêu dùng.Bảo đảm  lợi ích người tiêu dùng ở các mặt: Thứ nhất là độ chính xác và quan hệ công bằng giữa bên mua và bên bán; Thứ hai là phải tạo ra cho người mua điện sự thuận tiện trong dịch vụ mua bán điện; và cuối cùng là những lợi ích mà bên bán điện thu được khi áp dụng công nghệ mới phải được chia sẻ với khách hàng, người tiêu dùng điện thông qua giá điện.

GS. TS. Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam: Việc ứng dụng công nghệ mới, kỹ thuật số trong đo đếm điện năng là phù hợp với xu thế phát triển của các nước nói chung và Việt Nam nói riêng, nó mang lại lợi ích cho các bên mua bán điện và nói cho cùng là lợi ích Quốc gia. Tuy nhiên việc áp dụng ở Việt Nam như thế nào cho phù hợp, cần được nghiên cứu cẩn thận và có kế hoạch dài hạn và tỉ mỉ. Để làm chủ công nghệ và giảm giá thành, chúng ta nên có kế hoach nội địa hóa dần sản phẩm công tơ điện tử. Việc làm như vậy sẽ góp phần hiện đại hóa và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của nhành điện Việt Nam.

Ông Đặng Hùng, Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam: Tốc độ phát triển nhu cầu sử dụng điện trong thời gian qua và sắp tới là rất lớn. Trong khi đó năng suất lao động của ngành điện Việt nam và đặc biệt trong khâu kinh doanh bán điện còn rất thấp. Việc ứng dụng công nghệ mới ở tất cả các khâu trong dây truyền sản xuất, kinh doanh của ngành điện là nhu cầu bức thiết để nâng cao dần năng suất lao động, góp phần cho sự phát triển ngành điện Việt Nam một cách bền vững. Ứng dụng công nghệ kỹ thuật số, kỹ thuật điện tử trong đo đếm điện năng là nột bước phù hợp với tiến trình tăng năng suất lao động của ngành điện.

KIM HOA