Sự kiện

Chế độ tiền lương, tiền công để thực sự là động lực khuyến khích người lao động phát triển

Thứ sáu, 11/1/2008 | 10:04 GMT+7

Làm thế nào để tiền lương, tiền công thực sự trở thành động lực khuyến khích, thu hút người tài, gắn quyền lợi của người lao động với lợi ích của doanh nghiệp? Câu hỏi này không chỉ là mối quan tâm của các cấp quản lý mà cả đối với mỗi người lao động, nhất là trong bối cảnh EVN chuyển sang hoạt động theo mô hình Tập đoàn; đồng thời tiến trình sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp ngành Điện cũng đang được triển khai mạnh mẽ.

               

Tình trạng trả lương bình quân làm cản trở việc tạo động lực khuyến khích người lao động có năng lực phát huy sáng tạo

Đánh giá hằng năm của Vụ Tiền lương và Tiền công - Bộ Lao động Thương binh & Xã hội cho thấy: Mặt bằng tiền lương của ngành Điện nhìn chung ổn định và mức thu nhập được xếp vào loại cao so với mặt bằng thu nhập của xã hội (bình quân khoảng 3,5 triệu đồng/người/tháng). Mặt bằng lương này hình thành trên cơ sở những yếu tố đặc thù của lao động ngành Điện như: Ngành Điện là ngành kinh tế quan trọng, gắn với nền kỹ thuật tiên tiến và hiện đại, đòi hỏi trình độ kỹ sư và kỹ thuật phải chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu lao động của ngành. Trong sản xuất kinh doanh, ngành Điện còn đáp ứng yêu cầu làm công ích theo chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước như đưa điện về nông thôn miền núi, vùng sâu, vùng xa...và khắc phục mọi khó khăn để đáp ứng sự tăng trưởng của nền kinh tế đất nước; môi trường làm việc của CBCNV ngành Điện chủ yếu là nặng nhọc, độc hại; người lao động thường xuyên tiếp xúc với môi trường điện từ trường cao, làm việc ở những nơi có độ nóng, độ ồn, bụi thường lớn hơn mức cho phép... Cũng từ những đặc thù này mà trong nhiều năm qua, ngoài quan tâm về lương, Bộ Lao động, các ban, ngành còn cho phép EVN áp dụng chế độ tiền thưởng vận hành an toàn tại Thông tư 12/LĐTBXH-TT ngày 12/5/1995 với mức 20% lương cấp bậc, chức vụ cho CNV sản xuất điện, quản lý vận hành  đường dây, trạm điện 110 kV, CNV sửa chữa thí nghiệm thiết bị điện từ 110 kV trở lên. Đến năm 2004, tại QĐ số 121/QĐ-TTg và Thông tư 20/TT quy định lại mức 15% và mức 20% lương cấp bậc, chức vụ áp dụng cho tất cả CNVC liên quan trực tiếp đến quá trình SXKD điện. Nhờ những chính sách đặc thù đó mà tiền lương và thu nhập của CNVC -LĐ trong ngành được hợp lý hơn,

 Tuy nhiên, trong xu thế phát triển của ngành với những đòi hỏi cấp thiết về tốc độ tăng trưởng điện năng cao, tiến trình mở rộng sản xuất kinh doanh trong mô hình tập đoàn đa ngành nghề, đa lĩnh vực... chính sách tiền lương của ngành Điện ngày càng bộc lộ những hạn chế cần thay đổi. Tồn tại trước tiên phải đề cập đến là việc áp dụng thang bảng lương và trả lương theo mức bình quân vẫn là yếu tố cơ bản được áp dụng trong EVN (hằng năm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vẫn là cơ quan thẩm định và duyệt đơn giá tiền lương SXKD điện cho EVN theo sản lượng điện thương phẩm). Tình trạng trả lương bình quân đã cản trở không nhỏ tới việc tạo động lực khuyến khích đội ngũ lao động trẻ, lao động có năng lực phát huy hết khả năng của mình. Ví dụ rất cụ thể: Nếu đem so sánh mức lương và phụ cấp theo thâm niên công tác của 2 lao động ở 2 vị trí: Một bảo vệ (hay lái xe) có thâm niên công tác lâu năm, với một kỹ sư trẻ làm việc ở vị trí vận hành sản xuất thì lương và phụ cấp của người bảo vệ có phần cao hơn nhiều. Điều này rất khó chấp nhận nếu so sánh giá trị kinh tế đem lại từ hai vị trí công việc này. Tuy nhiên, đây vẫn là một thực tế tồn tại không chỉ trong ngành Điện mà là thực trạng chung trong khối các doanh nghiệp nhà nước.

Vấn đề nữa cần phải đề cập là cơ cấu lao động trong ngành Điện chưa thực sự hợp lý, lực lượng lao động chưa được tinh giảm đã khiến việc phân phối quỹ lương gắn với hiệu quả, năng suất, mức độ đóng góp của từng người lao động chưa thực hiện được. Chế độ hạch toán nguồn tiền lương và chế độ quản lý lao động cũng chưa đồng bộ với nhau cho nên việc phân định các loại lao động theo từng khối lượng công việc chưa rõ ràng. Bộ máy quản lý gián tiếp của EVN còn tương đối cao, mô hình tổ chức SXKD và việc thực hiện chuyên môn hóa trong dây chuyền SXKD... chưa thống nhất. Thời gian qua, từ thực tế cơ chế tiền lương, tiền công chưa hợp lý, kết hợp với môi trường làm việc chưa thực sự hấp dẫn đã khiến một số lao động là kỹ sư, cán bộ quản lý ở một số đơn vị trong ngành xin chuyển công tác để sang các liên doanh, doanh nghiệp có thu nhập cao. Năm 2005, riêng NMĐ Phú Mỹ đã có 30 người xin chuyển đi, một số sinh viên mới ra trường nhận việc ở một số công ty nhiệt điện, ban chuẩn bị sản xuất, quản lý dự án cũng nhanh chóng chuyển đi tìm nơi có thu nhập cao hơn. Đó là một thực tế không thể phủ nhận trong cơ chế tiền lương, tiền công hiện nay.

Lời giải cho bài toán tiền lương, tiền công của EVN trong bối cảnh hiện nay, theo ông Phạm Văn Minh - Trưởng Ban Lao động Tiền lương EVN thì Chính phủ nên cho phép EVN trên cơ sở đặc thù của lao động ngành Điện tự xây dựng hệ thống thang, bậc lương và hệ thống phụ cấp riêng cho phù hợp với đặc thù lao động ngành Điện. Hệ thống thang bậc lương và phụ cấp này sẽ phải đảm bảo các yêu cầu như: Phù hợp với đặc thù lao động ngành Điện là lao động kinh tế kỹ thuật với tính hệ thống cao, quan tâm đến chế độ lương bổng thoả đáng cho người lao động tại các vị trí và khu vực khác nhau (có thể phân chia tách bạch ra các khu vực: Quản lý vận hành, các nhà máy thuỷ điện, nhiệt điện và quản lý...)

Hiện nay, cùng với tiến trình đổi mới, nâng cấp thiết bị và công nghệ, tiếp nhận nhiều nhà máy mới vào vận hành, yêu cầu về trình độ, kiến thức và chuyên môn, nghiệp vụ của NLĐ ngành Điện ngày càng được nâng cao. Do đó cần chuẩn hoá bậc thợ và cách trả lương cho NLĐ để làm sao khích lệ những LĐ giỏi, có chính sách thu hút đối với vùng khó khăn, tạo cho NLĐ có thể phát triển về mọi mặt trong môi trường cạnh tranh của cơ chế thị trường. Để thu hút được các lao động có tay nghề, ngoài tiền lương theo chế độ luôn được đảm bảo ổn định, EVN cũng cần quan tâm hơn nữa đến các chế độ khác hỗ trợ cho người lao động về tinh thần (như môi trường làm việc, điều kiện làm việc...), vật chất (tiền thưởng, ăn ca, điều dưỡng phục hồi chức năng lao động...), đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ và các điều kiện để phát triển và thăng tiến trong công việc.

Ngoài ra, việc sắp xếp lại bộ máy quản lý và đầu mối tổ chức SXKD của từng đơn vị trên cơ sở nguyên tắc thật gọn nhẹ và khoa học; thực hiện chuyên môn hoá cao trong dây chuyền SXKD sẽ tạo được đội ngũ cán bộ, công nhân có trình độ, tiết giảm được đội ngũ lao động phục vụ phụ trợ. Đây là điều kiện thuận lợi để thu hút lực lượng lao động trẻ đã được đào tạo cơ bản từ các trường đại học, cao đẳng, đào tạo nghề của cả nước. Hy vọng, với sự quan tâm của Chính phủ, các Bộ, Ban ngành, với một cơ chế chính sách quản lý lao động - tiền lương được đổi mới toàn diện, tiền lương, tiền thưởng sẽ sớm trở thành động lực kích thích người lao động tăng năng suất, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, giúp EVN sớm trở thành một Tập đoàn kinh tế mạnh với nhiệm vụ trọng tâm là đảm bảo đủ điện cho phát triển kinh tế đất nước. 

Theo TC Điện lực số 12 - 2007