Sự kiện

Thủy điện Sơn La bắt đầu đắp đập dâng

Thứ tư, 16/1/2008 | 09:33 GMT+7

Kể từ thời điểm ngăn sông đợt 1 (ngày 2/12/2005) đến nay, các đơn vị xây dựng Nhà máy Thuỷ điện Sơn La trên sông Đà đã trải qua 2 mùa chống lũ thắng lợi. Đã hoàn thành việc đào hố móng các hạng mục công trình: đập dâng, nhà máy, đập tràn, dốc nước hố xói; Đã tiến hành đồng loạt việc đổ bê tông đập tràn, bàn đáy đập dâng, nhà máy, khu vực cửa nhận nước; Đã tiến bành khoan phun gia cố và chống thấm nền, đập... Những ngày đầu tháng 1/2008, toàn công trường hướng về phía đập dâng nhà máy thuỷ điện, nơi công việc chuẩn bị cho đổ bê tông trọng lực đập dâng bằng công nghệ bê tông đầm lăn (RCC) đã sẵn sàng.

 

                  

Từ nhà điều độ của công trường bên bờ trái sông Đà nhìn xuống, hình hài một nhà máy thuỷ điện lớn nhất Đông Nam Á đã rõ nét. Phía bờ phải sông Đà là đập tràn và dốc nước. Tiếp đến là kênh và cống dẫn dòng. Đang là mùa cạn, nhưng nước sông Đà chảy qua cuồn cuộn. Hai đoạn đê quai thượng và hạ lưu ôm trọn khu vực đập dâng và nhà máy. Rất ít người, Chỉ thấy lô nhô cầu trục, xe ủi, máy xúc, xe tải cần mẫn làm việc. Nắng to, nhưng qua ống kính máy ảnh nhìn xuống, thấy cả một quầng bụi lớn phủ lên toàn công trình. Bên bờ trái, phía dưới đê quai hạ lưu, một vệt băng tải chạy dài, men theo vách núi, đổ xuống hố móng của đập. Hệ thống băng tải này vừa được vận hành liên tục 24 giờ, sẽ vận chuyển bê tông tươi đắp đập.

Đứng dưới hố móng đập dâng nhìn lên, thấy trời quang quẻ hơn và toàn bộ bề mặt hố móng đập dâng sáng như gương. Kỹ sư Nguyễn Tiến Đảo (Công ty Sông Đà 9) cho chúng tôi biết: ''Việc làm sạch bề mặt hố móng đập dâng là rất quan trọng. Khối bê tông đầu tiên đổ xuống là khối C1 - còn gọi khối trung tâm. Đây là một lớp bê tông đòi hỏi tiêu chuẩn kỹ thuật rất cao vì là lớp bê tông phủ mặt, kết nối giữa nền đá gốc móng đập với toàn bộ các lớp bê tông làm nên con đập cao 138,1 mét; chiều dài đỉnh đập là 961,6 mét; chiều rộng đáy đập điển hình là 105 mét; chiều rộng đỉnh  đập là 10 mét. Đây là kích thước của con đập sau khi đã hoàn thành. Còn bây giờ, từ hố móng đáy đập nhìn lên, thấy xa vời vợi.

- Việc đắp đập sẽ được tiến hành như thế nào? Chúng tôi hỏi.

- Toàn bộ phần đáy đập sẽ được phân thành từng dải có chiều rộng 5 mét dọc theo tuyến đập. Mỗi lớp bê tông đổ xuống có chiều dày 35cm. Kỹ sư Đảo cho biết.

- Đổ xong lu lèn ngay à?

- Vâng. Lu lèn ngay, xuống còn 30cm, và phải đổ liên tục.

Trong cái mênh mông của công trường, dưới nắng chiều, bộ quần áo bảo hộ của công nhân Sông Đà có cái màu nõn chuối rất phường chèo, trông nổi bật hẳn lên. Cũng không nhiều lắm. Tập trung nhất là ở khu vực đổ bê tông, các tổ máy và làm vệ sinh hố móng đập dâng. Còn lại là các loại máy xúc, máy gạt... đang nằm sẵn sàng chờ giờ phút phát lệnh. Kỹ sư Lê Hồng Minh, cán bộ phòng kỹ thuật Ban Điều hành dự án, cho biết: phần nhà máy đã tiến hành đổ trụ pin, phần hành lang tháo cạn ống hút đã cơ bản xong. Công trường đang tiến hành đổ bê tông từ cao độ 92 mét đến 97,8 mét.

- Trước khi về Sơn La, Minh làm ở đâu? Tôi hỏi:

- Em ra trường là về ngay công trường Sơn La.

- Phòng kỹ thuật có lắm người trẻ như Minh không?

- Hầu hết là kỹ sư trẻ ạ.

Các công trường xây dựng mọc lên như nấm ở khắp đất nước. Những kỹ sư trẻ như Minh, nếu dám chọn cho mình con đường ra công trường chẳng mấy chốc mà trưởng thành. Nắng gió Sơn La không làm nhạt đi vẻ tươi trẻ của chàng kỹ sư trẻ này.

Chúng tôi gặp tiến sĩ Thái Phụng Nê, đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ và kỹ sư Nguyễn Kim Tới, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Sông Đà, Giám đốc ban điều hành dự án nhà máy Thuỷ điện Sơn La. Cả hai đang kiểm tra các khâu chuẩn bị kỹ thuật cho việc đổ bê tông đầm lăn đập dâng. Không muốn làm đứt quãng công việc của ông, chúng tôi chỉ chào và lướt nhanh qua. Tuy vậy, tôi vẫn còn kịp nghe lọt một lời căn dặn của tiến sĩ Thái Phụng Nê: Phải để thấm tới từng công nhân tầm quan trọng của việc đảm bảo các quy trình kỹ thuật.

Ngày 5/1, Ban chỉ đạo Nhà nước xây dựng Nhà máy Thủy điện Sơn La họp trên công  trường, thông qua tiến độ xây dựng nhà máy trong năm 2008: Cái đích phát điện tổ máy số 1 vào cuối năm 2010 là không thay đổi. Trong năm nay, toàn công trường phải lắp đặt 6.400 tấn thiết bị cơ khí thuỷ công, khoan phun gia cố 24.000 mét dài, đổ 1triệu 247 ngàn m3 bê tông đầm lăn; 568 ngàn m3 bê tông thường, vận chuyển đến công trường 20 ngàn tấn tro bay dùng làm phụ gia cho bê tông đầm lăn. Trả lời câu hỏi của chúng tôi: Năm ngoái do một số phần việc chậm triển khai, tiến độ lắp đập chậm mất gần 2 tháng, liệu năm nay có khắc phục được không; kỹ sư Vũ Đức Thìn, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Giám Đốc Ban điều hành dự án Nhà máy Thuỷ điện Sơn La cho biết: Công trường đã cân đối lại công việc, thấy có thể đảm bảo đổ 1 tháng là 120 nghìn m3 bê tông đầm lăn và 40 ngàn m3 bê tông thường. Công trường sẽ tăng thêm lực lượng, như vậy, có thể bù lại thời gian đã chậm.

Trước băn khoăn của chúng tôi về việc chậm có thiết kế kỹ thuật và thiết kế thi, công các hạng mục công trình, kỹ sư Vũ Đức Thìn nhấn mạnh: Ban quản lý dự án sẽ cố gắng đáp ứng sớm các đòi hỏi về mặt này của các đơn vị thi công. Anh cũng cho biết thêm: Đến nay, hầu hết thiết bị của đập tràn (gồm tràn xả sâu và tràn xả mặt) đã đặt mua xong. Toàn bộ thiết bị cơ khí, cơ điện cũng đã được ký. Còn 2 gói thiết bị chính, gồm máy biến áp và trạm phân phối điện kín cũng đang được triển khai.

Chiều 6/l, Tổng Công ty Sông Đà tiến hành thử lần cuối cùng dây chuyền bê tông đầm lăn. Ngày 7/1, từ công trường, kỹ sư Vũ Đức Thìn điện đến chúng tôi cho biết: Trước ngày 10/1, công trường tiến hành đắp đập dâng Nhà máy thuỷ điện Sơn La.

Tất cả đang hướng về cái đích: phát điện tổ máy số 1 nhà máy Thuỷ điện Sơn La vào cuối năm 2010. 

Theo VOV