Sự kiện

Chiếu sáng đô thị sẽ thực sự hiệu quả nếu được quan tâm đúng mức

Thứ ba, 15/1/2008 | 08:59 GMT+7

Cuối tháng 11, Hội nghị Chiếu sáng đô thị (CSĐT) toàn quốc đã diễn ra tại Hà Nội. Một thực tế được đề cập tại Hội nghị này là trong khi hệ thống đô thị tại Việt Nam đang phát triển khá mạnh mẽ  thì  hoạt động chiếu sáng đô thị - yếu tố kỹ thuật thường trực và song hành trong quá trình hình thành và phát triển của mỗi đô thị lại chưa xứng tầm với vị trí của nó.

 

                    

Đánh giá của Bộ Xây dựng - Cơ quan quản lý nhà nước về hạ tầng kỹ thuật đô thị cho thấy: Thời gian qua, mặc dù phát triển nhanh về số lượng với trên 700 đô thị các loại và tỷ lệ đô thị hoá đã đạt trên 25%, nhưng chất lượng các đô thị tại Việt Nam thể hiện qua các tiêu chí kỹ thuật đô thị nhất là chiếu sáng đô thị còn thấp so với yêu cầu đời sống xã hội đô thị.

Thực tế, đến nay tất cả các đô thị của Việt Nam đều có hệ thống điện chiếu sáng với các mức độ khác nhau. Những đô thị đặc biệt và loại I như Hà Nội, Thành phố HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng... có từ 95-100% các tuyến phố chính được chiếu sáng. Các đô thị loại II, III như Việt Trì, Thái Nguyên, Vinh, Nha Trang... đạt tỷ lệ 90%. Các đô thị loại IV, V chỉ tập trung chiếu sáng tại các tuyến phố chính, đoạn quốc lộ, tỉnh lộ đi qua. Một phần không nhỏ các đường liên thôn, liên xã cũng đã được bố trí hệ thống chiếu sáng phục vụ cho hoạt động dân sinh tại các vùng nông thôn. Tốc độ phát triển của hệ thống chiếu sáng đô thị vì vậy tăng nhanh qua mỗi năm. Chiếu sáng công cộng đã trở thành nhu cầu cấp thiết trong cuộc sống, nhưng đến nay mới chỉ có khoảng trên dưới 10 đô thị đã lập quy hoạch phát triển hệ thống chiếu sáng công cộng đô thị. Chính từ việc thiếu quy hoạch đồng bộ giữa chiếu sáng công cộng và công trình hạ tầng đô thị khác đã dẫn đến tình trạng xây dựng chồng chéo, lộn xộn, không thoả mãn các yêu cầu chung về kỹ thuật, an toàn, mỹ quan đô thị. 

Một ví dụ cụ thể là ngay tại Hà Nội - đô thị xếp hạng đặc biệt dẫn đầu về tốc độ phát triển hệ thống chiếu sáng đô thị với mức tăng bình quân khoảng 20%/năm, nhưng hình thức chiếu sáng công cộng tại đây cũng còn đơn điệu, chỉ tập trung cho đường giao thông cơ giới, chưa chú ý chiếu sáng đảm bảo cho người đi bộ và chiếu sáng vỉa hè. Đặc biệt, số lượng các công trình kiến trúc, di tích văn hoá lịch sử, các toà nhà cao tầng được chiếu sáng cảnh quan thẩm mỹ rất ít. Bên cạnh đó, trừ một số tuyến chiếu sáng được đầu tư mới và thay thế bằng đèn Sodium cao áp có hiệu suất phát sáng cao, còn lại 56% số đèn vẫn là các loại bóng có hiệu suất phát quang thấp, tiêu thụ điện năng lớn. Mặt khác, do chưa có chế độ thay bóng định kỳ hàng loạt khi hết tuổi thọ, nên chất lượng chiếu sáng của hệ thống chiếu sáng đô thị ở Hà Nội thường không đạt yêu cầu về chỉ tiêu kỹ thuật ánh sáng. Với 85% số lượng trạm điều khiển đèn công cộng vẫn được giám sát bằng các tủ điều khiển cục bộ, Hà Nội không thể vận hành hiệu quả hệ thống chiếu sáng công cộng để có thể tiết kiệm điện năng vào những thời gian mật độ giao thông giảm.

Với TP Hồ Chí Minh, mặc dù chính quyền thành phố trong thời gian qua đã “mạnh tay” hơn trong việc đầu tư hệ thống chiếu sáng công cộng hiện đại tại hầu hết các tuyến đường chính của 24 quận, huyện. Nhưng vấn đề chiếu sáng ở các khu vực dân cư nội thành và một số tuyến đường giao thông vẫn còn nhiều trăn trở. Hệ thống chiếu sáng ở khu vực này vẫn sử dụng chủ yếu bóng đèn ống huỳnh quang, bóng đèn thuỷ ngân cao áp, bóng sợi đốt có choá tự tạo thô sơ, nên lượng điện năng tiêu thụ tốn mà hiệu suất phát quang lại không cao.

Theo tính toán của các chuyên gia, với tốc độ tăng trưởng mạnh của hệ thống chiếu sáng công cộng thì đến năm 2013, lượng điện năng dành cho chiếu sáng công cộng sẽ tăng hơn 4 lần, đạt con số khoảng 1.624 GWh. Như vậy, vấn đề giải pháp để xây dựng một hệ thống chiếu sáng công cộng hiệu quả, tiết kiệm điện năng đã và đang trở nên hết sức bức xúc. TS Vũ Minh Mão - Chủ tịch Hội CSĐT Việt Nam cho rằng: Việc TKĐ cho chiếu sáng đô thị cần thực hiện thông qua một tổng thể các giải pháp thiết kế, lựa chọn hợp lý nguồn sáng (bóng đèn), thiết bị chiếu sáng hiệu suất cao, chế độ điều khiển đóng ngắt hợp lý. Cụ thể là phải đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ tiên tiến trong quản lý và điều hành hệ thống chiếu sáng công cộng để sử dụng hợp lý các nguồn sáng dùng trong chiếu sáng đô thị dựa trên hiệu suất phát quang. Với điều kiện kinh tế kỹ thuật của Việt Nam hiện nay, nguồn sáng Sodium cao áp là sự lựa chọn phù hợp nhất do có các ưu điểm nổi bật như: Hiệu suất phát sáng cao, dễ khởi động, tuổi thọ dài và ít chịu ảnh hưởng của dao động điện áp. Về lâu dài, cần sử dụng các bóng đèn Sodium thấp áp ở những nơi có yêu cầu chiếu sáng mức độ cao, đồng thời từng bước tiến tới loại bỏ các loại bóng sợi đốt, huỳnh quang, kể cả thuỷ ngân cao áp trong chiếu sáng giao thông

Bên cạnh đó, các chuyên gia trong lĩnh vực CSĐT cũng đồng nhất quan điểm: Để hệ thống CSĐT đạt hiệu quả cao nhất thiết phải có các giải pháp thiết kế và phân bố đèn hợp lý dựa trên các yếu tố về tiêu chuẩn sáng, đặc điểm môi trường khí hậu, khả năng cung cấp điện. Từ đó định ra một giới hạn tối thiểu mà chiếu sáng cần đạt, tránh việc bố trí tràn lan các loại đèn có công suất lớn gây lãng phí tiền đầu tư và lượng điện năng tiêu thụ. Đặc biệt, cần nhanh chóng phát triển và ứng dụng các công nghệ hiện đại trong quản lý và điều hành hệ thống chiếu sáng công cộng để sớm thay thế phương pháp cắt nguồn sáng cưỡng bức như hiện nay. Đó là mở rộng phạm vi điều khiển và kiểm soát hệ thống chiếu sáng công cộng theo công nghệ tiên tiến PLC và công nghệ định vị GPS - GIS, sử dụng balast Dimm có thể điều chỉnh tiết giảm công suất sử dụng của bộ đèn nhằm tiết kiệm khoảng 40% lượng điện năng tiêu thụ mà vẫn đảm bảo chất lượng chiếu sáng.

Bộ Xây dựng cũng đã kiến nghị Chính phủ cần sớm xây dựng và triển khai Chiến lược quốc gia về chiếu sáng công cộng hiệu suất cao tại Việt Nam đến năm 2020. Bên cạnh đó, để chuẩn hoá các hệ thống chiếu sáng công cộng và ứng dụng được các công nghệ hiện đại vào quản lý, trong điều kiện nguồn ngân sách hạn hẹp, Chính phủ cần nhanh chóng đổi mới chính sách tài chính theo hướng đa dạng hoá các nguồn đầu tư. Sớm ban hành các chính sách để các công ty chiếu sáng đô thị từng bước trang trải chi phí quản lý và nhất là đẩy mạnh xã hội hoá trong lĩnh vực chiếu sáng đô thị, nhằm khuyến khích mọi thành phần kinh tế, các tổ chức trong và ngoài nước đầu tư xây dựng hệ thống chiếu sáng công cộng hiệu suất cao. Có như vậy, CSĐT mới góp phần tạo dựng nên những đô thị văn minh và hiện đại tại Việt Nam. 

Theo TC Điện lực số 11 - 2007