Sự kiện

Ông Trần Quốc Anh - Phó Tổng giám đốc EVN: Sẽ xem xét bổ sung kinh phí khắc phục hậu quả bão lũ

Thứ sáu, 11/1/2008 | 09:56 GMT+7

5 đợt lũ lớn ùa về trong vòng vài tháng qua đã đẩy miền Trung vào cảnh huống vô cùng khó khăn. Nhiều địa phương bị ngập chìm trong nước lũ, thiệt hại vô cùng nặng nề. Không nằm ngoài bối cảnh chung đó, nhiều đơn vị ngành Điện cũng không tránh khỏi những tổn thất khó lường. Chia sẻ với khó khăn của các đơn vị, đoàn cán bộ Lãnh đạo EVN đã vào tận các địa phương, phối hợp với các điện lực tỉnh để trực tiếp chỉ đạo ứng phó với lụt bão và giải quyết hậu quả. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Trần Quốc Anh - Phó Tổng Giám đốc EVN trong chuyến công tác tại Bình Định.

P/v: Ông có thể đánh giá khái quát về những thiệt hại của ngành Điện miền Trung trong 5 cơn lũ vừa qua?

Ông Trần Quốc Anh: Từ tháng 8 đến cuối tháng 11 năm nay, khu vực miền Trung đã trải qua 5 đợt lũ lụt. Có thể thống kê sơ bộ tình hình thiệt hại do bão lụt gây ra cho hệ thống điện như sau: Không có sự cố về các nhà máy thuỷ điện đang vận hành, tuy nhiên đối với các công trình thuỷ điện đang xây dựng, tiến độ thi công đã bị ảnh hưởng do đường vào các công trường bị sạt lở gây ách tắc giao thông, khiến việc vận chuyển các thiết bị thi công gặp nhiều khó khăn.

Đối với các đường dây truyền tải điện 500 kV: Có 7 vị trí cột bị sạt lở thuộc phạm vi quản lý của các Công ty Truyền tải điện 2 và Truyền tải điện 3, trong đó sạt lở chân móng nặng nề nhất là vị trí cột 603 đường dây 500kV mạch 2 tại phía Bắc đèo Hải Vân. Ngoài ra, đối với lưới 220 kV và 110 kV cũng có một số sự cố. Tuy nhiên, các đơn vị đã chủ động xử lý kịp thời, không ảnh hưởng đến việc vận hành hệ thống truyền tải điện.

Thiệt hại lớn nhất do bão lũ gây ra chính là những tác động đến lưới điện trung, hạ áp tại các khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi. Tại khu vực này nhiều  tuyến đường dây bị đổ cột, đứt dây, một số trạm biến áp phân phối bị ngập trong nước. ở một số khu vực còn xảy ra tình trạng công tơ bị hỏng do ngập trong nước. Tuy nhiên cho đến nay, tất cả các lưới điện phân phối đã được các đơn vị khẩn trương xử lý, nhanh chóng khôi phục cung cấp điện trên nguyên tắc bảo đảm tuyệt đối an toàn cả trong quá trình sửa chữa và đóng điện trở lại.

P/V: Các biện pháp phòng chống và ứng phó trước tình hình bão lụt đã được EVN và các đơn vị trực thuộc triển khai ra sao, thưa ông?

Ông Trần Quốc Anh: Công tác chuẩn bị các phương án ứng phó với bão lụt đã được coi là công việc thường xuyên của các đơn vị ngành Điện. Vì vậy, ngay từ đầu năm 2007, công tác chuẩn bị đã được Tập đoàn và các đơn vị triển khai rất mạnh. Khi bão lũ xảy ra, Ban chỉ huy PCLB của từng đơn vị đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường vùng lũ lụt để chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả, khôi phục lại nguồn, lưới điện ngay sau khi nước rút. Trong công tác chỉ đạo luôn sát sao, thực hiện đúng những phương án cũng như qui trình xử lý như: Theo dõi sát sao mức nước dâng, nước rút để đảm bảo cắt điện; kiểm tra phối hợp với địa phương khôi phục lại lưới điện an toàn.

Một số điểm xung yếu trên lưới truyền tải điện (đặc biệt là ĐZ 500 kV) bị ảnh hưởng tương đối nặng nề, nhưng cũng đã được phát hiện sớm và xử lý tạm, đảm bảo vận hành an toàn. Hiện, các đơn vị đều đã chủ động đưa ra phương án xử lý, củng cố an toàn lâu dài.

Với tinh thần vượt khó, toàn thể CBCNV Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã hết sức cố gắng khắc phục hậu quả nhanh, cấp điện an toàn ổn định cho nhân dân và phục vụ phát triển kinh tế xã hội, không để xảy ra sự cố đáng tiếc nào về sức khoẻ và tính mạng nhân dân.

P/V: Đến thời điểm này, điều quan tâm đối với các đơn vị ngành Điện bị ảnh hưởng bởi bão, lũ là biện pháp cứu trợ cho CBCNV. Vậy, ông có thể cho biết công tác hỗ trợ cho những đơn vị trong ngành sẽ được EVN triển khai ra sao?

Ông Trần Quốc Anh: Đối với những thiệt hại của CBCNV trong ngành, Tập đoàn đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp giữa chính quyền, công đoàn, đoàn thanh niên các cấp kịp thời động viên, hỗ trợ cả về tinh thần và vật chất. Cụ thể, Tập đoàn đã vận động CBCNV tham gia ủng hộ một ngày lương chi viện cho đồng bào vùng lũ lụt. Cũng như hoàn cảnh chung của nhân dân vùng lũ, nhiều nhà cửa của CBCNV ngành Điện cũng bị ngập chìm trong lũ. Cá biệt như ở Thừa Thiên - Huế có hơn 40% số nhà của CBCNV ngành Điện bị ngập lụt, Công đoàn Điện lực Việt Nam đã hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại với tổng số 130 triệu đồng.

Trong công tác điều hành sản xuất, do tình hình bão lụt xảy ra bất khả kháng đã gây ảnh hưởng nhất định đến công việc sản xuất kinh doanh chung của Tập đoàn. Đối với các đơn vị bị thiệt hại về tài sản do bão, lũ lụt, Tập đoàn sẽ xem xét bổ sung kinh phí sửa chữa, khắc phục hậu quả để đáp ứng yêu cầu vận hành an toàn, ổn định. Trong thời gian sớm nhất, công tác hỗ trợ cụ thể sẽ được tiến hành  nhằm giảm khó khăn cho CBCNV và các đơn vị trực thuộc.

Bên cạnh sự chỉ đạo và quan tâm hỗ trợ trực tiếp đối với các đơn vị trực thuộc, Tập đoàn cũng có kiến nghị với Bộ Giao thông Vận tải sớm khắc phục các điểm sạt lở gây ách tắt nhiều đoạn trên đường Hồ Chí Minh đi qua khu vực A Vương, đảm bảo liên thông phục vụ giao thông kiểm tra các vị trí cột đường dây 500 kV và thi công công trình thuộc thuỷ điện A Vương.

P/V: Xin cảm ơn Ông!

               

      Công nhân Truyền tải điện 2- Triển khai khắc phục hậu quả sau lũ                      

Con số thiệt hại của ngành Điện sau 5 đợt lũ:

-   Thiệt hại về tài sản khoảng trên 70 tỷ đồng

-   Thiệt hại do ngừng cấp điện khoảng 28,5 triệu kWh

-   Không có thiệt hại về người

Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã trích 120 triệu đồng thưởng cho các đơn vị có thành tích trong công tác phòng chống bão lụt, khắc phục hậu quả lũ lụt miền Trung:

-  Công ty TTĐ2: 50 triệu đồng

-  Công ty Điện lực 3: 50 triệu đồng

-  Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng: 20 triệu đồng  

Theo TC Điện lực số 12 - 2007