Lắp đặt thiết bị đóng, cắt tự động hệ thống điện. Ảnh: Báo Bình Dương
Đồng thời, Công ty đã và đang triển khai nhiều biện pháp, nâng cao hiệu quả quản lý, sản xuất kinh doanh của đơn vị.
Theo đó, tự động hóa lưới điện là một trong những giải pháp hữu hiệu mà PC Bình Dương triển khai thực hiện, nhằm nâng cao hiệu quả chuyển đổi số khâu quản lý kỹ thuật, quản lý vận hành lưới điện; tăng cường hiệu quả vận hành hệ thống lưới điện; nâng cao năng suất lao động, chất lượng cung cấp dịch vụ và hiệu quả sản xuất kinh doanh; nâng cao độ tin cậy cung cấp điện. Đồng thời, hệ thống còn giúp đảm bảo tối ưu hóa chi phí khi đơn vị quản lý thực hiện chuyển đổi hình thức điều khiển từ SCADA (Điều khiển bằng tay từ hệ thống SCADA hiện hữu) sang tự động hóa lưới điện, điều khiển qua phần mềm (DAS, DMS).
Để quá trình tự động hóa lưới điện nhanh chóng đi vào hiệu quả, học tập kinh nghiệm từ các đơn vị đi trước, ban lãnh đạo của PC Bình Dương đã nhanh chóng triển khai thực hiện nhiệm vụ cho đội ngũ cán bộ, công nhân viên, yêu cầu thực hiện công tác rà soát, lập phương án tính toán quy hoạch vận hành lưới điện.
Ngoài ra, PC Bình Dương cũng yêu cầu các tổ công tác và đơn vị trực thuộc lập kế hoạch thực hiện lắp đặt và thay mới các thiết bị đóng cắt có chức năng điều khiển xa. Đi kèm với đó là tiến hành lắp đặt các bộ thiết bị nhận, phân tích và truyền dữ liệu qua mạng 3G/4G (Router 3G/4G) cho các thiết bị đóng cắt; kiểm tra đồng vị pha tại các vị trí liên kết,... đảm bảo mọi thứ sẵn sàng phục vụ tự động hóa lưới điện. Điển hình như Điện lực Thuận An đã lập 27 phương án, trong đó có 19 phương án lắp đặt LBS Auto và 08 phương án lắp đặt Recloser (thiết bị đóng cắt tải tự động) cho 27 vị trí liên kết. Đến nay, các đơn vị trực thuộc đã lắp đặt bổ sung máy cắt tự đóng lại, thiết bị đóng cắt có tải tự động đạt 62% và dự kiến trong quý 1 năm 2023 sẽ hoàn tất theo kế hoạch đề ra.
Lắp đặt router 4G để kết nối, truyền tải dữ liệu giám sát lưới điện.
Tương tự, đối với việc lắp đặt các Router 3G/4G để kết nối và truyền tải thông tin, PC Bình Dương cũng yêu cầu các đơn vị nhanh chóng triển khai công tác, thực hiện việc cài đặt và kết nối để đảm bảo quá trình tự động hóa lưới điện được nhanh chóng đi vào hoạt động. Đến nay, tất cả các Router 3G/4G đều được lắp đặt, kết nối và truyền dữ liệu thành công về đơn vị được giao quyền điều khiển thiết bị. Cùng với đó, các bộ thiết bị nhận, phân tích và truyền dữ liệu qua mạng 3G/4G (Router 3G/4G) đi kèm cho các thiết bị đóng cắt cũng đã được triển khai lắp đặt hoàn chỉnh, sẵn sàng đưa vào sử dụng, phục vụ tự động hóa lưới điện.
Để có được nguồn nhân sự chất lượng dồi dào, đáp ứng yêu cầu vận hành lưới điện thông minh, thời gian qua PC Bình Dương cũng đẩy mạnh công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo đó, tất cả các nhân viên tham gia vận hành, các cán bộ kỹ thuật đều được đào tạo kiến thức về sử dụng, vận hành và truy xuất dữ liệu các thiết bị mới. Đồng thời, để đảm bảo việc vận hành ổn định, toàn bộ các thiết bị và thông số kỹ thuật điều được cập nhật đầy đủ vào các phần mềm quản lý kỹ thuật PMIS, OMS… giúp cán bộ, công nhân viên của đơn vị dễ dàng tra cứu, thống kê, tính toán và lựa chọn các phương thức vận hành tối ưu.
Ngoài việc xây dựng và vận hành tự động hóa lưới điện, thời gian tới, PC Bình Dương sẽ tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, chương trình chuyển đổi số theo chỉ đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tổng Công ty Điện lực miền Nam. Đồng thời, đơn vị cũng tiếp tục cố gắng và nỗ lực không ngừng để hoàn thiện hệ thống lưới điện thông minh, đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục với độ tin cậy cao, góp phần thực hiện các mục tiêu chung về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương cũng như nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng tại địa phương ngày một tốt hơn.
Link gốc