Công nhân điện lực bảo dưỡng trạm biến áp cấp điện phục vụ lễ hội. Ảnh: P.V
Vận hành theo hệ thống SCADA
Trước đây, khi Công ty Điện lực Quảng Nam (PC Quảng Nam) chưa có hệ thống SCADA, các thông tin vận hành của thiết bị trên lưới điện được cập nhật thủ công, không được liên tục và thường xuyên.
Việc thao tác các thiết bị đóng cắt (Recloser/LBS) khi xử lý sự cố hoặc công tác bảo trì, bảo dưỡng cũng gặp nhiều hạn chế, mất nhiều thời gian và công sức do nhân viên vận hành phải di chuyển đến từng vị trí để ghi nhận và thao tác thiết bị tại chỗ.
Kể từ khi đưa vào vận hành, hệ thống SCADA đã giúp điều độ viên theo dõi trạng thái vận hành, thông số đo lường của các thiết bị một cách chính xác, liên tục và ghi nhận hoàn toàn tự động từ xa.
Điều này giúp giảm đáng kể nhân lực phục vụ theo dõi thông tin vận hành, xử lý sự cố nhanh chóng, chính xác và tín hiệu cảnh báo trên hệ thống SCADA được cập nhật ngay lập tức khi xảy ra sự cố.
Hiện nay, PC Quảng Nam quản lý tổng cộng 2 trạm 220kV, 15 trạm 110kV và 12 trạm trung gian 35kV; 286,3km đường dây 110kV, 508,5km đường dây 35kV và 3329,8km đường dây 22kV; 1.411 khách hàng điện mặt trời mái nhà với tổng công suất 162.89 MWp và 12 nhà máy thủy điện với công suất 65MW.
Với đường dây trải dài, nhiều trạm biến áp, Trung tâm Điều khiển xa (ĐKX) Quảng Nam được đưa vào vận hành là bước tiến quan trọng trong quá trình hiện đại hóa, tự động hóa hệ thống điện theo lộ trình xây dựng lưới điện thông minh.
Trước hết, trung tâm đã kết nối hệ thống SCADA điều khiển - giám sát từ xa, vận hành không người trực tại 13 trạm biến áp 110kV, 2 trạm 220kV; kết nối 320 thiết bị phân đoạn và 7 nhà máy thủy điện, giúp công tác quản lý vận hành đạt hiệu quả rõ rệt.
PC Quảng Nam đã kết nối tín hiệu SCADA các thiết bị đóng cắt về Trung tâm ĐKX nhằm nhanh chóng phát hiện và cô lập sự cố lưới điện, rút ngắn thời gian xử lý sự cố. Trung tâm đã kết nối, ứng dụng nhiều phương pháp sửa chữa, bảo dưỡng theo tình trạng vận hành của thiết bị (CBM) cho hệ thống nguồn lưới điện, các ứng dụng các phần mềm PMIS, quản lý MBA, OMS…
Giám sát vận hành hệ thống nguồn
Với mục tiêu giảm số người trực tại các trạm biến áp 110kV nhằm nâng cao hiệu quả vận hành, kết hợp với việc ứng dụng các phần mềm quản lý kỹ thuật nguồn điện, lưới điện, giúp các trạm điện vận hành an toàn, tối ưu, tăng hiệu suất và giảm chi phí.
ĐKX giúp việc thao tác các thiết bị trên lưới điện chính xác, nhanh chóng, giảm thời gian xử lý sự cố, nhanh chóng cung cấp điện trở lại cho khách hàng, tiết kiệm được thời gian, chi phí để đi tới vị trí các thiết bị, giảm thiểu thời gian mất điện cho khách hàng.
Để Trung tâm ĐKX phát huy hiệu quả, PC Quảng Nam đã được Tổng Công ty Điện lực miền Trung đầu tư dự án “Nâng cao năng lực vận hành tại Trung tâm ĐKX Quảng Nam”.
Sau 2 dự án đi vào vận hành, hệ thống nguồn cấp chính và dự phòng cho trung tâm đã được thu thập tín hiệu về hệ thống SCADA qua bộ RTU520 lắp đặt tại tủ Server SCADA.
Các tín hiệu của hệ thống UPS1, UPS2 và đồng hồ đo lường tủ phân phối điện chính (MDB) và tủ phân phối trực tiếp đến các thiết bị (DB2) được thu thập qua giao thức Modbus và tiếp điểm I/O.
Cán bộ kỹ thuật tại trung tâm điều khiển có cơ hội để giám sát online về thông số vận hành hệ thống nguồn - ắc quy nhằm duy trì và nâng cao độ tin cậy nguồn cung cấp cho hệ thống SCADA/DMS Quảng Nam.
Ngoài ra, dự án còn trang bị thêm 2 đồng hồ giám sát nhiệt độ, độ ẩm tại phòng máy chủ và gian ắc quy để giám sát môi trường hoạt động đảm bảo điều kiện vận hành tốt cho thiết bị điện tử, máy tính và viễn thông.
PC Quảng Nam khai thác tốt hạng mục này, đến nay kết quả về nâng cao độ tin cậy cung cấp điện đã chuyển biến rõ rệt. Thời gian mất điện trung bình/khách hàng lưới điện phân phối là 221 phút, giảm 186 phút so với năm 2021. Chỉ số tiếp cận điện năng thực hiện 1,61 ngày/công trình, giảm 3,39 ngày so với kế hoạch (5 ngày).
Theo ông Nguyễn Hữu Khánh – Giám đốc PC Quảng Nam, sau 26 năm thành lập, PC Quảng Nam nỗ lực khắc phục khó khăn, tích cực thực hiện chủ trương “điện đi trước một bước”, góp phần giải quyết tốt hai bài toán lớn song song của Quảng Nam là “xóa đói giảm nghèo” và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa.
Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã có điện lưới quốc gia. Mục tiêu chính năm 2023 của công ty là cung cấp điện an toàn, chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp và người dân.
|
Link gốc