Sẽ ký hợp đồng mua bán điện Cà Mau trong tháng 12

Thứ năm, 29/11/2007 | 09:36 GMT+7

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết: Thủ tướng Chính phủ vừa có Văn bản số 1838/TTg-DK ngày 27/11 cho phép EVN và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PV) ký Hợp đồng mua bán điện các Nhà máy điện Cà Mau trong tháng 12 tới.

 

            

            Kỹ thuật viên đưa điện lên lưới- NMNĐ Cà Mau

Theo đó, Hợp đồng mua bán điện được dựa trên các nguyên tắc: Lấy tỷ suất hoàn vốn nội tại của các Dự án nhà máy điện Cà Mau bằng 7,5% làm thông số cơ bản để xác định giá mua bán điện. Chi phí vận hành, bảo dưỡng thực hiện theo Hợp đồng vận hành bảo dưỡng được cấp có thẩm quyền phê duyệt; trước mắt cho áp dụng định mức chi phí tương tự Dự án điện Phú Mỹ 2.2.

Đối với các chi phí phát sinh thực tế trong thời gian vận hành chu trình đơn tăng cao so với định mức trong dự thảo Hợp đồng và chênh lệch chi phí do chạy chu trình đơn bằng dầu DO, sau khi được kiểm toán, PV được phép tính theo nguyên tắc: 50% các chi phí phát sinh thực tế được tính vào chi phí vận hành, chi phí nhiên liệu trong giá bán điện của Công ty Điện lực Cà Mau bán cho EVN; 50% còn lại được trừ vào lợi nhuận sau thuế của PV. Giá khí bán cho các nhà Máy điện Cà Mau thực hiện theo Hợp đồng mua bán khí Lô PM3 được ký giữa PV và các nhà thầu, cộng với chi phí vận chuyển khí hợp lý từ lô PM3 đến các Nhà máy điện Cà Mau.

Được biết, trước đó, Nhà máy Điện Cà Mau đã đưa ra mức giá 4,54 cent/kWh điện (khoảng 720 đồng). Tuy nhiên EVN cho rằng: Với giá bán điện bình quân đến hộ tiêu dùng là 842 đồng/kWh như quy định hiện nay, EVN khó có thể mua điện với mức giá 720 đồng. Bởi vì, sau khi cộng thêm các chi phí truyền tải điện, phân phối và tổn thất điện năng là 280 đồng/kWh, giá điện sẽ "đội" lên 1.000 đồng/kWh.

Chính vì vậy, mặc dù Nhà máy Điện Cà Mau đã phát điện thương mại lên lưới quốc gia nhưng do EVN và PV chưa đạt được sự thoả thuận về giá mua bán điện nên từ tháng 4 đến nay, hai bên vẫn phải ký Hợp đồng tạm thanh toán./.

Nguyễn Kim Anh