|
Điện về làng Grit (xã Ia Hrung, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai). |
Dự án cấp điện các thôn buôn chưa có điện bốn tỉnh Tây Nguyên là món quà của Ðảng, Chính phủ đối với đồng bào các dân tộc trên địa bàn, là một trong những chương trình xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng nhằm mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm phát triển bền vững kinh tế - chính trị, an ninh - quốc phòng các tỉnh Tây Nguyên. Dự án khởi động từ đầu năm 2007; có quy mô xây dựng mới 1.453 km đường dây trung áp, 1.338 km đường dây hạ áp, 803 trạm biến áp với tổng dung lượng 43.604 kVA cấp điện cho 70.597 hộ dân của 852 thôn, buôn thuộc bốn tỉnh Ðác Lắc, Ðác Nông, Gia Lai, Kon Tum. Dự án có tổng mức đầu tư 1.122 tỷ đồng (85% vốn ngân sách, 15% vốn của ngành điện) do Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư, Công ty Ðiện lực 3 trực tiếp quản lý và điều hành dự án thông qua Ban quản lý dự án (BQLDA) năng lượng nông thôn khu vực miền trung.
Rút kinh nghiệm từ một số công trình điện khác khi thực hiện cơ chế Nhà nước, nhân dân cùng làm, ngành điện bỏ vốn đầu tư đường dây trung thế, trạm biến áp, đường dây hạ thế còn đoạn đấu nối từ đường dây hạ thế vào đồng hồ đo đếm điện và mạng điện trong nhà do người dân tự đầu tư, nhưng đồng bào quá nghèo, dây điện chạy trước nhà mà không có điện dùng, làm cho công trình chậm phát huy hiệu quả. Dự án này đã khắc phục hạn chế đó bằng cách đầu tư đến tận hộ, kể cả mạng điện trong nhà dân. Với một khối lượng lớn, quy mô trải rộng trên địa bàn 852 thôn, buôn thuộc 276 xã, khắp bốn tỉnh, nên quá trình triển khai gặp không ít khó khăn. Theo sự phân công của Thủ tướng Chính phủ, toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) do các địa phương thực hiện, các thành viên trong Hội đồng đền bù chủ yếu là làm kiêm nhiệm, nên công tác thống kê, lập phương án bồi thường tốn rất nhiều thời gian, công sức. Mặc dù được UBND các tỉnh và Sở Công thương rất quan tâm chỉ đạo công tác này, nhưng vẫn chậm so với yêu cầu tiến độ. Dự án đã triển khai hai năm đến nay vẫn còn 18/48 gói thầu chưa hoàn tất công tác phê duyệt phương án đền bù, GPMB. Việc chậm hoàn thành công tác phê duyệt phương án đền bù gây ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ của dự án. Số lượng nhà thầu có năng lực tại miền trung ít, gây nhiều khó khăn khi triển khai đồng loạt. Thời tiết Tây Nguyên rất thất thường, mưa lớn, lũ quét hay xảy ra mà các khu vực thuộc dự án nằm ở vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng. Ðể đến được các khu vực này đã khó khăn, trong khi các nhà thầu xây lắp phải triển khai nhiều công việc nặng nhọc như dựng cột, lắp xà, kéo dây... lại càng khó khăn hơn. Ðặc biệt, khi cơn bão số 9 xảy ra vào đầu tháng 10-2009, các công trình thuộc tỉnh Kon Tum bị ảnh hưởng nặng nề bởi các cơn lũ quét, khiến 13 thôn, buôn tại các huyện Kon PLông phải thay đổi giải pháp thiết kế (chuyển từ cột bê-tông ly tâm (BTLT) sang cột thép lắp ghép), 6 thôn, buôn thuộc huyện Tu Mơ Rông phải di dời sang vị trí khác.
|
Kéo điện về huyện Cư M'Gar (tỉnh Đác Lắc). |
Chúng tôi theo đoàn công tác của Ðiện lực Ðác Lắc đến thăm, tặng quà các nhóm công tác đang thi công tại các huyện nằm trong vùng dự án. Ðến đâu cũng dễ nhận thấy không khí làm việc tích cực, khẩn trương, trách nhiệm với quyết tâm rất cao. Ðồng chí Trương Công Ngoan, nhóm trưởng đang thi công tại thôn 4B, xã Cư Mốt, huyện Ea H'leo cho chúng tôi biết: "Trong những ngày vừa qua, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt và điều kiện thi công nhưng anh em đã làm việc không nghỉ trưa, không nghỉ hằng tuần và cũng không nghỉ Tết Dương lịch". Rời thôn 4B, chúng tôi đến thôn Yên Thánh, xã Ea Tân, huyện Krông Năng lúc 12 giờ 23 phút. Ðồng chí Nguyễn Công Nhật đang chỉ đạo một số công nhân bốc vật tư từ xe ô-tô xuống, còn một số khác đang ở trên cột điện kéo dây và lắp đặt đồng hồ đo đếm điện cho khách hàng. Giữa trưa, trời Tây Nguyên nắng như đổ lửa, mồ hôi nhễ nhại nhưng không vì thế mà làm giảm ý chí và quyết tâm của những người thợ điện. Ðến thời điểm hiện nay, tiến độ thực hiện đều bảo đảm theo dự kiến. Có thể tin tưởng rằng, Tết Canh Dần sẽ có gần 10.000 gia đình ở vùng sâu, vùng xa Ðác Lắc có điện đón xuân về.
Trưởng thôn Giang Minh, xã Ea Búp, huyện Krông Năng Nguyễn Ngọc Xuân, tâm sự: "Thôn Giang Minh có 242 hộ dân, từ trước đến nay, nhân dân chưa có điện để dùng. Cuộc sống rất thiếu thốn, nhất là về đời sống tinh thần. Khi nghe tin Nhà nước đầu tư kéo điện đến từng hộ dân, bà con trong thôn ai cũng mừng, cũng chờ đợi ngày có điện". Những ngày vừa qua, sau khi đơn vị xây lắp thi công xong đường dây hạ thế, nhóm công nhân của Ðiện lực Ðác Lắc đã đến lắp đặt đường điện cho 123 hộ trong thôn. Còn ở xã Ea Sin, huyện Krông Búc (Ðác Lắc) là xã mới thành lập thuộc diện đặc biệt khó khăn. Phần lớn là đồng bào nghèo, được hỗ trợ định canh, định cư theo Chương trình 134 của Chính phủ từ năm 2004. Năm năm sống trong cảnh đèn dầu khiến nỗi khát khao ánh sáng điện của bà con trở nên cháy bỏng. Vì thế, ngày đóng điện cho các buôn Cư Mtao, Cư Kanh, Ea Pông và Ea Sin, trở thành ngày hội không thể nào quên của 246 hộ dân với hơn một nghìn nhân khẩu đồng bào Ê Ðê. Ông Y Blé Niê, trưởng buôn Ea Sin vui mừng cho biết: "Có điện, đời sống bà con buôn mình được cải thiện nhiều lắm. Các cháu không phải học trong cảnh đèn dầu tù mù; bà con được xem ti-vi, nghe đài và sử dụng các đồ điện dân dụng khác thuận tiện lắm!".
Theo tiến độ đến Tết Nguyên đán Canh Dần, tổng số thôn, buôn đóng điện tại bốn tỉnh Tây Nguyên: Ðác Lắc, Ðác Nông, Gia Lai, Kon Tum là 747 thôn, buôn, hoàn thành lắp đặt đồng hồ đo điện và mạng điện trong nhà cho khoảng 56 nghìn hộ dân. Số thôn, buôn còn lại do tuyến đường dây đi qua rừng, các thôn, buôn bị ảnh hưởng bởi lũ quét sẽ lần lượt đóng điện khi địa phương hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng, quy hoạch lại dân cư. Dự kiến sẽ hoàn tất toàn bộ dự án trong quý II-2010.