Sự kiện

Khai thác năng lượng gió tại vùng ven biển Việt Nam phục vụ phát triển kinh tế và dân sinh

Thứ hai, 12/11/2007 | 13:13 GMT+7

Mới đây, Nhà máy điện sử dựng năng lượng gió Phương Mai-3 với công suất 25 MW đã được khởi công tại Bình Định đã khẳng định xu hướng khai thác nguồn năng lượng mới này phục vụ phát triển kinh tế và dân sinh khu vực ven biển Việt Nam. Hiện ở Việt Nam có những dự án về phát điện gió ở các tỉnh miền Trung như Bình Định (Phương Mai), Khánh Hoà (Tu Bông), Ninh Thuận (Mũi Né) với công suất lắp đặt trên vài trăm MW.

Khảo sát của Ngân hàng Thế giới (WB) khẳng định Việt Nam có tiềm năng gió lớn nhất Đông Nam Á với tổng tiềm năng điện gió ước đạt 513.360 MW, bằng 200 lần công suất của Thuỷ điện Sơn La. Thống kê của của WB cho thấy, mật độ năng lượng gió ở Việt Nam thuộc loại trung bình và lớn trên thế giới. Với 8,6% diện tích đất đai (khoảng 28.000 km2), trong đó nguồn gió được coi là tốt và rất tốt chủ yếu tập trung dọc bờ biển phía nam và đông nam Việt Nam.

Tại hội nghị khoa học toàn quốc về “Năng lượng biển - tiềm năng, công nghệ và chính sách”, các chuyên gia, nhà khoa học đều khẳng định: tiềm năng về năng lượng gió của Việt Nam là rất lớn, tuy nhiên để biến tiềm năng của nguồn năng lượng này phục vụ phát triển kinh tế và dân sinh đòi hỏi hai yếu tố cơ bản: công nghệ phát điện năng lượng gió và chính sách khuyến khích thu hút đầu tư khai thác nguồn năng lượng này. Theo nghiên cứu của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam: cùng với sự phát triển của khoa học và công nghệ, hiện các trạm phát điện năng lượng gió rất đa dạng từ công suất nhỏ vài trăm W phục vụ nạp acquy đến công suất lớn hàng MW. Công suất trung bình của tourbine gió ngày càng lớn và hiện đã đạt đến 4.5MW. Trên thế giới, nhiều nước phát triển không chỉ xây dựng các trạm phát điện năng lượng gió tại đất liền mà đã xây dựng trên biển. Các trạm phát điện ănng lượng gió ngày nay không chỉ phát điện độc lập mà còn nối mạng nhằm phục vụ một cách có hiệu quả hơn cho người tiêu dùng. Việc nối mạng này có thể: nối các trạm phát điện năng lượng gió với trạm phát điện năng lượng mặt trời (tổ hợp này thường chọn ở những nới công suất tiêu thụ thấp, mật độ tập trung dân cư không cao); nối các trạm phát điện năng lượng gió/mặt trời với các trạm phát điện diesel nhằm khai thác hiệu quả hơn khi được yêu cầu phát điện ra với công suất lớn…

Tại Việt Nam, tổng hợp báo cáo của Viện Chiến lược (Bộ Kế hoạch & Đầu tư), Viện Năng lượng Việt Nam, trong hơn 10 năm qua, việc khai thác năng lượng sơ cấp (than, dầu khí, thuỷ năng) tăng trung bình 16,4% và dự báo với tình hình khai thác như hiện nay thì dầu khí chỉ đủ dùng trong vòng 30 đến 40 năm; than còn khả năng sử dụng trong 60 năm; sau đó sẽ cạn dần, khai thác không kinh tế và giá thành cao. Chính vì vậy, để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, hiện nay một số giải pháp đang được Chính phủ tính đến như: nhập khẩu điện, nhập nhiên liệu (than, khí đốt…), phát triển những nguồn sẵn có như năng lượng gió, thuỷ điện, năng lượng mặt trời và cả điện nguyên tử… Trong các nguồn năng lượng mới này, năng lượng gió nổi lên như một nguồn năng lượng sạch, khai thác hiệu quả. Theo anh Vũ Mạnh Hà, đại diện của Công ty cổ phần Môi trường và Năng lượng sạch toàn cầu: xét về mặt hiệu quả kinh tế, với giá thị trường hiện nay khoảng 0,06 đến 0,07 USD/kWh, thì việc đầu tư vào các nhà máy phát điện gió hoàn toàn đảm bảo có hiệu quả kinh tế và khả năng thu hồi vốn trung bình từ 8 đến 10 năm; đồng thời cũng thực hiện được cam kết Công ước quốc tế Kyodo về giảm khí thải toàn cầu mà Việt Nam đã tham gia ký kết và có trách nhiệm thực hiện; đảm bảo tỷ lệ 10 đến 15% nguồn cung cấp điện năng lượng Sạch trong hệ thống điện quốc gia mà các nước ASEAN đã ký kết.

Trên thực tế, việc phát triển năng lượng gió ở nước ta hiện hướng đến giải quyết tình trạng cung cấp điện cho đồng bào các vùng xa, vùng hải đảo. Do khó khăn về địa hình, giao thông nhiều nơi bị chia cắt, nếu giải quyết vấn đề năng lượng cho các vùng này bằng máy phát điện Diesel sẽ tốn kém, hiệu quả kém (chỉ đạt 35 đến 40%); giá thành và chi phí điện năng quá cao, đó là chưa tính đến việc vận chuyển nhiên liệu. Vì vậy, việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo phục vụ tại chỗ; trong đó kết hợp với máy phát Diesel để nâng cao hiệu quả làm việc được coi là giải pháp tốt nhất.

Để phát triển năng lượng gió, theo Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, trước mắt đối với các dự án năng lượng mới cần được miễn các loại thuế và Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ thích đáng ban đầu. Trước tiên, ngành chức năng tổ chức điều tra, đánh giá tiềm năng nguồn năng lượng mới và tái tạo; tiến tới xây dựng quy hoạch sử dụng năng lượng mới. Nhà nước sớm hoàn thiện hệ thống quan trắc gió, có thể đo được ở độ cao từ 30 đến 60 m; từ đó xây dựng cơ sở dữ liệu, lập bản đồ tiềm năng gió; đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật đủ trình độ nắm bắt và chuyển giao công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực này; trong đó lựa chọn công nghệ thích hợp với điều kiện Việt Nam để đưa nhanh vào đời sống, nhất là khu vực miền núi, hải đảo… Chính phủ sớm xây dựng khung pháp lý, chính sách hấp dẫn thu hút các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực phát triển nguồn năng lượng mới này. Theo các đơn vị lập dự án về phát triển năng lượng gió ở Việt Nam: khi đặt vấn đề thương thảo với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, mức giá mua điện và Tập đoàn đưa ra quá thấp, khó khuyến khích được đầu tư. Thực tế một số công trình về sử dựng năng lượng gió đã được triển khai như: cột gió ở Bạch Long Vĩ (công suất 850 kW; trang trại điện gió 20MW ở Khánh Hoà… đều có sự hỗ trợ từ nước ngoài. Điều này cho thấy, muốn phát triển nguồn năng lượng mới này cần có cơ chế hỗ trợ tài chính ngắn hạn và dài hạn cũng như hành lang pháp lý để có thể khai thác tổng thể và hiệu quả tiềm năng thiên nhiên này./.

Mai Phương