Sự kiện

EVN không ngừng chăm lo cho đời sống người lao động

Thứ tư, 9/1/2008 | 11:21 GMT+7

Cùng với việc tích cực triển khai đầy đủ các chế độ chính sách quản lý lao động, không ngừng đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đổi mới công nghệ, trong nhiều năm qua, EVN đã tạo dựng được một môi trường làm việc ổn định, an toàn. Đời sống người lao động vì vậy đã có những đổi thay tích cực, từng bước vươn lên làm chủ công nghệ, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ cung cấp điện an toàn, ổn định cho phát triển kinh tế quốc gia.

                              

 

                 Công nhân vận hành NMĐ Uông Bí hăng say lao động sản xuất

Từ năm 1995 đến nay, với tốc độ tăng lao động bình quân là 5,27 %/năm, hiện nay, tổng số lao động của EVN đã đạt trên 80 nghìn người. Trong đó, lực lượng lao động chủ yếu tập trung ở khâu sản xuất, kinh doanh điện (chiếm trên 80% tổng số lao động) và đây cũng là khâu có tốc độ phát triển nhanh nhất. Không ngừng phát triển về số lượng lao động, lực lượng lao động trong ngành cũng được trẻ hóa nhanh, độ tuổi bình quân của toàn ngành hiện là 31 tuổi. Điều này rất quan trọng vì môi trường quản lý vận hành của ngành Điện chủ yếu là nặng nhọc, độc hại, người lao động thường xuyên tiếp xúc với môi trường điện từ trường cao, có độ ồn, độ bụi, độ nóng quá quy định cho phép, nên đối với đội ngũ công nhân trực tiếp, độ tuổi đã tác động không nhỏ đến chất lượng công việc, an toàn lao động.

Với trên 80 nghìn lao động toàn ngành (đứng thứ hai trên cả nước về ngành có lực lượng lao động hùng hậu nhất, sau ngành Than), EVN tự hào vì không chỉ có một đội ngũ cán bộ quản lý vận hành được đào tạo cơ bản trong và ngoài nước, có khả năng nhanh chóng làm chủ công nghệ, tích cực đổi mới tư duy quản lý kinh tế theo cơ chế thị trường có định hướng XHCN, mà lực lượng lao động có trình độ tay nghề, cấp bậc công nhân kỹ thuật của EVN cũng tương đối cao so với các ngành khác. Điều đó đã tác động rất lớn đến tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của EVN.

Trên cơ sở một đội ngũ lao động hùng hậu, có tay nghề cao, đảm trách khối lượng công việc rất lớn là cung cấp điện ổn định cho phát triển kinh tế đất nước, việc chăm lo cho đời sống CBCVN luôn được EVN quan tâm.

Nhằm đảm bảo cho người lao động có thu nhập ổn định và phù hợp với tính chất công việc, năm 1998, EVN đã giải trình với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), Bộ Tài Chính (TC), đồng thời trên cơ sở thực tế thực hiện Nghị định 28/CP, Chính phủ đã phê duyệt cơ chế tiền lương đặc thù của ngành Điện. Từ năm 1999, Chính phủ cho phép EVN áp dụng hệ số điều chỉnh tăng thêm tiền lương tối thiểu theo quy định tại Nghị định số 28/CP khi đảm bảo thực hiện được các điều kiện: Sản xuất, kinh doanh có lãi; nộp ngân sách Nhà nước theo đúng quy định của pháp luật; mỗi năm giảm tổn thất điện năng từ 0,2% - 0,3% so với chỉ tiêu kế hoạch được Hội đồng Quản trị EVN phê duyệt; năng suất lao động bình quân của CN,VC ngành Điện tính theo kWh điện thương phẩm năm sau phải cao hơn năm trước liền kề.

  Theo ông Phạm Văn Minh - Trưởng Ban lao động tiền lương EVN thì nhìn chung, tiền lương của CBCNV ngành Điện chưa cao nhưng nhờ sự quan tâm của nhà nước và lãnh đạo EVN nên ngoài tiền lương theo chế độ luôn được đảm bảo ổn định, còn có các chế độ khác hỗ trợ cho người lao động về tinh thần (môi trường làm việc, điều kiện làm việc...), vật chất (tiền thưởng, ăn ca, điều dưỡng phục hồi chức năng lao động...), đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ và các điều kiện để phát triển và thăng tiến trong công việc. Việc nghiên cứu, xây dựng và ban hành các quy chế, quy định rõ ràng đã tạo cho công tác lao động tiền lương của EVN đi vào nề nếp, đảm bảo công bằng, công khai, dân chủ, tạo động lực cho người lao động hăng hái thi đua làm việc, nâng cao năng suất lao động, bảo đảm vận hành an toàn điện. Trong quá trình sản xuất kinh doanh, ngành Điện còn đáp ứng yêu cầu làm công ích theo chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước như đưa điện về nông thôn miền núi, vùng sâu, vùng xa... Thông qua công tác quản lý lao động của các đơn vị ngày càng chặt chẽ và có hệ thống, các chế độ phụ cấp vùng cao, vùng khó khăn được thực hiện một cách công bằng theo đúng các quy định của nhà nước. Chính vì vậy, CBCNV ngành Điện đã hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao phó là cung cấp đủ số lượng và chất lượng điện cho phát triển kinh tế, góp phần xoá đói giảm nghèo, đem ánh sáng văn minh đến nơi các bản làng vùng sâu, vùng xa, từng bước đẩy nhanh tiến trình CNH - HĐH đất nước.

Chú trọng tăng trưởng kinh tế, nhưng cũng xác định rõ ngành Điện là một trong những ngành có nguy cơ tai nạn lao động cao, vấn đề an toàn cho người lao động vì vậy luôn được EVN quán triệt với phương châm “An toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn”. Thực hiện chủ trương này, công tác Bảo hộ lao động thời gian qua đã được EVN triển khai và phân cấp đến từng đơn vị. Toàn ngành có trên 600 cán bộ chuyên trách an toàn lao động, gần 8000 kỹ thuật viên tham gia bán chuyên trách, gần 6000 an toàn vệ sinh viên hoạt động tại 4843 tổ sản xuất, công tác an toàn. Hằng năm, kế hoạch bảo hộ lao động được các đơn vị lập và trình EVN phê duyệt. Đây luôn là một phần quan trọng trong kế hoạch sản xuất kinh doanh của các đơn vị.

Điều kiện làm việc là yếu tố quan trọng, ảnh hưởng đến mức độ tiêu hao sức lực và trí lực của người lao động trong quá trình sản xuất. Chính vì vậy, EVN rất quan tâm và yêu cầu các đơn vị trực thuộc tạo môi trường làm việc thuận lợi nhất cho CBCNV trong đơn vị. Tại các phòng làm việc, khu vực sản xuất của các đơn vị cơ sở đều được trang bị hệ thống thông gió, hệ thống đèn chiếu sáng, cung cấp đầy đủ phương tiện PCCC, phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động. Phong trào “Xanh, sạch, đẹp và an toàn”, tổ chức thi ATVSV giỏi, kiểm tra kiến thức về ATVSLĐ, xây dựng quy chế thưởng phạt kịp thời... được bộ phận chuyên môn phối hợp chặt chẽ với công đoàn cơ sở đẩy mạnh. Công tác chăm sóc sức khoẻ cho người lao động được EVN và các đơn vị trực thuộc tổ chức thường niên, đặc biệt quan tâm chăm sóc sức khoẻ đối với lao động nữ, tạo điều kiện để chị em phát huy khả năng lao động, đồng thời làm tốt trách nhiệm gia đình.

Nhờ có các biện pháp bảo hộ lao động cụ thể, phù hợp, những năm gần đây số vụ tai nạn lao động có xu hướng giảm dần. Theo kế hoạch, thời gian tới, EVN sẽ tiếp tục duy trì và thực hiện tốt Thông tư liên tịch 14/98 về công tác bảo hộ lao động trong các doanh nghiệp, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về pháp luật BHLĐ trong CBCNV, nâng cao vai trò giám sát và hoạt động của cán bộ chuyên trách an toàn lao động và mạng lưới an toàn vệ sinh viên. Đồng thời, tăng cường ý thức chấp hành kỷ luật lao động và kiểm tra thực hiện quy trình quy phạm về an toàn lao động với mục tiêu hướng tới của toàn ngành là “Công tác phòng ngừa được coi trọng, tai nạn lao động thực sự được ngăn chặn”

Trong tiến trình đổi mới và hội nhập, công tác cổ phần hoá để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, đảm bảo cho người lao động có cơ hội phát huy hết năng lực của chính mình, thời gian qua đã được EVN triển khai quyết liệt. Từ chủ trương CPH các doanh nghiệp Nhà nước của Chính phủ, EVN đã ban hành nhiều chính sách nhằm khuyến khích các đơn vị sắp xếp lại lao động và giải quyết các chế độ có lợi nhất cho người lao động có nhu cầu nghỉ chế độ thôi việc hoặc nghỉ hưu trước tuổi. Từ 2003 đến nay, khi thực hiện cổ phần hoá, một số doanh nghiệp trong ngành Điện đã giảm được đáng kể lao động dôi dư. Lao động được tinh giảm, hoạt động sản xuất kinh doanh từng bước đổi mới theo xu thế của kinh tế thị trường, người lao động dần ý thức được vị trí và vai trò của mình trong đơn vị. Đặc biệt với việc thực hiện tốt chủ trương bán cổ phần cho người lao động để người lao động thực sự làm chủ doanh nghiệp, môi trường làm việc tại các công ty CP đã năng động hơn, người lao động vì thể có khả năng đóng góp cho sự nghiệp phát triển của đơn vị nhiều hơn. CPH cũng đã khuyến khích lãnh đạo và công nhân các đơn vị phải năng động hơn, hệ thống quản lý qua đó đã công khai và minh bạch hơn, góp phần tạo nên một sân chơi bình đẳng cho bất cứ ai có năng lực và ý thức vươn lên.

Cùng với xu hướng trở thành một tập đoàn kinh tế mạnh, EVN đã không ngừng mở rộng lĩnh vực hoạt động SXKD. Trong đó lấy sản xuất kinh doanh điện, cơ khí điện lực, viễn thông, đầu tư tài chính là những lĩnh vực then chốt đảm bảo cho quá trình phát triển. Từ việc mở rộng lĩnh vực sản xuất kinh doanh này, một lực lượng không nhỏ người lao động rồi đây lại sẽ tiếp tục có cơ hội được thử sức mình trong các lĩnh vực SXKD mới, có công việc ổn định hơn, có cơ hội phát huy năng lực. Bên cạnh đó, với phương châm, không ngừng đổi mới cơ chế và năng lực quản lý, nâng cấp thiết bị, công nghệ hiện đại xứng tầm khu vực và thế giới, trình độ, kiến thức, chuyên môn, nghiệp vụ của NLĐ trong EVN sẽ còn tiếp tục được nâng cấp, được chuẩn hoá trong một môi trường cạnh tranh quyết định bởi cơ chế thị trường. Điều này sẽ góp phần đề cao vai trò của CBCNV ngành Điện trong sự nghiệp CNH-HĐH đất nước, để mỗi CBCNV ngành Điện thêm phấn khởi, yên tâm làm việc, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao phó, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển chung của ngành Điện Việt Nam 

Theo TC Điện lực số 12 - 2007