Sự kiện

Phát huy hiệu quả của mô hình hợp tác xã quản lý và kinh doanh điện nông thôn: Còn nhiều chướng ngại

Thứ năm, 10/1/2008 | 09:34 GMT+7

Hiện nay, trong tổng số các tổ chức, đơn vị thực hiện công tác quản lý và kinh doanh điện nông thôn (QL&KDĐNT) trên địa bàn cả nước, số lượng các hợp tác xã (HTX) chiếm tỉ trọng cao nhất (59,3%). Được khẳng định là một mô hình có nhiều ưu điểm và phù hợp với đa số địa phương, song vẫn còn tồn tại không ít bất cập mà tự thân các hợp tác xã QL&KDĐNT khó có thể khắc phục để đảm đương nhiệm vụ trong hoàn cảnh mới...

 

                       

Hầu hết các HTX quản lý điện nông thôn vẫn chưa hoạt động thực sự hiệu quả 

Mô hình HTX quản lý và kinh doanh điện nông thôn được hình thành trong quá trình phát triển hệ thống lưới điện quốc gia. Trong quá trình đầu tư, xây dựng hệ thống lưới điện trung áp, các trạm biến áp phục vụ cho các trạm bơm nông nghiệp, thường được xây dựng và quản lý theo địa bàn xã, thị trấn. Vì thế, khi các HTX được giao việc quản lý, kinh doanh điện, đã hình thành các HTX theo quy mô xã, thị trấn (chỉ một số ít địa phương vẫn còn HTX quy mô thôn).

Hiện nay, có 2 mô hình HTX quản lý và kinh doanh điện năng là: Mô hình HTX chuyên kinh doanh điện năng (HTX-ĐN) chiếm tỉ lệ 47,77% và mô hình HTX kinh doanh dịch vụ tổng hợp (HTX-TH) chiếm tỉ lệ 52,23%. Theo ông Nguyễn Xuân Hiên - Phó chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam: Mục tiêu của các HTX là lợi ích tối đa cho các xã viên, cho người dân vì HTX là tổ chức tự nguyện liên kết lại của chính người dùng điện. Những vấn đề chính trong hoạt động chung của HTX thường được bàn bạc, chia sẻ nhằm đảm bảo lợi ích của người dân. Thuận lợi cơ bản trong hoạt động các HTX là được sự ủng hộ của chính quyền địa phương các cấp, sự ủng hộ, đồng thuận của người dân. Vì ban quản lý HTX và công nhân vận hành là người địa phương, nên việc thực hiện các hoạt động QL&KD điện trên địa bàn của xã có điều kiện quản lý tốt hơn, hạn chế việc ăn cắp điện,… Thực hiện mô hình HTX quản lý và kinh doanh điện nông thôn cũng góp phần tạo việc làm cho một số lao động tại địa phương, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, góp phần ổn định tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại nhiều bất cập trong cơ cấu tổ chức và hoạt động của các HTX quản lý kinh doanh điện nông thôn. Do việc hình thành tài sản lưới điện từ nhiều nguồn khác nhau và sự chỉ đạo chưa thống nhất của các cấp chính quyền địa phương trong việc đánh giá, bàn giao tài sản lưới điện hạ áp nông thôn khi chuyển đổi mô hình, nên tài sản lưới điện hạ áp trong các HTX hiện nay rất khó xác định. Qua khảo sát cho thấy: Đối với những HTX tự bỏ vốn ra mua lại hệ thống lưới điện thì tài sản lưới điện thuộc quyền sở hữu của HTX, việc khấu hao tài sản, duy tu, bảo dưỡng, đầu tư, thay thế và cải tạo hệ thống đường trục hạ áp được thực hiện rất tốt. Còn đối với những HTX thực hiện nhận bàn giao tài sản lưới điện từ Ban điện xã mà không phải hoàn trả vốn thì cũng tồn tại 2 hình thức sở hữu tài sản. Đó là tài sản thuộc quyền sở hữu của HTX khi được nhận bàn giao tài sản không phải hoàn vốn. Hình thức thứ 2 là tài sản vẫn thuộc quyền sở hữu của UBND xã và HTX chỉ quản lý, kinh doanh trên hệ thống lưới điện đó, thu khấu hao, rồi nộp trả UBND xã theo định kỳ. Tại các HTX này, việc trích khấu hao tài sản rất ít, công tác bảo dưỡng, duy tu, đầu tư thay thế cải tạo hệ thống lưới điện không được thường xuyên quan tâm, dẫn đến chất lượng lưới điện ngày càng xuống cấp, tỉ lệ tổn thất điện năng cao, hiệu quả kinh doanh thấp, mất an toàn trong quản lý và sử dụng.

Có thể nói, mặc dù bộ máy tổ chức trong các HTX đều khá gọn nhẹ, một số HTX-ĐN cũng hoạt động ngày càng chuyên nghiệp và đem lại hiệu quả kinh doanh cao, song tình trạng chung hiện nay là: Bộ máy quản lý của các HTX theo quy định của Luật HTX và theo từng nhiệm kỳ. Vì thế, có nhiều địa phương, đội ngũ cán bộ quản lý luôn thay đổi sau mỗi lần HTX tổ chức đại hội. Với mức lương thấp và chưa có điều kiện thực hiện các chế độ bảo hiểm, nên việc thu hút người có trình độ tham gia quản lý tại các HTX đã rất khó khăn. Còn tại một số địa phương, cán bộ HTX quản lý có năng lực và bắt đầu tích lũy được kinh nghiệm trong công tác quản lý kinh doanh điện nông thôn, nhưng chỉ sau một thời gian làm việc cho HTX, lại được điều động, thuyên chuyển sang bộ phận giúp việc khác của Đảng ủy, UBND xã.

Thiếu nhân lực, thiếu vốn, thiếu sự kiểm soát chặt chẽ và cơ chế thích hợp, nên đa số các HTX đều chưa đảm bảo hoạt động theo đúng Luật Điện lực về đầu tư, cải tạo lưới điện, về lắp đặt công tơ, hợp đồng mua bán điện đến hộ dân, giá bán điện,… Một “chướng ngại” nữa cũng không dễ vượt qua là các HTX khó có thể mở rộng mô hình quản lý, mở rộng quy mô hoạt động (liên xã, huyện,…), HTX khó vay vốn, tiếp cận nguồn vốn, huy động vốn để đầu tư, cải tạo lưới điện do không có tài sản thế chấp,… Vì thế, ngay cả khi thực hiện được tốt nhiệm vụ quản lý, kinh doanh điện nông thôn trong thời điểm hiện tại, thì với những “chướng ngại” trên, cũng khó có thể đáp ứng được yêu cầu trong xu thế phát triển, đổi mới quản lý nền kinh tế nói chung và ngành Điện nói riêng.

Theo ông Nguyễn Thăng Long - Cục trưởng Cục Công nghiệp địa phương (Bộ Công Thương): Trước tiên, các HTX cần khắc phục các nhược điểm để đảm bảo 2 yếu tố: Hoạt động đúng luật và có hiệu quả. Việc thực hiện chủ trương của Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể đối với mô hình HTX không nên quá cứng nhắc, mà cần linh hoạt, chú ý đến đặc thù và trình độ phát triển kinh tế của các địa phương trong từng giai đoạn. Hiện tại, Liên minh HTX Việt Nam đang phối hợp với Bộ Công Thương hướng dẫn xây dựng mô hình HTX dịch vụ điện năng phù hợp với đặc thù mỗi vùng, miền; nghiên cứu chỉ đạo thí điểm xây dựng mô hình HTX, liên hiệp HTX hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ điện nông thôn với quy mô thích hợp, đáp ứng nhu cầu phát triển khu vực kinh tế tập thể trong tương lai.  

Theo TC Điện lực số 11 - 2007