Sự kiện

"Khát" vốn đầu tư vào ngành năng lượng Việt Nam

Thứ sáu, 9/7/2010 | 15:55 GMT+7

Mới đây tại Hà Nội, Bộ Công Thương, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, Trung tâm tư vấn năng lượng Việt Nam, Trung tâm Thông tin năng lượng Việt Nam đã tổ chức hội thảo quốc tế về giải pháp huy động nguồn vốn đầu tư phát triển nguồn năng lượng tại Việt Nam.

 

Khó huy động vốn cho các dự án điện

Vấn đề quan trọng nhất được các đại biểu nêu ra là làm sao giải quyết được bài toán về cơ chế giá năng lượng theo thị trường thì mới mong thu hút được nguồn vốn đầu tư phát triển ngành năng lượng Việt Nam, nhằm thực hiện tốt các Quy hoạch phát triển giai đoạn 2005- 2015, triển vọng năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050.
Nhu cầu vốn lớn!

Nhu cầu vốn đầu tư cho ngành năng lượng rất lớn, đó là khẳng định của Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi. Ông Ngãi cho biết, ngành năng lượng có công nghệ phức tạp mang tính đặc thù cao và đòi hỏi nguồn vốn đầu tư rất lớn. Việc thu xếp huy động vốn cho phát triển ngành năng lượng là nhiệm vụ trọng tâm và cần giải quyết trước tiên.

Đồng quan điểm này, đại diện Tập đoàn Than- Khoáng sản Việt Nam (TKV)- cho biết: Để đáp ứng nhu cầu phát triển thì từ năm 2010 trở đi, mỗi năm, TKV cần huy động vốn khoảng 25.000- 30.000 tỷ đồng, tương đương 1,3- 1,6 tỷ USD, trong đó, vốn cho than và điện chiếm đến 70- 80% nhu cầu.

Tương tự, đại diện ngành dầu khí cho biết, theo định hướng kế hoạch đầu tư 2010- 2015, tổng nhu cầu vốn đầu tư của ngành dầu khí khoảng 75 tỷ USD, riêng phần vốn phải thu xếp của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (VPN) khoảng 20 tỷ USD.

Với ngành điện, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Đậu Đức Khởi cho biết, chỉ tính đến năm 2015, EVN được giao 48 dự án nguồn điện, với tổng công suất 22.748 MW/59.469 MW (chiếm 38,3% tổng công suất lắp đặt mới của quy hoạch điện VI) và hệ thống lưới điện đồng bộ với tổng vốn đầu tư ước tính 715.000 tỷ đồng (khoảng 40 tỷ USD). Riêng 5 nhà máy nhiệt điện chạy than với tổng công suất 6.000 MW mà VPN sẽ đưa vào vận hành từ nay đến 2015 và 1 nhà máy thủy điện (Luang Prabang 1.100 MW) đã cần nguồn vốn tới gần 11 tỷ USD. Kế hoạch phát triển điện của TKV từ nay đến năm 2016 là phải hoàn thành 13 dự án nhiệt điện than và 1 dự án thuỷ điện với tổng công suất 7.092 MW cũng có tổng mức đầu tư ước tính lên tới 10 tỷ USD. Đó là chưa kể các dự án điện của Tập đoàn Sông Đà, Tổng Công ty Xây dựng Công nghiệp Việt Nam… cũng cần nguồn vốn không nhỏ…

Còn ngành năng lượng tái tạo, với mục tiêu tăng tỷ lệ lên khoảng 3% tổng sản lượng thương mại sơ cấp vào năm 2010, khoảng 5% vào năm 2020 và khoảng 11% vào năm 2050, thì nhu cầu vốn đầu tư là rất lớn.

Đi tìm giải pháp

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Hữu Hào, Chính phủ đã có chủ trương điều chỉnh giá năng lượng theo cơ chế thị trường và đang được tiến hành từng bước. Đồng thời, Chính phủ cũng sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc mời gọi các tổ chức tín dụng quốc tế đầu tư phát triển năng lượng tại Việt Nam, phát hành trái phiếu nước ngoài thu hút nguồn vốn, bảo lãnh từng phần hoặc toàn phần cho các dự án năng lượng quan trọng.

Tuy nhiên, đại diện các tổ chức, doanh nghiệp cho biết, vốn cho phát triển năng lượng vẫn còn gặp rất khó khăn bởi với suất đầu tư trong ngành năng lượng cao trong khi giá bán thấp, cùng với đó là những khó khăn trong việc tìm nguồn cung vốn, tiếp cận với các nguồn vốn. Giá năng lượng thấp đang cũng chính là “rào cản” đối với việc đầu tư vào các dự án năng lượng của các nhà đầu tư nước ngoài, mà điển hình như lĩnh vực điện năng.

Đại diện Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, đến nay, ngân hàng này cho vay đối với hàng trăm dự án năng lượng trọng điểm của quốc gia trong thời gian qua. Riêng với các dự an ngành năng lượng dư nợ lên tới gần 20.000 tỷ đồng, mà chủ yếu là các dự án ngành điện, nhưng “Quy mô của các dự án năng lượng rất lớn, có thể lên đến hàng chục tỷ USD/năm, do đó nằm ngoài khả năng đáp ứng, cân đối vốn của các tổ chức tài chính, tổ chức tín dụng trong nước”.

Đây cũng chính khó khăn lâu nay của không chỉ các dự án ngành năng lượng mà nhiều lĩnh vực khác cũng đang chịu cảnh “khát" vốn. Thực tế cho thấy, hàng hóa trên thị trường vốn Việt Nam chưa đa dạng, chất lượng chưa cao, tính công khai, minh bạch còn hạn chế, số lượng các nhà đầu tư chuyên nghiệp không nhiều. Trong khi đó, Chính phủ lại liên tục đưa ra các giải pháp và chính sách nhằm thắt chặt hơn nữa các khoản vốn vay, khiến các doanh nghiệp ngày càng khó khăn hơn khi tiếp cận vay vốn.

Để minh chứng cho khó khăn này, đại diện Tập đoàn Sông Đà phát biểu: Một trong những khó khăn của việc vay vốn là hạn chế thanh khoản tín dụng trong năm 2010. Hơn nữa, do tác động của thị trường, đặc biệt là thị trường chứng khoán và thị trường vàng nên tình hình huy động vốn tiền đồng của các ngân hàng gặp nhiều khó khăn, kênh huy động tiền gửi tiết kiệm từ các tổ chức, cá nhân gặp nhiều hạn chế, cùng với đó là những khó khăn trong việc huy động vốn từ các thị trường quốc tế nên nguồn cung vốn khá hạn hẹp.

Đi tìm giải pháp huy động vốn, hầu hết các ý kiến đều nhất trí cho rằng, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển ngành năng lượng với những hỗ trợ cụ thể, nhất là nguồn vốn. Bên cạnh đó, việc việc minh bạch hóa giá năng lượng, có cơ chế cho việc giá điện theo giá thị trường có sự định hướng của Nhà nước cũng là một giải pháp. Tuy nhiên, nhiều đại biểu lại cho rằng, bản thân các ngành sản xuất nói chung, năng lượng nói riêng cũng cần phải chủ động tìm nguồn vốn cho các dự án của mình.

Theo: CôngThương