Sự kiện

Hải Phòng: Chủ động tiết kiệm và tiết giảm điện

Thứ ba, 29/6/2010 | 14:04 GMT+7

Trước tình hình thiếu hụt điện năng như hiện nay, Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng đã vận động các hộ dân, doanh nghiệp tiết kiệm điện tối đa, chủ động trong sản xuất, tiêu dùng. PV Tạp chí Điện lực đã trao đổi với ông Lê Ngọc Thiệp - Giám đốc Công ty về vấn đề này.

 

Khách hàng vào cuộc

PV: Trước nhu cầu sử dụng điện toàn thành phố tăng cao, trong khi khả năng cung cấp hiện đang gặp nhiều khó khăn, Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng đã có những phương án triển khai cụ thể gì, thưa ông?

 

Ông Lê Ngọc Thiệp: Để khách hàng thông cảm và chia sẻ, Công ty đã triển khai Hội nghị khách hàng trọng điểm để thông báo tình hình sản xuất và cung ứng điện cũng như chỉ tiêu phân bổ điện của thành phố. Trên cơ sở đó, các bên đã cùng bàn giải pháp tiết kiệm điện tối đa và chủ động sử dụng điện hợp lý, hiệu quả. Các doanh nghiệp chủ động bố trí ca sản xuất vào thời gian thấp điểm, hạn chế sử dụng thiết bị tiêu hao điện lớn vào giờ cao điểm, không để máy móc hoạt động không tải, lắp thêm biến tần, cắt giảm các thiết bị chiếu sáng bảo vệ, máy điều hòa... Bản thân trụ sở Công ty Điện lực Hải Phòng cũng đã sử dụng cầu thang bộ và quạt điện thay cho máy điều hòa và cầu thang máy để tiết kiệm điện.

 

PV: Các khách hàng doanh nghiệp phản ứng ra sao, thưa ông?

 

Ông Lê Ngọc Thiệp: Chia sẻ với khó khăn của ngành Điện và cũng để tránh tình trạng mất điện đột xuất do quá tải gây ảnh hưởng lớn đến chính hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình, các doanh nghiệp ở Hải Phòng đã ủng hộ rất tích cực. Hiện Hải Phòng đã có 98 khách hàng dùng máy phát điện dự phòng, với tổng công suất khoảng 98.071 kVA. Theo thống kê, tính từ ngày 1-4 đến ngày 25-4, tổng công suất phát của 98 máy phát điện này là 59.000 kW, số giờ phát 3.082 giờ, với sản lượng điện đạt 1.584.289 kWh, tiết kiệm cho hệ thống điện quốc gia một lượng điện đáng kể. Ngoài ra, có 981 khách hàng là doanh nghiệp công nghiệp – xây dựng trên địa bàn Thành phố có trạm biến áp riêng và họ chủ động theo dõi lượng điện đã sử dụng, để có các giải pháp cụ thể thực hiện việc tiết giảm điện năng . Hiện Công ty đã vận động các doanh nghiệp này cam kết tiết kiệm 10% sản lượng điện so với quý II/2009.

 

PV: Vậy với những lĩnh vực ngoài sản xuất công nghiệp xây dựng thì sao, thưa ông?

 

Ông Lê Ngọc Thiệp: Không riêng lĩnh vực sản xuất công nghiệp xây dựng, từ đầu quý II/2010, trước sự phối hợp tích cực của ngành Điện lực, Công ty chiếu sáng công cộng thành phố đã thỏa thuận giảm 50% số lượng bóng đèn chiếu sáng công cộng, thời gian bật từ 19h00 đến 4h30 sáng hôm sau, giảm bớt số lượng đèn quảng cáo và sau 22h00 sẽ tắt hết đèn quảng cáo; trong quý II thực hiện giảm 10% sản lượng điện tiêu dùng trong nhân dân và các đơn vị hành chính sự nghiệp.

 

Ngoài ra, với những lĩnh vực, đối tượng cần ưu tiên như: Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, các hoạt động tưới tiêu chống hạn, sự kiện chính trị - xã hội lớn trong năm, các trường học trong kỳ thi tốt nghiệp… Công ty đều bảo đảm cung cấp điện đầy đủ và ổn định.

 

Công khai, minh bạch

 

PV: Phân bổ sản lượng được đánh giá là một việc không dễ dàng với đa số các đơn vị điện lực. Công ty Điện lực Hải Phòng đã giải quyết những khó khăn nảy sinh trong quá trình thực hiện như thế nào, thưa ông?

 

Ông Lê Ngọc Thiệp: Những ngày đầu thực hiện kế hoạch phân bổ điện, Công ty cũng khá  lúng túng với những khó khăn phát sinh, nên sản lượng điện sử dụng vẫn còn vượt chỉ tiêu phân bổ khá nhiều. Sau khi bàn bạc, Công ty đã tìm ra giải pháp: Công khai sản lượng điện được phân bổ dựa trên nhu cầu phụ tải và mức độ ưu tiên đã được UBND thành phố phê duyệt theo phương châm “có bao nhiêu chia bấy nhiêu”.

 

Công ty phân công mỗi cán bộ phụ trách 5 khách hàng, mỗi khách hàng có 1 thẻ kho, cứ đến 0 giờ là nhân viên phụ trách địa bàn lại đi chốt chỉ số công tơ và công bố sản lượng điện các hộ tiêu thụ, kể cả hệ thống chiếu sáng công cộng. Với hộ sản xuất, nhân viên điện lực sẽ thông báo ngay từ 3h chiều mỗi ngày để khách hàng dùng vượt sản lượng biết và có kế hoạch tiết giảm. Doanh nghiệp nào được phân bổ mà không sử dụng thì phải báo ngay cho ngành Điện để phân bổ cho đối tượng khác. Với điện sinh hoạt, sản lượng điện được giao xuống cho từng phường, từng khu vực máy biến áp, công khai trên hệ thống loa truyền thanh.

Tất cả đều được công khai, minh bạch, nên Công ty hiện không cần áp dụng giải pháp cắt điện luân phiên mà tất cả các xã phường đều vào cuộc, vận động nhân dân sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, bản thân mỗi người dân cũng đều tự giác tiết kiệm vì quyền lợi của chính mình. Cùng với đó, Công ty cũng tích cực tuyên truyền các biện pháp tiết kiệm điện trên các xe lưu động hoặc trên các phương tiện thông tin đại chúng...

PV: Xin cảm ơn ông!

Thành phố Hải Phòng hiện được phân bổ 7,75 triệu kWh điện, trong khi nhu cầu sử dụng điện toàn thành phố từ 8,5-9 triệu kWh/ngày.

Các doanh nghiệp ở Hải Phòng đẩy mạnh các biện pháp tiết kiệm:

* Công ty TNHH Thủy tinh San Miguel Hải Phòng: Tách 65% công suất thiết bị ra khỏi lưới điện để chạy máy phát điện. Thay vì để chế độ chờ, các dây chuyền tắt điện hoàn toàn trong thời gian chờ thay đổi sản phẩm, tắt hệ thống phụ trợ không cấp thiết như hệ thống sấy dầu, máy bơm... Nhờ đó, San Miguel giảm được 19.000 kWh/ngày trên tổng sản lượng điện tiêu thụ khoảng 34.000 kWh/ngày.

* Công ty Da giày Hải Phòng: Cắt hết hệ thống đèn quảng cáo và niêm phong máy điều hòa. Các đơn vị thành viên đều có máy phát điện dự phòng để thay thế điện lưới khi hết chỉ tiêu điện năng được phân bổ.

* Công ty Thép Việt – Úc: Tiến hành cải tạo lò nung, nâng cấp phần thu hồi nhiệt, sử dụng máy biến tần, dùng bóng đèn tiết kiệm điện, thực hiện không cán thép mà bảo trì bảo dưỡng máy vào giờ cao điểm. Riêng khu vực văn phòng hoàn toàn sử dụng máy phát điện.

* Công ty Thép Đình Vũ: Nghỉ 8 ngày trong tháng 5 để bảo dưỡng, sửa chữa thay vì bảo dưỡng đúng lịch vào cuối năm.


 

Theo: TCĐL số 5/2010