Sự kiện

Xung quanh vụ khiếu kiện ở Điện lực Thái Bình: Tiết giảm điện là bất khả kháng

Thứ hai, 12/7/2010 | 16:05 GMT+7

Vừa qua, do thiếu điện, dư luận xôn xao về việc người dân Quỳnh Phụ (Thái Bình) tổ chức phá trạm biến áp và bắt người của “nhà điện” phơi nắng để gây áp lực đòi cấp điện. Tổng công ty điện lực miền Bắc đã có báo cáo giải trình với EVN về vấn đề này.


 
Hầu hết các địa phương đều thực hiện tiết giảm sử dụng điện sinh hoạt, ưu tiên điện cho sản xuất.


Cụ thể, từ ngày 14, 15/6/2010, tại khu vực xã An Đồng và An Khê (Quỳnh Phụ - Thái Bình) đã xuất hiện nhiều tờ rơi có nội dung kích động nhân dân làm đơn khiếu kiện, đòi quyền lợi về điện. Ngày 17/6, người dân ở Quỳnh Hội đã đập phá 1 tủ đo đếm điện và bắt giam 9 người của Điện lực Quỳnh Phụ ép ra sân phơi nắng với thời gian cứ 40 phút thì cho nghỉ 1 lần. Lý do duy nhất của những người này là “Quốc hội, đài báo nói nguồn điện chỉ thiếu 20% mà ngành điện lại cắt của dân nhiều thế. Vì vậy, yêu cầu ngành điện phải cam kết chỉ được cắt 8 giờ và có thông báo cụ thể giờ đóng, giờ cắt thì mới được thả người”.

Điện sinh hoạt vùng nông thôn bị tiết giảm tới 60%

Theo báo cáo số 1508/EVN NPC-KDĐN ngày 23/6/2010 gửi EVN về việc điều tiết sản lượng điện nhận, Tổng công ty điện lực miền Bắc (NPC) cho biết, do tình hình điện căng thẳng nên lượng điện phân bổ cho NPC có ngày thiếu tới 15-17 triệu kWh. Vì thế, lượng thiếu hụt này các tỉnh phải cùng nhau chia sẻ.

Theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công Thương, NPC đã thực hiện phân bổ theo nguyên tắc ưu tiên các hoạt động công nghiệp, nhất là công nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu. Thái Bình là một trong những tỉnh có tỷ trọng điện tiêu dùng khá cao so với nhiều tỉnh khác nên phải chịu tiết giảm sâu hơn. Cụ thể, trong tháng 6, Thái Bình phải chịu mức tiết giảm từ 20,05% đến 25,93%. Mặc dù đã được cấp bổ sung từ 100- 250 kWh/ngày, Công ty Điện lực Thái Bình cũng đã chủ động phối hợp với các ngành, các địa phương thực hiện triệt để tiết kiệm điện như tắt bớt 50% đèn đường chiếu sáng, các doanh nghiệp giảm ít nhất 10% lượng điện phục vụ văn phòng, giảm 2% lượng điện tiêu thụ/đơn vị sản phẩm… nhưng do thời gian qua, thời tiết quá nắng nóng, lại trùng với đợt bơm nước phục vụ nông nghiệp nên nhu cầu phụ tải tăng rất cao, vì vậy, tình hình cấp điện rất căng thẳng.

Để thực hiện điều phối điện theo chỉ đạo của UBND tỉnh Thái Bình, Điện lực Thái Bình đã lên phương án tiết giảm điện theo phương châm ưu tiên cung cấp điện ổn định cho các đối tượng: khu công nghiệp tập trung (riêng các cơ sở sản xuất công nghiệp đi chung đường dây nông nghiệp chỉ được cấp điện 1 ca đêm từ 22giờ đến 6giờ); phục vụ bơm nước sản xuất nông nghiệp; các cơ quan công sở, đại hội Đảng bộ cấp xã, phường; phục vụ các hội đồng thi tốt nghiệp phổ thông trung học; phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh… Đối với ánh sáng tiêu dùng sinh hoạt khu vực thành phố thực hiện cắt giảm từ 6giờ30 đến10giờ30 và từ 13giờ30 đến19giờ hàng ngày; khu vực nông thôn chỉ đảm bảo được từ 22giờ đến 6giờ sáng.

Ông Nguyễn Đức Mạnh, phó trưởng ban kinh doanh điện năng của NPC, cho biết, NPC đã kiểm tra khảo sát tình hình cung ứng điện ở Công ty Điện lực Thái Bình, kết quả cho thấy, việc phân bổ sản lượng điện ở Thái Bình đã được thực hiện khá nghiêm túc và cơ bản đáp ứng được điện  phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, việc thiếu hụt sản lượng 20% là con số chung trên toàn quốc, nhưng khi phân bổ sản lượng NPC phải dựa vào thứ tự ưu tiên nhiều hơn cho những tỉnh có tỷ trọng công nghiệp xây dựng và khẩu cao hơn, vì vậy, có lúc Thái Bình bị tiết giảm tới gần 26% (mức phân bổ chỉ đạt 2,9- 3,2 triệu kWh/ngày) trong khi riêng Nhà máy thép Shengli ở Quỳnh Phụ (thuộc danh sách ưu tiên) tiêu tốn gần 1 triệu kWh/ngày.

Khi phân bổ về các huyện, Điện lực Thái Bình lại tiếp tục phân bổ theo thứ tự ưu tiên trên cơ sở phê duyệt của UBND tỉnh. Vì vậy, điện sinh hoạt vùng nông thôn có khi bị tiết giảm tới 60%, ảnh hưởng rất lớn tới việc đời sống sinh hoạt người dân, nhất là trong đợt nắng nóng vừa qua. Thực tế, việc tiết giảm điện là bất khả kháng vì lượng điện phân bổ có hạn nhưng công ty điện lực phải đảm bảo các yêu cầu: không để sập lưới, ưu tiên điện cho các sự kiện chính trị, văn hóa xã hội, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu và đáp ứng tới mức cao nhất trong khả năng có thể cho điện sinh hoạt.

Quan trọng  là phải làm tốt công tác tuyên truyền

Ông Mạnh cũng khẳng định, kết quả kiểm tra cho thấy, không có tình trạng tiêu cực trong việc cấp điện. Hiện tượng có những nơi được cấp điện liên tục theo đường dây riêng chính là những thành phần thuộc đối tượng ưu tiên theo quy định của Chính phủ như đã nói ở trên. Vấn đề là nếu làm tốt công tác tuyên truyền, đả thông tư tưởng cho mọi người cùng hiểu được gốc rễ vấn đề thì chắc chắn sẽ nhận được sự thông cảm của người dân.

Theo ý kiến nhiều khách hàng, thiếu điện thì mọi người có thể thông cảm, quan trọng là cắt điện phải được báo trước theo quy định, tránh tình trạng cắt điện kéo dài trong ngày hoặc cắt điện liên tục làm đảo lộn cuộc sống sinh hoạt của người dân. Đặc biệt, thái độ của cán bộ ngành điện khi tiếp nhận phản ánh, khiếu nại của người dân phải thể hiện sự tôn trọng, đúng mức, thông cảm và chia sẻ.

Theo ông Mạnh, rất nhiều tỉnh đã làm tốt công tác tuyên truyền vượt trên mức quy định. Ví dụ: thông báo trực tiếp trên đài phát thanh phường, xã, thông báo bằng văn bản đến tận tổ dân phố, thôn xóm. Vì vậy, mỗi khi bị cắt điện, tổ trưởng dân phố đến tận từng nhà giải thích động viên nên mọi người rất thông cảm. Tuy nhiên, ở Thái Bình, công tác tuyên truyền mới dừng ở mức làm đúng quy định, cụ thể là thông báo tới các hộ tiêu dùng lớn, còn cắt điện sinh hoạt thì thông báo trên đài phát thanh truyền hình tỉnh. Vấn đề là, bà con đã mất điện thì cũng mất luôn cả xem truyền hình, vì vậy, các thông tin tiết giảm điện không đến được bà con nên gây nên những bức xúc như vừa qua.

Cắt giảm sản lượng điện công nghiệp để dành cho sinh hoạt

Để khắc phục tình trạng mất ổn định trong nhân dân, Công ty Điện lực Thái Bình đề nghị UBND tỉnh cho cắt giảm 30% sản lượng điện của các khu công nghiệp tập trung (chỉ cấp điện 16 giờ/ngày) và sẽ cắt điện 1 đến 2 lần trong tuần của một số cơ quan, công sở (trừ Tỉnh ủy, UBND tỉnh, bệnh viện, cấp nước sạch, các cơ quan an ninh, quốc phòng, tài chính, ngân hàng…). Đồng thời, đề nghị Nhà máy thép Shengli giảm khoảng 30% sản lượng điện để nhường cho điện sinh hoạt. Trên cơ sở đó, Công ty Điện lực Thái Bình đã ký cam kết cấp điện cho khu vực nông thôn từ 10giờ đến 14giờ hàng ngày và từ 20giờ hôm trước đến 6giờ sáng hôm sau. Khu vực thành phố sẽ cấp điện từ 10giờ30 đến 13giờ hàng ngày và từ 19giờ ngày hôm trước đến 6giờ sáng hôm sau.

Về lâu dài, tổ điều hành sản lượng điện của NPC cũng đề nghị phương án cấp điện với mục tiêu đầu tiên là phải đảm bảo vận hành, không để sập lưới. Việc cấp điện sẽ theo thứ tự ưu tiên: các sự kiện chính trị quan trọng của địa phương, phục vụ sản xuất theo mùa vụ tại địa phương, bơm nước vụ mùa và sinh hoạt tối thiểu của nhân dân, cuối cùng là phục vụ các mục đích khác. Để đảm bảo các yêu cầu này, Ban kinh doanh điện năng và các công ty điện lực tiếp tục làm việc với các khách hàng sản xuất công nghiệp để thống nhất giảm sản lượng sử dụng của đối tượng khách hàng này xuống mức thấp hơn, thống nhất công suất tối đa mà khách hàng được phép khai thác, tổ chức giám sát để khách hàng không sử dụng vượt mức công suất tối đa được phân bổ.

Theo: CôngThương